Vụ Luật gia thắng kiện 54 tỷ đồng: Vì sao Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm gây tranh cãi ?

(Pháp lý) - Vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng của Luật gia Đặng Đình Thịnh gây xôn xao dư luận thời gian qua tưởng đã khép lại với bản án phúc thẩm tuyên cho ông Thịnh thắng kiện. Tuy nhiên tháng 5 vừa qua, TAND tối cao có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy cả Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm trước đó. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã gây tranh cãi trong giới luật. Vì sao vậy?

Nội dung vụ việc

Bà Vương Thị Khanh là Việt kiều Mỹ, xuất cảnh hợp pháp, để lại căn nhà số 446 – 448 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM cho người trông coi. Người này cho ngân hàng ACB thuê làm hội sở chính. Cán bộ ngân hàng ACB đã “tác động” để về sau căn nhà bị nhà nước tịch thu với lý do vắng chủ và giao cho chính ACB thuê lại rồi bán hóa giá cho ACB. Sau đó bà Khanh cùng người trông coi nhà khiếu nại khắp nơi. Tuy nhiên, việc khiếu nại của họ đều bị các cấp thẩm quyền ra quyết định bác đơn.

Đầu năm 2007, bà Khanh gặp Luật gia Đặng Đình Thịnh. Do am hiểu pháp luật nên ông Thịnh nhận lời giúp, hai bên tiến hành ký thỏa thuận hứa thưởng, bà Khanh giao cho ông Thịnh công việc thay mặt bà khiếu nại đòi nhà, ông Thịnh chịu trách nhiệm khiếu nại đến cùng và chịu mọi chi phí phát sinh, bù lại ông sẽ được nhận 35% giá trị tài sản nếu đòi được nhà. Việc đòi nhà của ông Thịnh cuối cùng cũng được Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thường trực Chính phủ kết luận: Giao Bộ Xây dựng và UBND TP. HCM ra quyết định hủy bỏ xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà nêu trên, trả nhà cho người dân.

Sau khi việc khiếu nại đòi nhà có kết quả, thì bà Khanh bội ước. Ông Nguyễn Đắc Quang (con trai bà Khanh) ký giấy tay bán căn nhà 2 lần cho 2 người, nên ông Thịnh khởi kiện bà Khanh và ông Quang, là những người ký thỏa thuận hứa thưởng với ông Thịnh ra tòa án, yêu cầu thực hiện lời hứa thưởng với ông. Phiên tòa sơ thẩm do Tòa án nhân dân TP.HCM và phiên phúc thẩm do Tòa án cấp cao tại TP.HCM xét xử đều tuyên buộc bà Khanh cùng ông Quang phải trả cho ông Thịnh số tiền 54 tỷ đồng tương đương 35% trị giá căn nhà.

Tuy nhiên mới đây, TAND tối cao có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2017/KN-DS ngày 15/5/2017 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 87/2016/DS-PT ngày 06/5/2016 và Bản án dân sự sơ thẩm số 116/2015/DS-ST ngày 03/02/2015. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm này đã gây tranh cãi trong giới luật. Vì sao vậy?

Vì sao Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm gây tranh cãi ?

Xung quanh vấn đề này, PV Pháp Lý Online tại TP. HCM đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Cao Trí (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).

Phóng viên: Thưa luật sư, dưới góc độ pháp lý ông có nhận xét gì về nội dung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nói trên?

Luật sư Nguyễn Cao Trí (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).
Luật sư Nguyễn Cao Trí (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).)

Luật sư Nguyễn Cao Trí: Theo quan điểm của tôi, có hai nội dung trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2017/KN-DS ngày 15/5/2017, HĐTP TAND tối cao cần phải xem xét và thẩm định lại là: nhập hay tách vụ án; về kháng nghị “thỏa thuận hứa thưởng” không hợp pháp hóa lãnh sự.

Quá trình nhập hoặc tách vụ án theo quy định của pháp luật hiện hành được quy định như thế nào thưa luật sư?

Vụ án bắt đầu từ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Đặng Đình Thịnh, đòi bị đơn là bà Vương Thị Khanh và con trai bà là ông Nguyễn Đắc Quang trả phần quyền lợi vật chất như trong “Thỏa thuận hứa thưởng” mà hai bên đã ký vào năm 2007. Theo đó, ông Thịnh thực hiện công việc đòi lại ngôi nhà bị nhà nước tịch thu sai của gia đình bà Vương Thị Khanh. Sau khi tòa án thụ lý xong, thì nhiều người nộp thêm các yêu cầu khác cho tòa án. Ở cấp sơ thẩm, các yêu cầu này được thụ lý chung với vụ kiện của ông Đặng Đình Thịnh, nhưng lên cấp phúc thẩm tòa án đã tách riêng thành các vụ án khác để giải quyết. Do đó, bản án phúc thẩm chỉ tuyên cho yêu cầu của ông Đặng Đình Thịnh.

Tuy nhiên, trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm mới đây cho rằng việc tách các vụ án này là sai, cần phải nhập các vụ án lại với nhau để giải quyết, do đó kháng nghị giám đốc thẩm.

Như vậy lập luận nào là đúng?

Theo quy định tại Điều 42, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

1. Tòa án nhập hai, hoặc nhiều vụ án mà tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

2. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

3. Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đây là quy phạm pháp luật “tùy nghi”, tức là chủ thể quan hệ pháp luật có quyền áp dụng hay không áp dụng quy định này. Nghĩa là việc tách hay nhập vụ án hoàn toàn thuộc thẩm quyền áp dụng pháp luật của thẩm phán xét xử vụ án.

Việc thẩm phán xét xử vụ án nhập, tách là để giải quyết vụ án nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của các đương sự và đảm bảo được sự công bằng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh quyết định tách vụ án ra xét xử nhằm mục đích nói trên. Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng quy định pháp luật tố tụng. Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cáo kháng nghị yêu cầu nhập vụ án để giải quyết , theo tôi là không không cần thiết.

Còn vấn đề về kháng nghị “thỏa thuận hứa thưởng” không hợp pháp hóa lãnh sự được pháp luật quy định thế nào, thưa Luật sư?

Hợp pháp hóa lãnh sự là một thủ tục hành chính, đây là việc các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trú đóng ở nước sở tại chứng nhận con dấu, chữ ký và chức danh của viên chức ký trên văn bản là đúng sự thật, không giả mạo. Thủ tục này chỉ chứng nhận con dấu, chữ ký và chức danh, không chứng nhận nội dung văn bản.

Trong vụ án này, kháng nghị cho rằng bản “Thỏa thuận hứa thưởng” được lập tại Mỹ, đưa về Việt Nam thực hiện nhưng không trải qua thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự là sai không có hiệu lực pháp luật, nên cần phải hủy án.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự”: “Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

“Thỏa thuận hứa thưởng” giữa bà Khanh và ông Thịnh là hợp đồng dân sự ký kết giữa 2 cá nhân, trong đó một bên là Việt kiều tức là có yếu tố nước ngoài.

“Giấy tờ, tài liệu của nước ngoài” được hiểu cụ thể như: Bằng cấp các loại: Bằng tiến sĩ, cử nhân, kỹ sư; bằng lái xe; Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, …

Theo quan điểm của tôi, Bản “Thỏa thuận hứa thưởng” này không phải là: “giấy tờ, tài liệu của nước ngoài” nói trên nên không cần thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự.

Ngược lại, đây là hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, ký kết trước năm 2015, áp dụng theo quy định tại Phần thứ VII, Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể như sau:

“Điều 769. Hợp đồng dân sự: 1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác. Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Điều 770. Bộ luật Dân sự quy định Hình thức của hợp đồng dân sự: “1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam. 2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

“Thỏa thuận hứa thưởng” ký giữa bà Khanh và ông Thịnh là hợp đồng dân sự. Pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.

Theo Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, hợp đồng dịch vụ được quy định tại Mục 7- Chương 18: Theo đó Hợp đồng dịch vụ không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự, không phải công chứng, chứng thực như kháng nghị của TAND tối cao.

Trong vụ án nêu trên, bị đơn là bà Khanh và ông Quang chưa hề phủ nhận và cho rằng các chữ ký, dấu tay là không đúng và cũng không đề nghị giám định khoa học chữ ký, vân tay của họ, nên Tòa án cấp phúc thẩm công nhận thỏa thuận là hoàn toàn hợp lý, có hiệu lực pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng đối với những vụ án tranh chấp về dân sự, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi chân chính của công dân, hạn chế những việc làm mang tính chất bội tín, lật lọng trong xã hội. Với vụ việc ông Thịnh làm giúp cho bà Khanh, ông đã bỏ ra nhiều công sức, trí lực, chi phí để đem lại quyền lợi cho gia đình bà Khanh, việc làm của ông Thịnh có thể xem như cách đầu tư mạo hiểm, nếu khiếu nại không thành công thì sẽ tốn thời gian, công sức, chi phí. Vì vậy việc Tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc bà Khanh cùng ông Quang phải trả cho ông Thịnh số tiền 54 tỷ đồng tương đương 35% trị giá căn nhà nói trên là thể hiện sự nhân văn và đúng quy định pháp luật. Về mặt đạo đức, pháp luật cũng không nên cổ xúy cho những hành vi bội ước như hành vi của mẹ con bà Khanh. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên xem xét lại Quyết định kháng nghị này để trả lại quyền lợi chính đáng cho công dân, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật

PV: Xin cảm ơn luật sư !

Trần Như (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin