
Vướng mắc, bất cập trong thực thi Bộ Luật Hình sự 2015
Tổng kết 08 năm thi hành, Bộ luật Hình sự 2015 đã góp phần quan trọng trong quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của tổ chức, của Nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó có vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Một là, các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập: Các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.
Theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ”…
Về thời hiệu thi hành án tử hình: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60, theo đó khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên, đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như: tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt.
Hai là, một số quy định khác của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng:
+, Một số quy định còn quá nghiêm khắc; mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt chưa phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, dẫn đến các hành vi dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa thể hiện được tính chất khoan hồng, nhân đạo.
+, Thực tiễn thi hành cho thấy một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được quy định là tội phạm: hành vi “xả nước thải sản xuất ra môi trường với lưu lượng rất lớn nhưng lượng nước thải này không có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quy định tại Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường”...
+, Đồng thời, nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa góp phần giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội...
Ba là, chưa có cơ chế để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW;...
Những đề xuất sửa đổi, bổ sung mới liên quan hình phạt
- Đề xuất hình phạt mới tù chung thân không xét giảm án: Theo dự thảo luật đề xuất tù chung thân không xét giảm án được hiểu “là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình”. Án phạt này được đề xuất áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tuyên tử hình. Thời hiệu thi hành bằng thời hiệu của án tù chung thân và tử hình, tức 20 năm.
Người bị kết án tù chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.
Dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 05 tội danh:
Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự); Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114); Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194 Bộ luật Hình sự); Tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250 Bộ luật Hình sự); Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421 Bộ luật Hình sự).
Bên cạnh đó, đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354).
- Tăng mức hình phạt tù, tiền đối với một tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe : Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, ma túy nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai.

Nâng mức hình phạt tù, tiền đối với tội phạm về môi trường nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai
Theo đó, dự thảo Bộ luật Hình sự đã tăng mức hình phạt tù, tiền đối với một số tội, ví dụ như Tội gây ô nhiễm môi trường (theo dự thảo Bộ luật mới là tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường): Tăng mức hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm thành từ 01 năm đến 03 năm, tăng mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng thành từ 300.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng tại khoản 1; tăng mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm thành 03 năm đến 07 năm, tăng mức phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng thành từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng tại khoản 2; tăng mức hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm thành từ 07 năm đến 12 năm, tăng mức phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng thành từ 6.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng tại khoản 3;….
Về tội phạm ma túy, dự thảo Luật đề xuất nâng mức hình phạt tù, tiền đối với một số tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân. Ví dụ, Tội sản xuất trái phép chất ma túy: Tăng mức hình phạt tù thấp nhất từ 02 năm thành 03 năm tại khoản 1; tách khung có hình phạt tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình thành một khoản (khoản 5);
Nhằm tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia - đề xuất tăng hình phạt tù có thời hạn từ 20 năm lên 30 năm với một số tội danh xâm phạm an ninh quốc gia. Theo đó, đề xuất tăng hình phạt tù có thời hạn đối với một số tội danh xâm phạm an ninh quốc gia được nêu tại 6 điều trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ví dụ như Điều 108 - Tội "Phản bội Tổ quốc" qui định: Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 30 năm (quy định hiện hành là 20 năm), tù chung thân, chung thân không xét giảm án hoặc tử hình.
- Đề xuất sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình:Theo đó, dự luật bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 02 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Quy định này vừa đảm bảo tính nhân đạo, vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết một số vướng mắc bất cập về thời hạn nêu trên. Và bổ sung quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự về trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án tử hình. Theo đó, sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án; bổ sung quy định về thủ tục tố tụng khi người bị kết án được chuyển sang hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.

Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị kiểm đếm số lượng ma tuý được thu giữ
- Nâng các mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt để nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây. Đồng thời hạ thấp các mức định lượng trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung hình phạt đối với một số tội, một số hành vi để đảm bảo tính răn đe, không bỏ lọt tội phạm, góp phần xử lý những loại tội gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi này trong thực tiễn.
- Bổ sung thêm một số hình phạt chính và hình phạt bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm: Cụ thể, bổ sung hình phạt chính là tù chung thân không xét giảm án; và bổ sung hai hình phạt bổ sung gồm: cấm nhập cảnh, giám sát điện tử.
Những đề xuất sửa đổi, bổ sung mới liên quan tội danh
- Bổ sung thêm 27 tội danh vào nhóm tội danh được quy định tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều: 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 150, 151, 157, 170, 171, 193, 194, 208, 248, 251, 304, 305, 306, 309, 311, 341, 348, 349, 359 và 361 thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, tại khoản 1, Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 đã quy định lại cụ thể như sau: Người nào biết rõ tội phạm quy định tại khoản 2, Điều 14 của bộ luật này đang được chuẩn bị, tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390, của bộ Luật này.
- Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024. Theo đó luật bổ sung một số điều mới - Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mô hình kinh doanh mới);
Và thay đổi tên gọi một số điều được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như: Điều 45a (Cấm nhập cảnh); Điều 45b (Giám sát điện tử); Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước); Điều 235 (Tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường ); Điều 235a (Tội xả trái phép chất thải thông thường ra môi trường); Điều 256a (Tội sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 356 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ); Điều 357 (Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ)…
- Ngoài ra, dự luật đề xuất sửa đổi quy định về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15-30 năm tù, tù chung thân, chung thân không xét giảm án hoặc tử hình (điểm d khoản 1, Điều 9). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ chịu mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.