(Pháp lý) – Không chỉ ở Việt Nam, thao túng, làm giá chứng khoán còn xuất hiện ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã bị xử lý rất nặng, kể cả xử lý hình sự nếu bị phát hiện. Bởi, pháp luật của nhiều nước rất nghiêm ngặt, luôn coi thao túng chứng khoán là hành vi vi phạm nghiêm trọng và cần trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, so với các nước, chế tài của Việt Nam liệu có đủ mạnh, đủ sức răn đe?
Không chỉ ở VN, thao túng chứng khoán xuất hiện ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển.
Hôm 1/9 vừa qua, Phó chủ tịch Samsung Electronics là Lee Jae-yong vừa bị truy tố vì tội thao túng chứng khoán và vi phạm quy định diễn ra từ 5 năm trước. Những cáo buộc này đã một lần nữa kéo đám mây đen bao quanh nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh họ phải cùng lúc đối mặt với khủng hoảng vì Covid-19 và những căng thẳng chính trị.
Thông tin từ Văn phòng công tố Seoul cho biết, ông Lee Jae-yong - người thừa kế của tập đoàn Samsung liên quan tới vụ việc thao túng giá chứng khoán của Samsung C&T và Cheil Industries khi 2 công ty sáp nhập năm 2015.
Theo đó, ông Lee chính là người chấp thuận để những sai phạm kế toán tại Samsung Bilogics – một chi nhánh thuốc của Samsung C&T xảy ra như một phần kế hoạch củng cố quyền lực của ông tại tập đoàn. Ông Lee là cổ đông lớn nhất tại Samsusng C&T – công ty con thuộc tập đoàn Samsung với 17,33% cổ phần.
Tại Việt Nam, tình trạng thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cho tới nay vẫn là vấn nạn lớn. Bởi, chỉ trong nửa đầu năm 2020, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã phải xử lý nhiều trường hợp thao túng giá.
Mới đây nhất, đầu tháng 7/2020, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô và một cá nhân là ông Ngô Văn Cường do đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF của công ty cổ phần City Auto. Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô bị phạt tiền 1,2 tỉ đồng. Đồng thời, ông Ngô Văn Cường cũng bị phạt tiền lên tới 550 triệu đồng.
Trước đó vào tháng 5.2020, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt bà Nguyễn Thanh Loan số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL). Cũng trong tháng 5 vừa qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại công ty cổ phần công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận được quan tâm với các hành vi phạm tội diễn ra từ 11.12.2015 – 8.7.2016, gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA, với tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng.
Chế tài của các nước đối với hành vi thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán ?
Theo tìm hiểu của PV Pháp lý, Tại Mỹ, từ năm 1933 đến năm 1940, Quốc hội Mỹ liên tục thông qua nhiều đạo luật như: Luật chứng khoán, Luật giao dịch chứng khoán và thành lập nhiều cơ quan quản lý có liên quan để thực hiện quản lý và kiểm soát hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán.
Theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch chứng khoán Mỹ năm 1934, các nhân viên của Ủy ban Chứng khoán Mỹ - SEC có quyền: triệu tập nhân chứng, lấy lời khai hoặc lời chứng có tuyên thệ; thu thập bằng chứng, yêu cầu cung cấp bất kỳ tài liệu, hồ sơ nào mà SEC cho rằng có liên quan đến vụ việc; yêu cầu các cơ quan, tổ chức phối hợp trong việc xác minh, làm rõ, thu thập thông tin.
Đối với giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu có thể sẽ bị phạt tiền (xử lý dân sự) hoặc phạt tù (hình sự) hoặc cả hai. Theo Luật Chứng khoán và Giao dịch năm 1934, Mục 21A quy định “tiền phạt không vượt quá 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần khoản lợi nhuận/khoản thua lỗ tránh được do hành vi vi phạm”. Theo nhận định của các chuyên gia, đối với nhà đầu tư, một số tiền phạt lớn sẽ làm nhà đầu tư chùn bước khi muốn giao dịch nội gián.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị cấm hoạt động trong ngành Tài chính/Chứng khoán suốt đời.
Còn tại Nhật Bản, các hình phạt chính đối với giao dịch không công bằng liên quan đến “thao túng thị trường” được quy định bởi Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái như sau:
Cấm các hành vi thương mại không công bằng (Điều 157 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái): Cấm các phương tiện, kế hoạch hoặc kỹ thuật không phù hợp trong các giao dịch mua bán như chứng khoán; Cấm lấy tiền, v.v. bằng cách khai man hoặc không hiển thị các vấn đề quan trọng trong giao dịch mua bán như chứng khoán; Nghiêm cấm sử dụng báo giá sai nhằm thu hút các giao dịch mua bán chứng khoán, v.v.
Cấm phổ biến tin đồn và sử dụng hành vi giả mạo, công kích hoặc đe dọa nhằm mục đích định giá thị trường của chứng khoán, v.v.(Điều 158 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái)
Người thực hiện các hành vi liên quan sẽ bị phạt tù không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu yên. Hoặc sự kết hợp của nó. (Luật Công cụ Tài chính và Hối đoái, Điều 197, đoạn 1, mục 5). Tài sản có được do hành vi liên quan sẽ bị tịch thu. (Điều 198 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái).
Trong khi đó, Ở Hàn quốc bán cổ phiếu hoặc thao túng giá thị trường bằng cách sử dụng thông tin không được tiết lộ trên thị trường chứng khoán là một tội nghiêm trọng và bị trừng phạt nghiêm khắc theo Đạo luật Thị trường Vốn.
Theo đó, Điều 443 Luật Thị trường Vốn quy định nếu lợi ích thu được từ hành vi thao túng giá thị trường chứng khoán dưới 100 triệu won sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 1 năm tù. Nếu trên 100 triệu won và dưới 500 triệu won sẽ bị kết án từ 1 đến 4 năm tù. Nếu trên 500 triệu won và dưới 5 tỷ won sẽ bị kết án từ 3 đến 6 năm tù. Nếu 5 tỷ won trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 9 năm trở lên…
Tại Trung Quốc, theo Luật Chứng khoán của quốc gia này, bất kỳ ai cũng đều bị cấm thao túng thị trường chứng khoán bằng các phương thức sau: Cá nhân hoặc thông qua cấu kết, tập trung lợi dụng vốn, lợi dụng việc nắm giữ cổ phiếu, lợi dụng thông tin để cùng hoặc liên tục mua bán, thao túng giá, khối lượng giao dịch chứng khoán; Thông đồng với người khác giao dịch chứng khoán với nhau vào thời điểm, giá cả và phương thức đã thỏa thuận trước làm ảnh hưởng đến giá cả, khối lượng giao dịch chứng khoán; Thực hiện các giao dịch chứng khoán giữa các tài khoản mà mình thực sự kiểm soát làm ảnh hưởng đến giá hoặc khối lượng giao dịch chứng khoán; Thao túng thị trường chứng khoán bằng các thủ đoạn khác.
Người nào phạm tội thao túng giá giao dịch chứng khoán, hợp đồng tương lai, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 5 năm hoặc bị tạm giữ hình sự, phạt tiền từ một lần đến năm lần thu nhập bất hợp pháp.
Còn ở Indonexia, Điều 104 Luật số 8 năm 1995 liên quan đến Thị trường vốn (Luật Thị trường vốn) quy định bất kỳ người nào trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi lũng đoạn thị trường với mục đích tạo ra một bức tranh sai lệch hoặc gây hiểu lầm về thương mại, tình hình thị trường hoặc giá chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ bị phạt tù trong thời hạn 10 (mười) năm và tiền phạt tối đa là 15 tỷ Rup…
Chế tài của Việt Nam so với các nước trên thế giới
Nếu so với các nước, quả thực hiện nay chế tài của Việt Nam đối với hành vi thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi. Bởi, theo quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/ 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiện hình sự về Tội thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 7 năm tù giam. Tuy nhiên trên thực tế, rất hiếm các vụ vi phạm thao túng, làm giá chứng khoán bị đưa ra xử lý hình sự.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mức phạt hiện nay là quá thấp và không đủ sức răn đe khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra, các hành vi vi phạm đều được phát hiện khá muộn.
Bên cạnh đó, dù pháp luật có quy định, xử lý hình sự đối với hành vi thao túng chứng khoán nếu thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên. Đây là con số không quá lớn với quy mô giao dịch hiện nay, nhưng để xử lý hình sự lại không dễ. Bởi, việc phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn trong việc tính toán khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư.
Theo quy định Luật Chứng khoán năm 2019 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực pháp luật vào đầu năm 2021 tới đây, đối với nhà đầu tư có hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác, hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán…, thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.
Nếu không có khoản thu trái pháp luật thì áp dụng mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với tổ chức. Nếu cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một nửa mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức…
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán 2019 còn quy định cơ quan quản lý được trao quyền trong tiếp cận các thông tin về trao đổi qua điện thoại, sự biến động của dòng tiền… Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho UBCKNN trong công tác điều tra, xử lý và sớm tạo minh bạch cho thị trường.
Hiện Bộ Tài chính đang xin ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những đề xuất tại Dự thảo Nghị định nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo đồng bộ với những quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường và giải quyết được những bất cập trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo các quy định đã ban hành trước đây.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định còn bổ sung thêm nhiều hình thức xử phạt mang tính răn đe như đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1-2 năm, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 1-2 năm với đối tượng vi phạm…
Xuân Trường