Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS). Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62 (NĐ62), tiến tới sửa đổi một số điều của Luật THADS là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác THADS, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần đó, xin tham gia góp ý một số nội dung về sửa đổi, bổ sung NĐ 62.
Thứ nhất: Tại khoản 4, Điều 7 của Nghị định qui định từ chối yêu cầu thi hành án. Theo qui định hiện hành, “Cơ quan THADS từ chối yêu cầu yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành”.
Việc đưa vấn đề này vào nội dung sửa đổi Nghị định là hợp lý, vì thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những bản án, quyết định xét xử về tranh chấp thừa kế, chia tài sản, giao con sau ly hôn, tòa án thường chỉ tuyên: Xác định tài sản A hoặc tài sản B là thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông K hoặc bà Y; hoặc khi phân chia di sản thừa kế tuyên: Giao ông A được quyền sở hữu, sử dụng tài sản H… mà không tuyên người nào (chủ thể) phải có nghĩa vụ giao.
Nhiều trường hợp người được thi hành án đến cơ quan THADS yêu cầu giao tài sản, nhưng căn cứ khoản 4 Điều 7, cơ quan THADS từ chối nhận đơn yêu cầu vì bản án không xác định chủ thể thi hành và không rõ nghĩa vụ thi hành án nên không có căn cứ ra quyết định để tổ chức thi hành án. Do không được tiếp nhận yêu cầu thi hành án nên có rất nhiều đương sự phản ứng, cho rằng cơ quan THADS không đáp ứng yêu cầu của người dân, có trường hợp khiếu kiện nhiều nơi.
Để tháo gỡ vấn đề này, Dự thảo quy định: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp sau đây: a) Bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành. b) Bản án, quyết định không xác định rõ người phải thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định tuyên giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản hoặc tuyên giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản, nuôi dưỡng người chưa thành niên”.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì qui định như trên cũng chưa có tính khả thi nếu không có một qui định khác nhằm đảm bảo cho việc áp dụng điểm b khoản 4 Điều 7 của dự thảo. Bởi vì, theo khoản 3 Điều 36 của Luật THADS qui định về Quyết định thi hành án phải có ít nhất 4 nội dung, cụ thể: Quyết định thi hành án phải ghi tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.
Như vậy, nếu qui định theo điểm b khoản 4 Điều 7 như dự thảo thì khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án đối với những trường hợp nêu trên, thì khi ra quyết định thi hành án không thể ghi trong quyết định ai là người phải thi hành án, nghĩa vụ thi hành án vì bản án tòa án không tuyên cụ thể và nếu không xác định chủ thể và nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan THADS cũng không thể ấn định thời hạn tự nguyện thi hành án và cũng không áp dụng các biện pháp thi hành án cho cá nhân nào nếu không thi hành được khoản thi hành án theo đơn.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Điều 24 của dự thảo Nghị định nội dung “xác định hành vi tẩu tán tài sản” vì hiện nay chưa có văn bản nào xác định hành vi tẩu tán tài sản trong lĩnh vực THADS. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định: Sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì được xem đó là hành vi tẩu tán tài sản.
Vì có nhiều trường hợp sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu thi hành án nhưng chấp hành viên chưa kịp thực hiện các thủ tục thi hành án thì người phải thi hành án đã cố tình chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê tài sản.
Qui định như trên đảm bảo có cơ sở vững chắc để khi khởi kiện, tòa án có căn cứ xác định hành vi tẩu tán tài sản, tuyên bố giao dịch vô hiệu. Mặt khác, qui định như trên bảo đảm sự an toàn cho chấp hành viên, cơ quan THADS, vì nếu không xác định căn cứ rõ ràng để tòa án tuyên bố giao vô hiệu mà lại công nhận giao dịch dân sự nói trên hợp pháp thì nguy cơ phát sinh bồi thường nhà nước rất lớn đối với chấp hành viên, cơ quan THADS.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-phap/gop-y-ve-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-622015ndcp-can-xac-dinh-ro-hanh-vi-tau-tan-tai-san-trong-thi-hanh-an-dan-su-456300.html