Thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

04/01/2023 12:50

(Pháp lý) - Nghiên cứu cho thấy Covid-19 và tham nhũng thực tế đã trở thành cuộc khủng hoảng kép mà thế giới đang đối mặt. Tham nhũng được ví như một vấn nạn len lỏi và làm xáo trộn các mục tiêu chính sách mà các quốc gia phải đối mặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những hành vi phổ biến như trục lợi trong mua bán, đấu thầu sinh phẩm, trang thiết bị y tế…Thực tế này đòi hỏi cần thực thi các chính sách phòng chống tham nhũng phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh trên tinh thần thượng tôn pháp luật để đảm bảo sự liêm chính, công bằng và sự phát triển lành mạnh ở mỗi quốc gia

anh-minh-hoa-1663919722.PNG
 

Ảnh minh hoạ

Đại dịch Covid-19, kể từ thời điểm bùng phát tới nay, đã có những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân, làm ngưng trệ hoạt động kinh tế, làm đứt gãy, gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế ở phạm vi toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong phản ứng của các quốc gia trước đại dịch, không thể phủ nhận các nỗ lực  của các nước trong việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân, của cộng đồng, bảo đảm sinh kế, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế…Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quốc gia đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, tiêu cực trong hoạch định và thực thi các chính sách phòng chống dịch bệnh, trong đó có vấn nạn tham nhũng.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại khu vực Châu  Á vào năm 2020 cho thấy 74% số người được hỏi thừa  nhận tham  nhũng là một vấn đề lớn trong đại dịch Covid-19. Báo cáo về  CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng) năm 2020 cũng của tổ chức này công bố đã cho thấy một bức tranh màu  xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới. Báo cáo CPI 2020 nhấn mạnh, tham nhũng không chỉ làm suy yếu nỗ lực phản ứng của toàn cầu đối với dịch bệnh Covid-19 mà còn góp phần vào cuộc khủng hoảng dân chủ đang diễn ra. Bà Delia Ferreina Rubio, chủ tịch TI nói rằng: “Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khoẻ và kinh tế, đó còn là cuộc khủng hoảng tham nhũng. Và đó là cuộc khủng hoảng lớn mà chúng ta hiện đang thất bại trong việc quản lý”.

Tham nhũng làm suy yếu phản ứng công bằng đối với Covid-19 và các cuộc khủng hoảng khác. Thực tế, tham nhũng xẩy ra phổ biến trong phản ứng với Covid-19, từ hối lộ để được xét nghiệm Covid-19, tiêm ngừa vắcxin, điều trị và các dịch vụ y tế khác, cho đến mua sắm công đối với vật tư y tế và sự chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho tình trạng  khẩn cấp.

Thực tế đòi hỏi cần thực  thi các chính sách phòng chống tham nhũng phù  hợp, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh trên tinh thần thượng tôn pháp luật để đảm bảo sự liêm chính, công bằng và sự phát triển lành mạnh ở mỗi quốc gia.

Phản ứng của Việt Nam thể hiện thông qua chiến lược ứng phó với dịch bệnh Covid-19 kể từ thời điểm bùng phát cho tới nay cho thấy một sự thích ứng, điều chỉnh rất linh hoạt để phù hợp với diễn biến tình hình và đáp ứng “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.​

Ở khía cạnh phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ở khía cạnh phòng, chống tham nhũng, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, không xảy ra trục lợi chính sách; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng Chính phủ điện tử; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong hai năm 2021 – 2022 hàng loạt những những vụ việc liên quan tới sai phạm của các cá nhân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế lần lượt được đưa ra xem xét xử lý là những minh chứng rõ nét cho sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kép Covid-19 và tham nhũng ở Việt Nam cũng như quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong thực thi chính sách về phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế và trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Thực tế công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế và phòng chống dịch bệnh trong các năm 2021-2022 vừa qua đã cho thấy những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực thi chính sách về phòng chống tham nhũng đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể có thể kể đến một số chủ trương tiêu biểu như sau:

Thứ nhất là phòng, chống tham nhũng “từ sớm, từ xa”. Phòng, chống tham nhũng gắn liền với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Việc đổi tên “Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực” vào tháng 9/2021 thể hiện quan điểm công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong lĩnh vực y tế, cuối năm 2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 7952/BYT-TTrB về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tại văn bản này, Bộ Y tế đặt ra các nguy cơ có thể xảy ra tiêu cực trong chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, trong việc thực hiện xét nghiệm hay việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Văn bản yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm…Công tác kiểm toán năm 2022 cũng tập trung rà soát các nguồn lực chống dịch về mục đích sử dụng và hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Bên cạnh đó, vấn đề thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng được quan tâm giám sát bởi Quốc hội.

Thứ hai là “không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn” trong công tác phòng chống tham nhũng. Ở cả góc độ chủ trương của Đảng, thể chế của Nhà nước và góc độ thực thi, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã cho thấy một chính sách quan trọng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có câu chuyện hạ cánh an toàn”. Bên cạnh nguyên tắc “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác” (Khoản 1, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018), pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về cán bộ, công chức hay pháp luật về khiếu nại tố cáo đã có những bổ sung quan trọng như quy định hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức hay giải quyết tố cáo cả với những người đã nghỉ hưu, chuyển công tác. Thực tế, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng là đấu tranh chống tham nhũng phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật; đấu tranh chống tham nhũng phải quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… những kết quả đạt được của công tác này những năm qua không chỉ tạo được bước đột phá mà còn góp phần từng bước hình thành cơ chế răn đe để mỗi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”. Nhiều cán bộ, đảng viên đã từng giữ những cương vị, chức vụ trọng yếu trong bộ máy ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt trong ngành y tế đã bị xem xét xử lý trước pháp luật về những sai phạm của họ. Nhiều người đã nghỉ hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm về những hành vi sai phạm đã thực hiện trong thời kỳ còn đang tại chức.

Thứ ba, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng dành được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng chính là “việc thu hồi tài sản tham nhũng” (Điểm 1, Khoản 1, Điều 17 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018). Với Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 (Chỉ thị 04) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là lần đầu tiên có một văn bản của Đảng chuyên về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng quyền hơn nữa cho thanh tra viên, kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội… Chỉ thị 04 coi thu hồi tài sản là “nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng”. Đó là một tư tưởng xuyên suốt và được coi trọng trong thời gian gần đây. Chỉ thị này thể hiện một cách mạnh mẽ, rõ ràng như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ làm tốt hơn, thậm chí xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.

Trên thực tế thời gian vừa qua những vụ án do Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo đã cho thấy sự cải thiện rõ nét trong tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng so với thời gian trước đây. Ngoài ra pháp luật phòng chống tham nhũng nói chung và pháp luật hình sự cũng có sự bổ sung quan trọng nhằm thúc đẩy sự tự giác, tự nguyện của chủ thể tham nhũng trong việc nộp lại tài sản tham nhũng, trong đó coi việc “tự giác nộp lại tài sản tham nhũng” là một trong những căn cứ để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự (Khoản 4, Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng 2018), hay cho phép “Chuyển hình phạt” đối với những người bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã tự giác nộp lại ít nhất ¾ giá trị tài sản tham ô, nhận hối lộ (Điểm c, Khoản 3 Điều 40 Bô  luật Hình sự 2015, sđ, bs 2017).

Phòng chống tham nhũng là quá trình đấu tranh lâu dài không “ngừng”, không “nghỉ”, gắn với việc thực thi các chủ trương, chính sách của  Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhìn lại thời gian qua, trong bối cảnh rất mới của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm phòng chống dịch bệnh thì công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng, đã  tạo ra những bước tiến mạnh mẽ, đột phá,  đạt được nhiều kết quá đáng ghi nhận. Công tác  phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà nươc  ta  triển khai thực hiện  quyết liệt, quyết tâm chính trị cao hơn,  trở  thành xu thế  “không có vùng cấm,  không có  ngoại kệ”,  thực  hiện đồng bộ các biện pháp  về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và  hình  sự.

TS. Nguyễn Thị Lê Thu (Học viện Hành chính Quốc gia)


Tài liệu tham khảo:

- Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng 2020

- Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng 2021

- Chính phủ, Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2021

- Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 (Chỉ thị 04) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

- Quốc Hội, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 số 36/2018/QH14 ngày 19/11/2018.

- Quốc Hội, Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 (sđ, bs 2017) ngày 27/11/2012 (sđ, bs 2017)

 

Bạn đang đọc bài viết "Thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin