(Pháp lý) – Đó là nhận định của Luật gia Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) khi phân tích về vụ việc hơn 30 CDC các tỉnh và hai nhà khoa học cùng một số tổ chức liên quan đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội).
Hơn 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học xin giảm nhẹ hình phạt cho nhóm cựu cán bộ CDC Hà Nội
Sáng 24-6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 5 đồng phạm trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội).
Đáng chú ý, trong phần thủ tục, HĐXX cho biết đã nhận được đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội của hơn 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan. HĐXX đã tiếp nhận các đơn này và chuyển cho đại diện VKS để cùng nghiên cứu.
Cùng với đó, Luật sư của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm xin nộp thêm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc CDC của 42 PGS.TS và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc.
Vụ việc đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, có cơ sở pháp lý nào để HĐXX xem xét những lá đơn này hay không? - là câu hỏi đang được rất nhiều người đặt ra.
Trước đó,ngày 12-12-2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh cùng lãnh 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Trần Duy và Nguyễn Thị Kim Dung cùng nhận 6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh lãnh 5 năm tù.
HĐXX nhận định đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có vai trò cao nhất của vụ án, là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện gói thầu số 15 theo thủ tục chỉ định thầu thông thường.
Với động cơ vụ lợi, cựu giám đốc CDC Hà Nội đã bàn bạc với các bị cáo khác ấn định giá hệ thống máy móc xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang vô cùng phức tạp, cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch, do đó HĐXX cho rằng cần xử phạt nghiêm để đảm bảo tính răn đe.
Các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Riêng với ông Nguyễn Nhật Cảm, HĐXX cho biết bị cáo mang học hàm PGS.TS, có nhiều đóng góp cho ngành y tế nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật.
Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội), Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Cơ sở pháp lý nào để HĐXX xem xét đơn CDC các tỉnh, hai nhà khoa học?
Trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM cho rằng, không có căn cứ pháp lý để xem xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của hơn 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học cho nhóm cựu cán bộ CDC Hà Nội. Những lá đơn này chỉ có thể để tham khảo khi HĐXX quyết định hình phạt cho các bị cáo.
Bởi, theo quy định của BLHS 2015, tại khoản 1, Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không có quy định nào quy định về tình tiết có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tại khoản 2 Điều 52, BLHS có quy đinh: khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc “tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Căn cứ theo Điểm 5 Mục I Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP thì các "tình tiết khác" bao gồm: Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;
Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sỹ; Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên; Người bị hại cũng có lỗi; Thiệt hại do lỗi của người thứ ba; Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản…
Theo đó, trường hợp bị cáo gây tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tài sản cho bị hại mà bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo thì bị cáo sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.
Trong trường hợp này chỉ CDC Hà Nội hoặc Bộ Y tế, ở đây là người bị hại hoặc đại diện người bị hại trong vụ án làm đơn xin giảm hình phạt cho các bị cáo thì HĐXX mới có cơ sở pháp lý để xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.
Do đó, trong trường hợp này, không có căn cứ pháp lý để xem xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của hơn 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học cho nhóm cựu cán bộ CDC Hà Nội. Mà, những lá đơn này chỉ có thể để tham khảo khi HĐXX quyết định hình phạt cho các bị cáo. Luật gia Nguyễn Văn Hậu phân tích.
Cũng theo Luật gia Nguyễn Văn Hâu, HĐXX sẽ phải căn cứ vào hồ sơ, sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của các bị cáo… có đủ điều kiện theo quy định tại điều 51, BLHS 2015 hay không để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51, Bộ Luật hình sự 2015 bao gồm: - Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; - Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; - Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; - Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; - Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; - Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; - Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; - Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; - Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; - Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; - Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; - Phạm tội do lạc hậu; - Người phạm tội là phụ nữ có thai; - Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; - Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; - Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; - Người phạm tội tự thú; - Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; - Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; - Người phạm tội đã lập công chuộc tội; - Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; - Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc “tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. |
Đinh Chiến