Bài 18: Cần tăng hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý tài sản công

(Pháp lý) - Đó là kiến nghị của TS. Nguyễn Minh Phong - hiện đang công tác tại Báo Nhân dân. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, có xử lý nghiêm khắc quan chức vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, công sản thì mới mong ngăn chặn được tham nhũng trong lĩnh vực này.

Vi phạm tương tự như vụ Vũ “nhôm” không hiếm

Phóng viên: Vừa qua, các cơ quan pháp luật trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Vũ “nhôm” đã bắt hàng loạt các đối tượng quan chức ở Đà Nẵng và TP.HCM do vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, công sản. Qua vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, ông có bình luận gì về mánh khóe, thủ đoạn của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản hiện nay?

TS. Nguyễn Minh Phong: Các dự án của Vũ “nhôm” rải rác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nhất là ở các thành phố lớn. Có thể thấy, vụ việc của Vũ “nhôm” là điển hình của việc “liên kết” quan chức với quan chức hoặc là “liên kết” giữa nhà nước và tư nhân. Ở đó, quan chức đã ngấm ngầm tư nhân hóa tài sản công, thông qua quy trình hợp lệ, nhân danh lợi ích công và nhân danh cả “bí mật quốc gia” mà chúng viện dẫn. .

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với PV Pháp lý
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với PV Pháp lý)

Vũ “nhôm” mang danh quan chức nhưng lại hành xử như xã hội đen. Theo tôi, đây là một loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, vừa tinh vi vừa trắng trợn. Một loại tội phạm ẩn dưới quyền lực như vậy đã và đang gây ra những mất mát rất lớn. Việc không đấu giá đất đai mà giao, bán ngấm ngầm gây thiệt hại lớn cho nguồn lực của đất nước. Theo đánh giá của tôi, thì tội phạm như Vũ “nhôm” còn nguy hiểm hơn Năm Cam trước đây. Năm Cam chỉ là một tên tội phạm “đen” móc ngoặc được với một số cán bộ nhà nước, nhưng Vũ “nhôm” lại là tội phạm “cổ cồn trắng” tức y là quan chức, lại có thêm đặc điểm của xã hội đen.

Vụ án của Vũ “nhôm” và nhiều vụ án khác được khởi tố gần đây cho thấy một bức tranh “đen” về thực trạng móc ngoặc giữa công và tư để chiếm đoạt tài sản công xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Đó là biểu hiện rõ ràng của làn sóng tư nhân hóa ngầm các công sở nhà nước dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt là núp bóng dưới việc liên danh, liên kết.

Việc khởi tố, điều tra một số vụ việc gần đây cho thấy quyết tâm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.W và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có sự nhận diện với loại tội phạm kinh tế nguy hiểm này. Từ đó cho thấy được quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đã hiệu quả trong việc xử lý, thu hồi tài sản lại cho nhà nước hay chưa, thì còn phải chờ.

Từ thực tế đấu tranh đưa ra ánh sáng các vụ án trên cho thấy, nếu chỉ trông cậy vào quyền lực nhà nước trong đấu tranh với loại tội phạm này thì chưa đủ. Cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức chính trị xã hội, báo chí, người dân… đặc biệt là sự tố cáo, kể cả tố cáo nặc danh. Cần có cơ chế về tố cáo và bảo vệ người tố cáo, chứ không chỉ đơn giản trông cậy vào các đoàn thanh tra nhà nước. Cần lắng nghe sự tố cáo từ bên ngoài, cần gia tăng sự bảo vệ đối với nhà báo trong đấu tranh với những vi phạm đó.

Theo chủ quan của ông, những vi phạm của các quan chức ở Đà Nẵng và TP.HCM liên quan tới quản lý công sản và đất đai có phải là cá biệt?

Tất cả các tài sản công ở các đô thị lớn là một trong những “điểm ngắm” đầu tiên của loại tội phạm có sự móc nối công – tư này. Theo cá nhân tôi, đây là hiện tượng khá phổ biến ở các đô thị lớn. Tôi tin rằng ở Hà Nội cũng có hiện tượng này. Tiếp đến là đất đai ở các lâm trường (cũng là một dạng đất công). Khi thấy “màu mỡ” thì họ tìm mọi cách để tư nhân hóa, chiếm đoạt và sử dụng.

Nhiều kẽ hở pháp luật khiến mất tài sản công “đúng quy trình”

Theo ông thì những nguyên nhân cốt lõi nào “giúp” các quan chức chính quyền (Đà Nẵng và TP.HCM liên quan đến Vũ “nhôm”) có thể làm trái các qui định quản lý tài sản công trong một thời gian dài, thậm chí ngang nhiên vi phạm mà không bị pháp luật “sờ gáy”, cho đến khi Vũ “nhôm” bị bắt?

Nguyên nhân sâu xa nhất chính là sự suy thoái về mặt tư tưởng đạo đức, luật pháp không nghiêm, đội ngũ cán bộ, công chức, người đứng đầu quản lý yếu kém. Từ đó gây ra tình trạng bảo kê, tình trạng xâu chuỗi nhóm để tham ô, tham nhũng.

Báo động nhất là tình trạng minh bạch hóa, công khai hóa còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra giám sát thì trách nhiệm yếu, năng lực yếu… Trước đó, một thời gian dài, quyết tâm chính trị chưa rõ ràng và người dân cũng bị vô hiệu hóa không được tham gia, không được lên tiếng.

Về pháp luật thì sao, thưa ông?

Những kẽ hở pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm tham nhũng hoành hành. Việc đấu giá, đấu thầu gây thất thoát nhưng đều đúng quy trình, đúng luật. Pháp luật chỉ quy định về quy trình mà không quy định rõ những tiêu chí cụ thể, bởi vậy có tình trạng hợp lý hóa về quy trình là chiếm đoạt được tài sản nhà nước mà không bị truy trách nhiệm pháp lý.

Nhìn vào các quy định của Luật Đấu thầu, quy định về điều kiện chỉ định thầu đã rất rõ ràng, tại sao tình trạng quan chức chính quyền lợi dụng quy định này lại phổ biến. Dự án phải đấu thầu họ lại có thể “ hô biến” thành chỉ định thầu?

Trong Luật Đấu thầu có quy định, cụ thể về các dự án công trình phải đấu thầu. Nhưng trong luật lại có quy định “Nếu dự án đó là cần thiết, khẩn cấp thì lại không cần đấu thầu” tức là được chỉ định thầu. Tôi cho rằng đó là kẽ hở dễ bị lợi dụng nhất, làm cho tất cả các dự án BOT, BT… là chỉ định thầu với lý do đây là dự án cực kỳ quan trọng, cấp thiết, phải làm nhanh, làm sớm.

Rõ ràng đây là kẽ hở, luật chỉ chặt về quy định này nhưng lại lỏng về quy định khác. Những quan chức đã có dã tâm lại là người biết “lách luật” họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình.

Theo tôi, Luật Đấu thầu phải tiêu chí hóa hết tất cả các chuẩn mực. Ví dụ tiêu chuẩn, các tiêu chí của chỉ định thầu, trách nhiệm của người không làm đúng các tiêu chí này. Đồng thời quy định rõ về quyền tham gia của các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… giám sát của người dân của công luận ngay từ đầu. Nếu làm không đúng, phải xử lý trách nhiệm ngay, không nên để tình trạng xong rồi mới công khai, mới đi “hợp lý hóa” các con số mà nhà thầu họ đã đưa ra, họ đã chuẩn bị sẵn.

Trong đấu thầu có hai vấn đề rất quan trọng đó là siết lại các quy định về chỉ định thầu; quy định công khai phải được thực hiện ở mức độ cao nhất. Quy định về công khai trong đấu thầu rất quan trọng bởi tự nó sẽ phát huy hiệu quả để chủ thể tham gia giám sát lẫn nhau.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mới được sửa đổi năm 2017, theo ông, Luật đã bịt được những kẽ hở, đã ngăn chặn được các quan tham “ đục khoét” tài sản công?

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được thông qua đến nay đã có hiệu lực với những quy định rất tiến bộ. Theo đó, cơ quan tư vấn, cơ quan lập dự án, cơ quan thẩm định … tất cả đều phải chịu trách nhiệm đối với tài sản công. Trong đó, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm cao nhất. Việc quy rõ trách nhiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc yêu cầu bồi hoàn. Nếu làm thiệt hại, lãng phí bao nhiêu thì phải bồi hoàn lại bấy nhiêu và chịu trách nhiệm pháp lý khác. Tuy nhiên để hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn ngừa quan tham “đục khoét” tài sản công có lẽ cần phải hoàn thiện đồng bộ nhiều chính sách pháp luật khác.

Liên quan đến Vũ “nhôm”, hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng đã bị khởi tố do vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, công sản ở Đà Nẵng. Ngoài ra mới đây, cơ quan CSĐT còn khởi tố  thêm loạt quan chức ở Đà Nẵng, TP.HCM, trong đó có Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín
Liên quan đến Vũ “nhôm”, hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng đã bị khởi tố do vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, công sản ở Đà Nẵng. Ngoài ra mới đây, cơ quan CSĐT còn khởi tố thêm loạt quan chức ở Đà Nẵng, TP.HCM, trong đó có Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín)

Chế tài xử lý vi phạm tài sản công cần nghiêm khắc hơn

Ở một số vụ án, quan chức vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, công sản đa phần bị xử lý ở các tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi này. Hành vi phạm tội không vì vụ lợi, không có động cơ chiếm đoạt tài sản, vật chất, cũng như không có hành vi nhận hối lộ. Cá nhân ông có thấy thỏa đáng và có đúng thực tế khách quan?

Một đặc điểm của loại tội phạm tham nhũng là tinh vi và trắng trợn. Tinh vi và trắng trợn ở việc giao nhận tiền rất kín, khó có được bằng chứng. Việc điều tra loại tội phạm này không dễ dàng. Với những quy định mới về điều tra tội phạm tham nhũng trong BLTTHS 2015, hi vọng sẽ có những đổi mới, sắc bén khi điều tra tội phạm tham nhũng. Ở nhiều vụ án, tôi nhận thấy việc điều tra còn chưa triệt để, chưa chứng minh được tội phạm với đúng hành vi khách quan. Theo tôi, cần tăng mức hình phạt đối với các tội danh về vi phạm quản lý, sử dụng tài sản công. Mức hình phạt cần tăng tương đương với hình phạt đối với hành vi nhận hối lộ, tham ô tài sản thì mới có đủ sức răn đe với loại tội phạm này.

Từ công tác phá các đại án kinh tế vừa qua, theo ông, công cụ pháp luật hình sự cần sửa đổi bổ sung vấn đề gì để công tác PCTN hiệu quả, sắc bén hơn?

Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội sửa đổi. Hiện nay, các hành vi tham nhũng được xếp vào 12 nhóm tội danh nhưng 2 tội quan trọng nhất tôi nhận thấy vẫn chưa đưa vào. Đó là tội quy định về hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ và hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để người nhà lập nên các công ty sân sau, nhóm lợi ích... Hai hành vi này cần đưa vào luật, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, sắc bén hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với Phóng viên!

Phan Tĩnh -Thu Nga (thực hiện)

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin