Mối quan hệ biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế bền vững

04/04/2023 15:49

Tham nhũng gây hậu quả phá hoại sự phát triển kinh tế bền vững rất nghiêm trọng. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng hiệu quả là một điều kiện quyết định để kinh tế phát triển thịnh vượng bền vững. Bài viết này phân tích mối quan hệ nhân quả, biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế bền vững, đề xuất một số giải pháp trong tình hình hiện nay.

Ở Việt Nam, các nghị quyết của Đảng đều chỉ ra tác hại của tham nhũng, tiêu cực là khôn lường, là “nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ”.  Đặc biệt, gần đây cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều nhấn mạnh việc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm nhất hiện nay của toàn hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Để góp phần hiểu sâu sắc hơn về nội dung cuốn sách, bài viết này phân tích sự tàn phá nghiêm trọng và lâu dài của tham nhũng đối với phát triển bền vững và chứng minh chống tham nhũng hiệu quả là điều kiện, nhân tố cốt lõi để phát triển bền vững, quốc gia thịnh vượng.  

Trước đây, từ dẫn chứng một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh đồng thời có chỉ số tham nhũng khá cao, một số người cho rằng tham nhũng, ở một góc độ nào đó là yếu tố kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh, là “chất bôi trơn bánh xe” cỗ máy kinh tế hoạt động nhanh hơn dẫn đến hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, gần đây có một số ý kiến băn khoăn cho rằng việc đẩy mạnh chống tham nhũng, xử lý tiêu cực, vi phạm đã gây tâm lý chần chừ, sợ sai, giữ an toàn nên e ngại quyết định, phê duyệt, triển khai các dự án phát triển, tác động không tốt đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng các cách thức thuộc tham nhũng, tiêu cực để “bôi trơn”, “kích thích” phát triển kinh tế nhanh chỉ có tác dụng nhất thời, thiếu bền vững và gây hậu quả phản phát triển lâu dài hoặc dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Ngày nay, các nghiên cứu trên thế giới và kinh nghiệm thực tiễn các quốc gia đều làm sáng tỏ tác hại của tham nhũng đối với phát triển bền vững và hậu quả của tham nhũng đối với phát triển là rất nghiêm trọng và lâu dài. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng hiệu quả là một nhân tố, điều kiện quan trọng để phát triển bền vững.

5-1680598528.jpg

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh việc phòng, chống tham nhũng, là nhiệm vụ trọng tâm nhất hiện nay của toàn hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân (ảnh Đặng Phước)

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), tham nhũng chứa đựng chất ăn mòn tác động vào tăng trưởng và hoạt động doanh nghiệp[1]. Tổng hợp các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, tham nhũng thành trở ngại của phát triển kinh tế bền vững ở các khía cạnh chính sau đây: (1) Tác động trực tiếp làm thất thoát một nguồn lực rất lớn (tiền vốn, đất đai,…) vào tay cá nhân, nhóm lợi ích tham nhũng mà phần lớn không được đưa vào quy trình sản xuất của cải trong nước để sản sinh ra giá trị tăng thêm, phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. (2) Tham nhũng trong quy hoạch, giao thông, xây dựng, sử dụng đất đai…để lại di chứng lâu dài rất khó và rất tốn kém trong khắc phục, sửa chữa. (3) Làm méo mó thị trường và biến dạng thể chế, chính sách kinh tế, nguyên tắc pháp luật, nhất là các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản và thị trường liên quan các thị trường này. (4) Làm mất niềm tin của các nhà đầu tư cả trong nước, nước ngoài và đối tác quốc tế.  (5) Cản trở việc phân bổ nguồn lực tài chính, tài nguyên hiệu quả; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất bình đẳng trong môi trường đầu tư, kinh doanh, triệt tiêu động lực kinh doanh, đầu tư. (6) Phá hoại hệ thống thuế và thu ngân sách quốc gia; làm tăng chi phí doanh nghiệp dẫn đến tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ và giảm hiệu quả đầu tư. (7) Tham nhũng viện trợ phát triển (ODA) để lại hậu qủa cho thế hệ con cháu trong việc trả nợ và trả lãi lâu dài, làm cạn kiệt nguồn lực phát triển tương lai. (8) Tác động xấu đến phát triển nguồn lực con người và động lực cống hiến của nhân tài; các vụ xử lý tham nhũng dẫn đến xử lý cán bộ sai phạm làm chậm tiến độ, gây lãng phí các dự án phát triển. (9) Tác động xấu đến mục tiêu, số lượng, chất lượng và hiệu quả của chi tiêu công. 

Ngoài ra, tác giả Hoài Phương (có bài viết “Tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, xã hội” đăng trên Báo Thanh tra) cho rằng, tham nhũng bóp méo cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, từ đầu tư cho giáo dục, y tế và nhà ở xã hội sang các dự án công kém hiệu quả và dễ thao túng; phân bổ nguồn lực một cách công bằng giữa các tầng lớp dân cư, làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo cũng như làm suy yếu hiệu quả của các chương trình phúc lợi[2].

Xét về dài hạn, theo Lambsdorff, tỷ lệ tăng lên của tham nhũng tương ứng với tỷ lệ giảm năng suất lao động và tổng sản phẩm quốc nội (GDP)[3]; giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài[4], giảm tăng trưởng. Lịch sử phát triển của các nước chứng minh, những nướcphòng, chống tham nhũng quyết liệt và đạt hiệu quả cao, có chỉ số tham nhũng thấp thì phát triển bền vững và ngược lại, những nước có chỉ số tham nhũng caokéo dài thì đất nước tụt hậu, kinh tế yếu ớt, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để phát triển. Thực tiễn hiện nay cho thấy, các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn quốc, Canada, Mỹ, và nhiều nước châu Âu luôn có chỉ số tham nhũng thấp thì phát triển. Các nước Philipine, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước châu Phi, Mỹ Latinh có chỉ số tham nhũng cao thì khó khăn trong phát triển, tụt hậu và nghèo đói kéo dài. Theo Ang, Y., trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính quyền các bang của Mỹ mong muốn thúc đẩy sự phát triển, làm giàu nên đã để chỉ số tham nhũng cao. Cuối cùng, những rủi ro vốn có của tham nhũng như vậy đã tạo ra khủng hoảng năm 1893, khiến các ngân hàng vỡ nợ và buộc phải cải cách, từ đó, nước Mỹ tiếp tục phát triển, đi vào Kỷ nguyên Tiến bộ (1890-1920). Ông cũng cho rằng, Trung Quốc từ 1978 tới nay là ví dụ gần gũi nhất của Mỹ vào cuối thế kỷ 19, một thời kỳ có sự tăng trưởng chóng mặt và sự bất bình đẳng rõ rệt cùng chỉ số tham nhũng cao[5]. Sau 30 năm tăng trưởng mạnh mẽ với 2 con số, nền kinh tế Trung Quốc đã bộc lộ nhiều điểm yếu mang tính huyệt lộ và tăng trưởng giảm. Các nước Thái lan, Indonesia, Philipine sau một thời gian tăng trưởng cao cùng chỉ số tham nhũng cao đã dẫn đến khủng hoảng tiền tệ năm 1997-1998 và nền kinh tế đã không thể cất cánh được, hiện đang vất vả vượt qua bẫy thu nhập trung bình để phát triển. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, 10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới[6] là 10 quốc gia phát triển nhất, ngược lại, 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới[7] là 10 quốc gia kém phát triển nhất.

Trong suốt thời gian cầm quyền từ 1965 đến 1986, Cố Tổng thống Philipine, Ferdinand Marcos và người thân trong nhóm lợi ích của ông đã tham nhũng khoảng 100 tỷ Đô-la Mỹ (USD)[8]; cựu Tổng thống Indonesia Mohamed Suharto và các thành viên trong gia đình bị cáo buộc tham nhũng hàng chục tỷ USD; cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng bị xét xử tội tham nhũng hàng tỷ USD; Sani Abacha, nhà độc tài quân sự của Nigeria, bị cho là bòn rút 4 tỷ USD trước khi qua đời năm 1998[9]. Một phần lớn số tiền đó gửi ra nước ngoài, nằm trong các ngân hàng hoặc mua bất động sản, phần lớn khác bị “vàng hóa”, “Đô-la hóa” hoặc mất dấu vết qua rửa tiền. Biết rằng, số tiền đó vào thời điểm cuối thế kỷ XX có giá trị rất lớn nên tổn hại của các hành vi tham nhũng nêu trên của các nguyên thủ quốc gia đối với nền kinh tế đất nước họ là rất nghiêm trọng.   

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đều vào cuộc quyết liệt và đạt kết quả rất quan trọng. Ủy Ban Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán đã tích cực phát hiện vi phạm về kinh tế, kiến nghị xử lý nghiêm khắc nhiều vụ việc gây thất thoát lớn về tài sản Nhà nước. Từ 2016-2021, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng và 63.200 ha đất; Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính 432.418 tỷ đồng[10]. Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2013 đến 2019, cơ quan tố tụng đã khởi tố gần 10.000 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ[11] với số thiệt hại kinh tế về tài chính, đất đai, cơ sở vật chất rất lớn. Đi kèm xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực là xử lý nghiêm về cán bộ. Theo báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của Bộ Chính trị, trong 10 năm đã có hàng nghìn đảng viên, trong đó có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật do tham nhũng[12].

 Tuy xử lý nghiêm khắc tham nhũng và cán bộ tham nhũng, tiêu cực như trên, trong hơn 10 năm qua, trừ thời gian đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta cơ bản vẫn giữ vững được tốc độ tăng GDP khá cao (Bảng1) và GDP bình quân đầu người liên tục tăng (Hình 2). 

 

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Tốc độ tăng

6,41%

5,50%

5,55%

6,42

6,99%

6,69%

6,94%

7,47%

7,36%

2,87%

2,56%

8,02%

Bảng 1: Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2022 - (Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2023[13])

6-1680598548.jpg

Hình 2: GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ 2006-2021. Đồ hoạ: Đức Mạnh[14]

Bảng 1 và Hình 2 cho thấy, càng tích cực phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nền kinh tế càng có điều kiện phát triển bền vững, tăng trưởng khá. Riêng trong năm 2022, năm có nhiều vụ xử lý tham nhũng nghiêm khắc nhất ở cấp rất cao, tốc độ tăng GDP vẫn tăng, đạt mức 8,2% là rất ấn tượng so với tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. 

Như vậy, để tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh thực hiện hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể: 

Một là, phải nhận thức sâu sắc hơn, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về mối quan hệ nhân quả, biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng hiệu quả và phát triển kinh tế bền vững, không bị ảnh hưởng bởi ý kiến sai lầm cho rằng tham nhũng có khi “bôi trơn”, “kích thích” kinh tế phát triển và chống tham nhũng quá quyết liệt sẽ làm giảm tăng trưởng. 

Hai là, khẩn trương quán triệt, giáo dục và xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư tưởng e ngại, thậm chí ngụy biện về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển kinh tế theo đúng tinh thần đồng chí Tổng Bí thư: Ai bàn lùi, lo ngại đấu tranh tham nhũng thì đứng sang một bên.

Ba là, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chống tham nhũng chính trị để các cấp thẩm quyền, nhất là người đứng đầu phải trọng dụng, lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có năng lực, đạo đức, tâm huyết, có kinh nghiệm thực tiễn vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đảm đương trọng trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng lâu dài.  

Bốn là, khẩn trương hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì mục đích chung dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1],[3],[4], Transparency International (2014), The impact of corruption on growth and inequality,https://www.transparency.org/files/content/corruptionqas/Impact_of_corruption_on_growth_and_inequality_2014.pdf, truy cập ngày 23/3/2023.

    [2] Hoài Phương, Cộng hòa Síp: Tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, xã hội, Báo Thanh tra, https://thanhtra.com.vn/quoc-te/tham-nhung-anh-huong-nghiem-trong-den-nen-kinh-te-xa-hoi-206557.html, truy cập 23/3/2023.

        [5], [9]Ang, Y. (2020). China’s Gilded Age. In China's Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption (pp. I-Ii). Cambridge: Cambridge University Press.

    [6] Phạm Thái Hà,10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới năm 2015, https://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201603/10-quoc-gia-it-tham-nhung-nhat-the-gioi-nam-2015-300272/, truy cập, 25/3/3023.

    [7]Ngọc Anh, 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới,https://noichinh.vn/tin-quoc-te/201809/10-quoc-gia-tham-nhung-nhat-the-gioi-304445/, truy cập, 25/3/3023.

    [8] Báo Tiền phong, Cố Tổng thống Marcos tham nhũng 100 tỷ US,https://tienphong.vn/co-tong-thong-marcos-tham-nhung-100-ty-usd-post39387.tpo, truy cập 25/3/2023.

    [10] Tùng Thư, Cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 150 ngàn tỷ đồng và 63.200 ha đất, Tạp chí điện tử VNEconomy, https://vneconomy.vn/co-quan-thanh-tra-da-phat-hien-vi-pham-ve-kinh-te-hon-150-ngan-ty-dong-va-63-200-ha-dat.htm,truy cập 28/3/2023.

    [11] Thanh Hoa, Mỗi năm có trên 11.000 vụ án rửa tiền, VNBusiness, https://vnbusiness.vn/tien-te/moi-nam-co-tren-11-000-vu-an-rua-tien-1082895.html,truy cập 28/3/2023.

    [12] Minh Ngọc, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Trang Thông tin điện tử Ủy Ban Kiểm tra trung ương,  https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html, Truy cập ngày 13/12/2022.

    [13]Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/, Truy cập ngày 28/3/2023.

    [14] Đức Mạnh, Forbes đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam 15 năm qua vô cùng ấn tượng, Báo Lao động, https://laodong.vn/kinh-doanh/forbes-danh-gia-tang-truong-gdp-viet-nam-15-nam-qua-vo-cung-an-tuong-1120736.ldo, truy cập 28/3/2023.

TS. Đậu Văn Côi (Ban Kinh tế Trung ương)
Bạn đang đọc bài viết "Mối quan hệ biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế bền vững" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin