Đó là kết quả của cuộc khảo sát do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện với chủ đề: "Người dân và tham nhũng: Châu Á - Thái Bình Dương - một trong những khu vực có chỉ số phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu".
Cuộc khảo sát được thực hiện theo phương thức hỏi trực tiếp hoặc thông qua điện thoại trong khoảng thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 1-2017.
"Theo bạn, trong năm qua, mức độ tham nhũng ở quốc gia này tăng, giảm hay vẫn giữ nguyên?". Đây là một trong những câu hỏi mà TI đã khảo sát đối với khoảng 22.000 người.
Chỉ 14% cho rằng, tham nhũng tại Thái Lan gia tăng trong thời gian qua. Trong khi đó, chỉ số này tại Myanmar là 22%, Campuchia là 35%, Hồng Kông 46%, Việt Nam 56%, Malaysia 59%, Indonesia 65% và Trung Quốc 73%.
Kết luận chung được rút ra từ cuộc khảo sát là Chính phủ các quốc gia châu Á với những tuyên bố lớn về việc chấm dứt tham nhũng, nhưng cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả thực tế còn thấp.
“Nhiều Chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương đã thất bại trong việc ngăn chặn tham nhũng; 900 triệu người dân đang phải chi trả các khoản hối lộ", TI tuyên bố.
Theo cuộc thăm dò mới đây của TI, khoảng 900 triệu người - tức là hơn 1/4 số người đang sinh sống tại 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả một số nền kinh tế lớn nhất khu vực, được ước tính phải trả một khoản tiền hối lộ để tiếp cận các dịch vụ công.
“Những kết quả này cho thấy, các nhà lập pháp trong khu vực cần phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người tố cáo. Chính phủ các nước phải giữ lời hứa chống tham nhũng, bao gồm những cam kết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững...”.
“Chính phủ các nước phải hành động nhiều hơn nữa. Đã đến lúc dừng lại các cuộc nói chuyện và phải hành động. Hàng triệu người đang buộc phải trả tiền hối lộ cho các dịch vụ công và người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất", ông Jose Ugaz, Chủ tịch TI nói.
38% người thuộc nhóm nghèo nhất tham gia khảo sát cho biết họ phải trả hối lộ, đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nhóm thu nhập.
“Pháp luật không được thực thi, tội phạm tham nhũng phát triển. Hối lộ không phải tội nhỏ, nó đã lấy đi thức ăn, ngăn cản giáo dục, gây trở ngại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, và cuối cùng nó có thể giết chết người ta", ông Ugaz cảnh báo.
Một điều nhức nhối, cảnh sát là đơn vị đứng đầu danh sách các dịch vụ công thường đòi hối lộ. Khoảng 1/3 số người đã tiếp xúc với cảnh sát trong 12 tháng qua nói rằng phải trả hối lộ.
Mọi người cho rằng điều quan trọng nhất để ngăn chặn tham nhũng là tố cáo hoặc từ chối đưa hối lộ. Nhưng hơn 1/5 số người tham gia khảo sát cho biết, họ cảm thấy bất lực trong việc giúp chống tham nhũng.
Báo cáo của TI được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi nhiều Chính phủ trong khu vực đang chuẩn bị các chương trình nghị sự để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). SDGs đặt ra các ưu tiên phát triển đến năm 2030, trong đó bao gồm giảm tham nhũng và hối lộ dưới tất cả mọi hình thức.
TI khuyến cáo: Chính phủ các nước phải kết hợp các mục tiêu chống tham nhũng vào trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: Đói, nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng giới và hành động về khí hậu, xây dựng các cơ chế để giảm các nguy cơ tham nhũng.
Các cơ quan lập pháp thông qua và thi hành luật pháp một cách toàn diện để bảo vệ người tố cáo, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, bao gồm các quy định được xây dựng bởi TI.
Các nhà chức trách cần ngăn chặn và xử phạt việc đưa/nhận hối lộ để chấm dứt sự trù dập liên quan đến hối lộ.
Các cơ quan chống tham nhũng cùng tham gia và khuyến khích đông đảo công dân - những người sẵn sàng từ chối đưa hối lộ và tố cáo tham nhũng.
Theo Báo Thanh tra