Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng: Kiên quyết triệt phá “sân nhà” và “sân sau” của các quan tham

17/09/2019 06:29

(Pháp lý) - Theo Giáo sư John S.T. Quah, chuyên gia về tham nhũng và quản trị công hàng đầu thế giới đang sống tại Singapore, thế giới hiện đang đối mặt với 2 thách thức toàn cầu mang tính xã hội nghiêm trọng: Bất bình đẳng xã hội và tham nhũng. Ông Quah cũng chỉ rõ rằng, các Chính phủ muốn chống tham nhũng hiệu quả nhất hãy bắt đầu vào các chiến dịch nhằm vào “sân nhà” của các quan tham.

Triệt phá “kho báu” khổng lồ của “ông hoàng” Malaysia

Năm 2018 là một năm chấn động với Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á với nghi án tham nhũng lên đến hàng tỷ USD và liên quan trực tiếp đến người cầm quyền đất nước này gần 10 năm: cựu Thủ tướng Najib Razak.

 Cựu Thủ tướng Najib Razak bị truy tố với 42 tội danh, trong đó có các tội danh tham nhũng, rửa tiền
Cựu Thủ tướng Najib Razak bị truy tố với 42 tội danh, trong đó có các tội danh tham nhũng, rửa tiền)

Ngày 2/7/2015, tờ Wall Street Journal bất ngờ tiết lộ các điều tra viên Malaysia đang truy lùng dấu vết của gần 700 triệu USD nghi gửi vào nhiều tài khoản của Thủ tướng Najib Razak. Tài liệu điều tra cho biết, số tiền được luân chuyển qua nhiều cơ quan Chính phủ, ngân hàng và công ty có liên hệ với quỹ phát triển 1Malaysia Development Berhad (1MDB), được Thủ tướng Najib thành lập và điều hành từ năm 2009.

Chỉ trong vòng vài tháng, Thủ tướng Najib khi đó đứng trước áp lực phải từ chức. Mức độ bất bình tăng nhanh chóng mặt trong dư luận và nội bộ đảng United Malays National Organisation (UMNO), đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN). Các chính trị gia đối lập và nhà báo điều tra sau đó phát hiện đã có hàng tỷ USD "bốc hơi" khỏi 1MDB.

Kết luận điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, một nhân vật với mật danh "Quan chức Malaysia số 1" cùng các thành viên gia đình và bạn bè đã bòn rút gần 4,5 tỷ USD từ 1MDB thông qua các ngân hàng của Mỹ. Giới chức Mỹ sau đó âm thầm tiết lộ cho báo chí rằng nhân vật trong kết luận điều tra chính là Najib Razak.

Tuy nhiên, tại Malaysia, mọi nỗ lực điều tra về vụ bê bối bòn rút công quỹ hàng tỷ USD đều rơi vào bế tắc. Người lãnh đạo cuộc điều tra 1MDB khi đó, ông Shukri Abdull, nay đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) kể lại: “Chúng tôi nhận được đe dọa tôi có thể bị bắt giam với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi bị dọa bắn, đòi sa thải, ép về hưu sớm, buộc nghỉ phép, rồi bị chuyển công tác sang bộ phận huấn luyện giảng dạy”.

Nhiều nhân chứng liên quan đến nghi án bỗng ngừng liên lạc. Nhiều điều tra viên bị gây áp lực cho thôi việc, bị bắt giữ hoặc cho thuyên chuyển công tác.

Mọi nghi án tham nhũng đối với Thủ tướng Najib Razak chỉ được sáng tỏ khi “ông hoàng” đầy quyền lực này gặp “bàn tay sắt già nua” Mahathir Mohamad.

Mahathir Mohamad - lãnh đạo liên minh BN cầm quyền trong 22 năm trước khi về hưu năm 2003. Tuy nhiên, "cụ ông" 92 tuổi bất ngờ rời khỏi cuộc sống hưu trí, trở lại chính trường trong vai trò lãnh đạo liên minh đối lập Pakatan Harapan, và còn bất ngờ hơn khi phe đối lập lần đầu đánh bại liên minh BN sau 61 năm cầm quyền.

"Chúng tôi không muốn trả thù, chúng tôi chỉ muốn khôi phục pháp quyền", đó là những gì tân Thủ tướng Mahathir tuyên bố sau chiến thắng, khi được hỏi về nghi án tham nhũng hàng tỷ USD tại 1MDB.

Dưới ngọn cờ chống tham nhũng, vị Thủ tướng ở tuổi xưa nay hiếm đánh thẳng vào điểm yếu chí mạng của chính quyền Malaysia dưới thời Najib. "1MDB là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Vụ bê bối kéo dài đã đóng cái mác tham nhũng không thể gột rửa lên giới quan chức cấp cao của Chính phủ", Lim Teck Ghee, chuyên gia phân tích xã hội từ Kuala Lumpur, nhận định.

Với kết quả điều tra đối với 1MDB, Thủ tướng Mahathir đã ra lệnh cho các cơ quan Ủy ban chống tham nhũng Malaysia bắt giữ Cựu Thủ tướng Najib Razak vào tháng 8/2018. “Ông hoàng” Malaysia bị bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng khi có 2,6 tỷ ringgit (khoảng 628 triệu USD) vào tài khoản cá nhân.

Ông Najib đã bị truy tố với 42 tội danh, trong đó có các tội danh tham nhũng, rửa tiền và lạm dụng sự tín nhiệm. Khi khám nhà ông Najib, cảnh sát Malaysia đã thu giữ khối tài sản lớn gồm nhiều túi xách, đồng hồ hàng hiệu, kim cương và tiền mặt với tổng giá trị ước tính lên tới hơn 270 triệu USD.

Phiên tòa xét xử ông Najib Razak dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 để có thêm thời gian hoàn tất vụ xét xử liên quan tới Công ty SRC International, một chi nhánh của quỹ 1MDB. “Thành công nhất của vị Thủ tướng đương nhiệm là thu hồi được toàn bộ “kho báu” của kẻ tham nhũng Najib”, người dân Malaysia phấn khởi nói với truyền thông quốc tế trước phiên tòa.

Cắt “vòi bạch tuộc” của Odebrecht

Ngày 17/4/2019, dư luận Peru chấn động trước thông tin cựu Tổng thống Alan García đã qua đời do tự sát tại nhà riêng. Sự việc xảy ra khi cảnh sát chuẩn bị bắt giữ ông để điều tra những cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil).

Bị chính quyền Brazil phát hiện năm 2014, vụ bê bối liên quan đến Odebrecht là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latin. Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua, tập đoàn xây dựng khổng lồ Odebrecht đã đưa hối lộ khoảng 788 triệu USD cho các chính trị gia và quan chức Chính phủ ở 12 quốc gia trên khắp Nam Mỹ, châu Phi và cả tại Mỹ, Thụy Sĩ.

Tập đoàn này dùng tiền hối lộ để đổi lấy hơn 100 hợp đồng xây dựng và các dự án quy mô lớn, như dự án xây đường bộ, đường ống, xe lửa và hệ thống thủy lợi, đem lại lợi nhuận phi pháp lên tới 3,3 tỷ USD cho Odebrecht.

Số tiền thực hiện các dự án này thường vượt quá nhiều lần chi phí được các Chính phủ phê duyệt, như công trình đường cao tốc liên tỉnh giữa Peru và Brazil do Odebrecht thi công đã đội giá cao gấp bốn lần số tiền ngân sách dự án. Theo thống kê của tờ Folha de Sao Paulo, đây cũng là nguyên nhân khiến bảy quốc gia thiệt hại tới sáu tỷ USD sau khi vụ việc bị phanh phui.

Để thực hiện các hoạt động phi pháp, Odebrecht đã xây dựng hệ thống gửi và nhận hối lộ phức tạp, thông qua các công ty vỏ bọc ở quần đảo Virgin thuộc Anh và Belize, đồng thời sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng rải rác trên toàn cầu.

Tập đoàn này lựa chọn các ngân hàng nhỏ và mua chuộc nhiều nhân viên ngân hàng để thực hiện hoạt động chuyển tiền, ngay cả trong các khu vực có pháp luật nghiêm ngặt. Một bộ phận riêng biệt về “các dự án cấu trúc” của Odebrecht là nơi chuyên điều hành các hoạt động bí mật này.

Cuộc điều tra bê bối Odebrecht ở Brazil bắt đầu sau khi Chính phủ nước này phát hiện nhiều chính trị gia có hành vi nhận tiền bất hợp pháp tại các trạm rửa xe ở phía Nam đất nước. Chiến dịch chống tham nhũng mang tên “Car Wash” lan rộng đã khiến nhiều chính trị gia “sa lưới”, đồng thời gây ra sự bất bình trong công chúng.

Kết quả là tới năm 2016, người đứng đầu tập đoàn, ông Marcelo Odebrecht đã bị kết án 19 năm tù vì hành vi hối lộ cho các quan chức trong Công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil. Sau đó, có thêm 77 Giám đốc điều hành khác của Odebrecht phải nhận án tù.

Cựu Tổng thống Peru Alan García bất ngờ tự sát có thể để tránh bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng
Cựu Tổng thống Peru Alan García bất ngờ tự sát có thể để tránh bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng)

Nhiều chính trị gia nổi tiếng của Nam Mỹ đã bị cuốn vào vòng xoáy của bê bối tham nhũng này. Tại Brazil, vụ bê bối đã khiến cựu Tổng thống Lula da Silva bị kết án hơn 12 năm tù vì nhận hối lộ của Odebrecht. Sau đó, cựu Tổng thống Dilma Rousseff và người kế nhiệm Michel Temer cũng bị buộc từ chức sau những cáo buộc tham nhũng.
Trong khi đó tại Peru, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ bê bối, có tới bốn cựu Tổng thống bị cáo buộc nhận tiền hối lộ: Alejandro Toledo; Ollanta Humala; Alan García và Pedro Pablo Kuczynski. Chính tập đoàn này cũng thừa nhận đã chi ít nhất 29 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức Peru kể từ năm 2004.

Ước tính có hơn 50 chính trị gia hàng đầu, bao gồm cựu Tổng thống, cựu phó Tổng thống, nhiều nghị sĩ và thống đốc bang của các quốc gia khác như Ecuador, Venezuela, Colombia, Dominica, Mozambique,… cũng nằm trong diện điều tra và bị cáo buộc liên quan vụ tham nhũng quốc tế này.

Vụ tự tử của ông García đã cho thấy ảnh hưởng to lớn của “đại án” đối với các nhân vật hàng đầu trên chính trường Nam Mỹ. Đồng thời, cũng khiến nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc làm rõ thêm nhiều nghi vấn xung quanh vụ hối lộ Odebrecht tại Peru.

Kết mở

Những đại án tham nhũng trên buộc Chính phủ các nước trong khu vực phải đối mặt một thực tế là các tập đoàn lớn, các Quỹ tài chính “khủng” hoàn toàn đủ khả năng can thiệp, thao túng sâu vào chính trường thông qua hoạt động hối lộ, rửa tiền... Đây cũng là tiền lệ xấu phản ánh việc các chính trị gia Nam Mỹ muốn đạt được thành công trên chính trường thì phải phụ thuộc sự “chống lưng” về tài chính từ các tổ chức “mafia kinh tế” như Odebrecht.

“Để tạo ra các cơ chế thật sự minh bạch và duy trì vai trò quản lý của Nhà nước, mọi khía cạnh liên quan vụ bê bối tham nhũng Odebrecht đều được Chính phủ Peru điều tra và nhiều mối quan hệ giữa quan chức cấp cao với các tổ chức pháp nhân được thông tin rộng rãi trước công chúng. Thêm vào đó, cách tiếp cận và xử lý cứng rắn của bộ máy tư pháp Peru nên là một thí dụ để nhiều quốc gia khác trong khu vực học hỏi”, Tổ chức Minh bạch quốc tế nhận định.

Việt Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng: Kiên quyết triệt phá “sân nhà” và “sân sau” của các quan tham" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin