Trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi do các lệnh đơn phương áp đặt thuế quan?

06/01/2020 06:53

(Pháp lý) - Không phải các nỗ lực chống độc quyền, chống bán phá giá hay chống lại các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới mà việc tăng thuế, điều chỉnh thuế, đặc biệt là áp đặt thuế quan của Chính phủ hàng loạt các nước lớn được các chuyên gia kinh tế nhận định là vấn đề nổi bật trong chủ đề an ninh kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Điều này đang khiến các thỏa thuận có sẵn, duy trì tính ổn định của một trật tự kinh tế toàn cầu từ những năm trước bị xóa bỏ. Thay vào đó, đang hình thành một trật tự kinh tế mới.

[caption id="attachment_215866" align="aligncenter" width="410"]Một trật tự thế giới mới xoay quanh ba trục: Mỹ, Nga và Trung Quốc Một trật tự thế giới mới xoay quanh ba trục: Mỹ, Nga và Trung Quốc[/caption]

Áp đặt thuế: Mỹ là quốc gia “hung hăng” nhất

Ông Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế nổi tiếng đến từ tổ chức Capital Economics cho rằng năm 2019, bất chấp các công việc khác của một Chính phủ đang bắt buộc diễn ra, chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đem “cây gậy” tăng thuế, áp đặt thuế quan lên nhiều nước trên thế giới. Việc tăng thuế, áp đặt thuế quan của Mỹ không loại trừ ai, bất kể đó là đối thủ hay đồng minh thân cận.

Mũi nhọn đầu tiên về tăng thuế, áp đặt thuế của Mỹ là Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 8/2019, khi các đàm phán thương mại Mỹ - Trung không có dấu hiệu “đi đâu, về đâu”, ông Trump đã đưa ra đòn đánh kinh tế nặng nề lên Trung Quốc. Theo đó, sau khi Trung Quốc công bố đánh thuế trả đũa 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, ngay lập tức ông Trump đáp trả: Từ ngày 1/10/2019, 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30%.

Bên cạnh đó, 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%. Như vậy 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bị ông Trump tăng thuế vì ông cho rằng đó là biện pháp công bằng cho nước Mỹ.

“Chỉ cần một tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ đưa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, dẫn đến đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến thị trường hàng hóa thế giới biến động khủng khiếp. Mối quan hệ Mỹ - Trung thay đổi cũng đang tạo ra một sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới mới với các đồng minh của hai bên. Một bên là trục Mỹ, bên còn lại là những nước có mối quan hệ thương mại thân cận, có cùng lợi ích với Bắc Kinh. Điều này khiến các nước phụ thuộc sẽ phải lựa chọn: Trong tăng trưởng kinh tế và xuất nhập, khẩu hàng hóa và nhất là đối tác chiến lược lâu dài, họ lựa chọn Mỹ hay Trung?”, ông Evans-Pritchard đặt ra nhận định.

[caption id="attachment_215867" align="aligncenter" width="410"]Chính quyền Mỹ áp thuế 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc Chính quyền Mỹ áp thuế 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc[/caption]

Vẫn theo ông Evans - Pritchard, xu hướng phân cực trật tự kinh tế thế giới giữa các nước lựa chọn Mỹ hay Trung chưa ổn định và phải mất thêm một thời gian để thích nghi và lựa chọn. Nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa, chính trị và ngay chính “sức khỏe” của nền kinh tế các nước đó.

Việc tăng thuế lên Trung Quốc vốn là đối thủ của Mỹ trong các chính sách chiến lược mới của nước này vốn không bất ngờ. Điều bất ngờ là ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng e ngại sự “hung hăng” trong chiến lược trừng phạt và tăng thuế của ông Trump.

Kể từ 0 giờ ngày 18/10/2019, lệnh áp thuế quan trên 7,5 tỉ đô la hàng hóa nhập từ châu Âu mà ông Trump ký bắt đầu có hiệu lực. Trong số các mặt hàng bị đánh thuế, ngoài máy bay, còn có rất nhiều sản phẩm tiêu thụ, từ rượu vang Pháp, phô mai Ý, cho đến rượu whisky Scotland.

Quyết định trừng phạt kể trên đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “bật đèn xanh”, sau khi xét rằng EU đã trợ cấp “trái phép” cho tập đoàn máy bay Airbus, gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Theo đó, tỉ lệ thuế quan mà Washington áp dụng có hai mức: 10% đối với máy bay và 25% đối với thực phẩm hay hàng dệt may đến từ các nước trong EU, cũng như hàng công nghiệp của Đức.

Theo nhiều chuyên gia, điều này đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và EU nói chung và giữa các nước đồng minh có truyền thống khác với Mỹ dần xa cách không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà chính trị, ngoại giao và cả quân sự.

Trước cả EU, Tổng thống Trump đã bộc lộ ý định để ngỏ với một cuộc chiến tăng thuế với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có nhiều lợi ích gắn bó với Mỹ ở khu vực Trung Đông. Ngày 15/10/2019, trên Twitter, ông Trump thông báo đã “hoàn toàn sẵn sàng phá hủy nền kinh tế Ankara, với việc nâng thuế thép và dừng đàm phán thỏa thuận thương mại tới 100 tỉ USD”.

Với tích cách của ông Trump và chính sách “nước Mỹ là trên hết” điều này đang đe dọa trực tiếp nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong trung và dài hạn, dù nhiệm kỳ của ông Trump không còn nhiều và khả năng tái cử chưa rõ ràng.

Gần đây nhất, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 12/2019, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) 2 tuyên bố, Mỹ sẽ có hành động "chống lại thuế kỹ thuật số" của Pháp. USTR cho rằng, sau cuộc điều tra Đạo luật Thương mại năm 1974, cơ quan này xác định rõ Thuế kỹ thuật số của Pháp là phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, "không phù hợp" với chính sách thuế quốc tế.

“Động thái trừng phạt đồng minh Pháp của Mỹ diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO, đã làm rạn nứt khối liên minh quân sự hàng đầu thế giới này vì một lý do: Thuế! Thuế! Và dọa tăng thuế!”.

Sau áp đặt thuế, trật tự kinh tế thế giới mới ra sao?

Không chỉ các chuyên gia mà bản thân các tổ chức như WTO, IMF cũng đang dần nhận định: Trật tự thương mại và kinh tế thế giới đang thay đổi bởi sự thay đổi chính sách của các nước lớn. Với mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, một loạt chính sách thuế mới ra đời cùng với các ưu tiên thương mại và chiến dịch cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đã dẫn đến rủi ro về chiến tranh thương mại.

[caption id="attachment_215868" align="aligncenter" width="410"]Mỹ cho rằng quyết định thuế kỹ thuật số mới của Pháp là vô lý, bất công và chủ yếu nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ Mỹ cho rằng quyết định thuế kỹ thuật số mới của Pháp là vô lý, bất công và chủ yếu nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ[/caption]

Trong khi đó, việc Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vị trí số một cũng làm gia tăng áp lực đối với các hoạt động thương mại. Vấn đề Brexit vẫn chưa đạt được kết quả. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã dẫn đến những thay đổi lớn trong hoạt động thương mại thế giới.

Trong năm 2019, xung đột thương mại tăng lên mức cao nhất trong 35 năm trở lại đây, sau khi Tổng thống Trump quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt thuế lên nhiều quốc gia và sự đáp trả ngược lại của các quốc gia này. Nó dẫn đến một nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu theo định luật “phá vỡ cân bằng” của các định chế kinh tế quốc tế.

Điều này đang tạo ra một xu hướng mới trong nội tại các quốc gia là việc bảo hộ thương mại sẽ gia tăng cùng với đó là đơn phương áp đặt thuế của quốc gia này dành cho các quốc gia khác bất chấp các thỏa thuận trước đó.

Tự do hóa thương mại yêu cầu các nước cam kết dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và thuế quan hóa các biện pháp phi thuế quan nhằm đảm bảo tự do, minh bạch và cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế theo nguyên tắc của WTO sẽ bị hạn chế tối đa.

Trong khi đó, nhận định về trật tự kinh tế thế giới mới sau năm 2019 thông qua các lệnh áp đặt thuế quan đáp trả, kênh CNBC của Mỹ có đăng một bài bình luận của Tiến sĩ Michael Ivanovitch về một trật tự thế giới mới xoay quanh ba trục Mỹ, Nga và Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump kiến tạo sau những động thái gần đây nhất của chủ nhân Nhà Trắng.

“Đây cũng là điểm mấu chốt của vấn đề. Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra lâu dài sẽ gần như thay đổi toàn diện hệ thống kinh tế trên thế giới. Các chuỗi cung ứng đi qua Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và các nhà sản xuất thế giới sẽ phải quyết định liệu sẽ theo phía Mỹ hay về phe Trung Quốc”.

“Tuy nhiên, vẫn còn một lựa chọn khác khi “gấu Nga” đang tỉnh giấc sau một thời kỳ “ngủ đông”. Đồng thời các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang lấy lại sức mạnh tăng trưởng và tìm cách “ve vãn các đồng minh” dù những quốc gia này vốn có phần thân Mỹ nhưng cũng đang muốn “tự lập” và thoát bóng khỏi Mỹ. Vấn đề này sẽ diễn vào ngay năm tới”, Tiến sĩ Michael Ivanovitch bình luận.

Chống lẩn tránh thuế, Việt Nam đang chịu nhiều áp lực

Tháng 8/ 2019, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với thép chống ăn mòn (corrosion-resistant steel products – CORE) của Costa Rica, Guatemala, Malaysia, Nam Phi và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) với cáo buộc lẩn tránh thuế đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc và Đài Loan-Trung Quốc.

Theo đó, DOC sẽ điều tra xem xét liệu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Costa Rica, Guatemala, Malaysia, Nam Phi và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc hay không và xem xét thép CORE của Malaysia có sử dụng nguyên liệu từ Đài Loan-Trung Quốc hay không.

Đây cũng là sản phẩm Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế AD, CVD với sản phẩm CORE của Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong đó, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng xác định thép CORE của Việt Nam đang lẩn tránh thuế với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, điều này đang tạo áp lực lên chính ngành thép của Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung trong vấn đề kiểm soát và chống lẩn tránh thuế.

Hải Dương

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi do các lệnh đơn phương áp đặt thuế quan?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin