Vụ kiện giữa Ủy ban châu Âu (EC) và AstraZeneca AB: Chiến lược soạn thảo hợp đồng trước nguy cơ bị độc chiếm nguồn vaccine

Vụ kiện giữa Ủy ban châu Âu (EC) và AstraZeneca AB là một bài học rất đáng chú ý cho các quốc gia đang phát triển - vốn đang đối mặt với rủi ro bị bỏ rơi trong các thỏa thuận với nhà cung cấp vaccin.

Vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccin ngừa Covid-19 ngày càng căng thẳng. Một số quốc gia cố gắng dùng “lợi thế sân nhà” để yêu cầu được ưu tiên tiếp cận nguồn hàng trước. Các công ty dược phẩm cũng loay hoay giữa các đơn đặt hàng khủng chưa từng có và thực hiện nghĩa vụ cho khách hàng ký hợp đồng trước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên mua sau.

2-1625917792.jpeg
 

AstraZeneca viện dẫn nguyên nhân sự gián đoạn sản xuất tại một nhà máy ở Bỉ, trong khi không thể lấy số lượng vaccin sản xuất ở nhà máy tại Anh để bù qua do phải thực hiện hợp đồng với Anh, để từ chối thực hiện giao 300 triệu liều vaccin theo thỏa thuận mua trước (APA) đã ký với EC nhưng vẫn sau thỏa thuận với Anh.

AstraZeneca có nghĩa vụ giao hàng theo đúng thỏa thuận hợp đồng với EC và phải tìm mọi nguồn để đáp ứng đủ số lượng vaccin hay không? Trong trường hợp nào AstraZeneca được miễn trách nhiệm nếu vi phạm nghĩa vụ giao hàng?

AstraZeneca có thật sự mắc kẹt trong cuộc chiến vaccin giữa EU và Anh

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng “Công ty đã không đưa ra một chiến lược đáng tin cậy để đảm bảo cung cấp kịp thời các liều vaccin”, trong khi đại diện AstraZeneca thì tuyên bố họ đã tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận và việc buộc phải bù đắp số liều còn thiếu từ nhà máy ở Anh là “bất hợp lý”.

Lý giải cho nguyên nhân thiếu hụt một số lượng hàng lớn so với cam kết ban đầu với EC, đại diện AstraZeneca thẳng thắn tuyên bố: “Chúng tôi không có cam kết với châu Âu mà chỉ có nghĩa vụ nỗ lực hết sức”, trong khi tiết lộ rằng “Chính phủ Anh yêu cầu nguồn cung nào đến từ chuỗi cung ứng tại Anh phải ưu tiên cho Anh trước”. Do đó, công ty này phủ nhận nghĩa vụ phải tuân thủ chính xác số lượng vaccin dự kiến phải giao, trong khi ngầm khẳng định Anh là khách hàng ưu tiên của họ trước EC.

Phát  ngôn của AstraZeneca là có căn cứ khi xem xét điều 5.1 của APA với EC, theo đó công ty phải “dùng mọi nỗ lực tối đa hợp lý (best reasonable effort) để sản xuất đủ liều lượng đầu tiên cung cấp cho châu Âu”. Điều khoản này nhấn mạnh nỗ lực về mặt triển khai nhằm thực hiện nghĩa vụ, chứ không phải yêu cầu sự tuân thủ chặt chẽ về mặt kết quả. Cách thiết kế điều khoản này có lợi cho bên giao hàng khi muốn tránh khỏi các nghĩa vụ mang tính chất tuyệt đối về mặt chất lượng, số lượng hay thời gian.

APA này được giao kết trong lúc AstraZeneca vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển vaccin. Hơn nữa, AstraZeneca cũng ngầm e ngại các biến động trong điều kiện giao hàng vì ảnh hưởng của đại dịch, cũng như đã ký APA cung cấp vaccin với Mỹ và Anh trước cả EC. Công ty này hoàn toàn nhìn thấy trước khả năng phải chịu sức ép lớn từ phía khách hàng trong khi phải giám sát chuỗi cung ứng, dẫn đến khả năng quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng gặp khó khăn hơn so với dự định. Do đó, cách tiếp cận linh hoạt này là có lợi nhất cho phía bên bán.

Tuy nhiên, điều khoản này sẽ là một con dao hai lưỡi nếu EC chứng minh được rằng AstraZeneca chưa nỗ lực hết sức - tức là vận dụng mọi biện pháp có thể để thực hiện bằng được nghĩa vụ, và một cách hợp lý - trong khả năng và điều kiện có thể, để thực hiện nghĩa vụ giao hàng.

Trên thực tế, công ty dược phẩm này không sản xuất đủ số lượng vaccin cho đơn hàng đến hạn vào tháng 1-2021 là do nhà máy tại Bỉ bị “tắc nghẽn”. Tuy nhiên, công ty này còn có một cơ sở sản xuất đặt tại Vương quốc Anh với công suất lớn gấp đôi các nhà máy còn lại, hoàn toàn có khả năng được sử dụng để sản xuất và chuyển giao liều vaccin của AstraZeneca cho EU theo thỏa thuận tại điều 5.4.

Tòa án Bỉ đã nhận định rằng: “việc chọn độc quyền cung ứng sản phẩm từ nhà máy Oxford Biomedica cho Anh đổi lại việc tước đi của EU một nhà máy sản xuất được đề cập trong thỏa thuận, trong khi năng suất của nó cao gấp đôi năng suất của các nhà máy còn lại là Novsaep, Catalent và Halix còn gây thiệt hại đáng kể hơn”.

Thêm vào đó, AstraZeneca đã tuyên bố trong phần mở đầu của APA là sẽ “tăng tốc quy mô sản xuất đồng thời với việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu để đảm bảo vaccin sẵn có rộng khắp nhất có thể và càng nhanh càng tốt”, cũng như “cam kết dùng mọi nỗ lực tối đa hợp lý... xây dựng năng lực sản xuất 300 triệu liều vaccin... để phân phối trong EU...”, không loại trừ đến việc sử dụng nguồn hàng tại nhà máy ở Anh.

Điều 13.1 khoản e của APA cũng đã nêu rõ AstraZeneca phải bảo đảm không có bất kỳ nghĩa vụ hay hợp đồng với bất kỳ bên thứ ba nào “xung đột” hay gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp vaccin cho EC.

Do đó, tòa án kết luận AstraZeneca đã không “nỗ lực tối đa hợp lý” để giao đủ liều vaccin cho EC khi vẫn còn nhiều phương án lựa chọn để thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, cũng như không đảm bảo không có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các khách hàng của mình như đã cam kết.

Có thể nhận thấy rằng AstraZeneca đã khéo léo cài cắm vào APA những điều khoản giảm nhẹ nghĩa vụ giao hàng hóa của họ trong bối cảnh nguồn cung vaccin khó đáp ứng tuyệt đối, nhưng EC lại mở rộng nghĩa vụ này bằng điều khoản cấm xung đột lợi ích và bắt buộc công ty tận dụng tất cả các nhà máy trong mạng lưới để sản xuất hàng hóa theo cam kết đã ký.

Điều này hình thành nên một thế cân bằng, đối trọng hoàn hảo giữa bên bán và bên mua, rất đáng để học hỏi trong các giao dịch mua vaccin sau này khi cần ngăn ngừa rủi ro bị nhà sản xuất xếp sau các đối tác khác. Bên cạnh đó, một điều khoản khác ngoài kỳ vọng của bên bán trong lúc soạn thảo hợp đồng đã giúp bên mua lật ngược thế cờ - đó chính là miễn trừ trách nhiệm.

Bất cân xứng giữa cung và cầu đối với vaccin có phải là điều kiện để miễn trừ trách nhiệm?

Miễn trừ trách nhiệm được coi là “điều khoản giải thoát” để bên có nghĩa vụ có thể tránh những hậu quả pháp lý bất lợi do không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ.

Khi tranh chấp hợp đồng APA xảy ra, AstraZeneca có hai lực chọn về cơ sở miễn giảm trách nhiệm do giao hàng trễ. Lựa chọn đầu tiên là điều 15.1 điểm (e) (đã bị che đi trong bản hợp đồng được công khai), theo đó EC và các thành viên của liên minh sẽ từ bỏ và giải thoát cho AstraZeneca khỏi mọi khiếu kiện liên quan đến việc chậm trễ giao vaccin theo cam kết trong APA. Thực tế, AstraZeneca đã viện dẫn điều khoản này trước Tòa Bruxelles để được miễn trừ khỏi vi phạm theo điều 5.1 và điều 5.4 APA.

Nhằm xác định điều khoản này có “giải thoát” cho AstraZeneca hay không, Tòa Bruxelles áp dụng hai nguyên tắc trong pháp luật Bỉ: thứ nhất là nghĩa vụ bắt buộc trong hợp đồng (force obligatoire) và thứ hai là yếu tố “lỗi nặng” (faute lourde).

Dẫn lời Patrick Wéry, Tòa Bruxelles quyết định rằng các bên không thể thỏa thuận điều khoản miễn giảm hoàn toàn với nghĩa vụ bắt buộc trong quan hệ hợp đồng, ở đây là nghĩa vụ giao hàng đối với AstraZeneca. Dù các bên được thỏa thuận miễn trừ cho lỗi này, điều khoản các bên phải rất chi tiết, nêu ra điều kiện và hoàn cảnh áp dụng chứ không thể viện dẫn đến trong mọi trường hợp.

Hơn nữa, cho dù một điều khoản như vậy tồn tại, thẩm phán cũng phải giải thích nó theo nghĩa rất hẹp và rất hạn chế. Quyết định của tòa án Bỉ chắc chắn đã làm AstraZeneca rất bất ngờ vì sử dụng yếu tố “lỗi” mà nội dung APA không đề cập tới, nhưng lại phù hợp với pháp luật áp dụng là Bỉ - vốn theo hệ thống dân luật.

Lựa chọn thứ hai của AstraZeneca là điều khoản miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng tại điều 18.7 trong APA. Điều khoản miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng tại điều 18.7 trong APA của EC và AstraZeneca được thiết kế khá chi tiết nhằm giải phóng một bên khỏi “bất kỳ trách nhiệm và nghĩa vụ” nào cũng như “không bị xem là vi phạm hợp đồng” trong các trường hợp được liệt kê chi tiết, gồm có thiên tai, các sự kiện do con người gây ra, sự cố gián đoạn trong lao động, cũng như sự thiếu hụt (“shortage”). Mặc dù không được AstraZeneca viện dẫn, nội dung điều khoản này có thể mang lại những kinh nghiệm quan trọng cho việc ký kết APA.

Trong tranh chấp này, việc thiếu hụt hàng hóa là hậu quả của việc gián đoạn trong nhà máy sản xuất tại Bỉ. Câu hỏi đặt ra là sự cố trong chuỗi các nhà máy của bên bán có phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hay không? Thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp thường được xem là có khả năng kiểm soát tình hình tài chính và kinh doanh của mình, vì thế các vấn đề nội bộ liên quan đến hoạt động kinh doanh (như kiểm soát chất lượng, quản trị nhân sự, chuỗi cung ứng…) hoặc quản lý tài chính gần như không bao giờ được xem là khách quan và vượt quá phạm vi kiểm soát của một bên.

Trong trường hợp ký hợp đồng phụ để thực hiện nghĩa vụ như phương án của AstraZeneca hiện tại, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho bên bán thường không được xem là bên thứ ba riêng biệt mà là một mắt xích trong chuỗi cung ứng của bên bán, vì người này chỉ đơn thuần tạo điều kiện hoặc hỗ trợ bên bán trong giai đoạn chuẩn bị để thực hiện nghĩa vụ mà không thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ giao hàng của hợp đồng (như sản xuất một phần hay toàn bộ lô hàng cho bên bán, vận chuyển,…).

Ngoài ra, việc đình trệ sản xuất so với tiến độ được thỏa thuận trong hợp đồng cũng không phải do sự kiện bất khả kháng gây ra, mà là do áp lực của việc thực hiện hợp đồng với nhiều khách hàng trong khi năng lực sản xuất có hạn. Đây là vấn đề thuộc tầm kiểm soát của AstraZeneca và vì vậy không thuộc trường hợp được miễn trừ trách nhiệm.

Trong trường hợp AstraZeneca viện dẫn tới sự “thiếu hụt” vì phải đáp ứng nghĩa vụ giao hàng cho Anh trước để được xét miễn trách nhiệm, nguyên nhân này phải được xét ở mức độ “nỗ lực tối đa” và “hợp lý” theo dòng cuối của điều 18.7. Nói cách khác, chỉ những trở ngại nào thực sự đến mức khiến cho việc thực hiện các nghĩa vụ là không thể (impossibile) mới được xem xét, còn những trường hợp tuy có gây hoặc đe dọa gây khó khăn trở ngại đến việc thực hiện nghĩa vụ, hoặc chỉ dừng ở mức khó thực hiện (impracticable) thường có thể sẽ không được chấp nhận(1). 

Quy định này cũng tương đồng với tinh thần của điều 79 Công ước Vienna 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Tham khảo từ tranh chấp Iron molybdenum sử dụng công ước này để giải quyết, Tòa phúc thẩm Đức đã kết luận rằng “chỉ khi hàng hóa hoặc nguyên vật liệu có chất lượng tương đương hoặc tương tự không còn ở trên thị trường nữa, bên bán mới được miễn trừ trách nhiệm”(2).

Nhìn chung, thỏa thuận miễn trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng của các bên có nhiều điểm giống với điều 79 của CISG về mặt nguyên tắc, trong khi khác với điều 1147 và 1148 Bộ luật Dân sự Bỉ vốn yêu cầu đánh giá thêm yếu tố “lỗi” của bên vi phạm hợp đồng. Hơn nữa, trong khi các điều khoản về nghĩa vụ nỗ lực và miễn trách trong APA thể hiện rõ nét tinh thần của thông luật, pháp luật áp dụng cho hợp đồng này lại là của quốc gia theo truyền thống dân luật. Tòa án nhiều lần phải chứng minh thêm yếu tố “lỗi” và tính “cố ý”, “lỗi nặng” của vi phạm nghĩa vụ giao hàng của AstraZeneca, đều là những vấn đề không được quy định trong APA.

Do đó, việc các bên tự “đo ni đóng giày” các điều khoản riêng giúp cân bằng hiệu quả quyền và nghĩa vụ với các bên giao kết, “sát sao” với tính chất và bối cảnh của thỏa thuận nhất, nhưng lại vấp phải rủi ro xung đột về tư duy giải thích và áp dụng pháp luật điều chỉnh hợp đồng, khiến cục diện tranh chấp thay đổi bất ngờ. Lần này, thế cờ nghiêng về phía EC, nhưng trong một hoàn cảnh khác, liệu AstraZeneca có tận dụng được vấn đề này để giành thắng lợi pháp lý cho mình? Vì vậy, điều ước quốc tế như CISG sẽ là giải pháp an toàn hơn cho cả đôi bên.

Sử dụng điều khoản hợp đồng để đối phó với cuộc chiến vaccin - bài học cho Việt Nam

Vụ tranh chấp giữa EC và AstraZeneca là bài học nhãn tiền, trong đó dù giao dịch được nhìn nhận như một hợp đồng dân sự thuần túy, việc sử dụng các điều khoản ràng buộc và cân bằng giúp bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của EC trước áp lực thực hiện chiến dịch tiêm vaccin cho công dân và đe dọa độc quyền nhà máy của Anh.

Vì vậy, chiến lược soạn thảo hợp đồng của Việt Nam là đối trọng được quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán trong các điều khoản, đặc biệt nhấn mạnh nghĩa vụ giao hàng, xét vi phạm hợp đồng và miễn trừ trách nhiệm. Việc lựa chọn pháp luật phù hợp với tính chất của giao dịch và tinh thần của điều khoản cần được lưu tâm.

Nếu luật áp dụng được thỏa thuận là của một quốc gia dân luật như Việt Nam, phần định nghĩa thuật ngữ và xây dựng những yếu tố cần chứng minh dựa trên nền tảng dân luật là điều quan trọng để tránh “đá phản lưới nhà”. Trong trường hợp đối tác không muốn đàm phán về những điều khoản trọng yếu nhưng lại không được giải thích hiệu quả bởi pháp luật quốc gia, cần sử dụng điều ước quốc tế mang tính hài hòa cao như CISG cho loại hợp đồng này.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/vu-kien-giua-uy-ban-chau-au-ec-va-astrazeneca-ab-chien-luoc-soan-thao-hop-dong-truoc-nguy-co-bi-doc-chiem-nguon-vaccine.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin