Nhận diện một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng trong khu vực tư có liên quan đến khu vực công và kiến nghị các giải pháp phòng ngừa

18/05/2024 10:32

(Pháp lý) – Nghiên cứu nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh thời gian gần đây, cho thấy tham nhũng khu vực ngoài nhà nước có vai trò giúp sức hậu thuẫn tích cực của quan chức nhà nước. Vì vậy việc nghiên cứu, nhận diện và chỉ ra những lĩnh vực , những kẽ hở pháp luật dẫn đến dễ xảy ra tham nhũng trong khu vực tư có liên quan mật thiết đến khu vực công , từ đó cấp thiết hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa là vô cùng bức thiết hiện nay.

1-1714992127.png

Nhận diện một số lĩnh vực, kẽ hở pháp luật dẫn đến dễ xảy ra tham nhũng trong khu vực tư có liên quan đến khu vực công

1. Xây dựng các công trình hạ tầng có nguồn vốn từ ngân sách

Đến nay vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và một số tỉnh thành đã khởi tố 04 vụ án, 71 bị can, trong số đó có hàng loạt quan chức. Đặc biệt là đã khởi tố và xử lý hình sự đối với 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy, 02 cựu Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng nhiều cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý thuộc các địa phương Đồng Nai, Bắc Ninh và TP.HCM. Sai phạm của Công ty AIC còn có các gói thầu về mua sắm trang thiết bị y tế và đồ dùng dạy học; nhưng các quan bị “quật ngã” chủ yếu là liên quan đến các gói thầu xây dựng hạ tầng của Bệnh viện Đồng Nai và hạ tầng y tế tỉnh Bắc Ninh. Đây là vụ án đầu tiên mà cơ quan tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng đang bỏ trốn ra nước ngoài.

Cũng liên quan đến các gói thầu xây dựng hạ tầng, đến thời điểm hiện tại, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can, trong đó có 1 Bí thư Tỉnh ủy, 1 Chủ tịch HĐND tỉnh; 2 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 1 Phó Bí thư thường trựcTỉnh ủy cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan. Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 7 người, trong đó có có ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; 3 cán bộ tỉnh Bắc Giang và 3 lãnh đạo Tập đoàn Thuận An.

2-1714992137.jpg

Một số đối tượng quan chức ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi bị bắt trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn

 

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp tư nhân (từ AIC đến Phúc Sơn, Thuận An) có xuất phát điểm “cò con” (điển hình như Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu - tức Hậu “pháo”, từ một doanh nghiệp phố huyện, sau 10 năm thành lập (2004 - 2014) mới đạt doanh thu vỏn vẹn 100 triệu đồng; hay như Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải sửa hồ sơ năng lực mới trúng được gói thầu mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh…), thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã vươn lên thành doanh nghiệp ngàn tỷ.  Kết quả điều tra của cơ quan có chức năng cho thấy sự “vươn lên thần kỳ” của các doanh nghiệp này không phải do năng lực của chính mình mà là nhờ vào sự can thiệp, giúp sức của các quan tham, thông qua vỏ bọc “sân sau”…

Nếu như trong đại án Việt Á, Phan Quốc Việt khai thác vào kẽ hở của điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 (cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu trong điều kiện cấp bách) thì trong các vụ án xảy ra tại các Tập đoàn AIC, Phúc Sơn, Thuận An,  để lấy được công trình béo bở, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC), Nguyễn Văn Hậu (Phúc Sơn), Nguyễn Duy Hưng (Phúc An) khai thác đã khai thác triệt để quy định tại điểm a, c khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký; hoặc trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ. Vậy nên mới có chuyện, từ năm 2019 đến nay, Thuận An tham gia 51 gói thầu, trúng 39 gói, 4 gói chưa có kết quả, chỉ trượt có 8 gói. Và tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỷ đồng (hơn 8.272 tỷ đồng trong số này là các gói chỉ định thầu).

2. Kinh doanh thiết bị y tế

Bắt đầu từ đại án Việt Á, có thể nói đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 33 vụ án với 133 bị can. Trong số 38 bị truy tố trước pháp luật thì trong đó có 22 người là quan chức nhà nước (gồm 03 Ủy viên Trung ương nguyên là 2 Bộ trưởng và 1 Bí thư Tỉnh ủy, 01 Thứ trưởng và 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; và nhiều cán bộ cấp Vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành). Phan Quốc Việt (ông chủ Việt Á) đã sử dụng chiêu thức gì mà kéo các quan chức “vào cuộc” với một lực lượng áp đảo như vậy.

Kết quả điều tra cho thấy, Phan Quốc Việt đã nghiên cứu rất kỹ đối tượng và kẽ hở của các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đấu thầu. Theo đó, Việt biết “sân chơi” này sẽ không mang lại hiệu quả nếu thiếu đi vai trò giúp sức của những cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng có liên quan (mà cụ thể là 22 bị can bị khởi tố trong đại án). Chỉ có họ mới “vượt rào” nói không có thành có (sản phẩm đã được WHO công nhận); hợp thức quyền chuyển giao công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư gần 19 tỷ từ nguồn vốn Nhà nước cho một doanh nghiệp tư nhân (Cty Việt Á); có quyền năng “thổi giá” (từ giá thành chỉ hơn 21.000 đồng lên 470.000 đồng/kit test); và hình thành nên mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tới 62 tỉnh, thành.

3-1714992138.jpg

Phan Quốc Việt đã “quật ngã” 2 cựu Bộ trưởng bằng “đạn bọc đường”

Khi đã xác định đúng đối tượng, việc còn lại là Phan Quốc Việt dùng “đạn bọc đường” để bắn. “Đạn” của Việt được đô la hóa nên bắn bách phát bách trúng, hạ gục hàng loạt quan chức đủ các cỡ. Báo chí gọi Phan Quốc Việt là một tay thiện xạ không sai. Với tổng số tiền lót tay khoảng 106 tỉ đồng, bình quân mỗi quan chức “dính chàm” là 50.000 đô la, chức vụ to và có nhiều “đóng góp” được hưởng nhiều hơn… Như vậy khoảng trống của pháp luật dẫn tới sự xuất hiện của vai trò và bóng dáng quan chức trong vụ án Việt Á đó là quy định tại Điều 22 Luật Giá 2012 cho phép Bộ trưởng Bộ Y tế được quyền định giá hàng hóa, dịch vụ; và theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 (trước đây là Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu trong điều kiện cấp bách (gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…). Đây chính là một trong nguyên nhân dẫn tới làm phát sinh các tội danh (Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...) mà 22 quan chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong đại án.

3. Lĩnh vực ngân hàng, tài chính

Điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Ngân hàng SCB. Trong đại án này, 108 bị can bị khởi tố (3 vụ án), 86 bị can bị truy tố (trong đó có 18 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương). Đây cũng là đại án lần đầu tiên thực hiện việc khởi tố, điều tra, truy tố tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước là bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.

Vụ án Vạn Thịnh Phát cũng  được coi là vụ án có những kỷ lục trong lịch sử tố tụng của Việt Nam cho đến nay. Với những vi phạm kéo dài hàng chục năm, và một hệ thống ngân hàng hoạt động chỉ nhằm mục đích huy động vốn phục vụ cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hàng ngàn công ty con. Những sai phạm mang tính hệ thống đều được chỉ đạo, điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch của Vạn Thịnh Phát. Và trong số những bị can bị khởi tố điều tra trong vụ án này, phần lớn là thân tín, là những người giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan. Vụ án Vạn Thịnh Phát cũng xác lập những kỷ lục về số tiền sai phạm (rút ruột Ngân hàng SCB hơn 1 triệu tỷ thông qua hình thức vay vốn chuyển đến hệ sinh thái VTP), số tiền nhận hối lộ (5,2 triệu USD), số tiền tham ô (304 nghìn tỷ) và kể cả số bị hại (42.000 người).

4-1714992137.jpg

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nhận hối lộ 5,2 triệu USD đã “che mờ” sai phạm của Ngân hàng SCB suốt thời gian dài

Đặc biệt là tỷ lệ quan chức bị mua chuộc gần như tuyệt đối (18/18 thành viên Đoàn thanh tra nhận tiền từ 100 triệu VND đến 5,2 triệu USD). Trong số 18 bị can là quan chức bị truy tố, có 01 bị can là Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố tội Nhận hối lộ; 16 bị can bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; và 01 bị can là Nguyễn Văn Du (nguyên quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân khiến các quan chức của Đoàn thanh tra để phát sinh các tội danh trên, đó là sự điều chỉnh của pháp luật về thanh tra chuyên ngành thiếu chế tài kiểm tra, giám sát , kiểm soát quyền lực đối với cán bộ thanh tra. Cụ thể, tại khoản  9, Điều 2 Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan này được quyền: “Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh…”. Trong khi tại Điều 8 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 26/2014/NĐ-CP quy định, chức danh của người đứng đầu Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng lại là Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; việc thanh tra lại do Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng quyết định khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Từ kẽ hở này, là động cơ thúc đẩy bà Nhàn nhận hối lộ và “bảo kê” sai phạm của Ngân hàng SCB suốt thời gian dài.

4/ Quản lý đất đai công sản

Liên quan đến sai phạm của “siêu” dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đến nay C03 Bộ Công an đã khởi tố bắt giam: cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Vụ trưởng Vụ I (Văn phòng Chính phủ); 01 Phó Cục trưởng Cục 2 và 2 thanh tra viên (Thanh tra Chính phủ). Trước đó, là 03 quan chức ở tỉnh Lâm Đồng (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh)… Sai phạm tại siêu dự án Đại Ninh là một trong những vụ án nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản.

5-1714992137.jpg

Cơ quan điều tra đã bắt 2 quan chức đầu tỉnh Lâm Đồng và mới đây đã bắt nguyên chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng do liên quan đến các sai phạm xảy ra tại siêu dự án Đại Ninh

Trước đó tại Khánh Hòa, theo kết luận của Thanh tra CP cuối năm 2020, từ tháng 01/2020 đến tháng 6/2017, có 35 vụ “giao đất vàng” cho doanh nghiệp làm dự án BT ở những vị trí đắc địa nhưng không qua đấu giá. Cái giá phải trả là hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh) của địa phương bị kỷ luật cách hết chức vụ. Hay vụ bán đấu giá 262 lô đất nhà liền kề tại Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên xảy ra hồi năm 2022, khiến cho hàng loạt cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

Nghiên cứu từ các vụ án cho thấy, các tội danh khiến các quan chức bị “ngã ngựa” liên quan đến đất đai công sản, chủ yếu là Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ và Nhận hối lộ. Các kẽ hở của pháp luật về đất đai , đấu thầu, đầu tư công là một trong những nguyên nhân chính đã kích hoạt lòng tham, “dẫn lối đưa đường”. Trong đó nổi cộm, Luật Đất đai 2013 chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, chưa có quy định bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Hay tại quy định tại khoản 3 Điều 118 cho phép Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất không phải qua đấu giá quyên sử dụng đất trong trường hợp không có người tham gia hoặc chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành…

Một số kiến nghị về giải pháp phòng ngừa

+ Kiến nghị người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hình sự nếu giới thiệu nhân sự không đủ năng lực phẩm chất, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực: Hàng loạt các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu đã được ban hành trong thời gian qua. Bởi khi quyền lực của người đứng đầu không được kiểm soát, thì quyền lực ấy sẽ dễ bị lạm dụng, tha hóa, biến công quyền thành tư quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, phe nhóm. Tổ chức càng lớn, chức vụ càng cao nếu xảy ra tha hóa quyền lực thì hậu quả, tác động càng rộng, tính chất càng nghiêm trọng, thậm chí là liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh quan chức bị “ngã ngựa” hàng loạt trong các đại án vừa qua, việc Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 142 – QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là một chủ trương cần thiết và phù hợp.

Theo đó từ nay trở đi, người đứng đầu phải có trách nhiệm bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Quy định cho biết, việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp vi phạm quy định sẽ được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn, tuy nhiên theo chúng tôi cần thiết phải luật hóa quy định này theo hướng nếu sai phạm của nhân sự do người đứng đầu giới thiệu mà để lại hậu quả nghiêm trọng lớn thì người đứng đầu không chỉ chịu hình thức kỷ luật của Đảng mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Nâng cao vai trò phản biện, tính chịu trách nhiệm của cán bộ cấp dưới, ngăn chặn hạn chế “ quyền lực mềm” của cấp trên: Nghiên cứu các đại án xảy ra gần đây (từ AIC, Vạn Thịnh Phát đến Phúc Sơn, Phúc An) trong khu vực tư nhân cho thấy bóng dáng của quan chức xuất hiện đều thông qua “quyền lực mềm”. Họ không lộ diện, không phải trực tiếp đặt bút ký vào các hợp đồng béo bở nhưng với chức vụ và quyền hạn của họ đang đảm nhiệm đủ sức ảnh hưởng để các gói thầu ngàn tỷ chạy vào “sân sau”, “vườn sau”. Điều đó cho thấy việc kiểm soát quyền lực mềm không đơn giản. Theo chúng tôi việc hoàn thiện phải hướng đến việc tạo điều kiện cho cấp dưới có tính phản biện và tính chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Chỉ khi cấp dưới có chính kiến, nắm vững pháp luật, không chịu sự chi phối của cấp trên thì sức ảnh hưởng của quyền lực mềm sẽ hạn chế.

6-1714992137.jpg

Ảnh minh họa

+ Tiếp tục xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm để răn đe: Việc đưa ra xét xử những đại án vừa qua có liên quan rất nhiều tới cán bộ lãnh đạo Nhà nước, càng làm sáng tỏ chủ trương của Đảng ta là chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không chịu sức ép từ bất cứ một tổ chức, cá nhân nào. Thậm chí, chúng ta đã thấy cả những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng phải chịu các mức kỷ luật Đảng nghiêm khắc do thiếu giám sát, để cấp dưới có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này một lần nữa là minh chứng mạnh mẽ rằng: Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống lại nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí do Đảng ta phát động vẫn đang được triển khai một cách bài bản, lớp lang, quyết liệt, lâu dài và chắc chắn sẽ dành được những thành tựu đáng kể. Tinh thần đó rất cần được phát huy và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong khu vực kinh tế tư nhân để cảnh tỉnh và răn đe khi mà vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong khu vực này ngày càng diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn.

+ Cần luật hoá khái niệm và có quy định cụ thể quà cảm ơn: Từ việc ông Chu Ngọc Anh bị thoát tội hình sự vì không biết trong vali có 200.000 USD, theo chúng tôi cần phải định lượng phân cách rõ ràng đâu là “quà cảm ơn”, đâu là nhận hối lộ. Đừng để các quan chức “nhầm lẫn” và đánh tráo khái niệm. Không riêng vụ Việt Á, các quan tham các vụ án khác đều nói vậy, thậm chí có người còn cho rằng không nhận thức được việc cầm “quà cảm ơn trên mức tình cảm” là vi phạm pháp luật. Vì vậy cần thiết phải luật hóa khái niệm và có quy định cụ thể hơn về “quà cảm ơn”.

7-1714992138.png

+ Hồ sơ trúng thầu các dự án tiêu tiền ngân sách cần có sự thẩm định của cơ quan độc lập thứ ba: Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 vẫn giữ nguyên sự điều chỉnh về chỉ định thầu trong điều kiện cấp bách vì đó là cần thiết để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cấp bách. Một thay đổi căn bản, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 đã loại bỏ quy định chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một người đăng ký và cho phép thực hiện trong trường hợp gói thầu có giá trị không quá 50 triệu đồng. Tuy nhiên rất khó ngăn chặn tiêu cực khi mà hồ sơ mời thầu và xét duyệt trúng thầu vẫn do chủ đầu tư (đại diện quyền sở hữu của nhà nước quyết định). Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển với tốc độ phi mã thì việc giữ bí mật hồ sơ mời thầu đến phút cuối là chuyện không tưởng. Có nghĩa “sân sau” của các quan vẫn luôn có cơ hội để trúng thầu. Vì vậy để hạn chế tiêu cực, hành lang pháp lý về đấu thầu cần bổ sung ngay quy định, hồ sơ xét duyệt trúng thầu trước khi ký kết hợp đồng với nhà thầu, cần thiết phải lấy ý kiến thẩm tra của một cơ quan độc lập thứ ba.

+ Phải giám sát chặt số người tham gia đấu giá QSDĐ trước khi đấu giá: Từ thực tế nghiên cứu các đại án liên quan đến đất đai cho thấy, rất khó để ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, nếu như không bịt được lỗ hổng của pháp luật, nhất là trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết cần bịt các lỗ hổng trong Luật Đất đai như đã phân tích ở trên. Rất tiếc là Luật Đất đai 2024 (tại khoản 6 Điều 124) tiếp tục giữ nguyên quy định không qua đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất 02 lần không thành thuộc trường hợp đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá hoặc không có người tham gia. Thời gian giao đất, cho thuê đất trong trường hợp này chỉ được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ ngày đấu giá không thành lần 2. Để ngăn chặn “quyền lực mềm” của quan tham trong việc việc giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp dễ dàng hợp thức hóa này, theo chúng tôi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá sắp tới đây phải quy định thật chặt về việc công khai thời gian và phương tiện niêm yết tài sản đấu giá và giám sát số người đăng ký tham gia hoặc không tham gia đấu giá trước khi mở cuộc đấu giá.

Thay lời kết

Những đại án tham nhũng xảy ra đã để lại những hậu quả khôn lường, khó khắc phục, đó là làm thất thoát, thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Các đại án vừa xảy ra được chúng tôi nêu ở trên có đặc điểm chung đều là những vụ xảy ra ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước nhưng có liên quan, dính dáng tới nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp trong các cơ quan nhà nước. Những vụ việc này đều xảy ra đã khá lâu và diễn ra liên tục trong một thời gian dài, thậm chí cả chục năm, nay mới bị phanh phui và đưa ra ánh sáng công lý. Nguyên nhân cơ bản vẫn là công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên, chặt chẽ. Việc theo dõi, quản lý, nắm tình hình cán bộ của các Cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là cấp cơ sở chưa sâu sát, chặt chẽ, hiệu quả; công tác kiểm tra giám sát của Cấp ủy cấp trên và việc tự kiểm tra của cấp mình chưa được coi trọng thường xuyên nên không phát hiện kịp thời sai phạm để xử lý.

Do đó, với những tổ chức cá nhân vi phạm phải xử lý kiên quyết, dứt điểm, tránh nửa vời, vì không ít trường hợp đã được kiểm tra, phát hiện vi phạm, nhưng xử lý lại nửa vời, không dứt điểm. Chính vì vậy, những vi phạm nhỏ lại tích tụ, phát triển thành những sai phạm lớn và dẫn đến vi phạm nghiêm trọng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà hậu quả cuối cùng là làm thất thoát, thiệt hại về kinh tế và mất mát nhiều cán bộ, đảng viên, suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Thủ đoạn phạm tội của các bị can trong các vụ án trên cơ bản giống nhau về bản chất , thủ đoạn và hình thức phạm tội. Bản chất phạm tội vẫn là đưa hối lộ và nhận hối lộ; thủ đoạn phạm tội là lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, đưa hối lộ cho những cán bộ có chức vụ, có quyền, có khả năng chi phối, thao túng, gây sức ép đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan để doanh nghiệp trúng được những gói thầu béo bở, thậm chí vượt quá năng lực của doanh nghiệp, làm không ít công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, gây bức xúc trong nhân dân…

Do đó, bài học sâu sắc cần rút ra là kiểm soát và giám sát quyền lực có hiệu quả để liên minh “ma quỷ” không có có cơ hội để phạm tội. Đó là phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát “quyền lực mềm” theo hướng các quan tham không dám “can thiệp”; hoàn thiện hành lang pháp lý về đấu thầu, đấu giá theo hướng (i) tránh quyền lực tập trung vào người có thẩm quyền chỉ định thầu (tức không có “đất” để quan tham can thiệp làm méo mó các cuộc đấu thầu); (ii) không có chỗ để các quan tham thiết lập “sân sau”; (iii) tạo ra một “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh, bất cứ doanh nghiệp nào (có năng lực) cũng đều có cơ hội trúng thầu.

Qua hàng loạt đại án (Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An… ), một lần nữa chúng ta thấy rằng quyền lực của quan chức khi không được kiểm soát đã “tác hại ghê gớm” như thế nào. Từ đây cho thấy, cho dù “lò lửa” chống tham nhũng của Đảng luôn cháy rực và không thiếu các quy định, cơ chế, tổ chức giám sát, nhưng nếu cán bộ đó không có tâm, đặt lợi ích riêng tư lên trên lợi ích chung, thì không kiểm soát được lòng tham. Hệ lụy đó xuất phát từ công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua làm chưa tốt, còn để lọt lưới nhiều “con sâu”. Bài học kinh nghiệm xương máu cần rút ra, đó là phải hoàn thiện cơ chế chọn người tài, người có đức để có những cán bộ lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất vừa hồng vừa chuyên, có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.

Luật gia. VŨ LÊ MINH
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng trong khu vực tư có liên quan đến khu vực công và kiến nghị các giải pháp phòng ngừa" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin