Tòa án của cộng đồng quốc tế và những phiên xử các vụ kiện “đình đám”

(Pháp lý) - Không phải phiên xét xử mới đây của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan (xử vụ tranh cãi pháp lý gay gắt giữa Iran và Mỹ về việc nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran) người ta mới biết đến Tòa án đặc biệt này. Mà đã từ lâu, Tòa án Công lý Quốc tế được biết đến với vai trò là Tòa án của cộng đồng quốc tế với những phiên xử các vụ kiện “đình đám”.

Những phiên xử kiện “đình đám” thời gian gần đây

Mới đây nhất, (ngày 27/8/2018) Tòa án công lý quốc tế ( TACLQT) đã mở phiên xét xử tranh cãi pháp lý gay gắt giữa Iran và Mỹ về việc nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran. Phiên xét xử với nội dung tập trung lắng nghe những lập luận và bằng chứng mà luật sư của Iran đưa ra để chứng minh các biện pháp của Mỹ đã gây thiệt hại cho kinh tế của Iran như thế nào.
Tại phiên tòa, chính quyền Tehran đã yêu cầu các vị Thẩm phán thuộc Tòa án Thế giới nhanh chóng chấm dứt các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran. Mỹ sẽ phải đưa ra lập luận của mình trước tòa án trong hôm 28/8.

Trước đó, Iran đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế vào hồi cuối tháng 7 khi cho rằng, các đòn trừng phạt kinh tế mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt vào ngày 8/5 đã vi phạm một thỏa thuận song phương ký kết năm 1955, còn được biết đến như Hiệp ước Hữu nghị, giúp quản lý các quan hệ kinh tế và lãnh sự giữa hai nước.

Iran và Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý
Iran và Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý)

Luật sư đại diện của Iran, ông Mohsen Mohebi nói trước tòa án rằng, quyết định trên của Mỹ rõ ràng là vi phạm hiệp ước năm 1955 bởi nó gây tổn hại có chủ ý, nghiêm trọng nhất có thể, nhằm vào nền kinh tế của Iran.

Tehran cũng kêu gọi các thẩm phán ra lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay lập tức. Iran cho rằng các biện pháp của Mỹ gây ra những tổn hại không thể khắc phục. Tehran cho biết thêm, Mỹ không có quyền tái áp dụng các biện pháp như vậy và đòi Mỹ bồi thường thiệt hại.

Bước tiếp theo trong vụ kiện mới của Iran sẽ là một phiên nghe chứng cứ mà trong đó Mỹ có phần chắc sẽ tranh luận liệu có căn cứ để đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Tòa án vẫn chưa định bất kì ngày nào, nhưng các phiên nghe chứng cứ về các yêu cầu phán quyết tạm thời thường được nghe trong vòng vài tuần, với phán quyết được đưa ra trong vòng vài tháng.

Một phiên xử khác, hồi tháng 4 năm 2017, Tòa án Công lý Quốc tế cũng đã ra phán quyết tạm thời buộc Nga bảo vệ quyền lợi của các nhóm sắc tộc người Ukraine và Tatar tại bán đảo Crimea.

Theo đó, với bồi thẩm đoàn gồm 16 thẩm phán, đã công bố các phán quyết tạm thời mà LB Nga buộc phải tuân thủ, đó là phải bảo vệ những quyền lợi của các nhóm sắc tộc người Ukraine và Tatar tại bán đảo Crimea - nơi Nga đã sáp nhập hồi tháng 3/2014.

Cụ thể Nga buộc phải duy trì các tổ chức đại diện của cộng đồng này, bao gồm cơ quan lập pháp địa phương (Mejlis), cũng như phải đảm bảo hệ thống giáo dục bằng tiếng Ukraina tại bán đảo này. Tuy nhiên, ICJ nêu rõ đây chỉ là các biện pháp tạm thời, cả Nga và Ukraine đều phải tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tình hình phức tạp thêm.

 Quang cảnh phiên xử vụ Ukraine kiện Nga: Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết tạm thời hồi tháng 4/2017.
Quang cảnh phiên xử vụ Ukraine kiện Nga: Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết tạm thời hồi tháng 4/2017.)

Trước đó, ngày 16/1, Ukraine đã nộp đơn kiện Nga lên ICJ, với cáo buộc nước này đã vi phạm Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố (ICSFT) và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).

Phía Ukraine cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm đóng vùng Donbass , hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở đây, “thôn tính” Crimea và tiến hành chính sách phân biệt chủng tộc trên bán đảo này. Còn Nga hoàn toàn phủ nhận cáo buộc của Ukraine, khẳng định Nga không phải là một bên xung đột ở Ukraine, không liên quan đến các sự kiện ở miền Đông nước này (tức vùng Donbass) đồng thời bày tỏ mong muốn Ukraine vượt qua được khủng hoảng kinh tế và chính trị.

Như vậy, phán quyết tạm thời ngày 19/4 của ICJ đã không đề cập việc Nga vi phạm ICSFT, hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Theo ICJ, cho đến nay Kiev vẫn không thể đưa ra trước tòa bất cứ bằng chứng nào chứng minh Moskva cung cấp tài chính, hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở Donbass.

Một vụ kiện khác mà ICJ cũng đã ra phán quyết thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đó là phán quyết vụ tranh chấp về phân định biển giữa Peru và Chile (phán quyết hồi tháng 1/2014).

Theo đó, ngày 27/1/2014, ICJ đã ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Peru và Chile, theo đó Peru được quyền sở hữu một vùng biển tranh chấp giàu tài nguyên do phía Chile đang kiểm soát. Tuy nhiên, Chile vẫn giữ được một khu vực gần bờ, nơi có nguồn hải sản phong phú hơn. Theo một số nhà phân tích, phán quyết của ICJ phần nào mang tính thỏa hiệp. Đây là phán quyết cuối cùng nên các bên không có quyền kháng cáo.

Trước vụ Iran kiện Mỹ, hồi tháng 6/2018 , Chính phủ Qatar thông báo nước này đã kiện Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lên Tòa án công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) vì những hành động mà Qatar cáo buộc đã ảnh hưởng đến quyền con người của công dân Qatar.

Tuyên bố của Chính phủ Qatar chỉ trích việc UAE đã ban hành một loạt biện pháp phân biệt đối xử với người Qatar, bao gồm trục xuất họ khỏi UAE, cấm họ nhập cảnh hoặc đi qua UAE, yêu cầu các công dân UAE rời khỏi Qatar và đóng cửa không phận cũng như các cảng biển của UAE đối với Qatar.

Doha lên án các hành động này đã vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (CERD) - bao gồm sự phân biệt đối xử trên cơ sở quốc tịch. CERD là văn kiện mà cả UAE và Qatar đều tham gia ký kết.

Theo đó, Qatar yêu cầu tòa án ra lệnh cho UAE tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo CERD, ngừng và rút lại các biện pháp nói trên cũng như khôi phục quyền của người dân Qatar. Bên cạnh đó, Doha cũng yêu cầu Abu Dhabi bồi thường cho các hành động trên.

Căng thẳng giữa Qatar và UAE nổ ra vào ngày 5/6/2017, khi UAE cùng 3 quốc gia vùng Vịnh khác là Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.

Động thái này đã dẫn tới một cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực. Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này.

Doha luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả.

Các nước Đông Nam Á đã từng ba lần đưa nhau ra kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Vụ kiện đầu tiên giữa Campuchia và Thái Lan diễn ra năm 1959 liên quan tới Ngôi đền Preah Vihear. Năm 1998, Indonesia và Malaysia cũng đã đệ đơn kiện ra ICJ nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với hai hòn đảo trên biển Celebes là Pulau Sipadan và Pulau Ligitan.

Tiếp sau đó, năm 2003, Malaysia và Singapore cùng yêu cầu Tòa án này giúp xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Pedra Brance (thường được biết đến với tên gọi là Pulau Batu Puteh ở Malaysia), Middle Rocks và South Ledge.

Tòa án của cộng đồng quốc tế

ICJ được thành lập năm 1945 và bắt đầu hoạt động năm 1946. Khác với Tòa án Thường trực, ICJ là một cơ quan của Liên hợp quốc và được Hiến chương LHQ coi là “cơ quan tư pháp cơ bản của LHQ”.

 Trụ sở của ICJ ở La Haye, Hà Lan.
Trụ sở của ICJ ở La Haye, Hà Lan.)

Khi mới thành lập, ICJ là tòa án quốc tế duy nhất của cộng đồng toàn cầu. ICJ có quyền hạn xét xử trong hai loại vụ án: Một là các nước kiện lẫn nhau, hai là các cá nhân, tập đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế kiện lẫn nhau.

Ngày nay, dù có rất nhiều tòa án quốc tế cùng hoạt động nhưng có những đặc điểm chỉ ICJ mới có. Một trong những đặc điểm đó là tính phổ quát. Bất kỳ nước nào trong 192 thành viên LHQ đều có thể là bên bị và bên nguyên trong các vụ kiện trước ICJ và thành viên nào cũng có thể tham gia bỏ phiếu bầu quan tòa ICJ tại Đại hội đồng. Năm 2008, trong lần bỏ phiếu bầu quan tòa gần đây nhất, toàn bộ 192 nước đã tham gia chọn ra 5 quan tòa cho ICJ.

Hiện nay, tính phổ quát của ICJ được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Theo số liệu năm 2011, có 88 quốc gia đã là các bên có liên quan trong các vụ kiện trước ICJ, trong đó hàng chục quốc gia đang tham gia các vụ kiện đang diễn ra.

ICJ còn “phổ biến” ở chỗ: Không giống các tòa án chuyên trách và các tòa trọng tài vốn chỉ có quyền phán quyết về một số lĩnh vực cụ thể trong luật pháp quốc tế, như Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển chỉ phán quyết các vụ liên quan đến biển, ICJ có thể xử bất kỳ một vụ việc nào trong mọi lĩnh vực. Các vụ việc mà ICJ đang nhận liên quan đến nhiều lĩnh vực như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải; vấn đề môi trường; săn bắt cá voi; truy tố, dẫn độ các cựu nguyên thủ quốc gia... Nhiều vụ có tầm quan trọng lớn với các bên có liên quan cũng như với cả cộng đồng quốc tế.

Mặc dù cả 192 nước thành viên LHQ đều có thể là các bên trong các vụ kiện trước ICJ, nhưng điều này không có nghĩa là ICJ sẽ phán quyết bất kỳ vụ nào do một trong các nước này đưa ra. ICJ chỉ phán quyết trong trường hợp cả hai bên nhất trí tham gia vụ kiện và nhất trí với quyền phán quyết của tòa.

Sự nhất trí giữa hai nước có thể thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong nhiều vụ mà ICJ đã xử xong, các bên đều thống nhất đưa tranh chấp ra ICJ ngay từ đầu. Hình thức nhất trí này đặc biệt phổ biến trong tranh chấp lãnh thổ. Các vụ mà ICJ từng xử như tranh chấp giữa Malaysia và Singapore, Malaysia và Indonesia hay Benin và Niger... đều thuộc trường hợp trên.

Ngoài hiệp ước song phương, hiệp ước đa phương cũng có thể có điều khoản về giải quyết tranh cãi, trong đó nêu rõ sẽ đưa vấn đề ra tòa nếu không thể đàm phán.

Trong trường hợp đã thống nhất trước trong hiệp ước song phương hoặc đa phương mà một nước nào đó vẫn phản đối ra ICJ thì ICJ vẫn có quyền phán quyết vụ việc.
Quy trình xét xử tại ICJ có thể rất mất thời gian, vì các bên có liên quan đề nghị hai vòng bào chữa kéo dài trong 1 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, các vụ gây tranh cãi thường được xét xử khẩn cấp hơn.

Trái với tòa án quốc gia, ICJ không có cảnh sát hay chấp hành viên để triển khai trong trường hợp một bên không tuân theo phán quyết của tòa. Điều 94 (2) của Hiến chương LHQ nói rõ: “Nếu một bên trong vụ kiện không thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết của ICJ, bên kia có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an. Nếu Hội đồng Bảo an thấy cần thiết thì đề xuất hoặc quyết định biện pháp để thực hiện phán quyết của ICJ”.

Với điều này, Hội đồng Bảo an có thể áp đặt lệnh trừng phạt hoặc thậm chí cho phép thực hiện hành động quân sự để thực thi phán quyết của ICJ. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào cần Hội đồng Bảo an phải “ra tay” theo kiểu này. Trong thực tế, việc thực thi các quyết định của ICJ phụ thuộc vào ý chí của các nước có liên quan và áp lực mà cộng đồng quốc tế có thể gây ra với các nước “ngoan cố”.

Về cách thức ra phán quyết, ICJ có khác biệt so với các tòa án khác. Các luật sư thường quen với hệ thống tòa án mà mỗi quan tòa sẽ tự viết phán quyết của chính mình, mặc dù đôi khi một quan tòa có thể viết phán quyết cho số đông (như ở Tòa án Tối cao Mỹ hay Anh). Ngược lại, với một số tòa án như Tòa án Công lý châu Âu lại theo mô hình một phán quyết duy nhất, nhưng trong đó không nói rõ phán quyết này có được toàn bộ các quan tòa đồng ý hay chỉ đa số.

ICJ theo mô hình kết hợp các mô hình trên. Tòa ra một phán quyết nhưng trong mỗi phần của phán quyết sẽ thể hiện rõ bao nhiêu quan tòa đồng ý hoặc phản đối điểm này. Ngoài ra, trái với cách thức của Tòa án Công lý châu Âu, mỗi quan tòa ICJ đều có quyền bổ sung quan điểm riêng hoặc ý kiến phản đối vào phán quyết chung của tòa.

ICJ được thành lập năm 1945 để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế. ICJ thường mất vài năm để phân xử các vụ kiện và mặc dù phán quyết của ICJ là cuối cùng, mang tính ràng buộc, nhưng tòa lại không có cơ chế thi hành án./.

Hướng tới hội nhập khu vực

ICJ có tiềm năng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ khi các cơ chế hòa giải khác bị thất bại. Đàm phán song phương cũng là biện pháp thích hợp trong giải quyết xung đột nhưng không phải lúc nào cũng mang lại thành công.

Hòa giải khu vực cũng sẽ thích hợp hơn là phải nhờ đến sự can thiệp của quốc tế nhưng không phải lúc nào cũng khả thi, vì người ta lo sợ một số quốc gia trong khu vực có thể sẽ được lợi hơn trong một số trường hợp nhất định. Hơn thế nữa, lập trường hiện nay của ASEAN về vấn đề can thiệp trong các tranh chấp khu vực tạo lên một vai trò khu vực lớn hơn trong các vụ tranh chấp lãnh thổ tại Đông Nam Á trong thời gian tới.

ICJ cần phải giành được sự tín nhiệm nhiều hơn trong con mắt của các quốc gia Đông Nam Á nếu muốn đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nổi bật còn tồn tại ở khu vực này. Niềm tin vào năng lực của ICJ trong giải quyết tranh chấp cần được nhân rộng hơn nữa không chỉ ở Singapore, Malaysia và Indonesia. Hơn thế nữa, ICJ cần phải đạt được sự công nhận vô tư, khách quan và không thiên vị (từ các quốc gia), để làm cho các nước này tin rằng bất kỳ phán quyết nào của Tòa cũng đều công bằng và cần phải được tôn trọng.

ICJ là một trong 6 cơ quan chủ chốt nhất và hoạt động như một cơ quan tư pháp cao nhất của tổ chức Liên Hợp Quốc. Với vai trò là một tòa án quốc tế, ICJ có thẩm quyền ra các phán quyết quyết định các tranh chấp được đem ra xét xử tại tòa, và làm công tác cố vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan theo yêu cầu của các tổ chức như Liên hợp quốc. 15 thẩm phán của ICJ được bổ nhiệm bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có nhiệm kỳ 9 năm. Quá trình bổ nhiệm được sắp đặt với mục đích hạn chế những áp lực chính trị trong việc lựa chọn các thẩm phán.

Hà Trang (tổng hợp)

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin