Nhiều vụ án rửa tiền có nguồn gốc từ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được đưa ra xét xử. Ảnh: TQ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bản tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022, trong đó bao gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi Bộ Tài chính quản lý gồm: Thuế, hải quan, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, dịch vụ kế toán, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino.
Báo cáo được thể hiện các nguy cơ ở 5 mức độ: Cao; trung bình cao; trung bình; trung bình thấp và thấp.
Các lĩnh vực được báo cáo xếp hạng ở mức độ cao gồm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội mua bán trái phép chất ma túy; rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản; rửa tiền có nguồn gốc từ tội nhận hối lộ; rửa tiền có nguồn gốc từ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng; kênh chuyển tiền phi chính thức và lĩnh vực bất động sản.
Đối với tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, báo cáo cho thấy, điển hình của loại tội phạm này là vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việt Nam có các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các quy định kê khai tài sản và các quy định trong công tác cán bộ để đảm bảo liêm khiết, liêm chính, Ban Nội chính Trung ương hoạt động hiệu quả, có bộ máy tư pháp, hành pháp tương đối toàn diện. Có thể thấy đối với nhóm tội phạm về tham nhũng vẫn hoành hành trong thời gian qua cũng là bởi còn có những lỗ hổng trong quản lý cán bộ, quản lý tài sản liên quan trong thực hiện các dự án đầu tư. Tội phạm sử dụng các thủ đoạn để moi tiền từ ngân sách Nhà nước và tham nhũng tài sản từ doanh nghiệp đầu tư, nhận hối lộ từ doanh nghiệp.
Bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao. Ảnh: TQ
Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng ngày càng lớn. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án nói chung, vụ án tham nhũng nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm, thể hiện qua chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm thu hồi trên 60% tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Chủ thể của tội phạm tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ nên tài sản chiếm đoạt được thường bị tẩu tán với nhiều cách thức khác nhau, để tránh sự kiểm soát của Nhà nước, do đó, tiềm ẩn nguy cơ về rửa tiền.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển các cơ quan chức năng 2 vụ việc nghi ngờ có liên quan đến tội phạm tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam; nguy cơ rửa tiền đối với tội mua bán người; nguy cơ rửa tiền có nguồn gốc tội phạm buôn lậu; nguy cơ rửa tiền đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; nguy cơ rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; nguy cơ rửa tiền đối với tội trốn thuế; nguy cơ rửa tiền đối với tội đánh bạc; nguy cơ rửa tiền đối với tội tổ chức đánh bạc; nguy cơ rửa tiền đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia thuộc lĩnh vực được đánh giá ở mức độ trung bình cao.
Các lĩnh vực được xếp ở mức độ trung bình gồm: Nguy cơ rửa tiền đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; nguy cơ rửa tiền đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; nguy cơ rửa tiền đối với nhóm tội phạm về chứng khoán; nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý.
Nguy cơ rửa tiền đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả; nguy cơ rửa tiền đối với tội khủng bố bao gồm tài trợ khủng bố; nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino; nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán và nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực luật sư, công chứng được xếp ở mức độ trung bình thấp.
Những lĩnh vực rửa tiền đối với nhóm tội cướp và trộm cắp tài sản; rửa tiền của nhóm tội cướp hoặc trộm cắp tài sản; rửa tiền đối với lĩnh vực dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; rửa tiền đối với nhóm tội sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm; rửa tiền đối với nhóm tội làm tiền giả và công cụ chuyển nhượng giả; rửa tiền đối với tội cướp biển; rửa tiền đối với các tổ chức tài chính khác; rửa tiền từ bên ngoài vào Việt Nam; rửa tiền ra bên ngoài được xếp ở mức độ thấp.