(Pháp lý) - LTS: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Trên thực tế thì kết luận giám định ở nhiều vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định sự thật khách quan, giúp giải quyết vụ án. Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp vẫn chưa được coi trọng đúng mức, còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Chuyên mục Diễn đàn – Luật gia kỳ này, Pháp lý sẽ đi sâu phản ánh những hệ lụy do bất cập, hạn chế của công tác giám định tư pháp, đồng thời đăng tải những kiến nghị của chuyên gia pháp luật góp ý sửa đổi luật.
Lợi dụng quy định nhân đạo của pháp luật hình sự, nhiều đối tượng chạy các bệnh án tâm thần giả để thoát tội. Hay trong quá trình tố tụng một số vụ án hình sự, bị hại khốn khổ vì một vết thương lại có nhiều kết luận giám định khác nhau. Và hiện nay, bức xúc nhất đó là hạn chế trong giám định tư pháp làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình tố tụng các vụ án kinh tế, tham nhũng…
Chạy “bệnh án giả tâm thần” để thoát tội, không còn hiếm
Gần đây, đường dây làm giả bệnh án tâm thần để thoát trách nhiệm hình sự ở Hà Nội đã gây rúng động ngành y và xã hội. Theo đó, vụ việc được phát giác khi Lê Thanh Tùng (đối tượng cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích), xuất trình bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Qua xác minh, CQĐT làm rõ bệnh án này là giả. Tùng đã bỏ ra 85 triệu đồng để có được hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Qua điều tra, CQĐT phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả (có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ) nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 cán bộ, nhân viên bệnh viện tâm thần để điều tra.
Được biết, quy trình làm hồ sơ, chứng nhận tâm thần phải qua các khâu rất khắt khe, từ cấp phường, xã rồi qua nhiều cấp mới lên tới Bệnh viện Trung ương. Ở bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân qua phòng khám bệnh, chụp ảnh và dán lên giấy tờ liên quan, trước khi đưa vào khoa/phòng điều trị, làm hồ sơ bệnh án. Việc điều trị phải tiến hành trong vòng 30 ngày mới có chẩn đoán. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện đều được chụp ảnh nhận dạng… Thế nhưng vẫn bị lợi dụng để làm giả và giúp không ít kẻ thoát tội.
Trong vụ án “thuê người tiêm máu HIV vào con của tình địch” gây rúng động dư luận tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bị cáo là chủ mưu cũng không phải chịu TNHS nhờ bệnh án tâm thần. Việc đó làm dư luận hết sức băn khoăn. Theo đó, mặc dù TAND Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên án hai đối tượng đồng phạm là Lê Trung Linh (33 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) phải chịu lần lượt là 11 và 13 năm tù nhưng riêng nữ giám đốc chủ mưu thuê người tiêm máu có HIV vào người con của tình địch là bà Đào Thị Thu Thảo thì thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần.
Bà Thảo có giấy chứng nhận đang đi chữa bệnh nên không tham gia phiên tòa. Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ việc Đào Thị Thu Thảo có bị tâm thần như kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hay không. Kết luận từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho biết: "Về y học: trước, trong và sau khi gây án, đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Hiện nay đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án và hiện nay, đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi". Do vậy, bà Thảo phải đi chữa bệnh bắt buộc và thoát án tù. Tuy nhiên trước đó, hai bị cáo được Thảo thuê một mực khẳng định, nữ giám đốc này hoàn toàn bình thường và tỉnh táo lúc giao việc cho hai người. Điều đó làm dư luận nghi ngờ về tính xác thực của kết luận giám định.
Giám định hành nạn nhân …
Dù kết quả giám định không phải là tài liệu duy nhất để tòa đánh giá vụ án nhưng trong án cố ý gây thương tích, việc giám định tỉ lệ thương tật rất quan trọng, thể hiện nghi can có tội hay không, phạm tội ở khoản nào, từ đó dẫn đến hình phạt cụ thể. Còn đối với người bị hại, kết quả giám định thương tật cũng ảnh hưởng tới họ về mức bồi thường thiệt hại. Trong án xâm phạm sức khỏe, kết luận giám định rất quan trọng, là cơ sở cho việc định tội, định khung hình phạt nên yêu cầu phải chính xác.
Ông Hứa Văn Lến (ngụ Sóc Trăng) bị đánh hội đồng gây thương tích nhưng khi đi giám định tỷ lệ thương tật thì lại có nhiều kết quả khác nhau đã gây thiệt thòi cho ông. Nói về vụ việc của mình, ông cho biết: Do mâu thuẫn nhỏ nhặt Lê Công Trung (SN 1981) đã xông vào đánh ông tàn nhẫn. Chỉ khi người dân xung quanh can ngăn thì nhóm người này mới thôi đánh, còn ông Lến được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y Sóc Trăng ngày 3/1/2014 kết luận ông bị tổng tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 11% (mười một phần trăm).
Không đồng ý với kết luận của Trung tâm pháp y Sóc Trăng, ông Lê Công Trung yêu cầu đưa ông Lến đi giám định ở Viện pháp y quốc gia (Phân viện tại TPHCM) ngày 14/3/2014. Kết quả giám định lần này kết luận: Sức khỏe của ông Lến bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là: 0% (không phần trăm).
Trước đó, khi biết ông Trung yêu cầu giám định ở nơi khác, ông Hứa Văn Lến đã làm đơn xin giám định tự nguyện tại Trung tâm pháp y Cần Thơ ngày 3/4/2014. Kết quả giám định cho thấy: Tỷ lệ thương tật tổn hại sức khỏe hiện tại là: 15% (mười lăm phần trăm).
Như vậy, trong vụ việc của ông Lến, chỉ cùng 1 vết thương mà có đến 3 kết quả giám định khác nhau. Sai lầm trong kết luận giám định là ở khâu nào và ai phải chịu trách nhiệm? Đó là thực tế còn bỏ ngỏ.
“Giám định vô cảm” – Trẻ bị xâm hại đơn độc…
Những vụ việc xâm hại trẻ em làm bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ở Cà Mau, một bé gái 13 tuổi đã phải tìm đến cái chết, khi nhìn thấy tờ giấy thông báo mà mẹ em đã cố tình dấu kín trong tủ. Tờ quyết định của cơ quan điều tra không khởi tố kẻ đã xâm hại, dâm ô em suốt một thời gian dài mà gia đình đã làm đơn tố cáo. Lý do là không tìm đủ bằng chứng vật chất để buộc tội kẻ xâm hại.
Một người cha phải tìm đến cái chết như cách cuối cùng đòi công lý cho đứa con gái 6 tuổi của mình, sau khi cơ quan chức năng đề nghị gia đình ký vào giấy bãi nại, vì kết quả giám định cho thấy con gái họ chưa còn nguyên. Có những vụ việc bức xúc như trên là do nhận thức pháp luật về tội phạm xâm hại trẻ em còn hạn chế, mặt khác là do những chậm trễ, hạn chế trong công tác giám định tư pháp khiến không củng cố được chứng cứ để đấu tranh với tội phạm này.
Việc tố cáo của gia đình các trẻ em bị xâm hại tới cơ quan công an là điều kiện đầu tiên để cơ quan chức năng vào cuộc. Và mức độ tổn thương của nạn nhân là căn cứ quyết định có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Thế nhưng, quá trình giám định tổn thương do xâm hại lại đang có quá nhiều bất cập. Phải đợi đến 7 ngày kể từ khi nhận được trình báo của gia đình bị hại, cơ quan công an mới quyết định có trưng cầu giám định hay không. 7 ngày, đó là khoảng thời gian quá dài cho sự chịu đựng các tổn thương về nhiều mặt của trẻ em cũng như gia đình các em. 7 ngày cũng là quá dài, đủ để tình trạng thương tổn đã khác đi rất nhiều kể từ khi hành vi diễn ra cho đến lúc nạn nhân được giám định.
Về mặt xã hội, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan bảo vệ trẻ em từ Trung ương đến địa phương, cả một mạng lưới cán bộ, nhân viên bảo vệ trẻ em rải đến từng thôn xóm. Nhưng khi xảy ra sự cố với trẻ em, khi các em bị xâm hại, tiếc thay, gia đình và người thân của các em vẫn phải loay hoay tự “bơi” với đủ thứ quy định, vẫn khổ sở với hàng dài các thủ tục để được trình báo và giám định. Chỉ riêng những hạn chế về giám định đã làm hỏng những nỗ lực của cả xã hội trong bảo vệ trẻ em.
Bất cập trong giám định tư pháp về kinh tế, tham nhũng
Một chuyên gia pháp luật chia sẻ với Phóng viên Pháp lý: Thực tiễn giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nhiều trường hợp Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do liên quan đến việc giám định và định giá tài sản. Các vụ án quá hạn luật định, trong đó 10 vụ án kéo dài trên 05 năm đến nay chưa giải quyết xong thì có rất nhiều vụ do nguyên nhân từ giám định.
Trong thực tế, việc giám định nhiều vụ án tham nhũng thuộc các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, đất đai… gặp nhiều khó khăn. Để xác định được thiệt hại về tài sản thì bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng công trình, vì kết luận giám định trong các vụ án này là nguồn chứng cứ quan trọng (một số trường hợp là nguồn chứng cứ quyết định) việc chứng minh tội phạm. Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành…) nên cần phải có sự điều phối, hợp tác của nhiều ngành khác nhau nhưng công tác phối hợp lại chưa tốt do chưa có cơ chế phối hợp. Việc giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai… gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp, cách thức tiến hành giám định, áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật của lĩnh vực chuyên môn cho việc thực hiện giám định hoặc nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc của một tổ chức làm giám định.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên dẫn đến chất lượng của kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu đặt ra, mà nêu “chỉ có giá trị tham khảo”, không khẳng định rõ đúng sai khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong việc đánh giá kết luận giám định trong quá trình tranh tụng. Người giám định trong nhiều trường hợp “né tránh” việc tham gia tố tụng để giải thích, trình bày kết quả giám định tại phiên tòa trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, là những khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc xem xét, đánh giá sử dụng kết luận giám định trong vụ án có nhiều bản kết luận giám định khác nhau.
Về định giá tài sản: một số trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn tài sản và không có vật cùng loại, tương tự để so sánh, đối chiếu, nên việc giải quyết vụ án gặp khó khăn hoặc có tình trạng Hội đồng định giá tài sản ở trung ương và địa phương từ chối trực tiếp định giá. Do đó, không kết luận được giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị thiệt hại.
Từ thực tế đó, thiết nghĩ việc sớm hoàn thiện, ban hành quy trình, quy chuẩn giám định trong các lĩnh vực này đồng thời phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế trong công tác giám định.
Phan Phan