Quy định về việc xử phạt gian lận trong công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp trong pháp luật các nước, đối chiếu với Việt Nam

23/06/2020 07:52

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ vi phạm pháp luật kế toán và kiểm toán đang ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Việc tăng cường xử phạt cả hành chính và hình sự là một trong những biện pháp quan trọng nhằm răn đe, giảm thiểu các gian lận trong lĩnh vực tài chính, giúp bảo vệ nhà đầu tư và các cá nhân, tổ chức có lợi ích liên quan khác.

Bài viết nghiên cứu quy định về việc xử phạt gian lận trong công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp (DN) trong pháp luật các nước, đối chiếu với Việt Nam.

Từ khóa: Gian lận, công bố thông tin tài chính, kế toán - kiểm toán, xử phạt.

1. Đặt vấn đề

Gian lận trong báo cáo tài chính ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà đầu tư và các biện pháp xử phạt các gian lận này là một trong những cách bảo vệ nhà đầu tư.

Việc nghiên cứu các quy định về xử phạt gian lận trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của văn bản pháp luật các nước có thể giúp Việt Nam có nhiều tham chiếu khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên, từ đó nhằm tăng cường tính răn đe và hiệu quả của các quy định.

2. Quy định về xử phạt gian lận báo cáo tài chính, kế toán - kiểm toán trong pháp luật các nước

2.1. Tại Mỹ

Tại Mỹ, sau các sự kiện gian lận báo cáo tài chính lớn như Eron và WorldCom, các cơ quan quản lý của nước này đã ban hàng Luật Quản trị công ty và thành lập Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB). PCAOB là một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận được thành lập bởi đạo luật Sarbanes - Oxley để giám sát kiểm toán các công ty đại chúng và các tổ chức niêm yết khác nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư và các lợi ích công cộng. PCAOB ban hành các quy định và chuẩn mực cho việc giám sát này. Các quy định và chuẩn mực này phải được Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) chấp thuận.

Ảnh minh hoạ

Đạo luật Sarbanes - Oxley 2002 đã sửa đổi hoặc bổ sung các quy định hiện hành của Mỹ về chứng khoán. Các lĩnh vực chính mà Đạo luật này cải cách và bổ sung gồm: Trách nhiệm của các công ty; gia tăng các hình phạt hình sự; các quy định về kế toán và những quy định mới có tác dụng bảo vệ nhà đầu tư. Trong đó, một trong những điều quan trọng là các công ty cố tình cung cấp các báo cáo tài chính sai lệch có thể sẽ phải chịu án tù. Theo đó, mục 302 của Đạo luật này quy định, lãnh đạo cấp cao của các công ty phải chứng thực bằng văn bản rằng báo cáo tài chính của DN phải tuân thủ các yêu cầu công bố của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Những nhà lãnh đạo công ty ký vào báo cáo tài chính mà họ biết là không chính xác hoặc không tuân thủ các quy định sẽ bị phạt hình sự, bao gồm cả chịu án tù.

Cụ thể, về tội “Phá hủy, thay đổi hoặc làm sai lệch hồ sơ trong các cuộc điều tra liên bang và hồ sơ phá sản” (điều 1519): Bất cứ ai cố ý thay đổi, phá hủy, cắt xén, che giấu, che đậy, làm sai lệch hoặc tạo một mục sai trong bất kỳ bản ghi chép, tài liệu… với mục đích cản trở, ảnh hưởng điều tra hoặc quản lý ở bất kỳ vấn đề nào trong thẩm quyền của bất kỳ bộ phận hoặc cơ quan của Hoa Kỳ, sẽ bị phạt theo quy định hay bị phạt tù không quá 20 năm, hoặc cả hai. Với tội “Phá hủy hồ sơ kiểm toán doanh nghiệp” (điều 1520) sẽ bị phạt tiền theo điều này, bị cầm tù không quá 10 năm, hoặc cả hai. Với những lỗi liên quan đến xác nhận các báo cáo tài chính của các quản lý công ty (điều 1350): Hình phạt tiền không nhiều hơn 1.000.000 USD hoặc bị cầm tù không quá 10 năm, hoặc cả hai. Khi xác nhận bất kỳ tuyên bố nào về việc các báo cáo đã tuân thủ đạo Luật Giao dịch chứng khoán 1934 của Hoa Kỳ, nếu là cố tình thì sẽ không bị phạt hơn 5.000.000 đô la, hoặc bị giam cầm không quá 20 năm, hoặc cả hai.

2.2. Tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, các chế tài xử phạt khá nghiêm khắc với các vụ bê bối liên quan đến công bố thông tin trên báo cáo tài chính, như: Olympus, Toshiba,… Năm 2012, các cựu lãnh đạo của Olympus đã bị bắt khi che giấu các khoản thua lỗ trong quá khứ. Năm 2015, Toshiba phải đối mặt với mức phạt lên đến 3 tỉ USD khi gian lận báo cáo tài chính, tính riêng trong 6 năm từ năm 2008 đến năm 2014, khoảng 1,22 tỷ USD khi khai khống lỗ thành lãi.

Các hình phạt về công bố thông tin sai lệch liên quan đến báo cáo tài chính có thể được tìm thấy trong Luật Kế toán viên công chứng và Luật Doanh nghiệp của nước này. Liên quan đến quy định về kế toán viên công chứng, pháp luật nước này cũng quy định các hình phạt bao gồm cả hình sự với việc công bố thông tin sai sự thật, có thể bị phạt tù và tiền.

Ví dụ, điều 52-3 quy định khi một kế toán viên công chứng đã đưa ra một ý kiến chuyên gia hoặc một tuyên bố sai, sẽ bị phạt tù không dưới 3 tháng và không quá 10 năm. Ngoài ra, các hình phạt về việc các hành vi gây thiệt hại cho một công ty cổ phần cũng được quy định trong Đạo luật doanh nghiệp của nước này.

Điều 960 Luật Doanh nghiệp của Nhật Bản quy định, một người gây thiệt hại cho công ty cổ phần vì lợi ích của mình hoặc bên thứ ba có thể bị phạt tù không quá 10 năm và không quá 10 triệu yên, hoặc cả hai. Các cá nhân này bao gồm: Giám đốc hoặc kiểm toán viên tại công ty hợp nhất; các giám đốc, cố vấn kế toán - kiểm toán viên của công ty hoặc giám đốc điều hành.

2.3. Tại Úc (Australia)

Tại Úc, theo Luật Chứng khoán và Đầu tư Úc (Act 2001) đã thành lập Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (Australian Securities and Investments Commission - ASIC) giữ vai trò giám sát trong việc công bố thông tin. Ủy ban này có quyền hạn khá lớn trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến công bố thông tin. Luật này (Division 7 - Offences) cũng quy định các hình thức xử phạt bằng tiền hoặc giam giữ với các hành vi vi phạm như sau:

Vi phạm các quy định về kiểm tra sổ sách có thể bị phạt 100 đơn vị phạt tiền (1 đơn vị phạt tiền của Australia ở các bang là khác nhau, khoảng hơn 100$) hoặc phạt tù 2 năm, hoặc cả hai.

Vi phạm các quy định về công bố thông tin liên quan đến mua lại và trình bày các sản phẩm tài chính hoặc các quy định của ASIC liên quan đến sản phẩm tài chính có thể bị phạt 50 đơn vị phạt tiền hoặc phạt tù 12 tháng, hoặc cả hai.

Vi phạm các quy định liên quan đến tính tuyên thệ hay lời khẳng định của người bị kiểm tra; tính sẵn có của sổ sách bị kiểm tra; không tuân thủ việc lập hồ sơ kiểm tra; vi phạm việc triệu tập nhân chứng và lấy bằng chứng theo yêu cầu của ASIC - như là xuất hiện tại phiên điều trần khi có yêu cầu của ASIC, đưa lời tuyên thệ hoặc xác nhận tại phiên điều trần, yêu cầu trả lời câu hỏi, tạo tài liệu được chỉ định tại phiên điều trần - có thể bị phạt 10 đơn vị tiền phạt hoặc giam giữ 3 tháng, hoặc cả hai.

Tại Úc, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch hoặc đưa ra tuyên bố gây hiểu nhầm trong một tài liệu cụ thể có thể bị phạt 100 đơn vị tiền phạt hoặc phạt tù 2 năm, hoặc cả hai. Cá nhân, tại phiên điều trần đưa ra bằng chứng sai lệch có thể bị phạt 10 đơn vị tiền phạt hoặc giam giữ 3 tháng, hoặc cả hai. Việc cản trở thực thi các quyền trên, các cá nhân cũng có thể bị phạt 100 đơn vị tiền phạt hoặc phạt tù 2 năm, hoặc cả hai; ngăn trở ASIC hay các thành viên thực hiện bất kỳ chức năng và quyền hạn của ASIC hoặc làm gián đoạn phiên điều trần của ASIC có thể bị phạt 50 đơn vị tiền phạt hoặc phạt tù 1 năm, hoặc cả hai. Hành vi che giấu sổ sách, tài liệu liên quan đến điều tra của ASIC sẽ bị phạt 200 đơn vị tiền phạt hoặc 5 năm tù, hoặc cả hai.

2.4. Tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Luật Hình sự quy định: Trường hợp một công ty công bố cho các cổ đông và công chúng các báo cáo tài chính và báo cáo kế toán sai lệch hoặc báo cáo che giấu sự thật quan trọng dẫn đến gây ra tác hại nghiêm trọng cho lợi ích của cổ đông hoặc người khác thì những người trực tiếp phụ trách và người chịu trách nhiệm trực tiếp về tội đó sẽ bị kết án có thời hạn phạt tù không quá 3 năm hoặc giam giữ hình sự, tuy nhiên có thể chỉ bị phạt từ 20.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ (điều 161). Bên cạnh đó, nếu thành viên của một tổ chức trung gian, có nhiệm vụ gọi vốn, đánh giá, xác minh hoặc xác nhận để làm kế toán hoặc kiểm toán hay để cung cấp hợp pháp dịch vụ, …, cố tình cung cấp giấy tờ làm chứng sai, trong hoàn cảnh nghiêm trọng, họ sẽ bị kết án tù có thời hạn không quá 5 năm hoặc bị giam giữ và bị phạt (điều 229).

Luật này cũng quy định hình phạt cho các lãnh đạo công ty nếu vi phạm trong lĩnh vực kế toán: Bất kỳ thành viên lãnh đạo của một công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức trả thù các kế toán viên hoặc thống kê viên thực hiện chức năng và nhiệm vụ của họ theo luật pháp và chống lại mọi hành vi vi phạm Luật Kế toán hoặc Luật Thống kê, với các trường hợp nghiêm trọng sẽ bị kết án có thời hạn phạt tù không quá 3 năm hoặc giam giữ hình sự (điều 255).

2.5. Tại Pháp

Theo quy định của Luật Thương mại Pháp, tiêu đề IV, Điều khoản hình sự (từ điều 241 đến 248) có quy định rõ hình phạt liên quan đến các công ty trách nhiệm hữu hạn (limited liability companies) (điều 241), công ty đại chúng (public limited companies) (điều 242) - các hình phạt liên quan đến công bố thông tin, quản trị công ty,… Cụ thể, với công ty đại chúng, các vi phạm sau đây liên quan đến lĩnh vực kế toán - kiểm toán có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù: Nếu bất kỳ người nào gian lận khi góp vốn bằng hiện vật định giá cao hơn giá trị của nó thì sẽ bị phạt tù 5 năm và 9.000 euro (điều 242-2); việc chấp nhận hoặc tiếp tục nhiệm vụ của kiểm toán viên không phù hợp với các quy định của pháp luật sẽ bị phạt tù 6 tháng và 9.000 euro (điều 242-5).

Các lỗi như sau sẽ bị phạt nặng hơn gồm 5 năm tù và 375.000 euro (điều 242-6): Nếu chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của một công ty phân chia cổ tức giả trong trường hợp không có hàng tồn kho hoặc gian lận về hàng tồn kho; Nếu chủ tịch hoặc giám đốc điều hành công bố hoặc trình bày cho các cổ đông kết quả sai lệch kết quả hoạt động của năm tài chính, ngay cả khi không có bất kỳ một khoản chia cổ tức nào, nhằm che giấu tình hình thật sự của công ty; Nếu chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của một công ty sử dụng tài sản hoặc các khoản tín dụng của công ty với mục đích xấu theo cách họ biết là trái với lợi ích của doanh nghiệp, vì mục đích cá nhân hoặc lợi ích cho công ty khác mà họ gián tiếp tham gia; Nếu chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của công ty sử dụng quyền hạn mà họ có nhờ sở hữu cổ phần hoặc phiếu bầu theo điều lệ công ty với mục đích xấu, trái với lợi ích công ty, vì mục đích cá nhân. Nếu chủ tịch và giám đốc điều hành công ty không chuẩn bị báo cáo hàng năm sẽ bị phạt 9.000 euro (điều 242-8).

2.6. Tại Đức

Theo Luật Hình sự Đức (The Penal Code) phần 2, chương 30 gian lận về thuế và tội phạm tài chính có quy định cụ thể về các hình phạt trong lĩnh vực thông tin tài chính như sau:

Mục 382, Thông tin của các công ty sai hoặc gây hiểu lầm: Khi cung cấp thông tin sai lệch với việc đánh giá doanh nghiệp trong trường hợp thành lập hoặc mở rộng công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân hoặc nhà nước hoặc trường hợp tiếp nhận một khoản vay cho một công ty như vậy sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù không quá hai năm. Hình phạt này cũng được áp dụng cho các nhân viên tại các công ty trên khi họ đưa ra thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm đáng kể đối với việc đánh giá doanh nghiệp cho các thành viên hoặc chủ nợ của DN đó.

Mục 383, Làm sai lệch hoặc gây hiểu lầm nghiêm trọng về thông tin công ty: Khi vi phạm nghiêm trọng mục 382 sẽ bị phạt tù với thời hạn không quá 6 năm. Để xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mục 382 sẽ dựa vào: Quy mô của hành vi phạm tội, hậu quả, nhóm người nhắm vào, thực hiện trong nhiều lần hay thời gian dài, hành vi được thực hiện bởi nhiều người hay có dấu hiệu thực hiện có hệ thống, người phạm tội có ý định nắm giữ hoặc lạm dụng một vị trí quan trọng.

Mục 384, Sơ suất trong sai lệch thông tin của công ty: Nếu thông tin công ty bị công bố sai lệch một cách sơ suất thì sẽ bị phạt tù không quá 1 năm. Nếu mức độ sơ suất trở nên nghiêm trọng sẽ áp dụng mục 383, có thể phạt tù không quá 2 năm.

Tóm lại, pháp luật các nước quy định cụ thể chặt chẽ các hình thức phạm tội và các hình phạt bao gồm cả phạt tiền và phạt tù liên quan đến việc công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp.

3. Quy định về xử phạt gian lận báo cáo tài chính, kế toán - kiểm toán trong pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Đây là văn bản quy định về các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm các quy định về pháp luật kế toán và kiểm toán. Các hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo và phạt tiền; Hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề từ 03 đến 06 tháng và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn từ 01 đến 12 tháng; Biện pháp khắc phục hậu quả. Theo nghị định này, mức phạt tiền tối đa chỉ có 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Đối với pháp luật kế toán, theo mục 1, “Hành vi vi phạm trong công tác kế toán”, các hành vi có thể bị xử phạt bao gồm: Các vi phạm chung về chữ viết, chữ số, đơn vị tiền tệ, kỳ kế toán, chế độ kế toán; Các sai phạm liên quan đến chứng từ kế toán; sổ kế toán; Tài khoản kế toán; Lập và trình bày báo cáo tài chính; Nộp và công khai báo cáo tài chính; Vi phạm quy định về sao chụp, niêm phong tài liệu kế toán; Vi phạm quy định về kiểm tra kế toán; Vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; Vi phạm quy định về kiểm kê tài sản; Vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán; Vi phạm trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Trong đó, đối với các hành vi sai phạm liên quan đến báo cáo tài chính theo điều 11, bao gồm: Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định; Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định; Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán, trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận; Không lập báo cáo tài chính theo quy định; Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán; Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán; Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, mức xử lý vi phạm hành chính cao nhất là 50 triệu đồng và kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 11 này; Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 11 này.

Về xử lý hình sự liên quan đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán, chủ yếu liên quan đến các tội trốn thuế do: Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoặc giá trị ghi trên hóa đơn thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa dịch vụ đã bán; Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào; Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn,… thì bị phạt từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, theo Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật Hình sự do Văn phòng Quốc hội ban hành. Cũng theo Luật này (điều 221) quy định, tội vi phạm quy định 174 về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng gồm các hành vi: Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định 176 của Luật Kế toán; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm; trên 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Đối với xử phạt liên quan đến công bố thông tin, theo Luật Chứng khoán Việt Nam năm 2006 cũng mới chỉ dừng ở hình thức cảnh cáo, phạt tiền, buộc chấp hành đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin. Thực tế, trình trạng vi phạm liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin vẫn còn nhiều, một phần là do việc xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh và bị chậm. Do đó, tăng cường cách hình thức, mức độ xử lý liên quan đến các sai phạm trong công bố thông tin cũng là một biện pháp để bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc bổ sung các nội dung thông tin cần được công bố và thêm các đối tượng cần công bố sẽ khiến thông tin trở nên minh bạch hơn. Cho nên, Luật Chứng khoán sửa đổi cần tăng mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xử phạt vi phạm lĩnh vực kế toán chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở phạt vi phạm hành chính với các lỗi liên quan đến công bố thông tin trên báo cáo tài chính. Các xử lý hình sự liên quan đến lĩnh vực kế toán chủ yếu tập trung vào tội trốn thuế, giả mạo sổ sách, chứng từ nhằm tham ô, biển thủ tài sản. Vì vậy, nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư cần tăng tính minh bạch của việc công bố thông tin liên quan đến báo cáo tài chính. Các văn bản pháp luật Việt Nam cũng cần tăng cường thêm các hình thức xử phạt nhằm răn đe, ngăn ngừa cũng như khắc phục hậu quả do các sai phạm này gây ra.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-dinh-ve-viec-xu-phat-gian-lan-trong-cong-bo-thong-tin-tai-chinh-cua-cac-doanh-nghiep-trong-phap-luat-cac-nuoc-doi-chieu-voi-viet-nam-72694.htm

Bạn đang đọc bài viết "Quy định về việc xử phạt gian lận trong công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp trong pháp luật các nước, đối chiếu với Việt Nam" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin