Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng VKSNDTC; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án TANDTC; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019.
Báo cáo thẩm tra các báo cáo trên đây đã nhận xét: Năm 2019, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề rất quan trọng trong lĩnh vực tư pháp, cần được quan tâm, xử lý.
Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng
Ủy ban Tư pháp nhận thấy hiện nay hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật Phòng, chống tham nhũng. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSNDTC tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này.
Một vấn đề rất nóng là năm 2019 “tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân và dư luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và còn giảm 4,18% so với cùng kỳ” – Báo cáo viết.
Có thể nói, cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng, điển hình như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố gần đây, báo động mức độ phức tạp của tình trạng tham nhũng và chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Điều đó cho thấy, có những lỗ hổng của pháp luật và quy chế hoạt động của các cơ quan chức năng, dẫn đến người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát có thể tham nhũng một cách không khó. Bởi lẽ đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, điều tra thường tìm cách tác động đến người có thẩm quyền để chạy tội, đây là cơ hội tham nhũng rất dễ dàng, nếu người có thẩm quyền đó không giữ được sự trong sạch và tuân thủ pháp luật.
Ủy ban đề nghị Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho hay tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra; vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong dư luận.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý.
Ủy ban Tư pháp đánh giá việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu, chưa được khắc phục; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.
Còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, Ủy ban Tư pháp cho rằng, năm 2019, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78% (cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%). Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.
Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn.
Công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mới đạt 87,4%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Còn 2.261 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết. Trong kỳ báo cáo, VKSND các cấp đã yêu cầu hủy bỏ 160 quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra và đã ban hành 1.258 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm.
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến VKSND các cấp không phê chuẩn 111 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 172 quyết định gia hạn tạm giữ, 256 lệnh tạm giam, 156 lệnh bắt bị can để tạm giam. Số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự còn tới 1.256 người.
Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế. Năm 2019, còn để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan. Đáng lưu ý, số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 2.115 vụ. Đây là vấn đề lớn, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị qua nhiều năm nhưng số vụ tạm đình chỉ không những không giảm mà tiếp tục tăng lên qua các năm, cho tới nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Có thể nói, công tác khởi tố điều tra liên quan trực tiếp đến quyền con người nên pháp luật về tố tụng hình sự hiện nay đã có nhiều quy định nhằm ngăn ngừa oan sai, đồng thời tránh bỏ lọt tội phạm. Vấn đề đặt ra là chính đội ngũ điều tra viên phải có nghiệp vụ vững vàng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không tiêu cực, tham nhũng… thì chất lượng điều tra mới bảo đảm đúng pháp luật, công tác phòng chống tội phạm mới đạt hiệu quả cao.
Sửa án, hủy án do nguyên nhân chủ quan
Đánh giá Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá, một số hạn chế của ngành kiểm sát được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra năm 2018, đã kéo dài qua một số năm, đã có chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn 33 trường hợp VKSND phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự; 425 bị can không bị tạm giam, bỏ trốn phải ra lệnh truy nã. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp bị oan tăng 58,3% so với năm 2018.
“Đáng lưu ý, năm 2019, Cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng vẫn được VKSND phê chuẩn, chấp nhận. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC có giải pháp để khắc phục thực trạng này”, Báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về công tác của ngành Tòa án, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2018, tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn 107 trường hợp phải hủy án và 275 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn 81 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định. Qua khảo sát, một số TAND địa phương phản ánh, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TANDCC đối với bản án của TAND cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.
Vấn đề đặt ra là những vụ hủy sửa án do nguyên nhân chủ quan này do năng lực, nhận thức và áp dụng pháp luật của Thẩm phán hay có nguyên nhân tiêu cực, đây là vấn đề rất cần được mổ xẻ và xử lý thỏa đáng. Ngành Tòa án đã đặt ra những quy định khá nghiêm khắc về kỷ luật liên quan đến chất lượng xét xử nhưng xem ra để những quy định đó đi vào thực tiễn cần thêm nhiều biện pháp khác.
Án hành chính tỷ lệ xét xử còn thấp
Đối với công tác giải quyết án hành chính, TANDTC đã tiếp thu nghiêm túc kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, qua đó đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết án hành chính. Về cơ bản, đã khắc phục tình trạng án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.
Tuy nhiên, cũng như những năm trước, tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 59%). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa giảm và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Ủy ban Tư pháp đánh giá, tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn cao hơn so với năm trước, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.
**
Công cuộc cải cách tư pháp hiện nay nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực tư pháp đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá và nhận diện, để từ đó Chính phủ và các cơ quan tư pháp tìm ra giải pháp khắc phục.
MINH KHÔI