Tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý về Tín dụng và Đấu thầu để giúp kinh tế tư nhân phát triển…

(Pháp lý) – Đợt 2 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 34 dự án Luật sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trước kỷ nguyên hội nhập. Trong số 34 dự án Luật sửa đổi chuẩn bị được Quốc hội xem xét thông qua có Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và Luật Đấu thầu 2023. Bài viết sau tác giả nhận diện một số bất cập, điểm nghẽn cần tháo gỡ của 2 đạo luật trên.
1-1749523865.jpg

Các TCTD cần linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay để giúp KTTN lớn mạnh

Khối tư nhân vẫn trúc trắc trong tiếp cận vốn tín dụng

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 đã có nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ giải quyết một số bất cập, nhưng trên thực tế vẫn còn những thách thức khiến khối kinh tế tư nhân (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV, hộ kinh doanh cá thể) gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Dưới đây là một số bất cập chính:

+ Khó vay lớn để thực hiện các dự án đầu tư: Điều 136 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm giới hạn cấp tín dụng. Cụ thể, một ngân hàng có thể cho vay tối đa 10% tổng vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng (Luật 2010 là 15%); và 15% đối với một nhóm khách hàng và người có liên quan (Luật 2010 là 25%). Việc siết chặt giới hạn này nhằm tăng cường an toàn hệ thống, giảm rủi ro tập trung cho các ngân hàng nhưng lại khiến các DNTN và hộ kinh doanh cá thể (HKDCT), đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME), khó tiếp cận được các khoản vay lớn hơn từ một ngân hàng. Nếu SME có nhu cầu vốn cao, họ sẽ phải chia nhỏ khoản vay ra nhiều ngân hàng, gây phức tạp trong quản lý và tăng chi phí giao dịch.

+ Quy định về xử lý nợ xấu vẫn còn thách thức: Luật 2024 đã luật hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, giúp các TCTD có cơ sở pháp lý vững chắc hơn trong việc thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo, được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, Luật hiện hành không đề cập đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD (một quyền quan trọng được cho phép trong Nghị quyết 42). Điều này có thể dẫn đến tình trạng người đi vay không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo, làm kéo dài quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. Trong khi đó quá trình xử lý tài sản đảm bảo sau khi Bản án có hiệu lực vẫn còn phức tạp và kéo dài, gây tốn kém. Điều này làm tăng rủi ro cho vay và khiến ngân hàng “ngại” khi cho vay các đối tượng có khả năng gặp rủi ro cao là DNTN và HKDCT

+ Vấn đề tài sản đảm bảo và phương án kinh doanh: (i) Dù Luật TCTD không trực tiếp quy định về tài sản đảm bảo, nhưng các TCTD vẫn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn riêng của mình. Hầu hết các TCTD đều yêu cầu tài sản đảm bảo có giá trị cao, dễ thanh khoản. Đây là một điểm yếu cố hữu của DNNVV và HKDCT, do họ thường không có đủ tài sản có giá trị lớn để thế chấp; (ii) Luật TCTD tập trung vào việc quản lý hoạt động của TCTD và hệ thống, không đi sâu vào các tiêu chí thẩm định phương án kinh doanh của khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, các TCTD yêu cầu DNTN và HKDCT phải có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch về dòng tiền và khả năng trả nợ. Với quy mô nhỏ, thường xuyên biến động, nhiều DNTN và HKDCT khó xây dựng được phương án kinh doanh đủ thuyết phục.

Vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu khó đẩy lùi vì những kẽ hở trong các điều luật…

Mặc dù Luật Đấu thầu đã được sửa đổi và bổ sung liên tục (Luật số 22/2023/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2023 là Luật Đấu thầu hiện hành, thay thế cho Luật số 43/2013/QH13; gần đây nhất Luật 57 (một luật sửa 4 Luật, có hiệu lực 15/01/2025) đã sửa đổi, bổ sung một số điều luật). Song từ thực tế cho thấy vẫn còn những điều khoản bộc lộ kẽ hở và thiếu chặt chẽ dẫn tới chưa đẩy lùi được vấn nạn “quân xanh quân đỏ”, khiến cho các nhà đầu tư chân chính bị hất ra ngoài, nhất là các nhà đầu tư nhỏ. Dưới đây là những điều luật hoặc nhóm quy định dễ bị lạm dụng nhất:

+ Các quy định về tiêu chí cụ thể: Tại điểm c khoản 1 Điều 44 quy định về nội dung hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chí đánh giá rất cụ thể nhưng việc cụ thể hóa này lại là kẽ hở. Bên mời thầu có thể đưa ra các tiêu chí về kinh nghiệm, năng lực mang tính “đo ni đóng giày” cho một nhà thầu cụ thể. Chẳng hạn, yêu cầu “đã từng thi công công trình đường bê tông nhựa cấp I, chiều dài trên 10 km, tại khu vực miền Trung, sử dụng công nghệ X”, thay vì chỉ yêu cầu chung về loại công trình và quy mô tương đương. Điều này loại bỏ các nhà thầu có năng lực tốt nhưng kinh nghiệm không “khớp” hoàn toàn. Hoặc yêu cầu về tiêu chí chứng chỉ, kinh nghiệm của các vị trí chủ chốt quá cao, hoặc quá chuyên biệt mà chỉ một số ít cá nhân có thể đáp ứng (được biết trước là thuộc nhà thầu “quân đỏ”).

2-1749523874.jpg

Vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” khó đẩy lùi vì những kẽ hở trong các điều luật …

Hay đối với yêu cầu về tiêu chí tài chính (tổng doanh thu, tài sản cố định…), bên mời thầu có quyền đặt ra ngưỡng quá cao có thể loại bỏ các SME có năng lực thực hiện gói thầu nhưng không có tiềm lực tài chính khổng lồ. Ví dụ: Yêu cầu doanh thu bình quân hàng năm phải gấp 3-5 lần giá trị gói thầu, hoặc yêu cầu tài sản ròng quá cao, trong khi gói thầu không quá phức tạp hoặc có giá trị lớn đến mức đó. Trong khi đó các nhà thầu “quân xanh” (mặc dù có thể có năng lực thực sự) vẫn cố tình không đáp ứng các tiêu chí trên hoặc đưa ra thông tin không đầy đủ để bị loại, tạo điều kiện cho nhà thầu “quân đỏ” trở thành nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu. Theo đó làm vô hiệu hóa quy định về ưu đãi đối với nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và đối với nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (quy định tại điểm e, g khoản 1 Điều 10).

+ Quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu: Tại điểm khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2023; điểm b khoản 4 Điều 4 Luật 57 (về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu) quy định nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (i) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập; (ii) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau; (iii) Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế… Để đối phó, các nhóm “quân xanh quân đỏ” thường tìm cách lách quy định này thông qua các mối quan hệ “ẩn”, như: Sử dụng các công ty “bình phong” hoặc người thân đứng tên để che giấu mối quan hệ sở hữu; thành lập các công ty con, công ty cháu với nhiều lớp sở hữu chéo, gây khó khăn cho việc truy vết; hoặc thông đồng ngầm mà không để lại bất kỳ dấu vết sở hữu nào trên giấy tờ.

+ Rất khó chứng minh hành vi thông thầu: Tại Điều 16 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu, đặc biệt là hành vi “thông thầu” (khoản 3). Mặc dù tại điều luật này đã định nghĩa rõ các hành vi thông thầu (như: dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu; dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa/dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh…). Tuy nhiên theo các chuyên gia luật, việc chứng minh hành vi thông thầu là cực kỳ khó khăn.

“Quân xanh” cố tình không đáp ứng các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm đã được “thiết kế” sẵn trong HSMT để đảm bảo “quân đỏ” là nhà thầu duy nhất đáp ứng, hoặc là nhà thầu có lợi thế tuyệt đối để trúng thầu. Việc chứng minh hành vi thông thầu thông qua các tiêu chí năng lực, kinh nghiệm là cực kỳ khó khăn do thiếu bằng chứng trực tiếp về sự thông đồng. Bỡi các bên thường thỏa thuận ngầm, không có văn bản hay bằng chứng cụ thể. Việc kiểm tra, xác minh các mối quan hệ giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu và cán bộ mời thầu, hay việc phân tích dữ liệu đấu thầu để phát hiện dấu hiệu thông thầu vẫn còn hạn chế.

Đề xuất giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý về tín dụng và đấu thầu

Để KTTN có thể tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng và tham gia các dự án đầu tư cạnh tranh trong kỷ nguyên hội nhập, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp tư nhân, theo chúng tôi cần có những giải pháp đồng bộ từ cả phía nhà nước các cấp và các tổ chức tín dụng. Muốn vậy phải tháo gỡ các điểm nghẽn của 2 dự Luật như đã phân tích ở trên.

1. Quy định về linh hoạt trong giới hạn cấp tín dụng và điều kiện cho vay…

Việc siết chặt giới hạn cấp tín dụng có mặt tích cực là giúp phân tán rủi ro cho ngân hàng, tránh tình trạng tập trung quá nhiều vốn vào một khách hàng hoặc một dự án, tăng cường an toàn hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc, lại gây ra những hạn chế lớn, đặc biệt đối với kinh tế tư nhân. Vì vậy Luật Các TCTD sửa đổi nên chăng:

+ Cần linh hoạt trong giới hạn cấp tín dụng: Có thể quy định một tỷ lệ cao hơn cho vay đối với SME và hộ kinh doanh (ví dụ, duy trì mức 15% đối với một khách hàng và 25% đối với khách hàng và người có liên quan) hoặc cho phép các tổ chức tín dụng có các quy định nội bộ linh hoạt hơn trong giới hạn này, dựa trên đánh giá rủi ro chặt chẽ. Theo đó để đảm bảo cân bằng giữa an toàn hệ thống và nhu cầu tiếp cận vốn, cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về việc phân loại rủi ro và áp dụng giới hạn cấp tín dụng theo từng nhóm khách hàng (trong đó có SME và hộ kinh doanh).

+ Hướng dẫn rõ điều kiện cấp tín dụng và tài sản đảm bảo: Điều 123 và 124 Luật 2024 vẫn đặt nặng các quy định chung về điều kiện cấp tín dụng (khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, phương án sản xuất kinh doanh khả thi). Mặc dù không cấm các hình thức cho vay phi truyền thống, nhưng với sự thận trọng của ngân hàng, SME và hộ kinh doanh thường khó đáp ứng yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó các văn bản dưới luật cần hướng dẫn chi tiết hơn về việc chấp nhận các loại tài sản đảm bảo khác ngoài bất động sản truyền thống, như tài sản hình thành từ vốn vay, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng (các khoản phải thu, hợp đồng mua bán), máy móc, thiết bị, hàng tồn kho…

+ Khuyến khích cho vay không tài sản đảm bảo (dựa trên uy tín, dòng tiền): Bổ sung quy định hoặc hướng dẫn khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển sản phẩm cho vay dựa trên uy tín, dòng tiền của SME và hộ kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lịch sử tín dụng tốt trên CIC, thay vì chỉ dựa vào tài sản đảm bảo. Điều này có thể đi kèm với các quy định về trích lập dự phòng rủi ro phù hợp. Đồng thời thúc đẩy vai trò của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho SME, đưa ra các quy định cụ thể hơn về cơ chế bảo lãnh, tỷ lệ bảo lãnh, thủ tục và trách nhiệm của các bên liên quan để tăng tính hiệu quả của cơ chế này.

2. Vô hiệu hóa “quân xanh, quân đỏ” từ quy định “dấu hiệu nhận biết”…

Tình trạng “quân xanh quân đỏ” trong đấu thầu gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước và lãng phí nguồn lực; làm méo mó thị trường và suy giảm cạnh tranh; ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội và niềm tin của người dân… Vì vậy việc hoàn thiện pháp luật về đấu thầu để phòng chống và xử lý nghiêm minh hành vi “quân xanh, quân đỏ” là vô cùng cấp thiết để đảm bảo một môi trường đấu thầu minh bạch, công bằng và hiệu quả.

+ Ngăn chặn mối quan hệ “liên kết” giữa các nhà thầu: Để ngăn chặn “quân xanh, quân đỏ”, Luật 57 đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 3 Luật 2023 theo hướng nhấn mạnh tỷ lệ sở hữu vốn góp trên 20% là một cơ chế quan trọng để xác định mối quan hệ “liên kết” giữa các nhà thầu, dễ dẫn đến tình trạng “quân xanh quân đỏ”. Bằng cách này, Luật sửa đổi 2024 đã cố gắng ngăn chặn các công ty có chung chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn cùng tham gia dự thầu một gói thầu để tạo ra sự cạnh tranh giả mạo. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm ngoại lệ “trừ trường hợp quy định tại khoản 4a Điều này”, cần được làm rõ thật chi tiết trong văn bản dưới Luật để đảm bảo không có lỗ hổng cho các hành vi gian lận.

 

3-1749523874.jpg

Đấu thầu qua mạng được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp hạn chế đáng kể tình trạng “quân xanh, quân đỏ” và các tiêu cực trong đấu thầu

+ Hướng dẫn chi tiết các nhóm“dấu hiệu nhận biết”: Về hành vi thông thầu, “quân xanh quân đỏ” một cách rõ ràng và khoa học để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và xử lý vi phạm trong đấu thầu. Ví dụ: (i) Về hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất (HSDT/HSĐX), các nhà thầu khác nhau thường đồng nhất bất thường về nội dung, hình thức (trong đó thông tin về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của các nhà thầu có sự trùng lặp hoặc tương đồng đáng ngờ); (ii) Về thông tin giá dự thầu, các nhà thầu “quân xanh” thường rất sát nhau và cao hơn đáng kể so với giá của nhà thầu “quân đỏ”, hoặc cao hơn giá gói thầu/dự toán được duyệt; tỷ lệ chiết khấu, giảm giá không mang tính cạnh tranh thực sự; (iii) Dấu hiệu về “cài thầu”: Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật trong HSMT/HSĐX quá chi tiết, đặc thù, chỉ phù hợp với một hoặc một vài nhà thầu cụ thể; đưa ra các tiêu chí đánh giá không cần thiết, hoặc làm khó các nhà thầu khác; thay đổi tiêu chí đánh giá trong quá trình làm rõ hồ sơ hoặc trong quá trình đánh giá…

Việc có các văn bản hướng dẫn chi tiết như trên sẽ là “kim chỉ nam” quan trọng giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan quản lý và thanh tra, kiểm tra có đủ cơ sở pháp lý và công cụ nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả hơn với tình trạng “quân xanh quân đỏ”, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đấu thầu ở Việt Nam.

+ Tăng cường biện pháp chế tài đủ sức răn đe: Cùng với thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các gói thầu, đặc biệt là các gói thầu có dấu hiệu bất thường; công khai các trường hợp vi phạm, công bố danh sách các nhà thầu, cá nhân bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, để ngăn chặn triệt để tình trạng “quân xanh quân đỏ”, cần phải: (i) Mở rộng phạm vi và tăng nặng mức độ cấm tham gia đấu thầu (Ví dụ: đối với hành vi thông thầu, gian lận, cần quy định thời gian cấm tham gia đấu thầu trên toàn quốc tối thiểu 3-5 năm, hoặc thậm chí vĩnh viễn đối với các trường hợp tái phạm hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng);

(ii) Nếu chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc cán bộ liên quan có hành vi bao che, tiếp tay cho “quân xanh quân đỏ”, hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến việc thông thầu, cần có chế tài hành chính và kỷ luật nặng hơn, bao gồm đình chỉ công tác, cách chức, hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của các bên liên quan (nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu) khi hành vi thông thầu gây ra tổn thất; (iii) Đơn giản hóa các dấu hiệu cấu thành tội phạm, tạo điều kiện cho cơ quan có chức năng tăng cường xử lý hình sự về hành vi vi phạm trong đấu thầu (đặc biệt là hành vi thông thầu), gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 222 BLHS 2015./.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin