Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp: Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng 37,85%

Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, khi xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi công an khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
1-1725611191.png

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng

Sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 để cho ý kiến, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, trong đó có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Năm 2024 tội phạm tham ô tài sản tăng

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cho hay trong kỳ báo cáo, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 1.347 vụ án và 3.565 bị can phạm tội về tham nhũng.

Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính gần 4.600 tỉ đồng và gần 60.000 m2 đất. Trong đó, các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ gần 1.540 tỉ đồng và trên 45.300 m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại…

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện đúng chỉ đạo "kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.

2-1725611198.png

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Phạm Thắng

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản, trong đó tội tham ô tài sản tăng 50,75%.

Nghiên cứu của nhóm chỉ rõ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao.

Trong đó, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, "móc nối, hướng dẫn" doanh nghiệp thực hiện "lách luật" hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Theo nhóm nghiên cứu, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 37,85%. Điều này tiếp tục cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhóm nghiên cứu đánh giá cao tính chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an trong công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.

Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều

Trình bày báo cáo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2024 tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

3-1725611207.png

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Dẫn chứng, báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra qua xác minh tài sản, thu nhập của 16.351 người trong năm 2023, phát hiện có 19 người bị kê khai không trung thực và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, tiếp tục được chú trọng. Ông Cường nêu con số năm 2024, có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó, có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua giám sát, khảo sát thực tế của Ủy ban cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành còn ít, vi phạm được phát hiện không nhiều. Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

"Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc"- ông Cường nhận định tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều.

Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp

Nêu đánh giá chung về tình hình tham nhũng, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.

Điển hình, báo cáo dẫn chứng vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; hay vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan…

"Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức"- ông Cường nói.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị, khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin