Sun Group, Vingroup, BRG kiến nghị gì để phục hồi du lịch?

15/03/2023 11:50

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

2-1678858969.jpg

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ảnh: Wang xi.

Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).

Tại hội nghị Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng để cơ cấu thị trường du lịch cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công - tư và các doanh nghiệp trong ngành.

Khách quốc tế chi tiêu 1.100-2.000 USD mỗi chuyến đi

Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông Trường cho biết năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài 8-12 ngày.

"Thậm chí là những thị trường trọng điểm, khách quốc tế có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu khoảng 1.100-2.000 USD/chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng", ông nói.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

"Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, khoảng 200-300 USD/ngày và thường ở 3-4 ngày", bà nói.

Chủ tịch Sun Group đánh giá các chính sách visa du lịch của Việt Nam cũng đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

Ông dẫn chứng năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan đón 40 triệu, 2023 đặt mục tiêu là 8 triệu thì nước bạn đã đón 25 triệu. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 Việt Nam đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách.

3-1678858961.jpg

Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phát về chính sách visa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho rằng việc không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chính là điều kiện tiên quyết.

"Thời gian qua, ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á; Nga, Trung Quốc, Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và đã đạt được những thành tựu khả quan", ông nói.

Đề nghị tăng hạn visa, khách được nhập cảnh nhiều lần

Chủ tịch Sun Group cho rằng cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

Ví dụ, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/năm để đi du lịch, hay Canada trên 33 tỷ USD; các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Chủ tịch BRG cho rằng doanh nghiệp đang phải nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi các nước xung quanh chỉ 5-7%. Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.

"Thời gian tới Chính phủ cần tăng ngân sách cho quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa 2-4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch", bà đề xuất.

4-1678858969.jpg

Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, Chủ tịch Sun Group đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

"Chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn chỉ trong một kỳ họp và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần", ông Trường đề xuất.

Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết hoàn toàn nhất trí với những đề xuất về giải pháp như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế… để thu hút khách du lịch và tại điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết sau hội nghị trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn visa tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần cơ cấu lại thị trường du lịch, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác.

"Các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra", Bộ trưởng đề nghị.

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch Covid-19. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch).

Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.

  •  

Bạn đang đọc bài viết "Sun Group, Vingroup, BRG kiến nghị gì để phục hồi du lịch?" tại chuyên mục Thông tin kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin