Kiến nghị tăng mức hình phạt tù và tịch thu tài sản đối với tội phạm mua bán hóa đơn VAT trái phép

17/03/2021 19:30

(Pháp lý) - Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, điều tra xử lý kịp thời hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Song, loại tội phạm này vẫn có chiều hướng gia tăng dưới các vỏ bọc, chiêu thức ngày càng tinh vi hơn, quy mô ngày càng lớn hơn.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tội phạm mua bán hóa đơn trái phép diễn biến ngày càng phức tạp và dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng ? Để có các giải pháp hữu hiệu nhằm chặn đứng loại tội phạm kinh tế nguy hiểm này, trước tiên cần nghiên cứu, nhận diện các nguyên nhân “ giúp” chúng có điều kiện phạm tội.

Mua bán hóa đơn trái phép không những không thuyên giảm mà còn liên tục gia tăng với quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn tinh vi.

Liên tục “khui” ra những vụ án mua bán hóa đơn trái phép hàng nghìn tỷ

Vụ án liên quan đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát là một ví dụ. Ngày 8/9/2020, Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Văn Phát (SN 1964, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) về hành vi “Mua bán trái phép hoá đơn”. Ngô Văn Phát được biết đến là đại gia nổi tiếng ở Hải Phòng, có nhiều tòa “ lâu đài” hoành tráng ở Hải Phòng và Thái Bình

Theo Công an TP Hải Phòng, qua nắm tình hình, Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhiều công ty đăng ký kê khai nộp thuế tại chi cục thuế có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).

Quá trình điều tra, công an triệt phá nhóm lập nhiều công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn GTGT với số lượng lớn do Ngô Văn Phát tổ chức, cầm đầu. Số tiền ước lượng ông Phát và nhân viên mua bán hóa đơn trị giá lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt về hành vi “Mua bán trái phép hoá đơn”.

Trong các ngày từ 4 đến 7/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Ngô Văn Phát (ở quận Hồng Bàng) cùng 6 bị can (4 nữ, 2 nam) về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó có Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Phát - Petraco là Vũ Văn Bảy (70 tuổi, quê huyện Đông Hưng, Thái Bình, thường trú TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Đây là vụ mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ thứ 4 mà Công an TP Hải Phòng triệt phá được trong chưa đầy 4 tháng, với tổng giá trị hóa đơn ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng (tổng 3 vụ trước khoảng 8.000).

Vụ Ngô Văn Phát là vụ mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ thứ 4 mà Công an TP Hải Phòng triệt phá được trong chưa đầy 4 tháng, với tổng giá trị hóa đơn ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng (tổng 3 vụ trước khoảng 8.000).

Vụ đầu tiên là vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Công an huyện An Dương bắt giữ Đào Thu Hồng, SN 1982, ở xã Đồng Thái, An Dương đang bán hóa đơn GTGT trái phép cho Phạm Văn Dương, SN 1972, ở xã An Đồng, An Dương; thu giữ 4 bộ dấu, 8 hóa đơn GTGT, 12 quyển hóa đơn cùng nhiều tang vật có liên quan, doanh số khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đến ngày 1/7, Phòng Cảnh sát kinh tế bắt giữ Ngô Thị Phượng, SN 1985, ở xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, đang thực hiện hành vi bán 2 hóa đơn GTGT cho Vũ Văn Ánh, ở huyện Thủy Nguyên. Mở rộng điều tra, đơn vị bắt giữ Nguyễn Đình Hiếu, SN 1979, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, là Giám đốc Công ty CP kinh doanh vật tư và thiết bị vận tải Gia Nguyễn, Công ty CP sản xuất thương mại và dịch vụ Cầu Kiền, Công ty TNHH sản xuất và thương mại tổng hợp Gia Nguyễn.

Khám xét tại trụ sở các công ty và nhà của Nguyễn Đình Hiếu, Công an thu giữ 3 bộ dấu công ty, 2 bộ dấu chức danh, 6 thùng tài liệu chứa số lượng lớn hóa đơn GTGT và nhiều tang vật liên quan. Từ năm 2014 đến nay, Nguyễn Đình Hiếu dùng hết khoảng 10.000 hóa đơn, với doanh số khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Vụ án trước đó vào ngày 9/7, tại văn phòng Công ty Suvinco Việt Nam ở số 32 lô 11B Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải, Hải An, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang Nguyễn Thị Lương, SN 1994, ở Thư Trung, Đằng Lâm, Hải An, bán hóa đơn GTGT cho Vũ Bích Loan, SN 1979, ở đường 208 xã An Đồng, An Dương.

Qua đấu tranh, lực lượng Công an phát hiện đối tượng cầm đầu là Nguyễn Văn Sức, SN 1981, ở số 280 Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An. Nguyễn Văn Sức trực tiếp thành lập hoặc thuê thành lập 15 công ty phục vụ việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng doanh số bán hàng, dịch vụ khống khoảng 5.000 tỷ đồng. Khám xét tại trụ sở các công ty của Nguyễn Văn Sức, Công an thu giữ 70 quyển hóa đơn GTGT, 27 con dấu các loại và các tang vật liên quan.

Không chỉ ở Hải Phòng, lực lượng chức năng cũng “khui” ra được nhiều vụ mua bán trái phép hóa đơn GTGT hàng nghìn tỷ đồng ở nhiều tỉnh thành khác như Hà Nộ, Phú Thọ, Đà Nẵng…

Điển hình như tại Phú Thọ, hồi đầu tháng 6 vừa qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Doãn Ngọc Huy, Nguyễn Duy Thanh, Trần Khánh Hưng, Nguyễn Xuân Lộc và các đối tượng liên quan về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định Doãn Ngọc Huy cùng các đối tượng khác sử dụng giấy tờ tùy thân giả mang tên cá nhân giả ở các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh… để làm người đại diện theo pháp luật thành lập 5 công ty phát hành hóa đơn GTGT khống cho nhiều đơn vị, DN trên địa bàn cả nước. Trong thời gian từ năm 2018 - 2019, nhóm của Huy đã bán hàng nghìn hóa đơn GTGT với doanh số gần 2.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỉ đồng…

Vì sao tội phạm mua bán hóa đơn trái phép diễn biến phức tạp và dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng ?

Có thể thấy, mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, điều tra xử lý kịp thời xử lý hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Song, tình trạng này không những không thuyên giảm mà còn liên tục gia tăng với quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.

Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến mua bán hóa đơn trái phép vẫn diễn ra phức tạp với quy mô ngày càng lớn trong thời gian qua là do nhu cầu về hóa đơn GTGT của các DN rất lớn. Bởi, nhiều DN hiện nay chọn cách mua hóa đơn với suy nghĩ rằng sẽ "hóa giải" theo cách bù trừ và cân đối giữa thuế đầu vào, đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp, hợp thức hóa, tăng các chi phí sản xuất kinh doanh nhằm giảm thuế TNDN phải nộp trong năm, hợp thức hóa hàng nhập lậu… Đặc biệt các DN có quy mô nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực: xây lắp, thi công, vận tải, thậm chí là thương mại… mà đầu ra thì có còn đầu vào thì lúc có lúc "không" sẽ thường chọn cách mua hóa đơn.

Nghiên cứu các vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT bị phanh phui trong thời gian qua cho thấy, để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng mua bán hóa đơn không từ phương thức, thủ đoạn nào. Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng đều có chung một phương thức là thành lập các công ty “ma” sau đó mua hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.

Kiến nghị tăng mức hình phạt đối với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT

So với trước đây, việc lập DN ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân và hoạt động đơn lẻ thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập DN chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập DN ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các DN có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu,…

Sau khi thuê người thành lập DN ảo, mua được hóa đơn, bán và thực hiện xong hành vi, đối tượng tìm cách tiêu hủy tài liệu, tang vật rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Một số trường hợp còn lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn. Hoạt động này có thể diễn ra trực tiếp giữa đối tượng mua và đối tượng bán nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua các đối tượng trung gian mang tính chuyên nghiệp.

Việc giao dịch cũng đã có những thay đổi, mỗi lần giao dịch mua, bán chúng thường phân tán, chia nhỏ số lượng để tránh bị phát hiện hoặc nếu phát hiện chỉ là hành vi nhỏ lẻ.

Nghiên cứu các vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT bị phanh phui trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các đối tượng đều có chung một phương thức là thành lập các công ty “ma” sau đó mua hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính. So với trước đây, việc lập DN ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân và hoạt động đơn lẻ thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập DN chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Đặc biệt, nếu trước đây, các đối tượng thường bán hóa đơn trị giá dưới 20 triệu đồng để không phải chịu trách nhiệm qua ngân hàng thì hiện, có những nhóm đối tượng lại tổ chức bán hóa đơn với số lượng tiền lớn và có hoạt động chuyển tiền chính thức qua ngân hàng tạo thành bộ hồ sơ chứng từ rất đẹp, rất hợp pháp.

Đặc biệt, nếu trước đây, các đối tượng thường bán hóa đơn trị giá dưới 20 triệu đồng để không phải chịu trách nhiệm qua ngân hàng thì hiện, có những nhóm đối tượng lại tổ chức bán hóa đơn với số lượng tiền lớn và có hoạt động chuyển tiền chính thức qua ngân hàng tạo thành bộ hồ sơ chứng từ rất đẹp, rất hợp pháp.

Điển hình là vụ mua bán trái phép hóa đơn GTGT trị giá gần 2.000 tỷ đồng của Doãn Ngọc Huy và đồng phạm. Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống, nhóm của Huy đề nghị người mua ký khống Ủy nhiệm chi và giấy giới thiệu gửi cho nhóm của Huy. Sau đó, Huy thuê Nguyễn Duy Thanh và Nguyễn Xuân Lộc cấu kết với nhân viên các chi nhánh ngân hàng làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng bằng cách lập giấy nộp tiền khống vào tài khoản của đơn vị, DN mua hóa đơn, đồng thời dùng Ủy nhiệm chi khống để làm thủ tục chuyển tiền trên hệ thống từ tài khoản của đơn vị, DN mua hóa đơn đến tài khoản các công ty bán hóa đơn do Huy điều hành. Cùng lúc đó, các đối tượng làm thủ tục rút tiền mặt khỏi tài khoản.

Chính thủ đoạn câu kết phức tạp này, việc phát hiện và xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Do đó mà các đối tượng nêu trên đã hoạt động trong thời gian rất dài nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

“Lỗ hổng” chính sách pháp luật

Ngoài những thủ đoạn câu kết tinh vi, phức tạp nêu trên hòng qua mặt cơ quan chức năng thì một nguyên nhân khác khiến tình trạng mua bán hóa đơn trái phép ngày càng tiếp tục gia tăng chính là xuất phát từ những lỗ hổng của cơ chế chính sách pháp luật.

Điển hình “lỗ hổng” chính sách hiện nay là việc quản lý DN, trong đó quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay quá dễ dãi. Theo quy định của Luật DN, người đăng ký kinh doanh không cần chứng minh địa chỉ kinh doanh; khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ (Sở KH-ĐT) phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ mà chỉ cần hồ sơ hợp lệ (khai đầy đủ và người khai tự chịu trách nhiệm) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do vậy, người đăng ký kinh doanh cung cấp hồ sơ giả, địa chỉ không có thật nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ma, rồi hoạt động phi pháp, khi bị phát hiện thì không có người thật để xử lý.

Chủ trương của Nhà nước là tạo thuận tiện cho DN kinh doanh nên công tác cấp phép chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Thế nhưng thực tế công tác hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện tốt. Chỉ khi nào DN hoạt động có sai phạm, đi kiểm tra mới phát hiện ra DN “ma”.

Do đó, rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi trong thành lập DN đang bị lợi dụng, biến thành lỗ hổng cho tội phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định trước 31/12/2014, hồ sơ khai thuế GTGT phải kèm theo Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào. Tuy nhiên, từ năm 2015, để đơn giản về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, Luật số 71/2014/QH13 Luật Thuế sửa đổi đã bỏ quy định DN phải gửi Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào khi lập hồ sơ khai thuế GTGT. Lợi dụng việc này, các đối tượng tự kê những số liệu không có thật vào bảng kê để nộp tờ khai cho cơ quan thuế.

Ngoài ra, theo chúng tôi, hiện nay chế tài đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội. Nếu xử phạt hành chính, theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP mức xử phạt chỉ từ 20 - 50 triệu đồng. Còn nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 164 BLHS, cũng chỉ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm, kèm theo hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Trong khi đó, đối với tội buôn lậu, nếu thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, BLHS quy định phạt tù đến 20 năm. Việc này khiến các đối tượng “ nhờn luật”, vì lợi ích lớn mà sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm.

Các đối tượng mua bán hóa đơn trái phép nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 164 BLHS, cũng chỉ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm, kèm theo hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Trong khi đó, đối với tội buôn lậu, nếu thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, BLHS quy định phạt tù đến 20 năm. Chế tài quá nhẹ đối với tội phạm mua bán hóa đơn trái phép khiến các đối tượng “ nhờn luật”, vì lợi ích lớn mà sẵn sàng thực hiện hành vi phạm pháp. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm.

Kiến nghị

Thiết nghĩ, việc mua bán hóa đơn trái phép không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. thậm chí, mua bán hóa đơn trái phép còn nhằm hợp thức hóa tiền “bôi trơn”, đưa hối lộ, rửa tiền và hàng trăm hành vi bất hợp pháp khác… Do đó, để hạn chế, ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, theo chúng tôi, chúng ta cần thực hiện triệt để một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát hoạt động của DN. Cùng với đó phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các DN.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thành lập DN, kê khai và nộp thuế.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng, sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào trong thời gian sớm nhất. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, thông tin về hóa đơn của DN được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục nên cơ quan thuế có ngay thông tin về doanh thu, chi phí hàng ngày của DN, kịp thời phát hiện ra những bất thường khi DN xuất hóa đơn.

Đặc biệt, cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT, cụ thể kiến nghị tăng mức hình phạt đối với tội phạm này tối thiểu như chế tài phạt đối với tội buôn lậu. Đồng thời kiến nghị tịch thu toàn bộ tài sản mà tội phạm có được từ hành vi mua bán hóa đơn trái phép…..

Kiến nghị tăng mức hình phạt đối với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT tối thiểu như chế tài phạt đối với tội buôn lậu. Đồng thời kiến nghị tịch thu toàn bộ tài sản mà tội phạm có được từ hành vi mua bán hóa đơn trái phép…..

Nam Kiên – Thư Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị tăng mức hình phạt tù và tịch thu tài sản đối với tội phạm mua bán hóa đơn VAT trái phép" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin