Thực trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, hệ quả và giải pháp phòng ngừa

24/08/2022 14:42

( Pháp Lý) - Bên cạnh những yếu tố tích cực là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp ( TPDN) hiện này đang nổi lên những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự kinh tế.

thoi-gian-qua-nhieu-dn-da-bi-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-do-phat-hanh-tpdn-chua-tuan-thu-pl-anh-minh-hoa-1640254607.jpg

Thời gian qua, nhiều DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính do phát hành TPDN chưa tuân thủ PL ( ảnh minh họa)

Theo Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ tài chính, cùng với sự phát triển kinh tế, những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nhanh đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn phát triển sản suất kinh doanh của doanh nghiệp. Khung pháp lý về phát hành TPDN cũng đã được ban hành, thực hiện và liên tục đổi mới nhằm đáp ứng để hoàn thiện với từng giai đoạn phát triển của thị trường. Bên cạnh những yếu tố tích cực là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế thì thị trường TPDN cũng đang nổi lên những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự kinh tế.

Bài viết sau của tác giả Đỗ Thị Lan Anh (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân) phân tích thực trạng thị trường TPDN hiện nay tại Việt Nam, các vấn đề nổi cộm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với từng nhóm chủ thể tham gia, từ đó dự báo về tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp liên quan.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành TPDN riêng lẻ để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tới sự phát triển bền vững của hai thị trường này. Tuy nhiên, trước tình thị trường TPDN tăng trưởng quá nhanh, trong bối cảnh Luật Chứng khoán năm 2010 vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân được tham gia mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, để tránh những rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, hạn chế khối lượng phát hành, tần suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường chế độ công bố thông tin, báo cáo để giảm thiểu rủi ro trên thị trường TPDN. Đồng thời, để xử lý tận gốc những tồn tại trên thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua các Luật mới nhằm quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng) và Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với công ty không phải là công ty đại chúng) theo hướng phân biệt giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ với phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch TPDN.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đối với TPDN phát hành ra công chúng được bán, giao dịch cho mọi đối tượng nhà đầu tư. Triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN phát hành ra công chúng và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo ra khung pháp lý thống nhất về TPDN bao gồm: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153); Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cùng với quy định về TPDN riêng lẻ nêu trên, các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hình thành bộ khung khổ pháp lý thống nhất để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần phát triển thị trường vốn theo hướng công khai, minh bạch và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng.

Như vậy, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN của doanh nghiệp. Mục đích nhằm nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu và nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đối bới cơ quan chức năng.

1. Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

Thị trường TPDN bùng nổ trong thời gian 3 năm trở lại đây, theo quy định của pháp luật có 02 hình thức phát hành TPDN là : phát hành TPDN theo hình thức đại chúng và riêng lẻ. Đối với việc phát hành TPDN ra công chúng được Uỷ ban Chứng khoán nhà nước quản lý chặt chẽ, cấp phép trước khi thực hiện (tiền kiểm) với các điều kiện minh bạch, áp dụng cho các công ty đại chúng thực hiện theo luật chứng khoán. Đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư thì mang tính chất hậu hiểu nhiều hơi với các điều kiện phát hành không chặt chẽ bằng phát hành TPDN ra công chúng và được quy định lại Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung bằng nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020, có hiệu lực ngày 1/9/2020).

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017-2020. Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, trong đó: phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, có 1.660 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, số doanh nghiệp phát hành thành công là 203 doanh nghiệp. Tổng lượng phát hành 9 tháng đầu năm là 341 nghìn tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2019, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiến 94% tổng phát hành. Trong đó:

- Doanh nghiệp bất động sản phát hành 137.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40.3%, thời hạn 5 năm và lãi suất bình quân lên đến 10.42%/năm

- Ngân hàng phát hành 95.6 nghìn tỷ đồng chiếm 28%, kỳ hạn bình quân 4,5 năm với lãi suất 6.68%

- Doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản phát hành 27.8 nghìn tỷ đồng, chiếm 8.2%

- Các định chế tài chính khác phát hành 9 nghìn tỷ đồng chiếm 2.7%

- Doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 6.7 nghìn tỷ đồng chiếm 2%, còn lại là các doanh nghiệp khác

Về tốc độ phát hành TPDN tính GDP tăng nhanh từ mức 11.4% tại cuối 2019 lên 14.4% vào cuối tháng 9/2020. Lượng chào bán ra thị trường trong 9 tháng năm 2020 đã vượt tổng lượng chào bán của cả năm 2019; tỷ lệ phát hành/khối lượng chào bán bình quân 9 tháng năm 2020 tăng lên mức 98% từ mức 93% của năm 2019.

Số liệu trên cho thấy quy mô phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có tăng nhưng cầu mua của thị trường còn lớn hơn.

2. Những vấn đề nổi lên trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

Bên cạnh những con số đáng ấn tượng về việc phát hành TPDN, một số vấn đề nổi lên trong thời gian vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự quản lý kinh tế, cụ thể đối với từng nhóm đối tượng như sau:

 Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp phát hành: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn tín dụng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn, đây là một hướng đi tất yếu đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nảy sinh vấn đề đó là nhiều doanh nghiệp được đánh giá nhỏ, yếu về nặng lực tài chính, chưa có tên thương hiệu nhưng khi phát hành TPDN lại huy động thành công số vốn rất lớn, thậm chí lớn hơn so với vốn điều lệ của doanh nghiệp. Ví dụ như công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Xích lô đỏ, doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ làm đẹp, cụ thể là cắt tóc gội đầu, có số vốn điều lệ chỉ 20 tỷ nhưng huy động được 738 tỷ đồng vào năm 2020; một trường hợp khác là doanh nghiệp Hướng Dương holding cũng huy động thành công 750 tỷ đồng qua đợt phát hành trái phiếu ngày 10/7/2020… Những con số trên khiến các cơ quan chức năng cần đặt ra câu hỏi : “Có hay không những doanh nghiệp trên là sân sau của chính những người mua trái phiếu này mà phần lớn các nhà đầu tư này là chính các ngân hàng đẩy vốn cho các công ty sân sau hoặc cho phép các công ty trên dùng tiền phát hành TPDN để đảo nợ?”.

nguoi-mua-can-can-nhac-truoc-cac-loai-trai-phieu-doanh-nghiep-co-lai-suat-cao-bat-thuong-anh-minh-hoa-1640254607.jpg
Người mua cần cân nhắc trước các loại trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao bất thường ( ảnh minh họa)

Đối với nhóm các doanh nghiệp phát hành TPDN khi lợi nhuận âm. Ví dụ trường hợp công ty cổ phần chứng khoán IB có báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy lợi nhuận sau thuế lỗ 24.5 tỷ, tuy nhiên công ty này lại tiến hành phát hành riêng lẻ được 2000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu; giá trị tương đương là 200 tỷ nhằm huy động vốn đầu tư chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ, tăng quy mô vốn cho các hoạt động khác với lãi suất công bố là 9.5%/năm. Tương tư, quý I/2020, công ty chứng khoán Rồng Việt lỗ hơn 88.3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng phát hành trái phiếu lại tăng lên 933.6 tỷ đồng với lãi suất thực tế 9%/năm và 9.5%/năm. Quý I/2020, tập đoàn Masan báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Tuy nhiên vào ngày 9/3/2020, Masan ohats hành 3000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng và huy động được gần 1.148 tỷ đồng từ nhà đầu tư các nhân trong và ngoài nước, trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất thả nổi.

Những ví dụ trên cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn đặt ra cho việc quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đó là nguy cơ lãi suất trái phiếu bị đẩy lên cao do các doanh nghiệp yếu kém, không làm ra hiệu quả lãi suất tương ứng với chi phí lãi vay. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp núp bóng, sân sau cũng làm chi phí lãi vay bị đội lên nhiều lần. Đối với doanh nghiệp thua lỗ được phát hành và huy động vốn từ trái phiếu thì ngu cơ nằm ở việc một phần vốn huy động được sẽ bù đắp chi phí của khoản vay trước hay nói cách khác là đảo nợ. Như vậy, một phần vốn sẽ không chảy vào sản xuất kinh doanh, điều đó làm tăng chi phí vốn, giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây nguy cơ thua lỗ của doanh nghiệp và nguy cơ mất vốn của nhà đầy tư.

Đối với nhóm chủ thể ngân hàng (vừa là chủ thể phát hành, vừa là nhà đầu tư TPDN): Các ngân hàng mua TPDN của doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 50% tổng lượng phát hành, nhà đầu tư chiếm 20%. Vấn đề nổi lên đối với khối ngân hàng là nhiều khoản vay đang có nguy cơ biến thành nợ xấu, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp có nợ xấu phát hành trái phiếu và ngân hàng mua. Doanh nghiệp bất động sản dùng tiền bán trái phiếu đó để trả nợ cho ngân hàng như một hình thức đảo nợ. Ngoài ra, khi Ngân hàng nhà nước hạn chế cho vay bất động sản và khống chế tỷ lệ cho vay đã khiến các ngân hàng khó khăn trông việc tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực này. Vì vây, bằng các mua trái phiếu, nguồn vốn từ đó cũng từ ngân hàng chảy về lĩnh vực bất động sản, thay vì cho vay trực tiếp bị hạn chế.

Đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân: Với lãi suất cao so với lãi suất ngân hàng, việc tiếp cận TPDN dễ dàng thông qua ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia mua TPDN rất tích cực. Các lô trái phiếu có thể tách nhỏ để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân hay thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ đại lý… Đặc điểm của TPDN là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, vì vậy sẽ có rủi ro đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân nếu không nắm được thông tin doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu, tài sản doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Do đó, không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức định giá, định dạng TPDN dó đó nhà đầu tư cá nhân sẽ không đủ cơ sở đánh giá được hết khả năng thu hồi vốn, hoàn trả nợ của DN phát hành trái phiếu.

3. Hệ quả đối với xã hội

Trách nhiệm trả nợ là của doanh nghiệp phát hành, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ thay, nhưng cũng có thể có những biện pháp ngăn ngừa việc vỡ nợ trái phiếu hàng loạt, gây tác động dây chuyền đến các ngân hàng và các trái chủ. Do TPDN chiếm hơn 40%, do đó nếu thị trường bất động sản không hồi phục như kỳ vọng của doanh nghiệp thì nguy cơ vợ trận của doanh nghiệp phát hành và người mua là có thể xảy ra. Nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài và có diễn biến phức tạp thì việc trả lại, đặc biệt là trả nợ gốc cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp và gây nhiều hệ luỵ cho xã hội như: hiện tượng chèn lấn nợ với doanh nghiệp tư nhân gia tăng, chi phí vốn xã hội tăng…

4. Giải pháp đối với tội phạm vi phạm trong lĩnh vực phát hành TPDN

Một là: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến lĩnh vực phát hành TPDN: Việc nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy trình quản lý, giám sát thị trường TPDN. Theo đó, tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát thành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bach, an toàn, hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà đầu tư.

Hai là: Siết chặt công tác quản lý với hoạt động phát hành TPDN: Chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay, xử lý hình sự đối với những vụ việc có liên quan đến vấn đề phát hành TPDN. Điều tra xử lý nghiêm  những vấn đề có dấu hiệu  việc các ngân hàng thương mại bắt tay với các doanh nghiệp tạo sân sau để phát sinh nợ xấu khó xử lý; phát hành TPDN nhằm đảo nợ; sử dụng vốn vay sai mục đích, vi phạm quy định về sở hữu chéo... Minh bạch hoá TPDN phát hành đề nhà đầu tư có thông tin đầy đủ về TPDN, về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ngoài ra cần có sự thanh tra, thanh lọc những doanh nghiệp đã vi phạm, có dấu hiệu vi phạm để phát triển bền vững thị trường TPDN. Xây dựng hành lang pháp lý cho các giao dịch của tổ chức tín dụng.

Ba là: Cơ quan chức năng cần có sự chủ động phối hợp như các công ty Kiểm toán, Tổ chức tín dụng, sở giao dịch chứng khoán, thanh tra chuyên ngành trong việc nắm bắt thông tin, thanh tra chuyển ngành, kịp thời phát hiện gian dối trong phát hành TPDN. Đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo rủi ro đến nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.

Đỗ Thị Lan Anh (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)
Bạn đang đọc bài viết "Thực trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, hệ quả và giải pháp phòng ngừa" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin