Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều nội dung về môi trường, đất đai; Doanh nghiệp nêu loạt bất cập của hóa đơn điện tử

22/11/2022 15:19

Ngày 21/11, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trong đó kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND thành phố thông qua; Ngày 22/11, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính – thuế hải quan năm 2022. Tại đối thoại, vấn đề liên quan tới hoá đơn điện tử được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đặt câu hỏi.

anh-1-1669105214.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 17 nội dung liên quan đến đất đai và môi trường.

Ngày 21/11, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường về kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ CHí Minh.

Theo đó, trong lĩnh vực đất đai, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị cho phép thành phố áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B;…

Đối với lĩnh vực môi trường, địa phương này cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương như camera, điện thoại thông minh để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định; đồng thời được sử dụng hình ảnh vi phạm này để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.

Doanh nghiệp chỉ ra loạt bất cập của hóa đơn điện tử

Ngày 22/11, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính – thuế hải quan năm 2022. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: thông tin tổng hợp những thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và đối thoại, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật thuế, hải quan, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp.

anh-2-1669105181.jpg

Hàng trăm doanh nghiệp tham gia đối thoại chính sách thuế, hải quan với đại diện Bộ Tài chính

Các vấn đề xoay quanh thực hiện hoá đơn điện tử được doanh nghiệp gửi tới đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã “làm nóng” hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính - thuế hải quan năm 2022. Trong đó, xoay quanh thông tin như chỉnh sửa hoá đơn sai sót, rà soát hoá đơn tiềm ẩn rủi ro.

Là một trong những doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam, đại diện Công ty Honda Việt Nam phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hoá đơn điện tử khi Nghị định 15 có hiệu lực.

Theo đại diện Honda Việt Nam, mỗi tháng công ty xuất khoảng 150.000 hoá đơn điện tử. Các hoá đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của doanh nghiệp như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15 có hiệu lực, một số mặt hàng có thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% và DN không thể sửa ngay hoá đơn điện tử. Hiện nay, Honda Việt Nam có khoảng 260.000 hoá đơn chưa điều chỉnh.

Honda Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ theo các phương án: Một là, Honda Việt Nam phải điều chỉnh số lượng hoá đơn này và phải mất nhiều thời gian, nhân lực. Hai là, trong số 260.000 hoá đơn này chỉ xuất cho khoảng 1.500 đơn vị là đại lý bán hàng của Honda và mong muốn được điều chỉnh theo hướng một mẫu hoá đơn áp dụng cho các đại lý.

“Chúng tôi mong muốn, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trao đổi giải pháp để giúp ít tốn kém nhân lực, thời gian. Cùng với đó, DN mong muốn khi kiến nghị vấn đề tới Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế sẽ nhận được câu trả lời nhanh nhất để DN không rơi vào tình trạng vi phạm”, đại diện Honda Việt Nam kiến nghị.

Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục Thuế - cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15.

Ông Hùng cho biết, căn cứ theo quy định về xử lý hoá đơn sai sót, DN tự điều chỉnh, kê khai. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, ông Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng Cục Thuế) phối hợp với Cục thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm.

Cùng xoay quanh vấn đề hoá đơn điện tử, ông Đỗ Phương Nam - Kế toán trưởng Công ty CP nước sạch Hà Nội - nêu thắc mắc về việc sử dụng hoá đơn có bảng kê. Theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hoá đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hoá đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không? Doanh nghiệp mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra.

“Công ty chúng tôi gặp vướng mắc trong hoá đơn điện tử vì không biết DN đầu vào có kê khai đúng hay không? Khi ngành thuế kiểm tra phát hiện, hoá đơn của DN đầu vào không đúng. Là DN nhà nước, nếu chỉ sai sót một vài lỗi sẽ ảnh hưởng xếp hạng DN. Chúng tôi rất mong ngành thuế có công cụ để kiểm tra hoá đơn DN đã chuẩn chỉnh hay chưa để chúng tôi truy cập”, ông Nam gửi thắc mắc tới đại diện Bộ Tài chính.

Trả lời câu hỏi này của DN, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Thuế - cho biết, DN được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm…. Những dịch vụ phát theo kỳ phát sinh của công ty là nước được xuất kèm bảng kê.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, DN ngành điện nước không tiềm ẩn thất thu thuế VAT nên được kê theo bảng kê. Thứ trưởng Tuấn cũng hoan nghênh ý kiến công ty nước sạch về rà soát hoá đơn rủi ro. Theo ông Tuấn, từ 1/7/2022 cả nước chuyển sang hoá đơn điện tử với 2 loại có mã và không mã. Hoá đơn có mã, DN có thể tra cứu luôn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro.

“Công ty nước sạch quản trị tốt đầu vào, công khai minh bạch với đối tác hàng thật, dịch vụ thật và quản trị nội bộ rủi ro tốt sẽ xử lý tình trạng này. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng phần mềm quản trị rủi ro để giúp cảnh báo cho DN”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

Trần Dương ( tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều nội dung về môi trường, đất đai; Doanh nghiệp nêu loạt bất cập của hóa đơn điện tử" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin