
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp căn cứ vào hình thức góp vốn và loại hình doanh nghiệp. Vốn điều lệ là thông tin cơ sở cho đối tác, khách hàng khi xem xét hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Tùy vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động sẽ tự quyết định mức vốn điều lệ.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “khống” là không có trong thực tế, nhưng được xem, được tính như có thật. Do đó, có thể hiểu kê khai khống vốn điều lệ là việc ghi nhận vốn điều lệ không đúng với thực tế góp vốn. Đây là hành vi vi phạm điều cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và tùy vào giá trị vốn điều lệ kê khai khống sẽ có mức phạt tiền tương ứng theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về kê khai vốn điều lệ.
Tuy nhiên, từ các vụ án kinh tế xảy ra trong thời gian qua cho thấy, trên thực tế tình trạng kê khai khống vốn điều lệ đã và đang xảy ra, có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp bất chấp các quy định pháp luật khi sử dụng hồ sơ doanh nghiệp có vốn ảo nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính như lừa đảo, thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá, thao túng thị trường chứng khoán, gây hệ lụy lớn cho môi trường đầu tư kinh doanh, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư khi các đối tượng.
Nhận diện mục đích và thủ đoạn của tội phạm
Nghiên cứu thực tiễn một số vụ việc, vụ án cho thấy việc nâng khống vốn điều lệ, tăng vốn ảo thường nhằm hướng tới thực hiện một số gian lận, vi phạm pháp luật như: đánh bóng cá nhân, tạo hồ sơ đẹp để câu kéo hợp đồng, làm giá cổ phiếu, thậm chí để lừa đảo, gây hệ lụy lớn cho môi trường đầu tư. Cụ thể như:
Thứ nhất, tăng khống vốn điều lệ nhằm mục đích câu kéo hợp đồng, thậm chí lừa đảo: Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty đều phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà nhiều trường hợp doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ công ty nhằm mục đích câu kéo được hợp đồng, thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp” để lừa đảo. Điển hình như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Địa ốc Alibaba, ban đầu Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm thành lập nhóm các công ty với vốn điều lệ chỉ 01 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều lần đăng ký thay đổi đã tăng vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng nhằm tạo hồ sơ năng lực tài chính đẹp, tạo niềm tin cho khách hàng, thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho khách hàng số tiền 2.500 tỷ đồng. Hay như trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Sen Tài thu, công ty này đã tăng vốn từ 31 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng để quảng cáo gian đối về lợi nhuận, quy mô hoạt động của doanh nghiệp mặc dù trên thực tế công ty này kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong nhiều năm…
Thứ hai, tăng vốn ảo của các công ty niêm yết để làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm trục lợi: Trường hợp này có thể nhìn nhận thấy rất rõ thông qua vụ án Trịnh Văn Quyết “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán” đã nâng khống vốn Công ty FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng để lừa đảo các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu của công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán… Hoặc một vụ án khác có thể nhắc đến như vụ MTM Công ty cổ phần xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM) với vốn điều lệ ban đầu chỉ 10 tỷ đồng nhưng lãnh đạo doanh nghiệp thời điểm 2019 đã chỉ đạo một số cá nhân làm giả hồ sơ tăng vốn, làm giả danh sách cổ đông với 103 người và chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom…
Thứ ba, nâng khống vốn điều lệ để tham gia đấu thầu, trục lợi: Điển hình như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, vào thời điểm mới thành lập, Phúc Sơn có vốn điều lệ ở mức 129,8 tỷ đồng, vào tháng 1/2015, tập đoàn Phúc Sơn đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, đến tháng 11/2015, Phúc Sơn tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, vào tháng 2/2017, tăng vốn lên 2000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tập đoàn này đã tăng vốn gấp hàng chục lần. Việc nâng vốn điều lệ như trên đã một phần giúp cho tập đoàn có thể đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính khi tham gia đấu thầu, bởi các dự án công lớn yêu cầu nhà thầu phải có một vốn điều lệ đủ lớn hoặc nguồn tài chính mạnh mẽ để đảm bảo khả năng thực hiện các công trình, đặc biệt là trong trường hợp có sự thay đổi hoặc phát sinh chi phí trong quá trình thi công. Sau khi trúng thầu, tập đoàn này thường “bán lúa non” gói thầu cho các doanh nghiệp khác để ăn chênh lệch hoặc thi công không đảm bảo chất lượng, từ đó trục lợi từ ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Một số bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn (Ảnh BCA)
Từ thực tiễn cho thấy, thủ đoạn nâng khống vốn điều lệ, tăng vốn ảo phổ biến thường xảy ra có thể kể đến như:
- Định giá khống giá trị tài sản góp vốn cao gấp nhiều lần giá trị thực tế để thành lập doanh nghiệp, tham gia điều hành doanh nghiệp: Để hợp thức hóa hồ sơ đăng ký khống vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp, thay vì góp vốn bằng tiền đồng, các đối tượng sử dụng thủ đoạn góp vốn bằng tài sản, bằng sở hữu trí tuệ, hay bằng công nghệ nào đó và định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. Dù thực tế không góp đủ vốn hoặc không góp vốn để có cổ đông theo quy định pháp luật nhưng các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư.
- “Chạy dòng tiền ảo”, ủy thác vốn doanh nghiệp cho cá nhân: cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp bằng một lệnh chuyển tiền đến, nhưng tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến thì có một lệnh chuyển tiền di trong một khoảng thời gian nhất định dưới hình thức doanh nghiệp ủy thác đầu tư cho cá nhân và tổ chức trong cùng hệ thống. Tiền chảy lòng vòng nhiều lần, nhưng thực tế chỉ loanh quanh khoản tiền gốc và một vài nhân vật trụ cột.
- Các cổ đông nội bộ sẽ vay mượn trước một khoản tiền của bên thứ ba, hoặc thậm chí bên thứ ba kia có thể ứng trước: Các cổ đông này mua vào cổ phần phát hành ra, đương nhiên, công ty sẽ nhận một khoản tiền lớn và vốn điều lệ được tăng lên. Tuy nhiên, có thể ngay sau đó, công ty lại chuyển tiền ra theo các hình thức cho vay, hợp tác kinh doanh, hay thậm chí lập công ty con… rồi cuối cùng tiền lại chạy về túi các cổ đông nội bộ này.
Kiến nghị giải pháp
Trước thực tiễn trên, để ngăn chặn tình trạng nâng khống vốn điều lệ, các cơ quan chức năng cần triển khai một số các giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra: Cần thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp trong quá trình đăng ký và thay đổi vốn điều lệ, đặc biệt công tác hậu kiểm sau đăng ký kinh doanh, thay đổi vốn điều lệ. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ quan thuế, cần có biện pháp xác minh nguồn gốc vốn điều lệ, đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của “dòng tiền”, xác minh tính “có thật” của vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật: Các quy định pháp lý về việc đăng ký vốn điều lệ cần được hoàn thiện để tránh các kẽ hở cho việc nâng khống. Cụ thể: Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định giới hạn số vốn điều lệ tối thiểu, tối đa, do đó, chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể đăng ký số vốn điều lệ bất kì mà không cần chứng minh. Về thời hạn góp vốn, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, sau thời hạn nêu trên, các công ty chỉ cần nộp một bảng xác nhận đã góp đủ vốn điều lệ cho cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không cần chứng minh về số vốn thực góp, do đó, không thể tránh khỏi tình trạng vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là một con số trên giấy tờ còn trên thực tế thì hoàn toàn không có. Do vậy, trong lần sửa đổi Luật doanh nghiệp tới cần xây dựng, bổ sung các quy định chặt chẽ yêu cầu doanh nghiệp khi thành lập cần cung cấp cho cơ quan quản lý đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số vốn điều lệ mà các cổ đông đã góp, phương án, mục đích sử dụng nguồn gốc và có quy định cho quá trình hậu kiểm sau này của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo vốn điều lệ của doanh nghiệp là có thực.
Ngoài ra, Điều 37 Luật doanh nghiệp năm 2014, và nay là Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số (trên 50%) các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận…Mặc dù việc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế giám sát, kiểm tra việc định giá tài sản góp vốn, dẫn đến tình trạng trên diễn ra mà chưa có biện pháp xử lý mang tính chất răn đe, ngăn chặn. Trong thời gian tới, cần có các quy định cụ thể hơn trong việc định giá tài sản góp vốn, có các chế tài xử phạt đối với các đơn vị tham gia định giá tài sản khi vi phạm trong hoạt động này.
Thứ ba, áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc: Các doanh nghiệp có hành vi nâng khống vốn điều lệ cần phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự tùy theo mức độ vi phạm. Cần có các hình phạt nghiêm khắc như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc khởi tố hình sự đối với các hành vi gian lận tài chính. Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm kê khai khống vốn điều lệ mặc dù đã được tăng lên nhưng thực còn nhẹ so với những thiệt hại hoặc khoản thu lợi bất chính của các đối tượng dẫn đến chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế. Theo quy định Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ cao nhất chỉ từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên. Mức phạt này còn quá nhẹ so với hậu quả thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng do hành vi nâng khống vốn điều lệ, tăng vốn ảo gây ra, hơn hết là quá nhẹ so với hậu quả phi vật chất như bóp méo tính minh bạch, chính xác của thị trường, ảnh hưởng môi trường cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế….
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp: Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là về các hậu quả pháp lý của việc nâng khống vốn điều lệ. Điều này giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ của mình đối với pháp luật và tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp: Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cần chú trọng đến việc cải thiện năng lực phân tích, nhận diện các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường trong việc kê khai vốn điều lệ, trong hoạt động tăng vốn điều lệ. Để thực hiện được mục tiêu này, cần thiết phải xây dựng và triển khai các hệ thống phần mềm quản lý thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để theo dõi và phân tích tình hình tài chính, hoạt động tăng/ giảm vốn của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đặc biệt hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro cho phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo không để sót, lọt doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến vốn điều lệ. Từ đó có thể phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận trong kê khai vốn điều lệ, trong hoạt động tăng vốn điều lệ, ngăn chặn kịp thời hành vi nâng khống vốn điều lệ.
Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý: Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Bộ/ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan điều tra, và các cơ quan kiểm toán cần hợp tác chặt chẽ trong việc giám sát và kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc đăng ký và thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Một hệ thống thông tin chung và cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan sẽ giúp phát hiện kịp thời những dấu hiệu gian lận, nâng khống vốn điều lệ. Đồng thời, các cơ quan này cần phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc vốn, kiểm tra báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cũng như thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm. Ngoài ra, việc xây dựng một quy trình đồng bộ, thống nhất trong việc quản lý và kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và ngăn chặn hành vi gian lận, bảo vệ tính minh bạch và ổn định của nền kinh tế.