Vụ Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu bị WB cấm vận: “Không chỉ là bài học cho các doanh nghiệp mà cho cả cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý đấu thầu”

(Pháp lý) – Đó là khuyến cáo của các chuyên gia khi bình luận về việc Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định cấm vận 7 năm đối với Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) vì có hành vi liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận tại dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (2015) và dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng (2018) mà công ty này tham gia dự thầu.

Cấm vận 7 năm do gian lận đấu thầu

Ngày 24 tháng 6/2020, WB phát đi thông báo về việc cấm vận 7 năm đối với Công ty SBD, trụ sở tại Việt Nam, vì có hành vi liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng.

Trong đó, dự án phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường huyết mạch và giao thông công cộng tại các khu vực được lựa chọn của thành phố Đà Nẵng; Còn dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được thiết kế để tăng tính lưu động đô thị tại các khu vực mục tiêu ở Hà Nội giúp giảm thời gian đi lại giữa trung tâm thành phố và phía Tây và Tây Bắc của thành phố.

Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ cấm vận 7 năm đối với Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu

Thông báo của WB nêu rõ, Nhân viên của Công ty SBĐ làm ảnh hưởng đến các quy trình đấu thầu của 2 dự án, trong đó có việc làm giả hồ sơ dự thầu. Đây là hành vi lừa đảo và gian lận.

Việc cấm vận sẽ khiến Công ty SBĐ không đủ điều kiện tham gia vào các dự án và hoạt động được tài trợ bởi các tổ chức thuộc nhóm WB.

Đáp lại thông tin này, CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu thừa nhận việc trong quá trình dự 2 gói thầu BRT Hà Nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2017), nhân viên của Công ty SBĐ có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Theo Công ty SBĐ, việc nhân viên của Công ty SBĐ tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của WB và cũng là lỗi của Công ty SBĐ trong việc quản lý nhân viên của mình. Về thư hỗ trợ dự án, Công ty SBĐ nhận từ một công ty là nhà phân phối ủy quyền chính thức (Authorized Distributor) của hãng ở Việt Nam cho các thiết bị lưu điện với giá trị chiếm khoảng 0,11% tổng giá trị dự thầu. Đối với thư này, Công ty SBĐ đã sơ sót khi không kiểm tra tính xác thực lại với hãng sản xuất. Cả hai gói thầu nói trên Công ty SBĐ đều không là đơn vị trúng thầu.

WB đã làm việc chi tiết với Công ty SBĐ trong năm 2019-2020 để làm rõ những vấn đề trên, trong quá trình làm việc WB ghi nhận sự phối hợp của Công ty SBĐ và cũng đồng ý đây không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Vì vậy WB đã giảm thời hạn cấm tham dự các dự án do WB tài trợ vốn từ 9 năm xuống còn 7 năm và sẽ tiếp tục giảm thêm nếu Công ty SBĐ thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên và theo hướng dẫn tuân thủ liêm chính của WB (World Bank Integrity Compliance Guidelines).

Bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, chuyên gia tài chính quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đối với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… họ thường có các yêu cầu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp là khi mà tham gia vào các hoạt động của họ như các dự án, sử dụng vốn, tài trợ… yêu cầu đầu tiên được đặt ra là vấn đề tính trung thực, minh bạch và công khai (thông tin tài chính, hoạt động…)

Nếu như họ phát hiện ra không trung thực, kể cả việc không trung thực đó không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp… họ sẽ có những động thái rất quyết liệt. Trước hết, họ sẽ không cho tham gia vào các hoạt động đó thậm chí là loại tên doanh nghiệp khỏi tất các các hoạt động khác trong thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn tùy vào mức độ.

Chuyên gia tài chính quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Việc WB đã xử lý một cách nghiêm khắc đối với Công ty SBĐ là một điều cảnh báo đối với các doanh nghiệp khác. Nhìn vào vụ việc của Công ty SBĐ , cần coi đó như một bài học đắt giá đối với các DN Việt nếu muốn làm ăn lâu dài, đàng hoàng với các đối tác quốc tế thì phải chấn chỉnh lại và tuân thủ các quy định công khai minh bạch,. PGS Thịnh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, Luật Gia Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP. HCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia VN) cho rằng đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với Công ty SBĐ mà còn là bài học cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào những dự án có tính quốc tế hay hợp tác làm ăn với các đối tác nhất là những đối tác nước ngoài thì luôn phải tuân thủ nguyên tắc về liêm chính, công khai minh bạch.

Tuy nhiên, cũng không phải là bài học đầu tiên, nhắc lại vụ bê bối tham nhũng hồi đầu năm 2014, Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 80 triệu Yen (782.640 USD) cho các cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.

Bài học cho công tác quản lý hoạt động đấu thầu

Qua vụ việc này chúng ta cũng cần phải nhìn lại việc quản lý các hoạt động đấu thầu ở trong nước từ trước đến nay thực sự đang tồn tại rất nhiều vấn đề tiêu cực mà thời gian qua đã được phanh phui điển hình như vụ CDC Hà Nội… Luật gia Nguyễn Văn Hậu khuyến cáo.

Theo Luật gia Hậu, hiện nay những quy định pháp luật về hoạt động đấu thầu cũng đã tương đối đầy đủ và dần được hoàn thiện hơn với hàng loạt văn bản pháp luật như: Luật Đấu Thầu năm 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn; Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng …

Như vậy, có thể thấy là có riêng một Nghị định quy định về vấn đề xử phạt trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong Luật Đấu thầu 2013 cũng đã được sửa đổi theo hướng siết chặt hơn hoạt động đấu thầu…

Lấy dẫn chứng, Luật gia Nguyễn Văn Hậu cho biết hoạt động đấu thầu các dự án có vốn nhà nước đã có một quy trình hết sức chặt chẽ, việc lựa chọn nhà thầu đối với những dự án của doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Về các hình thức xử phạt cũng rất nghiêm khắc, nếu như doanh nghiệp đó có gian lận sẽ bị cấm từ cấm tham gia đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm tùy mức độ vi phạm hoặc không công nhận đấu thầu của doanh nghiệp thậm chí có thể bị xử lý hình sự lên đến 20 năm tù điều 222 BLHS 2015 sử đổi 2017 nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Pháp luật thì đã quy định, nhưng tại sao sao tiêu cực vẫn xảy ra? tôi cho rằng điều này xuất phát từ lỗ hổng trong thực thi và giám sát, nó cũng thể hiện tình trạng thiếu chế tài mạnh để xử lý .

Qua vụ việc Sao Bắc Đẩu, một bài học không chỉ cho các doanh nghiệp mà cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, trong xây dựng phát luật cho phù hợp với thực tiễn, với thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đã tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại với những yêu cầu rất khắt khe về công khai minh bạch, đặc biệt trong các hoạt động đấu thầu.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin