Trung Quốc có thể sẽ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới trong thập niên tới nếu nước này đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, ông Tôn Cần, cựu Chủ tịch Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), nói rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân theo kế hoạch và nhanh chóng phê chuẩn các dự án bị trì hoãn để hoàn thành mục tiêu phát triển năng lượng hạt nhân trong năm 2020.
CNNC hiện lên kế hoạch khởi động xây dựng lò phản ứng sử dụng công nghệ AP1000 do Công ty Westinghouse của Mỹ phát triển vào tháng 11 năm nay, gần bốn năm trì hoãn sau thời gian dự tính ban đầu. Đây là lò phản ứng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này.
Trung Quốc hiện vận hành 35 tổ máy điện hạt nhân (tổng công suất là 31.617 MW), đóng góp 3% trong tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước. Nước này cũng đang xây dựng thêm 31 tổ máy điện hạt nhân khác nằm một phần trong chương trình tham vọng nhằm sản xuất 58 gigawat điện trong năm 2020.
Các cường quốc hạt nhân hàng đầu trước đây như Đức và Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch rút lui khỏi việc sản xuất điện hạt nhân theo sau thảm họa hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi năm 2011. Trong khi Nhật Bản và Mỹ cũng hạn chế sản xuất điện bằng hạt nhân, Trung Quốc có thể sẽ nổi lên là nhà phát triển điện hạt nhân quan trọng nhất trong thập niên tới nếu nước này đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng.
“Việc khởi công xây dựng thành công lò phản ứng AP1000 sẽ giúp tăng những hy vọng trong ngành công nghiệp này và kế hoạch xây dựng một chuỗi lò phản ứng AP1000 và EPR dọc các tỉnh ven biển sẽ được tái khởi động” - ông Tôn cho biết.
Việc trì hoãn xây dựng các lò phản ứng thế hệ ba này, gồm cả lò phản ứng AP1000 và Lò phản ứng nước áp lực tiêu chuẩn châu Âu (EPR) được phát triển bởi Tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva của Pháp, đã làm chậm tốc độ phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trong vài năm qua. Bắc Kinh đã tạm ngừng phê chuẩn các dự án này sau thảm họa Fukushima.
Với dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân AP1000 đầu tiên ở tỉnh Triết Giang, việc trì hoãn để điều chỉnh các thiết kế đã nâng chi phí xây dựng hai lò phản ứng AP1000 tại tỉnh này thêm 10%-20%. Ông Tôn không cung con số ước tính cụ thể. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi năm 2009 cho biết chi phí xây hai lò phản ứng AP1000 đầu tiên sẽ là 40 tỉ nhân dân tệ (5,8 tỉ USD).
Ông Tôn nói rằng Trung Quốc sẽ cần phê chuẩn việc xây dựng từ sáu tới tám lò phản ứng hạt nhân mới trong giai đoạn 2018-2020 để đẩy mạnh kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, bên cạnh việc dựa vào công nghệ nước ngoài để phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, CNNC và các đối thủ trong nước như Tập đoàn tổng năng lượng hạt nhân (CGN) và Tập đoàn đầu tư điện lực quốc gia (SPIC) của nước này cũng đang nhắm tới xuất khẩu các công nghệ của họ sau khi các công nghệ này chứng minh hiệu quả tại các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.
Ông Tôn cho biết việc xây dựng lò phản ứng nội địa thế hệ ba của Trung Quốc Hualing-1, được phát triển chung bởi CNNC và CGN, đang trong quá trình xúc tiến thuận lợi và các hoạt động đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng một lò phản ứng Hualong-1 tương tự ở Pakistan và đang chờ Argentina hoàn tất một thỏa thuận khác để xây Hualong-1.
Tập đoàn đầu tư điện lực quốc gia (SPIC) của Trung Quốc cũng đang phát triển một biến thể tiên tiến từ lò phản ứng AP1000, được gọi là CAP1400. Một dự án thí điểm sẽ được tiến hành tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.
Theo Plo