Tiếp tục nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an với Hội Luật gia Việt Nam phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng CAND

23/12/2022 10:38

Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia nói chung và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ nói riêng, thời gian qua các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công.

nguyen-quang-tuyen-1665544593.JPG
 

Ths Nguyễn Trung Tuyến Thường trực Chi hội Luật gia Bộ Công an phát biểu tham luận tại Hội nghị Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 và Sơ kết giữa nhiệm kỳ khóa XIII Hội Luật gia Việt Nam

1. Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam tập hợp, đoàn kết các luật gia đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tự nguyện hoạt động nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng nền khoa học, pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Các thế hệ luật gia đã có những đóng góp tích cực xây dựng nền khoa học pháp lý, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận; vị thế và uy tín của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được nâng cao cả trong và ngoài nước; mối quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế, đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều hiệp hội nghề luật của một số quốc gia như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, U-crai-na. Thông qua các hoạt động hợp tác đã tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin với các nước bạn trong các lĩnh vực cùng quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản, Hội Luật gia có đề xuất các hoạt động hợp tác thuộc một số dự án như: Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật Việt Nam” (UNICEF); Dự án “Hài hòa pháp luật” do JICA Nhật Bản tài trợ; Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do EU tài trợ; Dự án “Hợp tác 03 năm với Đức trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Cộng hòa Liên bang Đức”.

Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia nói chung và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ nói riêng, thời gian qua các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đáng chú ý là những kết, quả thành tựu trong phối hợp trên các lĩnh vực như: xây dựng, hoàn thiện thể chế về an ninh trật tự; dân chủ, nhân quyền; bảo vệ nền tảng tư tưởng pháp luật xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đối với công tác của Hội Luật gia, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương lớn nhằm củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đáng chú ý là: Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Kết luận số 19-KL/TW, ngày 23-5-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW; Thông báo kết luận số 50-TB/TW, ngày 17-7-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 08/2013/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt, gần đây, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.

2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội, các Hội và Chi hội trong toàn quốc nhằm huy động, nâng cao vai trò, vị thế của các luật gia cũng như tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh chính trị nội bộ. Trong đó, đáng chú ý là công tác tham mưu, kiến nghị phối hợp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và các nhiệm vụ chính trị về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như sau:

Một là, tham mưu, kiến nghị quán triệt, phối hợp thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về “Hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”,... Phối hợp quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác Hội Luật gia nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam; phối hợp tạo điều kiện cho các cấp Hội củng cố, phát triển và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, phối hợp đảm bảo an ninh chính trị nội bộ trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và các thiết chế hòa giải khác, tư vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp pháp lý theo quy định pháp luật; tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giới thiệu một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân, hòa giải viên và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ba là, phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với đội ngũ luật gia đông đảo, có trình độ và tâm huyết, Hội Luật gia đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trài thù địch thông qua cơ quan ngôn luận, các ý kiến phát biểu tại nghị trường, hội thảo quốc tế và bằng các công trình khoa học, tham luận khoa học. Trong đó, đáng chú ý là những nội dung liên quan đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do hội, họp; phát huy vai trò của Hội trong công tác đối ngoại nhân dân, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Hội Luật gia cũng đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thông qua các hội nghị, hội thảo và tổ chức quốc tế có liên quan; trực tiếp họp báo, thông báo ý kiến pháp lý về chủ quyền quốc gia; kiên quyết phản đối, lên án mọi hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật quốc tế về biển, đảo.

Bốn là, phối hợp trong công tác thẩm định, đánh giá về an ninh, trật tự đối với các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trên lĩnh vực pháp luật do Hội Luật gia chủ trì tiếp nhận, thực hiện. Thời gian qua, công tác phối hợp trên lĩnh vực này được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Hội Luật gia triển khai thực hiện hết sức nghiêm túc. Việc rà soát, đánh giá nội dung, chương trình dự án; xét duyệt, thẩm tra nhân sự nước ngoài; bảo vệ bí mật nhà nước; đảm bảo an ninh, an toàn hội nghị, hội thảo quốc tế được hai bên phối hợp thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan. Qua đó, kịp thời phát hiện những vấn đề, nội dung phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự để kịp thời đề xuất biện pháp khắc phục, điều chỉnh.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an với Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua có lúc còn chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò, thế mạnh của tổ chức Hội cũng như cá nhân các luật gia. Một số nội dung phối hợp chưa thực sự được quan tâm, nhất là trong tham gia ý kiến xây dựng pháp luật và củng cố tổ chức bộ máy các cấp hội. Công tác tuyên truyền, vận động tổ chức Hội Luật gia, các luật gia thành viên tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu thực chất.

3. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Hội Luật gia Việt Nam và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, chú trọng hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển Hội Luật gia cũng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp hội và cá nhân hội viên Hội Luật gia về công tác bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, phòng chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực pháp luật. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, ý đồ, hoạt động của các thế lực thù địch, số đối tượng phản động, chống đối lợi dụng quá trình xây dựng pháp luật để tác động, chuyển hóa chính trị, phá hoại nội bộ.

Hai là, Hội Luật gia Việt Nam chủ động trao đổi với Bộ Công an trong công tác thẩm định, giám sát các dự án và quản lý hoạt động chuyên gia nước ngoài; thận trọng trong quá trình tiếp nhận các dự án hợp tác liên quan đến dân chủ, nhân quyền, lao động, công đoàn, xã hội dân sự. Trong quá trình triển khai các hoạt động cần tuân thủ đúng nguyên tắc, định hướng chỉ đạo tại Kết luận số 73-KL/TW, ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quản lý, giám sát việc tiếp nhận dự án, viện trợ nước ngoài liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật; có cơ chế phối hợp, quản lý chặt chẽ, hạn chế các tác động tiêu cực trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, bí mật nhà nước trong quá trình hợp tác; quá trình làm việc, tiếp xúc, trao đổi thông tin, tài liệu với phía đối tác nước ngoài phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp với các cơ quan An ninh trong quá trình triển khai hợp tác.

Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp, định kỳ đánh giá chất lượng hiệu quả công tác phối hợp giữa Hội Luật gia Việt Nam với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, chú ý các nội dung liên quan đến xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; bám sát với yêu cầu thực tế để có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, phối hợp trong thực hiện chủ trương của Đảng về đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế; chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, qua đó, giới thiệu đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước, ý thức tuân thủ pháp luật quốc tế để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Quán triệt, bám sát chủ trương, chính sách, quy định của Đảng để tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Đơn vị chủ trì xây dựng, tham mưu văn bản có trách nhiệm tổng hợp khách quan, trung thực và đầy đủ thông tin về pháp luật và kết quả thực tiễn nước ngoài; căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam đề xuất tham khảo có chọn lọc trong công tác xây dựng pháp luật.

Năm là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, nhất là tư tưởng pháp luật xã hội chủ nghĩa; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật. Phối hợp trong việc thực hiện có hiệu quả Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”; công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm góp phần giải quyết những “điểm nóng” về an ninh, trật tự tại cơ sở.

Sáu là, phối hợp phát huy vai trò của Hội Luật gia trong cải cách tư pháp; nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong công tác xây dựng pháp luật, tham gia giải quyết một số vấn đề về tư pháp có liên quan; xây dựng và thực hiện có liệu quả Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”; tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp… Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công tác tư vấn, giám sát giải quyết khiếu nại được tiến hành thường xuyên và có kết quả nhất định; công tác tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; công tác giám sát, phản biện xã hội./.

 

Ths Nguyễn Trung Tuyến

Thường trực Chi hội Luật gia Bộ Công an

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an với Hội Luật gia Việt Nam phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng CAND" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin