Ảnh minh họa
Những năm qua, công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án hình sự đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, tồn đọng ở các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài.
Thực tế này đòi hỏi cần có quy định để xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn, không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của tòa án, nhằm bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Vừa qua, Viện KSND tối cao đã chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.
Tại dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất nhiều chính sách mới về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án. Trong số này, có xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Theo đó, với trường hợp thứ nhất, khi vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản để bồi thường thiệt hại mà đã xác định được chủ sở hữu, bị hại, giá trị phải bồi thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại ngay số tiền đó cho bị hại.
Tính đến tháng 9.2024, Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội đã thực hiện xong thủ tục chi trả cho hơn 5.600 bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh
Trường hợp thứ hai, vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ nhưng không thuộc trường hợp thứ nhất, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định gửi tiền thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để bảo quản chờ xử lý.
Riêng với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài khoản tiết kiệm này để chờ xử lý.
Nếu đề xuất của Viện KSND tối cao được Quốc Hội thông qua, thì tới đây nếu vật chứng hoặc tài sản bị thu giữ là tiền và đã xác định được nguồn gốc, trách nhiệm bồi thường, thì có thể trả lại ngay cho bị hại mà không bắt buộc chờ tòa tuyên án.
Trường hợp thứ ba, tiền đã thu giữ, tạm giữ mà chưa xác định được chủ sở hữu hoặc chưa đủ cơ sở xác định là vật chứng và không nhằm mục đích thuộc 2 trường hợp đã nêu, thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định gửi tiền đã thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo Viện KSND tối cao, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án hình sự thuộc trường hợp cấp bách, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, nghị quyết cần được xây dựng trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp. Nếu được thông qua, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025 và được thực hiện trong 3 năm.
Nghị quyết này sẽ áp dụng trong quá trình giải quyết một số vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc có yếu tố nước ngoài do cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan điều tra của Viện KNSD tối cao thụ lý, giải quyết.