'Cách ly toàn xã hội' trong 15 ngày và xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid- 19

31/03/2020 16:08

(Pháp lý) - Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nước kêu gọi "Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch". Chính phủ và các bộ ngành đã đồng loạt triển khai loạt biện pháp đồng bộ nhằm chặn đứng nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng, hạn chế ảnh hưởng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

Việt Nam 'cách ly toàn xã hội' trong 15 ngày

Thủ tướng yêu cầu cách ly toàn xã hội trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng chống Covid-19 ban hành sáng nay 31/3, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Các siêu thị tại TP HCM, Hà Nội đã tăng lượng dự trữ gấp đôi, đảm bảo đủ hàng hoá mỗi ngày trong thời gian thực hiện "cách ly toàn xã hội" (trong ảnh: Nhân viên siêu thị Co.Op Mart Hà Đông bổ sung hàng thực phẩm lên kệ trưa ngày 31/3)

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Bộ Y tế được giao báo cáo Thủ tướng các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều ngày 31/3.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Thủ tướng yêu cầu toàn dân tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, cộng đồng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, Thủ tướng giao các bộ Y tế, Công an, TP Hà Nội, TP HCM "thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để.

Hà Nội và TP HCM phải tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại "ổ dịch"; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các "ổ dịch" này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.

Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của công ty Trường Sinh (đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bạch Mai) có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.
Các tỉnh, thành thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.

Với những người đã nhập cảnh từ ngày 8/3 nhưng chưa áp dụng cách ly, các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của họ; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).

Chỉ thị nêu rõ, các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Cũng theo chỉ thị, hoạt động vận chuyển hành khách công cộng "cơ bản dừng"; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, các tỉnh, thành chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân

Bộ Y tế định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện thực hiện quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

"Quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện", chỉ thị nêu rõ.

Đến sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận 204 ca dương tính nCoV, trong đó 55 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại cơ sở y tế. Hà Nội hiện có nhiều ca bệnh nhất cả nước với 86 trường hợp, trong đó 33 ca liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.

Đồng ý công bố dịch Covid - 19 trên cả nước

Trước đó, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là thời điểm có tính chất quyết định cục diện cuộc chiến chống Covid-19, do vậy chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho việc này. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 về việc công bố dịch Covid-19 trên cả nước.
Theo đó, khi Công bố dịch trên phạm vi toàn quốc thì tất cả các biện pháp phòng chống dịch sẽ được áp dụng cho toàn bộ các địa phương trên phạm vi toàn quốc như: Người mắc được khám và điều trị miễn phí; Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng, hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch; Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện, trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế…

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đồng ý công bố dịch  Covid-19 trên toàn quốc.

Nghị quyết về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 29/3/2020, Chính phủ cũng đa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đối tượng áp dụng là người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

Về chi phí khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế: Người Việt Nam thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị.

Đối với cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch sẽ được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch: mức 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly là 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực.

Về chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19, mức 130.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch; mức 80.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.

Nhiều chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp đã bắt đầu đi vào cuộc sống

Bên cạnh những chính sách nghiêm ngặt giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhiều bộ ngành còn thực hiện một loạt chính sách kinh tế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời kỳ dịch Covid-19

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, với 4 loại thuế khác nhau, số tiền giãn, hoãn nộp thuế vào khoảng 80.200 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 27/3, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nghiên cứu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Theo Báo cáo của Ngân hàng nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại, các Ngân hàng thương mại đã xem xét cơ cấu lại 21.753 tỉ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỉ đồng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỉ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.

Xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid- 19

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 30/3 đã ban hành văn bản hướng dẫn xác định tội danh áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (ảnh minh họa)

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly, nếu trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối sẽ bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm).

Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19, nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, nếu trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly (từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly); không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người, theo Điều 295 bộ luật Hình sự (khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm).

Tội danh theo Điều 295 BLHS cũng được áp dụng đối với chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh, khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền.

9 tội danh liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người ; Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội làm nhục người khác; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu ; Tội đầu cơ ; Tội chống người thi hành công vụ Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Cũng theo hướng dẫn của TAND tối cao, người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin thông tin sai sự thật, thông tin liên tục về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 bộ luật Hình sự (khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm).

Trong trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế; người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 bộ luật Hình sự (khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm).

Ngoài ra, văn bản này cũng hướng dẫn TAND các cấp xác định các hành vi liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu khi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch, hoặc đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới…

Đồng thời, tại văn bản này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp. Cụ thể như sau:

Một là, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người…).

Hai là, áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh).

Ba là, ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Nhóm PV ( tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "'Cách ly toàn xã hội' trong 15 ngày và xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid- 19" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin