Vụ án Trần Thăng Long: Bị cáo bị tạm giam gần 4 năm và quy trình tố tụng nhiều điểm “lạ”?

03/12/2018 10:05

(Pháp lý) - Bị cáo bị tạm giam ròng rã suốt 4 năm. Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung đến 4 lần và gần đây nhất , VKS đã trả hồ sơ điều tra bổ sung thêm 1 lần nữa nhưng vẫn chưa thể kết tội được Trần Thăng Long.

Đằng sau việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là các mâu thuẫn trong hồ sơ và cách suy luận “lạ lùng” của cơ quan điều tra khi chúng tôi lần theo dấu đơn thư kêu cứu của gia đình bị cáo Trần Thăng Long.

Xuất phát từ việc tranh chấp liên quan đến quảng cáo

Vào tháng 11/2010, Công ty Golden Gain Việt Nam (gọi tắt là công ty Golden Gain) do ông Trần Kiên Cường là người đại diện theo pháp luật đã kí hợp đồng kinh tế với Công ty Rồng Đông Á do Mai Thị Bích Liên là người đại diện theo pháp luật. Nội dung là Công ty Rồng Đông Á cho công ty Golden Gain thuê quảng cáo tấm lớn vị trí 28B Thăng Long – Nội Bài, Mê Linh, Hà Nội để giới thiệu sản phẩm là Khu phức hợp Mandarin Garden. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm. Công ty Golden Gain đã thanh toán 849.420.000đ. Công ty Rồng Đông Á đã thiết kế, thi công, in ấn, treo biển quảng cáo và mua lại thời gian quảng cáo còn lại từ Công ty Việt Thành. Khi hợp đồng đang được thực hiện thì xuất hiện bên thứ 3 nói mình là chủ sở hữu của biển quảng cáo.

Mai Thị Bích Liên và Trần Thăng Long tại một phiên xử của TAND TP.Hà Nội.
Mai Thị Bích Liên và Trần Thăng Long tại một phiên xử của TAND TP.Hà Nội.)

Tranh chấp không giải quyết được nên Công ty Golden Gain đòi lại toàn bộ tiền đã thanh toán của hợp đồng kinh tế đã kí. Khi chưa đòi được tiền thì ngày 16/7/2012, Golden Gain gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an tố cáo Công ty Rồng Đông Á. Hơn 2 năm sau, ngày 20/8/2014, Cơ quan điều tra – Công an Thành phố Hà Nội mới khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Tại bản cáo trạng số 81/CT-VKS-P3 ngày 28/1/2016 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kết luận: Ngày 19/9/2007, Công ty TNHH Xúc tiến thương hiệu BMS - gọi tắt là Công ty BMS do Trần Thăng Long làm giám đốc mua lại biển quảng cáo của Công ty Cổ phần quảng cáo Thái Hà ở ven đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, nay là đường Võ Văn Kiệt, Mê Linh, Hà Nội. Sau đó, Công ty BMS chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thương mại và Quảng cáo Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty Toàn Cầu) với giá 70.000 USD. Mặc dù đã chuyển nhượng biển quảng cáo này, nhưng Trần Thăng Long lại tiếp tục chuyển nhượng vị trí biển quảng cáo trên cho Công ty Rồng Đông Á do Mai Thị Bích Liên làm giám đốc, Liên biết Công ty BMS đã chuyển nhượng biển quảng cáo cho Công ty Toàn Cầu nhưng vẫn kí hợp đồng kinh tế cho thuê biển quảng cáo với Công ty Golden Gain...

Để có thể được thanh toán tiền (sau khi đã kí hợp đồng), Công ty Rồng Đông Á đã cung cấp cho Công ty Golden Gain bản sao công chứng giấy phép thực hiện quảng cáo tấm lớn số 24/GPQCK/SVH,TT&DL của Sở văn hóa thể thao Du lịch Thành phố Hà Nội cấp ngày 3/1/2011... Từ đó, Cáo trạng của VKS nhân dân thành phố Hà Nội quy kết hành vi của bị can Trần Thăng Long đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Mai Thị Bích Liên là đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khép tội có quá khiên cưỡng?

Theo phân tích của Luật sư về vụ án: Tài liệu hồ sơ vụ án có nhiều nội dung thể hiện các giao dịch dân sự giữa các pháp nhân là các công ty độc lập. Giao dịch đầu tiên giữa Công ty BMS do Trần Thăng Long làm Giám đốc chuyển nhượng biển quảng cáo này cho Công ty Toàn Cầu với giá 70.000 USD thể hiện bằng Hợp đồng kinh tế số 20-09/HĐKT/2010 giữa Công ty BMS và Công ty Toàn Cầu. Theo lời khai của Trần Thăng Long, giao dịch trên không nhằm mục đích mua bán/chuyển nhượng biển quảng cáo, mà chỉ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và ký trong tình trạng bị ép buộc. Do vậy, giao dịch này có nhiều dấu hiệu của một giao dịch vô hiệu vì che giấu một giao dịch khác. Giả định trong trường hợp có diễn ra thật thì giao dịch cũng vẫn bị coi là vô hiệu vì được thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ là USD. Bởi vậy, thực chất biển quảng cáo trên vẫn là của Công ty BMS. Việc BMS chuyển nhượng cho Công ty Rồng Đông Á phải chăng là hoàn toàn bình thường?

Các bên đều biết trên thực tế thì Công ty Rồng Á Đông vẫn tiếp tục sử dụng biển quảng cáo trên. Bằng chứng là sau khi Hợp đồng kinh tế giữa Công ty Rồng Đông Á và Công ty Golden Gain kí xong thì bên Công ty Rồng Đông Á đã và đang thực hiện một phần công việc trong hợp đồng trong một thời gian nhất định. Việc các bên có tranh chấp sau khi kí hợp đồng, chỉ là tranh chấp dân sự, nhưng nhiều cơ quan tố tụng cho rằng đây là vi phạm pháp luật hình sự?!.

Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Trần Thăng Long bị cơ quan công an phát lệnh truy nã. Thực tế, một bị can chỉ bị phát lệnh truy nã nếu cơ quan công an không biết bị can ở đâu và bị can bỏ trốn. Tuy nhiên, tại các Biên bản ghi lời khai tại cơ quan công an của Trần Thăng Long trước thời điểm khởi tố vụ án 20/08/2014, đều thể hiện rõ Long khai nơi ở tạm trú của mình là 150/15 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạch, thành phố Hồ Chí Minh. Sau lệnh truy nã, Công an cũng bắt Long ở chính địa chỉ này. Trần Thăng Long sống ở nơi đã khai báo với cơ quan công an, làm công việc từng làm (trước đó Long làm trong lĩnh vực quảng cáo), ở một địa chỉ trước đó mình đã ở từ lâu. Phải chăng, cơ quan điều tra cho rằng Trần Thăng Long bỏ trốn và từ đó ra quyết định truy nã, liệu có thỏa đáng?!

Khép tội làm giả giấy tờ, tài liệu dựa trên một bản sao?

Ngoài bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Thăng Long còn bị kết tội “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có ghi “Để chiếm đoạt được tiền của Công ty Golden Gain Việt Nam, Trần Thăng Long đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền scan, làm giả Giấy phép quảng cáo tấm lớn số 24/GPQCL-SVHTT&DL ngày 03/1/2011 của Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP. Hà Nội để giao cho Công ty Golden Gain Việt Nam.”. Lời khai của đại diện Công ty Golden Gain thể hiện, người gửi giấy phép trên cho Công ty Golden Gain là người của Công ty Rồng Đông Á. Và thời điểm gửi giấy phép (ngày 03/01/2012) là sau khi Công ty Golden Gain đã thanh toán toàn bộ số tiền 849.420.000 VND cho Công ty Rồng Đông Á chứ không phải ngày 03/1/2011 như được ghi trong Kết luận điều tra. Bản thân Trần Thăng Long, trong các bản khai và tại các phiên tòa thể hiện không biết các giấy tờ tài liệu giả trên.

Thế nhưng để kết tội Trần Thăng Long về vi phạm này, Cơ quan điều tra và VKS sử dụng chứng cứ là các mẫu giám định bản sao của tài liệu trên. Giám định chỉ xoay quanh việc giám định chữ kí, con dấu của nơi đã tiến hành chứng thực tài liệu. Chưa có ý nghĩa chứng minh ai đã thực hiện hành vi làm giả trên. Vậy mà, Cơ quan điều tra kết luận, VKS ND thành phố Hà Nội vẫn cho rằng Trần Thăng Long đã thực hiện hành vi này phạm tội trên. Bất cập của việc chứng minh hành vi phạm tội của Trần Thăng Long được nêu tại nhiều phiên tòa xét xử bị cáo này nhưng sau thời gian điều tra bổ sung thì chứng cứ kết tội vẫn chỉ là một tài liệu là bản sao chứng thực do Công ty Golden Gain cung cấp cho cơ quan điều tra.

Tạm giam gần 4 năm, cơ quan tố tụng liệu có phạm luật?

Trong gần 4 năm qua, kể từ ngày bị bắt, bản thân Long và gia đình đã "cố gắng” trả lại tiền cho Công ty Golden Gain. Tổng số tiền được cho là khắc phục hậu quả: 849.420.000 đồng. Điều đáng nói là, Trần Thăng Long bị tạm giam kể từ ngày 12/12/2014. Như vậy đến nay, Trần Thăng Long bị tạm giam đến 4 năm bằng các Lệnh tạm giam lần lượt của Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án. Hiện BLTTHS 2015 có quy định tại điều 119 về Tạm giam; Điều 173 về Thời hạn tạm giam để điều tra… Theo tính toán thì tổng hạn thời hạn tạm giam trong tất cả các giai đoạn tố tụng với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không quá 21 tháng. Tuy nhiên bị cáo Trần Thăng Long đã bị tạm giam với thời gian gấp đôi thời gian dài nhất mà pháp luật cho phép (47) tháng. Hiện pháp luật không quy định rõ ràng, trong trường hợp phải điều tra bổ sung nhiều lần thì thời hạn tạm giam là bao lâu? Tuy nhiên các quy định về xử lý người phạm tội trong pháp luật hình sự của nước ta luôn đề cao nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Nhiều lần luật sư của Trần Thăng Long đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trần Thăng Long nhưng các cơ quan tố tụng chưa lắng nghe.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015 thì “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”. Tuy nhiên đối với vụ án của Trần Thăng Long thì Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung đến 4 lần và gần đây nhất, VKS tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng hầu hết các lần điều tra đều không đưa thêm được chứng cứ để kết tội Trần Thăng Long. Đây cũng là một vi phạm tố tụng mà báo chí đề nghị Tòa án giải thích nhưng sau nhiều lần đề nghị thì thẩm phán trực tiếp xét xử là Mai Văn Quang đã từ chối trả lời. Qua nhiều lần điều tra bổ sung mà không thể làm rõ được sự thật của vụ án, phải chăng các cơ quan tố tụng cần mạnh dạn tuyên Long vô tội, vì đã hình sự hóa một quan hệ dân sự?

Phóng viên có đặt lịch làm việc và đề nghị thông tin từ ngày 22/10, sau nhiều lần liên hệ, ông Nguyễn Hữu Chính (Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà nội) chia sẻ thông tin: Với vụ án Trần Thăng Long, chúng tôi đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Khi Phóng viên đặt câu hỏi về việc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 lần, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam gần 4 năm với Trần Thăng Long liệu có "khắc nghiệt" và vi phạm tố tụng ? (trong đó có quyết định do ông Nguyễn Hữu Chính kí). Ông Chính khước từ trả lời, cho rằng mình bận họp.

Phan Tĩnh

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ án Trần Thăng Long: Bị cáo bị tạm giam gần 4 năm và quy trình tố tụng nhiều điểm “lạ”?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin