TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC: Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao, bởi chưa chú trọng cơ chế phòng ngừa và thiếu chặt chẽ trong các biện pháp tố tụng

14/07/2021 08:51

(Pháp lý) - Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án, xử lý nhiều đối tượng, tăng cường thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt …

Tuy nhiên, vẫn có những vụ án, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng việc thu hồi lại đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào bế tắc. Ví dụ rõ nhất gần đây là sẽ thu hồi số tiền 830 tỉ mà bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường thế nào khi tài sản của ông Thăng chỉ có 1 cái nhà…

Lý giải vì sao công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao, TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC thẳng thắn cho rằng bởi chúng ta chưa chú trọng cơ chế phòng ngừa và thiếu chặt chẽ trong các biện pháp chống tham nhũng. Do đó cần đặt ra vấn đề khẩn trương rà soát, tiếp tục bít các lỗ hổng của cơ chế chính sách pháp luật….nhằm đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới đây

Vẫn còn nhiều “lỗng hổng” từ khâu “phòng” đến biện pháp “chống” khiến thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Thu hồi tài sản tham nhũng: Vấn đề không mới nhưng luôn “nóng”

Trong công tác PCTN thu lại được tài sản nhà nước bị thất thoát, tham nhũng trong các vụ án, đó mới là kết quả cao nhất của PCTN. Vấn đề dù không mới nhưng nó lại luôn “nóng”, khiến dư luận đặc biệt quan tâm mỗi khi theo dõi các phiên tòa liên quan đến tham nhũng.

Điển hình như, sau phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 10 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ) tại TAND TP Hà Nội vừa qua, hàng loạt câu hỏi như: “Có thu hồi được 830 tỉ đồng từ ông Đinh La Thăng ?”; “Bị cáo Đinh La Thăng sẽ phải bồi thường 830 tỉ đồng như thế nào?” hay như “Bị áp thêm trách nhiệm dân sự, ông Đinh La Thăng lấy gì khắc phục?”… được đặt ra. Bởi, tính đến thời điểm hiện tại, Sau 4 đại án, ngoài mức án tổng hợp 30 năm tù giam, ông Đinh La Thăng còn phải bồi thường 830 tỉ đồng. Song, thực tế ông Đinh La Thăng chỉ có 1 căn nhà.

Đáng chú ý, ngoài các vụ án của ông Đinh La Thăng, nhiều vụ án khác việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2020 trước Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, đối với 58 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, phải thi hành án với tổng số tiền thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng, nhưng cơ quan thi hành án mới chỉ thu hồi được 19.261 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,84%.

PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, việc xử lý tham nhũng hiện nay chủ yếu bằng chế tài hình sự và chế tài kỷ luật. Song cơ bản, chúng ta vẫn áp dụng chế tài hình sự với cách xử phạt nghiêm khắc, thể hiện việc thiên về trừng trị mà ít chú ý đến cơ chế phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, người tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ bị phạt tù hay tử hình mà chúng ta không thu hồi được tiền thất thoát cho quốc gia thì cũng không mang lại hiệu quả cao. Thế nên, cần chú trọng hơn đến chế tài thu hồi tài sản, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người tham nhũng.

Có thể thấy, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết phát luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì sẽ không có tiền đề để thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án.

Cơ chế phòng ngừa tham nhũng: chưa được chú trọng và còn nhiều kẽ hở

Nghiên cứu những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCTN và công tác thi hành án kinh tế, tham nhũng như: Luật PCTN, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự… mới thấy vẫn còn nhiều kẽ hở ngay từ khâu phòng ngừa tham nhũng.

1. Ngay như Luật PCTN 2018 và Nghị đinh 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là những văn bản pháp luật mới nhất về PCTN, với những quy định được đánh giá là tiến bộ, bổ sung, mở rộng nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng tính minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập… tuy nhiên, vẫn tồn tại những khuyết thiếu, bất cập.

Cụ thể, theo quy định Luật PCTN 2018 và Nghị đinh 130/2020/NĐ-CP, cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên là quá hẹp. Bởi, với phạm vi kê khai như thế, vô hình trung đã bỏ qua trường hợp con đã thành niên và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ , anh chị em ruột…. Trên thực tế, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Sào Nam…

Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN đã có quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực (Điều 51, Luật PCTN 2018), nhưng lại chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Nhiều kẽ hở từ những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCTN và công tác thi hành án kinh tế, tham nhũng

2. Bên cạnh đó, pháp luật về tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh… vẫn tồn tại nhiều bất cập. Như, quy định phạm vi quá hẹp về các giao dịch phải thông qua tài khoản, các giao dịch hạn chế sử dụng tiền mặt trong nhân dân,…nên không kiểm soát được dòng tiền chuyển dịch. Điều này là những lỗ hổng rất lớn tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng “tẩu tán” tài sản bất bất hợp pháp.

Đặc biệt, pháp luật về kiểm soát dòng tiền, ngoại tệ chuyển ra nước ngoài vẫn còn nhiều kẽ hở để cho các đối tượng lợi dụng luồn lách “tuồn” tiền ra nước ngoài.

Điển hình, nếu như trước đây, một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài (theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam) chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp; thì hiện nay theo quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung, không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài.

Điều này khiến các đối tượng lợi dụng để “tẩu tán” tài sản ra nước ngoài bằng cách “lách” luật thông qua cho, tặng, trợ cấp người thân … ở nước ngoài.

3. Hay, lỗ hổng trong kiểm soát cổng thanh toán quốc tế Paypal, Payoneer, các giao dịch tiền ảo qua hệ thống điện tử… Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng đến nay, các cổng trung gian thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính… vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hay công nhận. Điều này đồng nghĩa, các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, giao dịch tiền ảo trên hệ thống điện tử đang hoạt động không phép và không chịu sự quản lý của cơ quan nào.

4. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng sự kiểm soát đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo để làm giả hồ sơ thương mại, xuất nhập khẩu và trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài thông qua đầu tư… Bằng các hình thức này, rất nhiều đối tượng có thể tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Tất cả những bất cập trên đây đang ngày ngày khiến cho công tác xác minh, truy tìm dấu vết của tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mất rất nhiều thời gian và nhiều khi lâm vào “bế tắc”.

Minh chứng cụ thể như trong đại án ngân hàng BIDV của cha con Trần Bắc Hà và các đồng phạm, Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, bị cáo buộc vận chuyển trái phép 10,4 triệu USD ra nước ngoài, hoặc rửa tiền. Hay trong vụ án đường dây đánh bạc qua mạng do Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore…

Các biện pháp “chống” tham nhũng: thiếu chặt chẽ

Không chỉ tồn tại nhiều kẽ hở ngay từ khâu phòng ngừa tham nhũng mà đến các biện pháp chống cũng có không ít lỗ hổng. Bởi, nghiên cứu kỹ những quy định pháp luật liên quan đến thi hành án mới thấy ngay cả khi hành vi tham nhũng bị phát hiện, vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử, đương sự vẫn có thể tẩu tán tài sản.

1. Cụ thể: theo quy định tại Điều 24 Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án Dân sự được sửa đổi tại khoản 11, Điều 2 33/2020/NĐ-CP gày 17/3/2020 thì: Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó…

Tức là, kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố cho người khác… thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án.
Tưởng chặt chẽ, nhưng quy định này vẫn tạo “cơ hội” giúp người phải thi hành án “tẩu tán” tài sản vào trước thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo qui định tố tụng hình sự như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Trên thực tế, hiện tượng này diễn ra khá nhiều.

2. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử.

Cụ thể, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại;… chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại… và Điều 45 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì việc tịch thu tài sản và phạt tiền đều có thể được áp dụng đối với các bị can phạm tội về tham nhũng, nhất là các vụ án lớn. Tuy nhiên, do pháp luật quy định trong các tội danh về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự, nếu bị hình phạt tiền thì người phạm tội chỉ có thể bị phạt tiền mức cao nhất là 100 triệu đồng, trong trường hợp này thì rất dễ để thi hành án. Tuy nhiên nếu người phạm tội bị chế tài phạt tù và phải bồi thường thiệt hại thì sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng khó mạnh dạn áp dụng các biện pháp kê biên hay tịch thu tài sản vì không thể biết chắc rằng khi xét xử thì người phạm tội có bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại hay không và nếu cần phải kê biên tài sản thì cũng rất khó xác định phần tài sản phải kê biên tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường như thế nào khi mà việc quyết định mức phạt, mức bị tịch thu, mức phải bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử.

3. Hơn nữa, để có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tịch thu tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại theo quy định pháp luật rất mất thời gian, chi phí ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng nên thực tế cơ quan điều tra chưa chú trọng xác minh và áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản trong quá trình điều tra.

Vì vậy, đến giai đoạn thi hành án, qua việc xác minh của cơ quan thi hành án dân sự cho thấy, trong rất nhiều vụ việc, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành vì đã tẩu tán, nhờ người khác đứng tên hoặc không xác định rõ phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, cho rằng về nguyên lý, vụ án nào có phạt tiền, có hình phạt tịch thu tài sản, có khả năng phải bồi thường đều có thể kê biên để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ nói đến biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào, không nói đây là biện pháp bắt buộc.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, vấn đề này đã được ông góp ý nhiều, khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng phải chuyển ngay cơ quan điều tra, và cơ quan điều tra có trách nhiệm phải kê biên tài sản ngay. Còn làm thủ tục như bây giờ, phải thanh tra kết luận, kiểm toán, rồi ủy ban kiểm tra kiểm tra về mặt Đảng, có dấu hiệu mới chuyển sang cơ quan điều tra, còn tài sản đâu nữa để kê biên. ..Không chuyển sang cơ quan điều tra sớm thì kê biên cũng không có ý nghĩa gì, vì chẳng còn gì để kê biên.

Một kẽ hở nữa của pháp luật cũng giúp đối tượng dễ dàng tẩu tán tài sản là, nếu như phong tỏa tài khoản được áp dụng đối với cả tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội, thì kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của người bị buộc tội. Do vậy, càng có lý do để người bị buộc tội cùng người thân của họ tìm cách “sang tên”, “đổi chủ” đối với phần tài sản của mình…

Vĩ thanh

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, mặc dù hệ thống pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quan tâm hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Do đó, để cuộc đấu tranh PCTN đạt hiệu quả và toàn diện hơn, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, cần song hành bít các lỗ hổng trong các qui định, cơ chế phòng ngừa tham nhũng, theo đó sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về kê khai, đăng ký tài sản, thu nhập; kiểm soát được dòng tiền chuyển dịch, tài sản cán bộ công chức (người có nguy cơ tham nhũng); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để sử dụng cho việc tra cứu, cung cấp thông tin tài sản… Đồng thời khẩn trương bịt những lỗ hổng pháp luật liên quan đến công tác kê biên phong tỏa tài sản phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kinh tế, tham nhũng…

Tóm lại, theo chúng tôi cần làm tốt hai nhóm giải pháp: nhóm giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành tài sản, thu nhập bất minh và nhóm giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng đã được hình thành.

Nam Kiên – Văn thư

Bạn đang đọc bài viết "TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC: Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao, bởi chưa chú trọng cơ chế phòng ngừa và thiếu chặt chẽ trong các biện pháp tố tụng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin