Ngày mai (5.9), phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm bước vào tuần làm việc thứ hai. Ngay trong tuần xét xử đầu tiên từ ngày 28.8 đến ngày 1.9 đã xuất hiện những tình tiết đặc biệt.
1. Nếu như ở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án kinh tế, tham nhũng xảy ra ở Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) lần trước (tháng 2 và 3.2017, sau đó Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung) chỉ có một bị cáo là Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank có đơn xin vắng mặt vì bệnh hiểm nghèo (sau đó Tòa phải tạm đình chỉ vụ án với bị cáo này), thì tại phiên tòa sơ thẩm lần hai có đến 3 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt. 3 bị cáo vắng mặt là Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ; Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám dốc Khối kế toán và giao dịch trong nước của OceanBank và bị cáo Nguyễn Viết Hiền, nguyên Giám đốc OceanBank - Phòng giao dịch Âu Cơ.
Bị cáo Phấn mất đến 93% sức khỏe đang phải điều trị tại bệnh viện, bị cáo Hiền cũng nêu lý do bị bệnh hiểm nghèo đang phải điều trị, còn bị cáo Thùy Dương mới sinh con.
2. Khi Tòa tiến hành xét hỏi bị cáo Hà Văn Thắm về hành vi chỉ đạo để OceanBank cho Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh vay khoản tiền thông qua Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung (do Phạm Công Danh lập ra), nhưng việc cho vay không đảm bảo các quy định dẫn tới việc OceanBank thiệt hại hơn 343 tỷ đồng tiền gốc và hơn 201 tỷ đồng tiền lãi, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã hai lần hỏi Hà Văn Thắm: Theo nhận thức, hành vi trên của bị cáo (cho vay tiền không đảm bảo các quy định) đúng hay sai?
Sau một hồi ấp úng, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm đã nói: Bị cáo không dám đánh giá hành vi của mình đúng hay sai, cái đó tùy Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét. “Sở dĩ bị cáo không dám nói điều này là vì không muốn bị HĐXX nhìn nhận là khai báo quanh co, chối tội. Toàn bộ quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo và điều này cũng được ghi nhận, bị cáo không muốn khi ra Tòa lại bị coi là quanh co, không thành khẩn”, bị cáo Hà Văn Thắm nói.
Thái độ khai báo của Hà Văn Thắm khác hẳn với những với những bị cáo trong các vụ đại án kinh tế, tham nhũng như vụ Vinashin, Vinalines, Giang Kim Đạt… các bị cáo thường tìm cách chối tội hoặc đưa ra lý do bao biện cho hành vi của mình.
3. Nếu như ở phiên tòa sơ thẩm lần trước và quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank luôn đưa ra lý lẽ phủ nhận những hành vi cáo trạng đã truy tố thì tại phiên tòa sơ thẩm lần này bị cáo đã khai nhận hành vi nhận hơn 69 tỷ đồng từ Công ty BSC (công ty do Hà Văn Thắm dựng lên để thu phí ngoài hợp đồng của khách hàng có nhu cầu vay vốn, mua ngoại tệ).
Nguyễn Xuân Sơn khai số tiền trên bị cáo không mang về nhà, dùng để chi ngoài hợp đồng cho các khách hàng lớn đã gửi tiền vào Oceanbank, trong đó có không ít khách hàng ở các tỉnh, thành phố. Bị cáo Sơn khai còn chi cho Tập đoàn Dầu khí (đơn vị góp vốn với Oceanbank) thông qua ông Ninh Văn Quỳnh thời điểm đó là kế toán trưởng của Tập đoàn với khoản tiền khoảng 30 - 40 tỷ đồng.
Mặc dù HĐXX yêu cầu bị cáo Sơn kể tên những đơn vị đã chi tiền nhưng bị cáo này chỉ nói tên được một số đơn vị, rồi nói dịp Tết đi thăm hỏi lãnh đạo chuẩn bị quà khoảng 200 triệu đồng cũng lấy từ khoản tiền hơn 69 tỷ đồng trên. Ngoài khoản tiền hơn 69 tỷ đồng, HĐXX yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn lý giải về khoản tiền hơn 200 tỷ đồng đã nhận từ OceanBank đã sử dụng thế nào.
Bị cáo Sơn chỉ khẳng định một cách chung chung là chi hết cho hoạt động đối ngoại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tháp tùng các đoàn công tác cao cấp, đi đàm phán một số hiệp định dầu khí, đi công tác cùng Bộ Công Thương ở nước ngoài…
4. Có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN phủ nhận việc nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ông này cam đoan cá nhân ông và lãnh đạo PVN không ai nhận tiền “cảm ơn” từ Nguyễn Xuân Sơn hay Hà Văn Thắm, bởi nhận thức việc làm như vậy là sai. Chiều ngày 30.8, ông Ninh Văn Quỳnh vẫn có mặt tại Tòa. Một ngày sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn vào OceanBank.
Theo cáo trạng số 35 ngày 19.7 của Viện KSND Tối cao, trong vụ án này đa số các bị cáo được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Chỉ có các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Hoàng Giang, Nguyễn Xuân Thắng, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình bị bắt tạm giam.
Trong vụ án này, hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây ra thiệt hại hơn 1.329tỷ đồng. Đối với hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 343 tỷ đồng tiền gốc và hơn 201 tỷ đồng tiền lãi của OceanBank.
Với hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 197 tỷ đồng và hành vi tham ô tài sản gây thiệt hại hơn 49 tỷ đồng.
Dự kiến phiên tòa kéo dài 20 ngày.
Theo Danviet