Kiến nghị nhằm giảm, tiến tới ngăn chặn các tội phạm về chức vụ

(Pháp lý) - Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước liên tục được duy trì với cường độ cao, “lò lửa” luôn rực cháy với hàng loạt đại án tham nhũng được điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh, làm nức lòng người dân cả nước. Thế nhưng từ báo cáo của cơ quan có chức năng với những con số tội phạm về chức vụ bị phát hiện, khởi tố gia tăng năm 2018, khiến chúng ta không khỏi quan ngại… Bài viết sau đây, tác giả nêu ra một số kiến nghị với mong muốn góp phần giảm, tiến tới ngăn chặn loại tội phạm hết sức nguy hiểm này.

Quan ngại những con số…

Cuối năm 2018, tại một phiên thảo luận, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (13/11-14/11), Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết: Công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện KSNDTC năm 2018 có chuyển biến rõ nét về chất. Tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp so với năm 2017. Trong đó đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Cơ quan tố tụng đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố…

Đây là lần thứ 2 con số trên được nhắc lại với chiều hướng gia tăng. Trước đó tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội (sáng 4/9), Viện trưởng Viện KSNDTC đã thông tin, trong vòng 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 60.242 vụ án, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tiếp tục tăng, như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma tuý (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%). Đáng chú ý, theo báo cáo là đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ, cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Cũng tại phiên họp trên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tội phạm về kinh tế, tham nhũng đều tăng. Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã phát hiện hơn 16.000 vụ; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03%). Đáng lưu ý là tội phạm về kinh tế, tham nhũng đều tăng, nhiều vụ tiêu cực tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc. Trong đấu tranh chống tội phạm, ông Vương cho biết các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03 bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can)…

Chế tài nghiêm minh, vì sao tội phạm chức vụ vẫn chưa giảm?

Để đáp ứng công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới và để tiệm cận với thông lệ quốc tế, BLHS 2015 (một trong những công cụ chế tài mạnh mẽ nhất) được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường chế tài đối với tội phạm về tham nhũng. Trong đó đặc biệt mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ (trong đó có tội phạm tham nhũng) để có thể bao gồm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước), cụ thể là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện “công vụ” (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước), mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước)… Sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi tham nhũng còn được thể hiện tại khoản 3 Điều 28 BLHS 2015 là không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với: “Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này”. Có nghĩa là hành vi nhận hối lộ của tội phạm dù xảy ra từ hàng chục năm về trước nhưng nếu bị phát hiện thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất đối với tội nhận hối lộ là tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, hoặc việc nhận hội lộ gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên (khoản 4 Điều 354 BLHS 2015)…

Giải thích nguyên nhân tội phạm chức vụ gia tăng (số vụ án được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%), Viện trưởng VKSTC Lê Minh Trí cho biết là do trong thời gian ngắn, các cơ quan tố tụng đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn. Cắt nghĩa của Viện trưởng Lê Minh Trí được hiểu là tội phạm chức vụ gia tăng không phải là mới phát sinh mà là đã xảy ra trước đó nhưng chưa bị phát hiện.

Lý giải của Viện trưởng hoàn toàn có cơ sở, căn cứ. Nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan, vì trên thực tế, loại tội phạm nguy hiểm này vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi…

Liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật có làm tới cùng, khởi tố những cán bộ có hành vi hối lộ để mua điểm cho con? (trong ảnh là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng bên phải), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can – nguồn ảnh: Tuổi trẻ)
Liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật có làm tới cùng, khởi tố những cán bộ có hành vi hối lộ để mua điểm cho con? (trong ảnh là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng bên phải), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can – nguồn ảnh: Tuổi trẻ))

Bằng chứng mới nhất là vụ đại án gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại 03 tỉnh phía Bắc gồm Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La xảy ra vào tháng 4/2018 (tức sau gần 4 tháng BLHS 2015 có hiệu lực). Đến thời điểm này đã có tới 19 bị can bị khởi tố bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại Điều 356 BLHS 2015 (Sơn La 8 bị can; Hòa Bình 6 bị can; Hà Giang: 5 bị can). Hành vi của các bị can gây ra không phải là do quy trình tổ chức kỳ thi không chặt chẽ mà là do các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao (chấm thi, bảo quản bài thi, bảo vệ kỳ thi… ) đã thông đồng cấu kết làm “tê liệt” quy trình của Bộ GD & ĐT, nâng điểm khống cho 222 thí sinh, nhằm mục đích vụ lợi theo yêu cầu “chạy điểm” của phụ huynh (trong đó đến thời điểm này đã có 21 phụ huynh lộ diện và có thông tin từ lời khai của bị can là mỗi phi vụ nâng điểm có giá 1 tỷ đồng?).

Và mới đây vào ngày 26/4/2019, dư luận tiếp tục sốt lên khi được biết Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã ra quyết định tạm giữ hình sự cùng một lúc 05 bị can là cán bộ có chức có quyền thuộc Cơ quan Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, để điều tra hành vi nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS 2015.

Trụ sở Thanh tra tỉnh Thanh Hóa - nơi công tác của 5 Thanh tra trước khi bị bắt về hành vi nhận hối lộ.
Trụ sở Thanh tra tỉnh Thanh Hóa - nơi công tác của 5 Thanh tra trước khi bị bắt về hành vi nhận hối lộ.)

Kiến nghị Luật phải đảm bảo khả thi, không có “khoảng trống”.

Liệu ngoài các vụ án bị cơ quan có chức năng phát hiện khởi tố, còn bao nhiêu vụ tham nhũng, chức vụ khác ẩn khuất chưa lộ diện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được nêu ra một góc nhìn, một kiến nghị.

Đặc trưng của loại tội phạm tham nhũng, chức vụ (khác với loại tội phạm khác) là trước khi bị bắt, họ là người có quyền lực và có trình độ cao nên hiểu biết rất rõ các quy định của pháp luật. Trước khi quyết định “nhúng chàm” các đối tượng đều ý thức được hậu quả gây ra và chế tài phải chịu ở mức độ nào, nếu hành vi của mình bị phát giác. Tuy nhiên họ vẫn lao vào bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí chấp nhận đánh đổi địa vị là vì hai chữ “lợi ích”. Vì vậy có thể nói động cơ lợi ích đi liền với quyền lực sẵn có và một cái đầu thông tuệ là nguyên nhân làm phát sinh các hành vi tham nhũng, chức vụ mà cơ quan có chức năng và xã hội rất khó phát hiện, cáo giác và xử lý so với các loại tội phạm khác. Nhưng còn một nguyên nhân khác đã “giúp sức”, thúc đẩy họ phạm tội, đó là những khoảng trống, kẽ hở của Luật, những điều luật chung chung thiếu cụ thể, những điều luật cho họ “tùy nghi” áp dụng… Những khoảng trống của luật dẫn tới hình thành “sân sau”, “nhóm lợi ích”… như Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương chỉ ra gần như ai cũng nhìn thấy được, vấn đề là các nhà làm luật sẽ sửa đổi như thế nào và sửa đến đâu để góp phần hạn chế.

Lấy ví dụ về nguyên nhân dẫn đến tội phạm chức vụ trong lĩnh vực tư pháp, Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư Bình Định) chỉ ra khoảng trống trong BLHS đó chính là chế định khung hình phạt còn dùng cụm từ: “từ….. đến…”. Quy định như vậy, theo LS. Hoa vô hình trung tạo ra “kẽ hở” quá rộng để những cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng “khai thác” để vòi tiền bị cáo (mặc dù để giảm nhẹ hay tăng nặng hình phạt pháp luật quy định phải có những tình tiết bổ sung tương ứng, song những yêu cầu đó không khó đối với những thẩm phán có kinh nghiệm). Hành vi nhận hối lộ của bị can Lê Thị Bích Anh, nguyên thẩm phán, Chánh án TAND TANĐ huyện Đan Phượng (Hà Nội); của bị can Giáp Văn Huyên, nguyên thẩm phán TAND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang;… và một số bị can khác… chắc chắn không loại trừ có nguyên nhân từ “khoảng trống” quá rộng về chế tài của một số điều luật trong BLHS hiện hành. “Vì vậy muốn hạn chế vấn nạn tham nhũng chức vụ trong các cơ quan tố tụng, thì BLHS cần phải sửa đổi chế định hình phạt theo hướng cá thể hóa mỗi hành vi gây ra tương ứng với mức hình phạt cụ thể”, Luật sư Hoa đề xuất.

Luật PCTN số 36/2018/QH14 năm 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, được cho là một trong những “thanh bảo kiếm” để tấn công vào thành trì tham nhũng, nhưng theo một số chuyên gia luật vẫn còn đó những điều luật rất khó khả thi. Tại Điều 73 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại khoản 3 của điều luật này quy định hành vi của người đứng đầu, cấp phó sẽ được xem xét loại trừ, miễn giảm trách nhiệm pháp lý, trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

image004

Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, theo Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia Bình Định), rất khó để quy trách nhiệm họ đã biết trước hành vi của thuộc cấp, trừ phi hành vi đó đã xảy ra. Cũng như vậy, các biện pháp cần thiết là biện pháp gì để người đứng đầu được loại trừ trách nhiệm pháp lý ? Trong vụ án 05 bị can thuộc Cơ quan Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ, cơ quan có chức năng đã xác định ông Vũ Đình Quế - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa được phân công giám sát hoạt động của tổ công tác này, nhưng sẽ rất khó có căn cứ để quy trách nhiệm ông Quế đã biết được hành vi “tống tiền” của 05 bị can.

Một quy định khác (Điều 22, Luật PCTN 2018): “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật”. Theo Luật gia Nguyễn Quang Quý (Hội Luật gia Gia Lai), khoảng trống nằm ở chỗ “trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại…”. Nghĩa của từ đối ngoại quá rộng, cấp trên đến thăm đơn vị, khách hàng làm ăn, đơn vị kết nghĩa… đều có thể quy vào “đối ngoại”. Do đó để hạn chế tội phạm, theo LG Quý, pháp luật cần phải hạn chế và tiến tới triệt tiêu những điều khoản chung chung, có từ ngữ và câu chữ đa nghĩa, hiểu sao cũng không sai...

Cơ chế để chọn người có đức, có tài

Tuy nhiên pháp luật dù có hoàn thiện và nghiêm minh đến đâu cũng không ngăn chặn được lòng tham trỗi dậy của con người. Lòng tham khiến người ta rất dễ dùng quyền lực để thu vén cho cá nhân và sẵn sàng móc ngoặc, thỏa hiệp với những kẻ xấu để vụ lợi. Hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018, hay vụ 05 thanh tra tại huyện Thiệu Hóa… đều xuất phát từ động cơ vụ lợi, họ đã không giữ được mình trước sự cám dỗ của vật chất. Vì vậy, mấu chốt sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần phải có cơ chế phù hợp để chọn lựa được một đội ngũ công quyền thực sự có tâm, tầm, có đạo đức và có trách nhiệm - những người không phải “đầu tư đầu vào” cho một cái ghế, để khi ngồi lên ghế không phải đau đáu tìm đủ mọi cách để “gỡ gạc” bù lỗ./.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin