Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nền kinh tế của Mỹ dù mạnh nhưng vẫn phải phụ thuộc vào dòng chảy thương mại toàn cầu

Vị đại sứ cho rằng việc đưa sản xuất trở lại nước Mỹ rất khó, bởi cấu trúc nền kinh tế của Mỹ bây giờ đã khác, lực lượng lao động và giá thành lao động phải thay đổi tương ứng. Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay chỉ có thể dịch chuyển với một số lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng hay đồ chơi.

 

a11-1744175404.png

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ

Tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ" hôm 8/4, phân tích về vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng loạt các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ phân tích từ khi cầm quyền, khi tái tranh cử, ông Trump đã cam kết đưa nền kinh tế Mỹ lên hàng đầu, không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khác. Hiện nay, trong cách nhìn của ông Trump, nước Mỹ đang chịu thua thiệt so với các nền kinh tế khác khi phải chịu mức thuế khá cao từ các thị trường.

Bên cạnh đó, ông Trump muốn nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bằng cách đưa sản xuất, đưa công nghệ cao trở lại. Hiện công nghệ cao và sản xuất được coi là nền tảng của nền kinh tế. Cuối cùng thuế quan được Mỹ sử dụng để tách các nước ra khỏi thương mại với Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia, ông Trump đang đánh giá cuộc chơi bao lâu nay không còn phù hợp với lợi ích của Mỹ, vì thế Mỹ muốn tạo sân chơi mới. Đây vừa là công cụ kinh tế vừa có yếu tố đối nội và là phương tiện tranh cử. Ông Trump cũng để ngỏ một cánh cửa cho các nước, dù áp thuế cao nhưng nước Mỹ sẵn sàng thương lượng. Nhìn chung cách tiếp cận này nếu kéo dài sẽ khiến yếu tố bảo hộ tăng lên, thương mại tự do giảm đi.

"Các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn của Mỹ trước đây tràn ra thị trường để tự lựa chọn những chuỗi cung ứng lớn, nhưng không mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Với chính sách này, hiện nay các doanh nghiệp này phải nhìn nhận lại", ông Vinh cho biết.

Như vậy, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, chính sách mới của Mỹ có nhiều tác động. Thứ nhất, nâng mặt bằng thuế quan, không có hàng giá rẻ khiến cho nước Mỹ bị thua thiệt. Thứ hai, nước Mỹ lấy lại sức mạnh về kinh tế và công nghệ. Thứ ba, nếu sức mạnh của Trung Quốc là sản xuất thì nước Mỹ là thị trường tiêu thụ rất lớn, vì thế các nước đều cần phải xuất khẩu đến nước Mỹ. Do đó Mỹ muốn thiết lập lại quan hệ thương mại với nhiều nước.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng nền kinh tế của Mỹ dù mạnh nhưng vẫn phải phụ thuộc vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Ngoài ra việc đưa sản xuất trở lại nước Mỹ cũng rất khó, bởi cấu trúc nền kinh tế của Mỹ bây giờ đã khác, lực lượng lao động và giá thành lao động phải thay đổi tương ứng. Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay chỉ có thể dịch chuyển với một số lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng hay đồ chơi.

a2-1744175410.jpg

Theo ông Vinh, báo cáo đặc biệt mới đây của Mỹ nhấn mạnh rất nhiều tới các rào cản thuế quan, phi thuế quan và hàng hóa xuất xứ Trung Quốc từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nhìn về tổng thể, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa của Mỹ, vậy nên việc hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ.

"Ngay lúc này, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang ở Mỹ để đàm phán về thuế đối ứng, nếu việc này đạt được kết quả tốt thì có thể Mỹ sẽ lùi ngày áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng từ Việt Nam để hai nước thỏa thuận thêm. Mục đích của đoàn đặc phái viên không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng", ông Vinh nhấn mạnh.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin