Từ “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” đến những cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ, “cởi trói” cho khoa học công nghệ

(Pháp lý) – Để từng bước hiện thực hóa chủ trương về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐSQG được nêu trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo chương trình, ngày 19.2, Quốc hội sẽ thông qua NQ đặc biệt quan trọng này. NQ được Quốc hội thông qua sẽ "cởi trói" cho khoa học công nghệ bằng loạt cơ chế đặc thù như tự chủ, khoán chi, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro...
1-1739872561.jpg

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết 57 – “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”

Xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST và CĐSQG). Theo đó, lần đầu tiên Đảng ta xác định KHCN cùng với ĐMST và CĐS được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.

+ Đổi mới tư duy về khoa học, đột phá về mục tiêu

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST và CĐSQG) là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Đảng lãnh đạo toàn diện. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu “đột phá”: (i) Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; (ii) Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Đây là những mục tiêu rất khó, muốn đạt được đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn.

+ Tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển lên 2% GDP

Để đạt được mục tiêu đột phá, Nghị quyết định hướng đến 2030, kinh phí chi cho R&D đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ đầu tư xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐSQG và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến. Việc tăng đầu tư sẽ tiệm cận với mức đầu tư như các nước phát triển, qua đó tạo động lực cho cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Nhìn lại tình hình đầu tư nhiều năm qua (mặc dù Luật KH&CN năm 2013 và Luật Thuế TNDN năm 2013 quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, trong đó doanh nghiệp nhà nước buộc phải trích tối thiểu 3% thu nhập tính thuế để đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) thông qua quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp), chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ giảm dần và thường dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Nguồn đầu tư của xã hội chủ yếu đến từ đầu tư của các doanh nghiệp, do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.

+ Quản lý đầu tư cho hoạt động R&D theo thông lệ quốc tế

Nghị quyết quy định, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển KHCN ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Hơn 10 năm qua do ảnh hưởng bởi tư duy cũ, các nhà khoa học phải chờ đợi hàng năm mới được cấp kinh phí cho nhiệm vụ đã được đề xuất và được phê duyệt.

2-1739872569.jpg

Nghị quyết 57 xác định: Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Cơ chế quỹ là một thông lệ quốc tế, nghĩa là ngân sách nhà nước tài trợ cho các nhiệm vụ KH&CN (đề tài, đề án, dự án, chương trình KH&CN…) sẽ được phân bổ trực tiếp cho các quỹ phát triển KH&CN theo mức vốn điều lệ và khả năng bố trí nguồn ngân sách hằng năm. Vì vậy với tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách cho hoạt động R&S nói trên, giới khoa học kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ tạo ra sự thay đổi vượt trội về nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

+ Đầu tư nghiên cứu khoa học chấp nhận có rủi ro và độ trễ  

Để có một sản phẩm mới, các nhà khoa học phải trải qua nhiều thí nghiệm, luôn tiềm ẩn khả năng thất bại, ngay cả các nước phát triển thì tỷ lệ các đề tài thành công được áp dụng vào thực tiễn cũng chỉ khoảng 20-30%. Tuy nhiên các nước phát triển vẫn có được các doanh nghiệp kỳ lân là vì họ có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm và văn hóa chấp nhận thất bại trong nghiên cứu. Còn ở Việt Nam, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội lại quan niệm các nhiệm vụ nghiên cứu được nhà nước tài trợ phải thành công 100%, và nếu không thành công sẽ bị coi là lãng phí, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Nghị quyết 57 xác định: “Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số”. Với quy định này, sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ khi tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

+ Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo.

Sự quyết tâm và quyết liệt của Đảng trong tổ chức thực hiện những nội dung đột phá về nghiên cứu KHCN, ĐMST và CĐSQG đề ra trong Nghị quyết 57, được biểu thị rất rõ khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Có thể nói đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và bên cạnh Ban chỉ đạo còn có Hội đồng tư vấn gồm các nhà quản lý và các nhà khoa học có trình độ và uy tín.

Điều đó chứng tỏ, để Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ cơ quan hành pháp, phải thay đổi tư duy của cả bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương, phải xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ có tính khoa học và thực tiễn đối với các quy định mới mang tính đột phá, phải được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là một quá trình lâu dài, phức tạp cần có sự chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt từ người lãnh đạo cao nhất của quốc gia…

Và những cơ chế đặc thù chưa từng có tiền lệ, “cởi trói” cho KHCN

Để từng bước hiện thực hóa chủ trương về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐSQG được nêu trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo chương trình, ngày 19.2, Quốc hội sẽ thông qua NQ đặc biệt quan trọng này. NQ được Quốc hội thông qua  sẽ "cởi trói" cho khoa học công nghệ bằng loạt cơ chế đặc thù như tự chủ, khoán chi, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro...

+ Trao quyền tự chủ cho các tổ chức làm nghiên cứu khoa học

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết sau khi được thông qua là tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các tổ chức này sẽ được tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính và chuyên môn. Viên chức quản lý tại các tổ chức này cũng được phép thành lập và điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu (quy định hiện hành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu là viên chức nhà nước không được tham gia sản xuất, kinh doanh đối với kết quả nghiên cứu khoa học do mình sáng tạo ra).

Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư và giao kinh phí thường xuyên cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các tổ chức này được trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất đối với kinh phí được giao (bao gồm quyền sử dụng nguồn tài chính cho chi tiêu thường xuyên và trích quỹ phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy chế chi tiêu nội bộ); người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập có quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của tổ chức và được chủ động xác định tổ chức bộ máy và số lượng nhân viên phù hợp.

Ngoài ra, Nhà nước cũng ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các Quỹ khoa học và công nghệ. Đặc biệt, pháp luật cho phép các cơ sở nghiên cứu được phép đăng ký kinh doanh; thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tổ chức quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Đây có thể xem là bước đột phá về chính sách, một bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn.

+ Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng

Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu, Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế khoán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Theo đó, tổ chức chủ trì nghiên cứu khoa học được tự chủ và tự chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia khi cần thiết.

Các khoản chi khác có liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (lâu nay làm khó các nhà khoa học giỏi nghiên quản lý nhưng nai về thủ tục thanh toán), như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học; đi công tác phục vụ hoạt động nghiên cứu; tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; điều tra, khảo sát thu thập số liệu; mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư và các vật tiêu hao khác phục vụ hoạt động nghiên cứu… cũng nằm trong danh mục khoán chi. Với quy định này sẽ giúp nhà khoa học có thể toàn tâm cống hiến, không bị vướng bận những quy định quản lý hành chính rườm rà, và quan trọng nhất là tránh được những rắc rối pháp lý nếu thực hiện không đúng quy trình.

3-1739872569.jpg

Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để giúp nhà khoa học toàn tâm cống hiến

Từ nay cán bộ, công chức tham gia xây dựng và triển khai các chính sách về nghiên cứu khoa học sẽ được phát huy hết sự đổi mới và sáng tạo, được thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ mà không sợ chế tài của pháp luật vì pháp luật cho phép miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có xảy ra rủi ro trong nghiên cứu, trong xây dựng và đề xuất cơ chế chính sách. Ngoài ra, các hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp bán dẫn.

+ Sản phẩm khoa học được thương mại hóa để gia tăng giá trị

Khi Nhà nước bỏ tiền ra chi cho công tác nghiên cứu khoa học thì kết quả nghiên cứu sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Thế nhưng sau khi kết quả nghiên cứu khoa học được trả về cho Nhà nước, nhiều kết quả chỉ “nằm trong ngăn kéo”, không đi được vào thực tiễn cuộc sống, gây ra sự lãng phí nghiêm trọng ngân sách Nhà nước, khiến khoa học, công nghệ chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng. Nguyên nhân là do các điểm nghẽn về thể chế gây ra.

Theo đó, thay vì cấm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu là viên chức nhà nước không được tham gia sản xuất, kinh doanh đối với kết quả nghiên cứu khoa học do mình sáng tạo ra; pháp luật sẽ cho phép viên chức quản lý tại các tổ chức này cũng được phép thành lập và điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mang lại lợi ích thực tế cho xã hội. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do họ phát triển và sở hữu.

Cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết (không hình thành pháp nhân mới) để phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các cơ sở này được tự chủ, tự quyết định sử dụng tài sản để liên kết, thương mại hóa dưới hình thức cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng tài sản.

Một chính sách khác mang tính ưu đãi vượt trội, đó là đối với tài sản hình thành từ kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở nghiên cứu có quyền không hạch toán chung vào tài sản của tổ chức, không cần xác định nguyên giá, giá trị còn lại, khấu hao, hao mòn tài sản…

Được miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học

 

4-1739872569.jpg

Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học chứa đựng rất nhiều rủi ro (để làm ra một sản phẩm dù nhỏ có khi phải làm tới 10 thí nghiệm, 9 thí nghiệm đầu thất bại, đến thí nghiệm thứ 10 mới thành công). Tuy nhiên với quy định hiện hành, không có quy định loại trừ các yếu tố rủi ro để giúp cho các nhà khoa học yên tâm để từ đó tự tin thực hiện các thí nghiệm khoa học. Hay để mua nguyên vật liệu thí nghiệm, các nhà khoa học phải thực hiện qua đấu thầu, trong khi “nhà khoa học vốn rất giỏi về khoa học, nhưng lại dở về thanh toán, có khi bị kỷ luật oan vì câu chuyện bất đắc dĩ phải làm”…

Nghị quyết thí điểm quy định tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng (nếu đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu và nội dung thuyết minh nhưng không đạt được kết quả như dự kiến); cá nhân cũng được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (với điều kiện tuân thủ đầy đủ quy trình và quy định về nghiên cứu khoa học).

Ngoài ra, việc thí điểm cơ chế cũng cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước, đồng thời miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới mà gặp thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan; cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

VŨ LÊ MINH (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin