Tết độc lập nơi cực Bắc

03/09/2018 08:26

Cứ mỗi dịp 2/9 hàng năm, người dân từ khắp các bản làng xa xôi của huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang lại nô nức kéo nhau về thôn Pắc Mìa, thị trấn Yên Phú để chung vui ngày Tết độc lập.

Những trang sử hào hùng

Bắc Mê là một huyện miền núi, nằm ở phía Đông Nam, cách thành phố Hà Giang gần 60 cây số. Đây là vùng đất có nhiều sông suối và nguồn tài nguyên phong phú cùng một không gian sơn thủy hữu tình. Ngoài ra, đây còn là huyện có truyền thống cách mạng với những trang sử hào hùng. Vào khoảng thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, Pháp đã cho xây dựng Căng Bắc Mê (trên núi Rồng, bản Đồn Điền, xã Yên Cường) giữa chốn sơn cùng thủy tận để làm trại binh và sau chuyển thành nhà tù, giam giữ hơn 300 chiến sĩ cộng sản, trong đó có các đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Hữu Nam, Lê Giản, Đặng Việt Châu...

Với tinh thần nồng nàn yêu nước, cùng ý chí kiên cường, bất khuất, các chiến sĩ cách mạng ở Căng Bắc Mê đã bền bỉ tranh đấu, biến nhà tù thành trường học chính trị. Chính nơi đây, Chi bộ Đảng đã ra đời, trở thành nơi giáo dục, giác ngộ cách mạng trong tù. Các tù nhân đã truyền tai nhau lý tưởng cộng sản, tiếp cho nhau sức mạnh và tình thương, tạo động lực để cố gắng vươn lên vì một ngày mai tươi sáng cho quê hương. Ghi nhận các giá trị và ý nghĩa của nhà tù Cộng sản Bắc Mê, năm 1992, Căng Bắc Mê đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.

Không có những thửa ruộng bậc thang ngàn bậc như Hoàng Su Phì, không có những phiên chợ rực rỡ sắc màu như ở Mèo Vạc, không có những cánh đồng đá tai mèo ngút ngàn như cao nguyên Đồng Văn, nhưng Bắc Mê vẫn hút hồn du khách bởi những cảnh đẹp quyến rũ, mê hồn của đất và người, của những dấu tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc bản địa. Và khi nhắc đến vùng đất nằm ven bờ sông Gâm này, người ta không thể không nhắc tới ngày hội Tết độc lập ở Pắc Mìa (thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).

 

 Anh Nông Văn Thà: “Thỉnh thoảng vợ chồng tôi còn làm vài chén rượu. Uống để vui, không uống để say”
Anh Nông Văn Thà: “Thỉnh thoảng vợ chồng tôi còn làm vài chén rượu. Uống để vui, không uống để say”)

Trước đây, việc người dân tụ tập vui chơi đón Tết độc lập diễn ra tự phát với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của các dân tộc trong vùng. Nhưng gần đây, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã đưa hoạt động vui Tết độc lập của người dân thành chương trình ngày hội, tổ chức đúng vào ngày mùng 2/9 hàng năm. Ngoài tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, sự đoàn kết các dân tộc, huyện cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi mang đậm bản sắc dân tộc như: chọi dê, tung vòng cổ chai, bắt vịt, ném còn, hát dao duyên... thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.

Xưa kia, đồng bào ở Bắc Mê thường sống du canh du cư trên những ngọn núi cao, địa bàn cư trú trải rộng. Sống phiêu du là vậy nhưng từ mấy chục năm qua, ngày hội vào dịp đầu tháng 9 vẫn không thay đổi. Đến hẹn lại lên, cứ vài tháng trước khi diễn ra ngày hội mừng Tết độc lập, các cô gái tuổi 15-17 đã chuẩn bị những bộ váy áo đẹp nhất, các chàng trai thì luyện những điệu khèn hay nhất. Bây giờ trai biết chơi khèn đã ít đi nhiều nhưng tất cả đều phải thể hiện được một tài lẻ gì đó trước khi nghĩ đến chuyện chiếm được trái tim của cô gái.

Tưng bừng lễ hội

Cũng vì những nét quyến rũ rất riêng biệt ấy mà theo năm tháng, Tết độc lập ở Bắc Mê ngày một thêm đông và trở thành một nét đẹp văn hóa rất riêng biệt. Người ta ăn uống, vui chơi, giao lưu và hò hẹn về ăn Tết Độc lập năm sau. Kể từ năm 2013, khi huyện Bắc Mê phối hợp với các cấp chính quyền đưa các hoạt động trò chơi dân gian như kéo co, tung vòng cổ vịt... cùng với đó kết hợp tổ chức các tiết mục giao lưu văn hóa – văn nghệ nhằm bảo tồn và đưa ngày hội này trở thành điểm nhấn du lịch, để du khách trong và ngoài nước biết đến và tạo thêm sân chơi cho người dân thì sức hút của Tết độc lập Bắc Mê càng lớn. Những năm gần đây, có hàng trăm, hàng nghìn khách du lịch, người dân ở những xã bản lân cận cũng kéo về Pắc Mìa để chung vui.

Nếu như Tết độc lập đối với đồng bào ở Mộc Châu (Sơn La) đã quá quen thuộc, thì ở Bắc Mê vẫn còn khá nguyên sơ. Cụ Nông Thị Hia, một người từng sống qua gần 80 mùa măng, tham dự nhiều cái Tết Độc lập, kể: “Từ bé, tôi đã thấy đồng bào mình kéo nhau về Pắc Mìa, vui chơi, họp chợ mua bán rồi hò hẹn ở đây rồi. Khi tôi lớn lên, mọi chuyện vẫn nguyên như vậy. Mỗi dịp vào hội mừng Tết độc lập, tôi lại thấy rộn ràng. Dù không còn trẻ nữa, nhưng tôi vẫn phải xuống chợ để gặp bạn bè, dù chỉ để uống với nhau vài chén rượu”.

Chuẩn bị váy áo cho ngày hội
Chuẩn bị váy áo cho ngày hội)

Cụ Hia kể, khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến Pắc Mìa phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Đường đông như trẩy hội. Có những chàng trai gần đến nơi thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Họ mang theo cả radio cassette đi tìm bạn, mở băng ghi âm những bài hát mà bạn mình ưa thích, bạn nghe được sẽ tự tìm đến. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, họ lại mở máy, ghi âm tiếng nói, lời ca hoặc điệu khèn của nhau. Họ trao băng ghi âm cho nhau để mỗi khi nhớ bạn lại mở ra nghe giọng nói thân thương.

Trong “rừng người” chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13, 14 tuổi lần đầu được bố mẹ cho tự đi xem hội. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt rửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi đi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Đó là những lệ bộ cần thiết. Ai cũng đẹp, cũng vui. Cánh thanh niên bắt đầu trêu chọc “kéo” nhau, “kéo” tuột cả nùn tóc giả mà các cô gái vẫn tươi cười, bởi hôm nay là ngày hạnh phúc của tuổi trẻ. Những bàn tay nắm tay, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve...

Bản tình ca của núi

Từ sáng 2/9, ánh điện từng nhà người dân huyện Bắc Mê tỏ sớm hơn, từ già đến trẻ háo hức chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, chải lại mái tóc, vấn lại chiếc khăn trên đầu, bọn trẻ hô hào, í ới gọi nhau đi trước, các bà mẹ tranh thủ đổ đầy máng thức ăn cho gia súc... Và cứ thế, từng tốp, từng tốp người dân tại các xã dồn về Pắc Mìa, khắp mọi ngả đường đều rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Dòng người như “Dòng sông hoa” bất tận. Từ em bé miệng còn hơi sữa đến những ông già, bà lão tóc bạc da mồi đều chộn rộn bước chân, niềm vui sáng trên từng khuôn mặt. Họ đến hội để ngắm, để nhìn, để kết giao tình tự. Họ uống rượu, vui vẻ hát ca, tìm bạn cũ, làm quen bạn mới, không phân biệt khoảng cách về địa lý, phong tục, vùng miền, những mối tình giao hảo mãi vượt lên và vươn dài mãi.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9 là nhà tôi đều dậy từ sáng sớm để đi chơi Tết độc lập. Sau khi thăm Khu di tích Lịch sử Căng Bắc Mê, chúng tôi thường tham gia các trò chơi dân gian... Đó cũng là một cách để giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Nhiều khi vui vẻ, vợ chồng tôi còn làm bát thắng cố với vài chén rượu. Uống để vui, không uống để say”, anh Nông Văn Thà ở Phiêng Luông tâm sự.

 

 Điệu khèn mừng Tết độc lập
Điệu khèn mừng Tết độc lập)

Từ nhiều năm nay, trong mỗi dịp lễ hội, người ta được nghe rất nhiều câu chuyện về tình yêu đôi lứa hết sức ly kỳ và cảm động. Từ cái Tết độc lập này, có những người đã nên vợ thành chồng, có những mối tình dang dở, không dẫn đến hôn nhân, nhưng người ta vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Giờ, họ gặp lại nhau, gửi cho nhau lời thăm hỏi động viên trên bước đường đời. Cũng chính vì những dang dở ấy mà người ta thường nghe được những tiếng đàn môi và những lời hát đối đầy da diết và khắc khoải?

Có nhiều người đã lên ông, lên bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày này để đến Pắc Mìa bởi có những câu chuyện tình, dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa trĩu bông mà vẫn chưa nguôi se sắt. Họ đợi mong đến ngày hội, để gặp lại “người xưa”, để hàn huyên chuyện cũ. Thế nên, ở Pắc Mìa, không ít gia đình khi đến chợ thì bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau hết hội thì đợi ở một điểm nào đó rồi cùng về bản, ít khi họ tra vấn nhau xem đã gặp ai, ở đâu và làm gì...

Thế mới thấy được Tết độc lập Pắc Mìa nó gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người vùng cao như thế nào. Lễ hội này, nó giống như “Bản tình ca của núi”, len lỏi, vang vọng qua những nếp nhà sàn thô mộc, từ đời này sang đời khác. Cứ thế, những tiếng khèn, câu hát, những chén rượu mềm môi, bát thắng cố đượm mùi núi rừng như muốn níu chân người. Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Hội tan người vãn, đồng bào rậm rịch rủ nhau về. Những bịn rịn, luyến lưu vẫn còn đượm trong từng ánh mắt, trong từng cái nắm tay thật chặt và trong từng lời ước hẹn. Tất cả tạm chia tay, nhưng những kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè sẽ còn mãi trong tâm hồn mỗi người dân miền sơn cước. Và họ lại hẹn nhau, 2/9 sang năm cùng về thăm Căng Bắc Mê để “ăn” Tết độc lập.

Hơn nữa, với một huyện còn nhiều khó khăn như Bắc Mê, việc tổ chức những hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao để người dân được tham gia tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày Tết độc lập còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao, thiết thực, đó là góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, Nhà nước.

Theo Đức Bảo (congly.vn)

Nguồn bài viết :https://congly.vn/xa-hoi/doi-song/tet-doc-lap-noi-cuc-bac-265182.html

Bạn đang đọc bài viết "Tết độc lập nơi cực Bắc" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin