Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được tiếp thu, bổ sung và rà soát kỹ lưỡng nhiều chế định quan trọng

31/05/2023 17:20

Sáng 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nhiều chế định quan trọng của Dự án đã được các Đại biểu góp ý hoàn thiện.

1-1685508777.jpg

Các ĐBQH thảo luận góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Đa số ý kiến cho rằng việc ban hành dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu bảo đảm sự tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; loại bỏ tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa dự thảo Luật với các luật khác.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (9 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, đã chỉ đạo , bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở khi thực hiện giao dịch điện tử.

2-1685508784.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Ảnh: VGP

Về phạm vi điều chỉnh

 Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ; Có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử 2005 hiện đã được triển khai giao dịch điện tử một phần như đăng ký khai sinh, kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương…Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình), phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm xây dựng luật của các nước phát triển và một số nước tương đồng với Việt Nam để giải trình phạm vi điều chỉnh cho phù hợp. Đối với vấn đề này, UBTVQH nhận thấy tờ trình của Chính phủ, báo cáo rà soát pháp luật và các điều ước quốc tế, báo cáo kinh nghiệm quốc tế đã trình bày chi tiết kinh nghiệm của các nước phát triển và một số nước tương đồng với Việt Nam về phạm vi điều chỉnh. Các nghiên cứu này đã được thể hiện và đề xuất quy định trong dự thảo Luật. Vì vậy, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về chữ ký điện tử

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ nhận định, hiện nay, các hình thức mã xác thực giao dịch qua tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)… được sử dụng tương đối phổ biến trong giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, các hình thức này chỉ được coi là chữ ký điện tử khi kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu; có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ kí số chuyên dụng

 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) đề nghị xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia...Theo ông Đức, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Do vậy, cần tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ. Theo đó, sửa lại dự thảo luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) tranh luận khẳng định đây không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước. Theo ông Tuấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan nhà nước. Việc cấp cho các cơ quan nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dụng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý nhà nước.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) nêu kinh nghiệm thế giới và Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Do đó, "chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý. Cần quy định về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ", ông Duyệt nêu ý kiến.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ không thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu.

Mặt khác, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, thực chất là dịch vụ công nhằm cung cấp chứng thư (phương tiện để ký số) trong giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước nên không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Giao dịch điện tử nếu chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì sẽ vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Phát biểu giải trình sau khi đại biểu nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết dựa vào nghị quyết 18, một việc chỉ giao một cơ quan làm đầu mối, nếu quản lý nhà nước mà tách bạch thì vận hành trong thực tế như thế nào. Ông Huy cho biết chữ ký số chuyên dùng công vụ cũng chỉ là một phần của chữ ký điện tử, mà chữ ký điện tử cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong giao dịch điện tử

Về Quản lý giao dịch điện tử

Nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

3-1685508784.jpg

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum)

Nêu thực tế hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nội dung an ninh mạng; cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, phục vụ giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, phục vụ giao dịch điện tử…

Theo ông Huy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng; các yêu cầu về kỹ thuật đối với hệ thống thông tin, hạ tầng công nghệ…đảm bảo phục vụ GDĐT. Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ trong GDĐT, do đó, không bổ sung các nội dung này.

Về ý kiến làm rõ vai trò quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH nhận thấy cơ quan thuộc Chính phủ vẫn được giao thực hiện một số trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước tại một số luật chuyên ngành.

Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nói chung, trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ nói riêng đã được quy định tại Chương V về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước (từ Điều 42 đến Điều 47). Do đó, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7 (dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4).

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 7), ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan thuộc Chính phủ tại khoản 4 Điều 7; có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Điều 7.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, ông Huy cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ; cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cơ quan thuộc Chính phủ tuy không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn thực hiện một số trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước theo pháp luật chuyên ngành.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước nói chung, trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ nói riêng đã được quy định tại Chương V về Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. “Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, mong Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7 (dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4) để bảo đảm chặt chẽ và thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Huy nêu.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi giữa các cơ quan có liên quan để tiếp thu, chỉnh lý quy định này. Việc chỉnh lý theo hướng dựa trên quan điểm phù hợp với chủ trương của Đảng, nhất là quan điểm “… một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính…”.

Về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước

Có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

UBTVQH thấy rằng các ý kiến ĐBQH là xác đáng. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và  để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng. Theo đó, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình, cơ quan Nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử.

Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và logic hơn.

Phúc Anh (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được tiếp thu, bổ sung và rà soát kỹ lưỡng nhiều chế định quan trọng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin