Sửa Luật và các chính sách xã hội để khắc phục bất cập công tác giám định tư pháp

06/08/2019 06:31

(Pháp lý) - Trong suốt quá trình thực thi Luật Giám định tư pháp 2012 và thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giám định tư pháp”, không thể phủ nhận những tác động tích cực của Luật và Đề án với hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, những bất cập còn tồn tại của công tác này đã khiến dư luận bức xúc, giảm niềm tin vào tư pháp. Thực tế cho thấy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế đó thì ngoài sửa Luật cho phù hợp còn cần sửa đổi cả các chính sách xã hội hợp lý cho ngành này.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc tại Cần Thơ và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp với hoạt động giám định tư pháp
Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc tại Cần Thơ và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp với hoạt động giám định tư pháp)

Chồng chéo về chức năng

Được biết, nhận thấy tầm quan trọng của giám định tư pháp đối với các hoạt động của nền tư pháp, trong năm 2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại một số tỉnh thành trong cả nước. Theo dõi hoạt động giám sát này, có thể thấy rất nhiều tồn tại hạn chế của giám định tư pháp. Tại một cuộc giám sát ở Cần Thơ, báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ Thiều Quang Hùng cho biết trong công tác khám nghiệm tử thi giữa pháp y Sở Y tế và pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Cần Thơ chưa rõ ràng, phụ thuộc cơ quan trưng cầu. “Điều 12 Luật Giám định tư pháp quy định ở cấp tỉnh vừa có trung tâm pháp y, đồng thời cũng quy định Phòng Kỹ thuật hình sự có bác sĩ làm công tác giám định pháp y tử thi. Điều này dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ giữa hai lực lượng này. Từ đó ông Hùng kiến nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham mưu đề xuất Quốc hội “xác định việc pháp y tử thi thuộc ngành y tế hay ngành công an. Đề nghị lực lượng giám định pháp y ở địa phương gộp thành một đầu mối, từ đó tập trung đầu tư phát triển, tránh tình trạng đầu tư tràn lan gây lãng phí con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị...”.

Nhiều quy định về giám định tư pháp quy định các cơ quan giám định phải phối hợp trong hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này chưa được hiệu quả. Ông Hồ Bảy, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm Pháp y và công an có quy chế phối hợp cách nay 5-6 năm nhưng không tới đâu vì phối hợp theo giờ không được, theo lĩnh vực không được, theo khu vực, ngày trực hay quận/huyện cũng không được. Cuối cùng, cơ quan nào trưng cầu ai thì người đó đi thôi”. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh khẳng định chỉ chồng chéo trong lĩnh vực pháp y tử thi nên chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực này hoặc là giao trách nhiệm cho công an hoặc là ngành y tế để tập trung đầu tư.

Hiểu khác nhau về một vấn đề chuyên môn

Ngoài việc chồng chéo về chức năng, hiện ở các cơ quan giám định còn có hiện tượng hiểu khác nhau về một vấn đề chuyên môn. Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ, Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế quy định quy trình giám định pháp y tâm thần, kết luận có hai nội dung về mặt y học và pháp luật. Trong đó, kết luận về mặt pháp luật có ba vấn đề là mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi và có năng lực hành vi mà không nói rõ hành vi ở đây là dân sự hay hình sự.

“Từ đó dẫn tới việc khi nghiên cứu hồ sơ, có kết luận là hạn chế năng lực điều khiển hành vi thì tòa vẫn xử. Ví dụ như tội giết người, sau khi xử sơ thẩm thì có tòa (cấp cao) xử phúc thẩm y án với nhận định hạn chế năng lực hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng có tòa (cấp cao) lại nhận định hạn chế năng lực hành vi này không biết là có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không nên hủy án và nói rằng giám định này chưa rõ, yêu cầu phải giám định lại. Như vậy là cùng một kết luận nhưng có hai cách hiểu khác nhau” - ông Hải nói.

Ông Hải kiến nghị kết luận (giám định pháp y tâm thần) phải nên rõ ràng hơn. Ví dụ, mất năng lực hành vi, ghi thêm, có chịu trách nhiệm hình sự hay không (đối với vụ án hình sự), chịu trách nhiệm dân sự hay không (đối với vụ án dân sự) để dễ hiểu. Đồng thời ông Hải cũng kiến nghị nên bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ trong Thông tư 18/2015 nêu trên. Cụ thể, giải thích mất năng lực hành vi là mất năng lực hành vi gì, hạn chế năng lực hành vi là hạn chế hành vi gì… để người đọc dễ hiểu hơn.

Thiếu nhân lực làm giám định tư pháp…

Tại Hà Nội, công tác giám định tư pháp của thành phố này lại gặp khó khăn do biên chế cán bộ làm công tác giám định còn thiếu. Hiện nay, Hà Nội có 38 giám định viên, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố (32 người) và Trung tâm Pháp y - Sở Y tế (6 người). Các đại biểu của Hà Nội còn cho rằng, điều kiện vật chất, trang thiết bị cho hoạt động này còn khó khăn. Các cơ chế, quy định còn thiếu đối với một số lĩnh vực giám định phức tạp. Việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp chưa được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Thông tin, cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa kịp thời...

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc tại Hà Nội và ghi nhận các ý kiến về hoạt động giám định tư pháp.
Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc tại Hà Nội và ghi nhận các ý kiến về hoạt động giám định tư pháp.)

Trên cơ sở đánh giá toàn diện công tác giám định tư pháp, thành phố Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp theo hướng hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm giám định tư pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu người có trình độ làm công tác giám định tư pháp, nhất là giám định pháp y. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp, thành phố cũng kiến nghị cần quy định nhiệm vụ quản lý cho trực tiếp các bộ, ngành quản lý ở từng lĩnh vực giám định và các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng tốt yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng, vì bản chất hoạt động giám định là hoạt động chuyên môn phục vụ cho hoạt động tố tụng, không nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý chung như hiện nay.

Ở địa phương khác là Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập Trung tâm pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh; giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh có 55 người (17 giám định viên chuyên trách và 38 giám định viên kiêm nhiệm). Ngoài ra, còn có Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung trực thuộc Bộ Y tế (thành lập năm 2015) thực hiện giám định pháp y tâm thần trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).

Tỉnh này đang gặp một số khó khăn như: Đội ngũ giám định viên của tỉnh còn thiếu; một số lĩnh vực như ngân hàng, cổ vật, bản quyền tác giả,… chưa có giám định viên. Việc triển khai thực hiện quy định về thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp trong thực tiễn rất khó thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia có đủ điều kiện và năng lực. Còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.

Tại Đồng Nai, theo thống kê hiện trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức giám định tư pháp công lập gồm: Trung tâm Pháp y tỉnh (thuộc Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) và 1 tổ chức giám định tư pháp vụ việc (Trung tâm giám định chất lượng xây dựng – Sở Xây dựng). Các tổ chức giám định tư pháp công lập trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và củng cố; đội ngũ giám định viên tư pháp ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 114 người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp, trong đó có 93 giám định viên tư pháp đang công tác tại các sở, ngành và 21 giám định viên đã nghỉ hưu và chuyển công tác khác.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, các tổ chức giám định tư pháp đã giám định hơn 17 ngàn vụ việc. Trong đó, giám định pháp y hơn 11 ngàn vụ việc; giám định kỹ thuật hình sự gần 6 ngàn vụ việc, số còn lại là giám định tài chính, xây dựng, ngân hàng văn hóa…Hiện nay, do công tác giám định tư pháp hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: thời gian giám định thường kéo dài, chi phí giám định lớn; áp dụng kết quả giám định nào cho hoạt động tố tụng,… đã gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động điều tra.

Từ những hạn chế đó, tỉnh Đồng Nai cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc biệt để đãi ngộ, tôn vinh người làm công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần; đồng thời có chế độ phụ cấp trách nhiệm cho người làm công tác giám định ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách và khó khăn trong việc xã hội hóa. Bộ Tư pháp sớm sửa đổi, ban hành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chí giám định thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất.

Tháo gỡ khó khăn liên quan đến giám định trong vụ án kinh tế, tham nhũng

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội): Việc hạn chế trong giám định tư pháp làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án kinh tế, tham nhũng, dẫn đến hệ lụy như tài sản bị tẩu tán, bị can bị cáo chết ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vị chuyên gia này cho rằng, quy định pháp luật về giám định chưa hoàn thiện về quy chuẩn, thời hạn thực hiện giám định, trách nhiệm của cơ quan giám định như: lĩnh vực giám định pháp y đến nay chưa có quy chuẩn thật chính xác, thống nhất; tiêu chí đánh giá mức độ, thương tật, tổn hại sức khỏe trong tố tụng hình sự vẫn phải dựa trên quy định của liên Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giám định y khoa; giám định qua hồ sơ, bản ảnh hay phải giám định trực tiếp trên cơ thể nạn nhân mới kết luận được thương tích đang là vấn đề còn tranh luận giữa các cơ quan giám định. Thời gian tiến hành giám định xây dựng, tài chính, ngân hàng, giao thông... thường kéo dài, chi phí giám định lớn, nhiều trường hợp phải tiến hành trưng cầu ở cấp Trung ương gây khó khăn cho việc bảo quản vật chứng và thường cho kết quả chậm. Điều này cần được khắc phục và sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp sửa đổi.

Cần các hướng dẫn chuyên ngành cụ thể tháo gỡ khó khăn trong giám định những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng (ảnh minh họa)
Cần các hướng dẫn chuyên ngành cụ thể tháo gỡ khó khăn trong giám định những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng (ảnh minh họa))

“Là người theo sát tiến trình tố tụng nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, tôi nhận thấy thời gian vừa qua, các cơ quan tố tụng ở Trung ương đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giám định trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế... Liên ngành tư pháp Trung ương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 “Quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng”. Trong đó, quy định về nguyên tắc trưng cầu giám định; những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định; phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định; trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong việc phối hợp về giám định tư pháp phục vụ giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế…”, Luật sư Dũng nêu.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng để hạn chế việc kéo dài vụ án gây hệ lụy xấu và mất niềm tin của dư luận và xã hội, thì theo tôi, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng…, có bản lĩnh nghề nghiệp tiến hành tố tụng các vụ án tham nhũng. Phải có những văn bản dưới Luật hướng dẫn về giám định chuyên ngành khắc phục các vướng mắc trong việc giám định, định giá tài sản trong các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai…

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật và các chính sách xã hội để khắc phục bất cập công tác giám định tư pháp" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin