Nội dung bài viết cung cấp những vấn đề pháp lý cơ bản nhất về tội đầu cơ – được quy định tại Điều 196 BLHS năm 2015.
Tội đầu cơ là một trong các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định trong BLHS. Thực tế xử lý tội phạm, tội đầu cơ là một trong các tội ít bị xử lý, chính vì vậy trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung BLHS, từng có ý kiến về việc bãi bỏ tội danh này nhưng vì những lý do chủ quan và khách quan khác nhau mà tội đầu cơ vẫn được quy định trong BLHS hiện hành.
Đầu cơ được hiểu là việc lợi dụng cơ chế tự phát của thị trường để hoạt động mua bán thu lãi mau chóng và dễ dàng. Trong luật hình sự, đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Về khách thể của tội phạm, hành vi đầu cơ xâm phạm đến quan hệ lưu thông hàng hóa, sự điều tiết của Nhà nước nhằm đảm bảo cơ chế thị trường nhưng định hướng XHCN và xâm phạm đến lợi ích người tiêu dùng.
Đối tượng là những loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Ví dụ: lúa, gạo, muối, xăng dầu, xi măng, thép xây dựng… Danh mục hàng hóa bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá được quy định theo Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Đối tượng tác động của tội phạm trong BLHS 2015 có sự thu hẹp về phạm vi, nếu như đối tượng của tội đầu cơ trong Điều 160 BLHS năm 1999 chỉ đơn thuần là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam thì trong BLHS 2015 nhà làm luật đã giới hạn ở một số mặt hàng nhất định.
Về mặt khách quan của tội phạm, mặt khách quan của tôi đầu cơ trước hết biểu hiện ở hành vi. Hành vi của tội đầu cơ là hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa. Tình trạng khan hiếm được hiểu là trong tình hình cụ thể như chiến tranh,dịch bệnh hay trong tình trạng kinh tế khó khắn, một số mặt hàng trở nên khan hiếm. Người phạm tội đã lợi dụng tình hình đó, mua lại với số lượng lớn sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm thu lợi bất chính.
Tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Được hiểu là trong tình trạng chiến tranh, dịch bệnh hay tình hình kinh tế khó khăn, mặc dù mặt hàng đó là cần thiết ( nhưng chưa đến mức cạn kiệt và khan hiếm) nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình hình đó thu mua hàng hóa với số lượng lớn, tích trữ để tạo ra sự khan hiếm giả tạo và sau đó bán ra với giá thành cao nhằm thu lợi. “Mua vét” hàng hóa được hiểu là hành vi mua với số lượng lớn hàng hóa, có thể mua một lần hoặc nhiều lần với số lượng hàng hóa nào đó vượt quá nhiều lần nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nhu cầu dự trữ của nghề nghiệp trong điều kiện hàng hóa khan hiếm,… đồng thời việc mua vét này có căn cứ chứng minh nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Điều 196 BLHS 2015 đã cụ thể hóa dấu hiệu hàng hóa có số lượng lớn qua việc quy định giá trị hàng hóa đồng hóa và không quy định dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc như Điều 160 BLHS năm 1999. Theo đó, hành vi khách quan nêu trên chỉ bị coi là tội phạm nếu: (1) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; (2) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Hoàn cảnh phạm tội là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Hoàn cảnh là những yếu tố khách quan bên ngoài có liên quan đến việc phạm tội đồng thời là điều kiện tiên quyết xác định hành vi của tội đầu cơ. Cụ thể, đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ví dụ, do lũ lụt, chiến tranh, dịch bệnh… dẫn đến khan hiếm lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các mặt hàng thiết yếu khác như xăng, dầu,… Tình hình này có thể được các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố xác định vùng thiên tai, vùng có chiến sự, hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cụ thể.
Người phạm tội lợi dụng các hoàn cảnh nêu trên, một hoặc một số người do nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt,… nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi.
Chủ thể của tội phạm, chủ thể của tội đầu cơ có thể là cá nhân đủ điều kiện về chủ thể tội phạm, bên cạnh đó, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận được chia cho các thành viên và được thành lập, hoạt động và chấm dứt tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặt chủ quan của tội phạm, lỗi của người phạm tôi là lỗi cố ý trực tiếp với mục đích mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không (có bán được hàng hóa với giá cao để thu lợi bất chính hay không) không phải là dấu hiệu bắt buộc. Vì thực tế có thể vì hoàn cảnh thay đổi, người đầu cơ chấp nhận bán lỗ, bán tháo, bán giá thấp hơn lúc “mua vét” thì cũng không ảnh hưởng đến việc định tội danh.
Hình phạt áp dụng đối với tội đầu cơ bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung, hình phạt chính là hình phạt tiền thấp nhất là 300.000.000, cao nhất là 9.000.000.000 tùy từng trường hợp. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/quy-dinh-ve-toi-dau-co-trong-blhs-nam-2015