(Pháp lý) - Nghiên cứu các vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị khởi tố gần đây, đặc biệt là các vụ án xảy ra tại TP.HCM và xảy ra tại UBND TP. Hà Nội, cho thấy mức độ liều lĩnh, bất chấp pháp luật , tha hóa quyền lực của nhiều quan chức biến chất.
Đó đều là những quan chức có thẩm quyền quyết định trong việc đấu thầu, chỉ định thầu, quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi cổ phần DNNN… Chúng cấu kết, bắt tay nhau thành nhóm, “phối hợp” công - tư, tạo thành những liên minh quan chức bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau “ xà xẻo” đất công, “ rút ruột” ngân sách … gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
Và đặc biệt “bóng dáng” tham nhũng rất rõ trong các vụ án “ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị khởi tố vừa qua…
Không cho đấu giá, tiếp tay tư nhân thâu tóm đất công với giá rẻ: nhiều quan chức ở TPHCM đã bị bắt.
Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui thời gian gần đây đều cho thấy điểm chung là có quan chức tiếp tay. Các phi vụ thâu tóm đất công sẽ không thể thực hiện, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ, lãnh đạo, thông qua những “bút phê” chủ trương, quyết định phê duyệt…
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) là một trong rất nhiều trường hợp.
Trong giai đoạn 2016 – 2017, Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty CP Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Trớ trêu là mức giá mà Sagri chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng Công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2). Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng Công ty Phong Phú là 72%.
Sagri chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty CP Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường.
Ngày 11/7/2020, ông Trần Vĩnh Tuyến và cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, sau một năm điều tra ông Lê Tấn Hùng (57 tuổi, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri) và đồng phạm về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.
Ông Tuyến bị cho là đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, Quận 9 cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Quyết định này được ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Trần Trọng Tuấn ký.
Cũng trong giai đoạn này, Công ty CP Lâm Nghiệp Sài Gòn – Forimex (Forimex là Công ty thành viên của Sagri với tỷ lệ vốn góp trên 26%) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2. Chưa kể, khu đất này được Sở Tài nguyên – Môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản “… không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba…”.
Một thương vụ hợp tác đầu tư bất thường khác của Sagri có liên quan đến Tập đoàn Trung Thuỷ. Hai bên đã thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.
Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty. Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.
Thanh tra TP. HCM xác định hợp tác đó trái pháp luật vì Công ty Bò sữa TP.HCM đã giao đất cho Công ty Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận giao đất của UBND TP.HCM; đồng thời khu đất 650ha này do Công ty Bò sữa thuê đất hàng năm nhưng Sagri đã sử dụng mặt bằng khu đất làm vốn góp là vi phạm quy định tại Điều 175 Luật Đất đai.
Sagri cũng ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Agri để thực hiện ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Sagri được xác định đã bàn giao 140 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại TP.HCM. Đơn cử như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thuỷ như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận… để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại Tp.HCM.
Trong phi vụ gần 5.000 m2 “đất vàng” ở số 8 – 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) từ tài sản nhà nước “rơi” vào tay tư nhân thể hiện rất rõ nhóm lợi ích với sự “tiếp tay” của cá nhân quan chức.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6/4/2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm Giám đốc. Đến ngày 6/8/2010 (4 tháng sau thành lập), Công ty này đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án tại số 8 – 12 Lê Duẩn. 5 ngày sau đó, Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM và “nhanh không tưởng”, đến ngày 17/8/2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký chấp thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 30% vốn góp trong tổng 50% vốn góp mà Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu “đất vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá QSDĐ theo quy định ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng (tạm tính giá trên 400 triệu đồng/m2). Trong khi đó, 4 đơn vị được thuê “đất vàng” trước đó là Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP, Công ty CP kim khí TP, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco (đều thuộc Bộ Công thương), với chiêu bài “góp vốn bằng đất” và sau đó “đi đêm” với đối tác tư nhân, thì giá trị cả khu đất được định đoạt chỉ 200 tỉ đồng.
Liên quan khu đất này, tháng 12/2018, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (Bí thư Quận ủy Q.2, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở TN-MT TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) và Trương Văn Út (Phó Trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP.HCM) bị Bộ Công an khởi tố cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Và một số bị can là chủ các DN…
Chi hàng trăm tỉ ngân sách mua hàng không cần đấu thầu tại UBND TP Hà Nội
Ngày 20/8/2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Hành vi của ông Hùng được cho là có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH thương mại dịch vụ ARKTIC được thành lập ngày 2/11/2015, trụ sở chính tại 12 Đặng Tiến Đông, P.Trung Liệt, Q.Đống Đa. Địa chỉ này cũng là nơi tọa lạc của siêu thị Minh Hoa, thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa và ông Nguyễn Đức Hạnh, đăng ký thường trú số 88 Trung Liệt, P.Trung Liệt (trùng với địa chỉ nhà ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội).
Ngày 22/8/2016, tại trụ sở UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND T.P Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với 2 Công ty là Watch Water và Nordic Water về xử lý ô nhiễm nước hồ và cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.Hà Nội. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng; Lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ; Văn phòng UBND Thành phố; Lãnh đạo Công ty Watch Water, Công ty Nordic Water; Lãnh đạo các đơn vị: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, CTCP nước sạch số 2, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, CTCP quốc tế Sơn Hà. Đáng chú ý, trong cuộc họp này, ông Chung đã chỉ đạo phải xử lý ô nhiễm bằng chất RedOxy-3C và mua độc quyền, không đấu thầu.
Do hóa chất này chưa từng sử dụng ở Việt Nam nên trong kết luận, ông Chung đã giao việc lập hồ sơ xin cấp phép sử dụng chế phẩm cho chính các cơ quan chức năng của Thành phố. Sau khi có kết luận chỉ đạo, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBNDTP đã ký ban hành Quyết định số 4847/QĐ-UBND ngày 5/9/2016 về việc thành lập tổ công tác “Theo dõi các hoạt động và kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu bằng chế phẩm RedOxy-3C”.
Tổ công tác có sự tham gia của cán bộ trong lĩnh vực cấp thoát nước và các sở có liên quan như ông Võ Tiến Hùng và Trần Trọng Văn -Tổng và Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội làm tổ trưởng, tổ phó; Ông Lê Hồng Quân -Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng), ông Nguyễn Phương Nhung – Phó phòng Giao thông đô thị (Sở Tài chính), bà Lê Thanh Hiếu – Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cùng nhiều người khác làm tổ viên
Sau khi có chỉ đạo phải đàm phán để mua độc quyền RedOxy-3C không cần đấu thầu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngày 15/8/2016, Công ty ARKTIC nhập về 3.240kg hóa chất RedOxy-3C; Ngày 29/8/2016 nhập tiếp 16.200kg, giá nhập khẩu 213.000 đồng/kg. Sau 2 lần nhập khẩu, ngày 23/9/2016, Công ty ARKTIC ký độc quyền phân phối chất RedOxy-3C với Công ty Watch Water tại Việt Nam (nhập gần 20 tấn rồi mới ký hợp đồng độc quyền).
Ký độc quyền xong, 3 ngày sau, ngày 26/9/2016, Công ty ARKTIC báo giá chất RedOxy-3C cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội là 372.900 đồng/kg. Dù ngày 23/9/2016 Công ty ARKTIC mới được ký độc quyền, và ngày 26/9/2016 mới báo giá cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, nhưng trước đó Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội vẫn làm Công văn 1265/CV-TNHH ngày 22/9/2016 để mua hóa chất. Công văn do Phó tổng giám đốc Trần Trọng Văn ký nêu rõ giá chưa VAT là 326.000 đồng/kg (thực tế sau đó ARKTIC báo giá cao hơn, vì thời điểm này ARKTIC vẫn chưa ký hợp đồng với đối tác bên Đức, cũng chưa làm báo giá)
Dù vậy, đến ngày 30/9/2016, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vẫn chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng thực hiện mua hóa chất tại số 12 Đặng Tiến Đông theo đề nghị của cấp dưới.
Đến thời điểm mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua hàng theo kiểu độc quyền, Công ty ARKTIC chỉ mới được 9 tháng tuổi và chưa có kinh nghiệm gì về xử lý ô nhiễm. Thậm chí, các chỉ đạo sau đó đều là thực hiện trước rồi doanh nghiệp này mới thực hiện sau. Như vậy, Công ty ARKTIC chỉ sau vài tháng thành lập đã chiếm trọn vị trí độc quyền trong lĩnh vực xử lý nước ở thủ đô Hà Nội.
Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi: có sự ưu ái đặc biệt nào với doanh nghiệp thân hữu hay không ?. Bởi, được biết Công ty ARKTIC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 2/11/2015, địa chỉ số 12 Đặng Tiến Đông, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội có các thành viên góp vốn gồm: Ông Đào Xuân Tấn và ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội).
Được biết, sau khi được ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, cho phép ứng dụng sản phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội, ngày 10-8-2016 Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá 326.000 đồng/kg (vận chuyển theo đường hàng không).
Giai đoạn 2016-2019, TP Hà Nội đồng ý cho Công ty Thoát nước Hà Nội mua hơn 400 tấn hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ trên địa bàn.
Chi phí mua hóa chất khoảng 137 tỉ đồng. Công ty Thoát nước Hà Nội đã sử dụng lượng hóa chất này để xử lý ô nhiễm nước tại 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành.
Một động thái “ đổi chủ” công ty cũng khiến dư luận nghi ngờ là tháng 6/2016, ông Đào Xuân Tấn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho ông Nguyễn Trường Giang và ngày 23/7/2016, ông Nguyễn Đức Hạnh ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại Công ty Arktic cho ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng. Ngày 26/7/2016, Công ty Arktic đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (lần thứ ba) với 2 thành viên góp vốn là: Ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.
Kết mở
Trước thực tế ngày càng phát lộ nhiều vụ sai phạm khủng có sự tiếp tay từ quan chức, vấn đề đặt ra là phải cấp thiết ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những quan chức có quyền quyết định trong chi tiêu ngân sách, quản lý đất đai công sản. Đồng thời cấp thiết bịt các lỗ hổng của pháp luật đất đai, pháp luật chi tiêu mua sắm công và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan.
Song song với đó, kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra cho được có hay không hành vi tham nhũng nhận hối lộ của các quan chức có liên quan trong các vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” . Từ đó phải trừng trị một cách thích đáng đối với các quan chức sai phạm, tịch thu tài sản, nhằm răn đe những kẻ đang có tư tưởng, có ý định tham nhũng. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chấm dứt được tình trạng quan chức và DN cấu kết với nhau “ rút ruột” tài sản của nhà nước, nhân dân.
Văn Chiến- Bùi Lộc