Chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ có thể sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Pháp Lý) - Trong vụ buôn lậu 204 triệu lít xăng, một số đối tượng là cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu ( TCHQ) đã bị TAND tỉnh Đồng Nai xử lý tội nhận hối lộ. Tuy nhiên cơ quan tố tụng đã miễn truy cứu TNHS đối với các đối tượng đưa hối lộ. Vậy pháp luật hình sự qui định trong những trường hợp nào đối tượng đưa hối lộ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự?
blhs-1658134151.jpg

Chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ

Trong vụ buôn lậu 204 triệu lít xăng giả, cáo trạng truy tố Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ và 71 bị can cùng tội “Buôn lậu”. Phan Thanh Hữu cùng các bị can đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng. Bị can Ngô Văn Thụy tội “Nhận hối lộ”. Về hành vi đưa hối lộ cho Thụy không bị xử lý hình sự.

Cáo trạng giải thích việc không xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ: Các bị can Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh đã có hành vi đưa hối lộ cho bị can Ngô Văn Thụy số tiền 10.000 USD và 1 thẻ ATM mang tên Nguyễn Hữu Tứ, trong tài khoản có số dư 101 triệu đồng; Phan Thanh Hữu đưa hối lộ cho Nguyễn Văn Thụy 500 triệu đồng.

Quá trình điều tra đã xác định, trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát giác, các bị can đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ cho Ngô Văn Thụy. Ngày 20/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 29, khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự ra các quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, miễn trách nhiệm hình sự đối với Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh về tội “Đưa hối lộ”; đồng thời trả lại 1 phần tiền đưa hối lộ cho bị can Hữu số tiền 250 triệu đồng, bị can Tứ số tiền 158 triệu đồng là có căn cứ và đúng pháp luật.

anh-2-1658133969.jpg
Các bị can trong vụ buôn lậu 204 triệu lít xăng

Có thể thấy vụ buôn lậu 204 triệu lít xăng là vụ buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay được đưa ra xét xử liên quan đến cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan). Đáng lưu ý, trong vụ buôn lậu này, một số đối tượng bị xử lý tội nhận hối lộ. Tuy nhiên cơ quan tố tụng đã miễn truy cứu TNHS đối với các đối tượng đưa hối lộ. Vậy pháp luật hình sự qui định trong những trường hợp nào đối tượng đưa hối lộ bị truy cứu TNHS, những trường hợp nào được xem xét miễn trách nhiệm hình sự?

Hành vi Đưa hối lộ khi nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Hành vi đưa hối lộ nếu đủ các điều kiện của cấu thành tội phạm tại Điều 364 Tội đưa hối lộ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt khách quan, hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Cụ thể, lợi ích ở đây có thể là Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất.

Về mặt chủ quan, Người phạm tội đưa hối lộ luôn thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Tức người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Về khách thể, Khách thể của tội đưa hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

Và phải đáp ứng cả mặt chủ thể, Người phạm tội đưa hối lộ là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tội đưa hối lộ không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm.

Miễn TNHS để bảo vệ người tố giác tội phạm, khuyến khích việc chủ động tố giác tội phạm nhận hối lộ.

Thực tiễn cho thấy việc giao nhận hối lộ thường chỉ có một số ít người biết, diễn ra ở những nơi kín đáo, nên tội phạm thường rất khó phát giác, xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, để thực hiện việc đấu tranh, phòng chống, xử lý tội phạm tham nhũng, cụ thể là hành vi đưa, nhận hối lộ, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định bảo vệ người tố giác tội phạm, khuyến khích việc chủ động tố giác, phát hiện, đấu tranh tội phạm này.

Khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Với điều luật này, người đưa hối lộ sẽ được chia làm 2 trường hợp:

1. Nếu người đưa hối lộ trong trạng thái bị người nhận hối lộ ép buộc, tức là bị đe dọa về tinh thần, thể chất, khiến cho người đưa hối lộ miễn cưỡng, bắt buộc phải đưa hối lộ. Trường hợp này người đưa hối lộ được xác định là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

2. Nếu người đưa hối lộ chủ động, không bị ép buộc để đưa hối lộ, về ý thức chủ quan đây là hành động có tính toán, chủ động tiếp cận, chủ động thực hiện hành vi tội phạm và mong muốn thực hiện hành vi đưa hối lộ. Nên trường hợp này họ chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dùng đưa hối lộ.

Quy định nêu trên đã bảo vệ triệt để người tố giác tội phạm, khuyến khích mọi người dân tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ, góp phần vào việc đấu tranh, phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, nhận hối lộ.

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Hồng Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin