Mỹ áp dụng đạo luật Omnibus 1988 với Trung Quốc: Nguy cơ bùng phát “cuộc chiến tranh tiền tệ”

17/08/2019 08:09

(Pháp lý) - “Ngày hôm nay sẽ là một mốc dấu lịch sử. Nó có thể đem lại những lợi ích lớn nhất cho nước Mỹ và người dân Mỹ trong tương lai 20 năm. Nhưng nó cũng có thể thổi bùng lên những bất ổn về kinh tế, thương mại, một cuộc chiến tranh toàn cầu về tiền tệ và sẽ ảnh hưởng đến 3/4 dân số trên thế giới”.

Tuyên bố của Giáo sư ngành Tài chính John K. Mine tại Đại học Oasington ngày 5/8, như một cảnh báo mạnh mẽ đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc trước nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa 2 siêu cường, có thể bùng phát và tác động to lớn những năm thập niên 20 của Thế kỷ XXI.

“Cái cớ” để Mỹ áp dụng đạo luật Omnibus

Trang tin của Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/8 phát đi thông báo có đoạn viết: “Đạo luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988 yêu cầu Bộ trưởng Tài chính phân tích các chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia khác”.

Theo Điều 3004 của Đạo luật này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ phải “xem xét liệu các quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng đô-la Mỹ cho mục đích ngăn chặn cán cân điều chỉnh thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế hay không.

 Việc Trung Quốc tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ đã đổ thêm lửa vào thương chiến Mỹ – Trung đã kéo dài hàng năm nay
Việc Trung Quốc tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ đã đổ thêm lửa vào thương chiến Mỹ – Trung đã kéo dài hàng năm nay)

“Bộ trưởng Mnuchin, thừa hành Tổng thống Donald Trump đã xác định rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Với việc đưa ra quyết định này, Bộ trưởng Mnuchin sẽ tham gia cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh mà Trung Quốc có được do những hành động mới nhất của họ,” thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nói thêm.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định một thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 5/8, cho thấy rõ rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã kiểm soát sâu rộng đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

PBOC hôm 5/8 tuyên bố, họ sẽ “tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu cần thiết để phản ứng với động thái phản hồi tích cực có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối. Đây là sự xác nhận công khai của PBOC rằng họ có nhiều kinh nghiệm thao túng tiền tệ và vẫn sẵn sàng làm điều đó một cách liên tục,” Bộ Tài chính Mỹ nói.

Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, những hành động của Trung Quốc vi phạm cam kết của nước này trong nhóm G-20 về việc không phá giá tiền tệ để cạnh tranh. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ hy vọng Trung Quốc tuân thủ những cam kết của họ và không điều chỉnh tỷ giá hối đoái vì các mục đích cạnh tranh.

Hành động của Mỹ đến ngay sau khi Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ giảm qua mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, tỷ giá thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Bắc Kinh sau đó tuyên bố rằng họ cũng sẽ dừng mua nông sản Mỹ, đổ thêm lửa vào thương chiến Mỹ – Trung đã kéo dài hàng năm nay.

PBOC đã chủ động điều chỉnh tỉ giá đồng CNY xuống mốc 7 và chính thức "vũ khí hóa" tiền tệ nhằm giảm tác động từ trong cuộc chiến thương mại.

Trong lịch sử, Mỹ từng gắn mác thao túng tiền tệ đối với ba quốc gia/vùng lãnh thổ là Nhật Bản (năm 1988), Đài Loan (Trung Quốc) (năm 1988 và 1992), Trung Quốc (năm 1992-1994). Từ năm 1994 đến nay, Mỹ không gắn mác thao túng tiền tệ đối với bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào, kể cả năm 2003 và 2004 khi có bằng chứng về sự thao túng của Trung Quốc và một nước khác.

Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ
Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ)

Khi bị gắn mác thao túng tiền tệ, để có được lợi thế thương mại không công bằng thì một số quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, ngay cả khi bị "gắn mác" thao túng tiền tệ thì theo quy định vẫn sẽ có một năm để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng để giải quyết vấn đề.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump hứa sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm sau đó, Bộ Tài chính Mỹ không làm thế trong các báo cáo tiền tệ được công bố nửa năm một lần.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thương chiến Mỹ - Trung, bên nào mạnh hơn sẽ tìm “cái cớ” để buộc bên kia tuân thủ luật chơi mà mình đưa ra. Và lần này, việc áp dụng đạo luật 1988 của nước Mỹ đã được ông Trump hoàn tất sau nhiều lần tung, hứng trong các cuộc đàm phán.

Đối đầu, đáp trả và…chiến tranh?

Ngay sau khi tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, PBOC cho rằng Bắc Kinh chưa hề và sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ để đối phó với những cọ xát thương mại với Mỹ.

Đây chỉ là hành động đáp trả tiếp theo khi ngày 5/8, Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua sản phẩm nông sản của Mỹ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thêm 10% thuế quan lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Dù Trung Quốc sau khi hạ giá đồng Nhân dân tệ nhưng vẫn khẳng định không biến đồng tiền của họ thành vũ khí trong chiến tranh thương mại với Mỹ, chính việc PBOC thiết lập tỉ giá sát mức báo động như trên lại cho thấy quốc gia này vẫn có thể thay đổi lập trường”, theo nhận định của truyền thông Mỹ.

“Trung Quốc đã đánh trúng 2 điểm nhức nhối nhất đối với Tổng thống Mỹ. Thứ nhất, ông Trump vốn phản đối chính sách "đồng đô mạnh" và chỉ trích các quốc gia khác cố tình phá giá đồng tiền để hưởng lợi thế thương mại. Thứ hai, ông luôn muốn Trung Quốc mua hàng nông sản để giảm ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại đối với nông dân Mỹ”.

Chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung sẽ diễn biến thế nào ?
Chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung sẽ diễn biến thế nào ?)

Trung Quốc cũng không úp mở, khi bài xã luận được đăng tải trên Thời Báo Hoàn Cầu, một tờ báo ngôn luận của Bắc Kinh, cũng nhận định việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ vẫn chỉ là "một động thái trả đũa điển hình".

Tờ này cho rằng chữ "ngừng" mà Bắc Kinh sử dụng hàm ý nước này vẫn để ngỏ một cơ hội để cả hai bên cùng đạt được giải pháp chung cho cuộc chiến thương mại.

"Việc trì hoãn này sẽ kết thúc khi Mỹ thể hiện một thái độ tốt hơn", bài báo viết, đồng thời cảnh báo: "Đây là một trong rất nhiều công cụ mềm mà Trung Quốc sở hữu. Dù không tỏ ra hung hăng, Trung Quốc vẫn sẽ giữ lời của mình như đinh đóng cột. Mỹ hơn bao giờ hết nên xem xét lại chiến lược tiếp cận Trung Quốc của mình".

Điều quan trọng là Mỹ sẽ làm gì tiếp khi liệt Trung Quốc vào nước “thao túng tiền tệ”?. Đó là câu hỏi mang tính đối đầu nhiều hơn là tìm ra một giải pháp giữa 2 siêu cường đang trong tình trạng “cả 2 cùng căng” khi các cuộc đàm phán dường như không có kết quả.

Theo Luật Tiền tệ Mỹ năm 1998, nếu một quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ vì lợi ích thương mại, Bộ Tài chính Mỹ được yêu cầu đàm phán song phương với quốc gia đó hoặc làm việc thông qua IMF để khắc phục tình hình.

Yêu cầu này nhằm xóa bỏ bất kỳ lợi thế không công bằng nào với Mỹ do tiền tệ mất giá. Nhưng thực tế, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán thương mại hơn 2 năm qua mà chưa đạt được kết quả đáng kể nào. Nếu không tìm ra giải pháp, Tổng thống Mỹ có thể áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt, như cấm Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, cấp vốn cho quốc gia đó, hoặc loại quốc gia này ra khỏi các hợp đồng mua bán của chính phủ.

Dù vậy, Trung Quốc không phải là nước nhận vốn từ OPIC hay có nhiều hợp đồng với chính phủ Mỹ.

Giới phân tích hiện chờ đợi phản ứng tiếp theo của Mỹ. Họ lo ngại chiến tranh tiền tệ sẽ diễn ra, khi hai nước rơi vào vòng xoáy hạ giá. Việc này sẽ giáng đòn mạnh lên cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, kéo lạm phát lên cao và khiến giá tài sản lao dốc. "Những tranh luận về việc Mỹ có can thiệp vào tiền tệ hay không đang nóng lên từng ngày", Kit Juckes – chiến lược gia tại Societe Generale cho biết.

Can thiệp hạ giá đồng đôla sẽ là bước ngoặt với chính sách điều hành gần đây của Mỹ và sẽ gây ra tác động lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Các hậu quả này có thể lan ra toàn cầu nếu các quốc gia khác hành động tương tự.

Các cuộc chiến tranh tiền tệ đã từng xảy ra ở thế kỷ XX

Cuộc chiến tranh tiền tệ thứ nhất, kéo dài từ 1921 đến 1936. Cuộc chiến này bắt đầu với siêu lạm phát Weimar (Đức) với việc đồng tiền mất giá liên tục. Vào năm 1921, Đức đã buộc phải hủy đồng tiền của mình. Năm 1925, Pháp, Bỉ cùng một số nước khác cũng nối gót Đức.

Cuộc chiến tranh tiền tệ thứ hai nổ ra sau đó vào giai đoạn 1967-1987. Trong giai đoạn này, kinh tế Mỹ liên tiếp trải qua 3 thời kì khủng hoảng vào năm 1974, 1979 và 1980. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm 1974, kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, lạm phát vượt tầm kiểm soát vào những năm 1977-1981. Lúc này giá trị đồng USD chỉ còn 1 nửa.

Hải Dương

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ áp dụng đạo luật Omnibus 1988 với Trung Quốc: Nguy cơ bùng phát “cuộc chiến tranh tiền tệ”" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin