Đây là sự kiện thường niên của những người đứng đầu các cơ quan thành viên ASEAN-PAC nhằm thảo luận về các hoạt động hợp tác, chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phòng, chống tham nhũng và thông qua các kế hoạch, văn kiện quan trọng của Nhóm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia Alexander Marwata khai mạc Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20 tại Sanur, Denpasar, Bali, ngày 2/12/2024. Ảnh: ANTARA/Rolandus Nampu
Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20 do Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) đăng cai tổ chức, với sự tham dự của người đứng đầu các cơ quan chống tham nhũng từ 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), cùng Timor-Leste với tư cách quan sát viên.
Chủ đề của hội nghị năm nay là: “Tăng cường hợp tác thông qua đổi mới công nghệ trong cuộc chiến chống tham nhũng”.
Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác khu vực và đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng.
Tại lễ khai mạc Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20, ông Alexander Marwata, Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định hội nghị đóng vai trò là nền tảng để các quốc gia ASEAN chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, chiến lược và các biện pháp thực tiễn tốt nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo ông Alexander Marwata, các hành vi tội phạm tham nhũng hiện nay đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Nhiều tài sản tham nhũng cũng được cất giấu ở nước ngoài tại các quốc gia ASEAN khác...
Trọng tâm của hội nghị lần này là thảo luận về việc sử dụng công nghệ để xóa bỏ tham nhũng trong khu vực ASEAN.
Tham nhũng không có biên giới. Nó không chỉ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của người dân và cản trở tiến trình phát triển ở nhiều quốc gia ASEAN.
Ông Marwata nhấn mạnh, công nghệ đóng vai trò chiến lược trong việc điều phối các nỗ lực hợp tác nhằm xóa bỏ tham nhũng trong khu vực ASEAN. Công nghệ được coi là thiết yếu để giải quyết các thách thức phát sinh từ sự đa dạng về văn hóa, nguồn lực và lịch sử ở mỗi quốc gia thành viên.
"Vai trò của công nghệ đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các công cụ kỹ thuật số có thể cung cấp nền tảng để chia sẻ thông tin, điều tra chung và giám sát theo thời gian thực".
Đại diện Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia bày tỏ hy vọng, việc sử dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết những trở ngại hiện tại và đóng vai trò là sức mạnh chuyển đổi để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Việc triển khai công nghệ cần có khuôn khổ rõ ràng, hệ thống pháp lý mạnh mẽ và ý chí chính trị nhất quán từ các quốc gia thành viên ASEAN-PAC.
"Trong các vụ án tham nhũng xuyên biên giới, chúng ta có thể tiến hành một cuộc điều tra chung bằng cách sử dụng công nghệ", ông Alexander Marwata nói, đồng thời cho rằng, sự khác biệt trong việc thực thi pháp luật giữa các quốc gia là một trong những trở ngại chính, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công dân của các quốc gia khác.
Ông Alexander Marwata nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực tập thể trong việc chống tham nhũng và tái khẳng định cam kết của Indonesia về tính minh bạch cũng như quản trị tốt.
Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị cũng lưu ý sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN để giải quyết tham nhũng một cách thống nhất và hiệu quả hơn.
Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20 đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường khuôn khổ chống tham nhũng của ASEAN và xây dựng quan hệ đối tác xuyên biên giới để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn, với kỳ vọng, sự kiện sẽ mang tới những sáng kiến và thỏa thuận tiếp theo nhằm thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng trong khu vực.