Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030?

Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới năm 2023, vượt qua cả Đức và Anh... Vậy Việt Nam cần có những giải pháp gì, trong khi độ mở lên tới 200% GDP?
dsc-0792-dsas-1674498060-1674605786.jpg

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc ngày 20/10/2022 Kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch COVID-19 qua, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8% và thu NSNN vượt mạnh… Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo mới nhất đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7% lên 7,5% GDP, cao hơn 1 điểm % so với dự báo của 3 tháng trước đó. Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023. Lạm phát sẽ tăng dần và đạt 5,5% trong năm 2023. Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore) thậm chí còn nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2% từ mức công bố 7% trước đó. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…

Các tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam hiện nay 

Thách thức về giữ cân bằng tỷ giá. Việc FED đã tăng lãi suất lên 4% hiện nay và tương lai còn có thể tăng tiếp đã khiến sức mạnh của đồng USD tăng mạnh. Đặc biệt, việc NHTW Nhật Bản duy trì lãi suất âm đã khiến đồng JPY không còn là đồng tiền ngoại hối có chức năng lưu trữ giá trị nữa, khiến nhu cầu mua đồng USD để lưu trữ giá trị lại càng mạnh, góp phần đẩy giá trị đồng USD.

Thách thức về suy thoái kinh tế thế giới. Việc các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, EU, Anh và Trung Quốc đang hụt hơi và có dấu hiệu suy thoái là một tín hiệu không tốt cho kinh tế toàn cầu. Sức mua của các nền kinh tế phát triển luôn là động lực hàng đầu cho tăng trưởng và thương mại toàn cầu. Việc sức mua của người dân các nước có thu nhập cao yếu đi sẽ khiến các nước có thu nhập thấp và trung bình mất nhiều đơn hàng quốc tế, phải co cụm về thị trường trong nước. Hiện nay mặc dù đang vào dịp mua sắm cuối năm nhưng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã gặp khó khăn do mất các đơn hàng, buộc phải tính đến các bước cắt giảm chi phí, sa thải lao động, thậm chí có thể phải bán bớt tài sản hay doanh nghiệp. Điều này cũng gây rủi ro lớn khi các doanh nghiệp trong nước bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hoặc mất thị phần vào tay các doanh nghiệp FDI.

Thách thức về các bất ổn địa chính trị thế giới sẽ còn kéo dài, kéo theo giá cả năng lượng và các nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, gây áp lực lạm phát trong trung và dài hạn. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam mặc dù là nước xuất khẩu lương thực nhưng hiện vẫn đang phải nhập khẩu xăng dầu rất nhiều. Lạm phát kéo dài sẽ tạo áp lực lên ngân sách trong việc bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, trong khi nguồn thu giảm, thuế giảm, chi phí đi vay cao do kinh tế toàn cầu suy thoái.

62fb0c27607fe-1674498904-1674605837.jpg

Hiện nay mặc dù cuối năm là thời điểm mua sắm trở nên tấp nập nhưng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã gặp khó khăn do mất các đơn hàng.

Chủ động một số giải pháp

Với độ mở lên tới 200% GDP, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực nặng nề từ những yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu, xu hướng lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam), khủng hoảng năng lượng, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng như những hệ lụy này sinh từ các điểm nóng bất ổn địa chính trị trên thế giới. Do đó, Việt Nam cần chủ động thực thi một số chính sách sau:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Trước cơn bão trượt giá đồng nội tệ trên toàn cầu, đồng VND cũng đã mất giá khoảng 4-5% so với đồng USD. Tuy nhiên, đồng VND vẫn được đánh giá là tương đối ổn định và tỷ lệ mất giá thấp so với các đồng nội tệ khác. Để tiếp tục duy trì sự ổn định về tỷ giá đồng VND so với đồng USD, Việt Nam có 3 phương án: Bán ngoại tệ dự trữ để điều tiết lượng VND và USD trên thị trường; Tăng lãi suất theo FED để rút VND về; Siết chặt tín dụng để giảm bơm VND ra thị trường, đồng thời kiềm chế lạm phát. Cả ba cách này đều có tác dụng phụ: Ngoại tệ có giới hạn, nguồn thu ngoại tệ từ thuế kinh doanh và kiều hối có thể giảm trong khi nhu cầu để trả nợ và thương mại quốc tế vẫn liên tục cần ngoại tệ; tăng lãi suất cũng sẽ làm tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn khó khăn; và siết chặt tín dụng đang khiến doanh nghiệp đến hạn trả nợ khó cơ cấu lại nợ và có nguồn vốn để phát triển kinh doanh cũng như giải quyết khó khăn trước mắt.

Trên thực tế, trong năm 2022, Việt Nam đã tiến hành: Bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Trong vòng 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 21 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống mức 89 - 90 tỷ USD, chạm mốc an toàn khi vẫn đảm bảo dự trữ ngoại hối đủ khả năng thanh toán cho 12 tuần nhập khẩu ; Tăng lãi suất. Cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1% nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, tăng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất của FED vẫn có thể được điều chỉnh tăng trong năm 2022, do đó tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục biến động trong năm tới. Điều này đòi hỏi NHNN và các Bộ ngành có giải pháp điều tiết dòng tiền hợp lý, phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, cân bằng giữa mục tiêu ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát song vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Thứ hai, kiềm chế lạm phát. Lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng lên 3,37 - 3,87% (năm 2022) nhưng vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là giá cả năng lượng và các đầu vào chủ chốt không ngừng leo thang, nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài là khá lớn, do đó, Việt Nam cần tập trung: Đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, không phụ thuộc duy nhất vào một thị trường cung ứng để tránh phải nhập khẩu đầu vào với giá cao; Kiểm soát nguồn cung năng lượng, đặc biệt là xăng dầu; Nới lỏng chính sách tài khóa thông qua công cụ thuế (giảm thuế nhập khẩu xăng dầu), ổn định chi phí dịch vụ giáo dục, y tế, miễn giảm một số loại thuế, phí ưu tiên mục tiêu bình ổn giá; Thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với tình hình quốc tế và Việt Nam để kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng. Việt Nam là một quốc gia nhập khẩu năng lượng (nhập khẩu khoảng 30% xăng dầu thành phẩm, nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu, nhập khẩu than…). Vì vậy, giá than và giá dầu trên thế giới tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới giá và nguồn cung năng lượng của Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, Việt Nam cần giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là những loại năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều… Bên cạnh đó, ngoài những nỗ lực tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ, hình thành các chu trình sản xuất giảm lượng tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường chứng khoán. TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 sau giai đoạn tăng nóng trước đó là sự cảnh báo nóng gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế trong nước, về những rủi ro và bất cập trong quản lý thị trường, vì sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của thị trường… Bởi vậy, cần rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK coi trọng và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho TTCK; tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên TTCK về thao túng cổ và xử lý các tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển TTCK minh bạch, an toàn, hiệu quả. trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả...

0x1a7992jpg1576487672-16725524-3784-3181-1672552545-1674499070-1674605877.jpg

Việt Nam cần tăng cường quản lý thị trường chứng khoán.

Liên quan đến giải pháp phục hồi, phát triển lành mạnh TTCK Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm như: Tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong Chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công; Đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường; Tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư..

Thứ năm, chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới, từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ - ASEAN mới được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Campuchia…

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin