Quốc hội khóa XIV: Những dấu ấn cải cách và những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng pháp luật

(Pháp lý) - Trước yêu cầu của việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội. Quốc hội khóa XIV đã có những cải cách mạnh mẽ về hoạt động lập pháp, nhưng cũng còn những vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước.

Tinh thần trách nhiệm cao

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua 7 Luật, 13 Nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Ngoài những đạo luật, Nghị quyết được thông qua, dấu ấn đặc biệt, thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm rất cao của Quốc hội tại kỳ họp này là cương quyết bác những dự án luật không đạt yêu cầu hoặc không cần thiết.

Đó là hai Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ''tách'' từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung. Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án "không chuyển" cao hơn rất nhiều, với 321 phiếu, tương đương 66,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

Như vậy là Quốc hội không đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo là tách một luật thành hai luật và không đồng tình một nội dung quan trọng là chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Quốc hội cũng xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với hai vấn đề.

Thứ nhất, có cần thiết ban hành luật này không? Kết quả xin ý kiến cho thấy, 290/393 đại biểu cho rằng "chưa cần thiết" ban hành luật (chiếm 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội). Chỉ có 96/393 đại biểu cho rằng, cần thiết ban hành luật này (chiếm 19,96%).

Thứ hai, trên cơ sở kết quả thẩm tra và thảo luận tại Kỳ họp 10, đề nghị giao cho Chính phủ nghiên cứu tiếp, hoàn thiện dự án luật hay không? Có 206/393 đại biểu không đồng ý (chiếm 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội); 169/393 đại biểu đồng ý (chiếm 35,14% tổng số đại biểu Quốc hội).

Những sự kiện này cho thấy những thay đổi rất lớn trong công tác xây dựng pháp luật tại Quốc hội khóa XIV. Điều này thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án luật.

Đây là cách làm mới theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của Quốc hội.

Tính kỷ cương trong xây dựng pháp luật

Khi trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, như: Tính dự báo không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; vẫn còn tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng.

Việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo để dự kiến sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng; tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án vẫn còn.

Nhấn mạnh những nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nhiều trường hợp chưa phát huy hết trách nhiệm, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong công tác lập đề nghị, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu cụ thể: năm 2019, Chính phủ đề nghị bổ sung 9 dự án Luật, lùi thời gian trình 4 dự án Luật, rút khỏi chương trình một dự án Luật. Năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung 8 dự án Luật, rút khỏi chương trình một dự án Luật. Trong khi đó, việc gửi một số hồ sơ dự án đến Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu còn chậm so với quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu ý kiến: "Vấn đề Luật Đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản, đất đai của người dân. Thực tế những bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn liên quan đến đất đai. Theo thống kê, khoảng 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai. Ngoài năng lực yếu kém của cơ quan Nhà nước, vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này."

Nhắc lại tình trạng xin lùi, rút, trình chậm, chất lượng một số dự án Luật chưa đảm bảo… được nhiều đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã nhìn rõ và đưa ra nhiều giải pháp. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ coi công tác xây dựng thể chế, xây dựng Luật, Pháp lệnh là ưu tiên số một và liên tục nhắc nhở, chỉ đạo tại các phiên họp thường kỳ.

Những yêu cầu đổi mới căn bản

Từ những dấu ấn tích cực, những chuyển biến trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV, Nhân dân cả nước có thêm niềm tin vào Quốc hội, xóa đi nỗi quan ngại mơ hồ về chất lượng xây dựng luật sau sự cố Bộ luật Hình sự năm 2015 bị hoãn thi hành để sửa đổi, bổ sung ngay sau khi công bố.

Tuy nhiên, để hoạt động lập pháp có bước phát triển căn bản, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì cần có cái nhìn tổng quát, những thay đổi sâu xa hơn.

Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã tạo dựng được một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý và phát triển xã hội. Tuy vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế cả về hình thức, nội dung đến quy trình làm luật; tư duy làm luật còn mang nặng yếu tố quản lý, chưa hoàn toàn hướng đến mục tiêu kiến tạo phát triển; tư tưởng, quan điểm trong xây dựng pháp luật còn mang tính chắp vá. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đổi mới tư duy làm luật để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật tiến bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

PGS.TS. Đinh Sĩ Dũng (Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) trong bài “Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật”, cho rằng cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển. Một nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước cần phải tạo lập cho được hai hệ thống hạ tầng thiết yếu: “hạ tầng mềm” - hệ thống thể chế, pháp luật; “hạ tầng cứng” - là hệ thống cơ sở vật chất nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội (hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, thông tin truyền thông, quy hoạch không gian phát triển, sử dụng nguồn lực…).

PGS.TS. Đinh Sĩ Dũng cho rằng cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển. Một nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước cần phải tạo lập cho được hai hệ thống hạ tầng thiết yếu: “hạ tầng mềm” - hệ thống thể chế, pháp luật; “hạ tầng cứng” - là hệ thống cơ sở vật chất nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội (hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, thông tin truyền thông, quy hoạch không gian phát triển, sử dụng nguồn lực…).

Ở góc độ tạo lập “hạ tầng mềm”, một Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước pháp quyền, quản trị đất nước bằng pháp luật và theo pháp luật, bảo đảm các quyền con người và quyền công dân, hạn chế can thiệp hành chính vào đời sống xã hội. Nói cách khác, muốn xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển thì việc trước nhất và cơ bản nhất mà Nhà nước cần làm là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của hiện tại cũng như phải phù hợp với xu thế phát triển của tương lai. Hệ thống pháp luật đó cần phải được xây dựng và hoàn thiện bằng một tư duy mới, đó là làm luật vì mục tiêu tạo dựng cho phát triển chứ không phải là để quản lý, giám sát theo nghĩa cai trị. Nói đúng hơn, làm luật không phải chỉ để quản lý, để bảo đảm an toàn xã hội một cách thuần túy và cứng nhắc theo kiểu tư duy cũ mà phải hướng đến việc tạo dựng một môi trường, một hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quochoi.vn)

Mục tiêu của quản lý Nhà nước cuối cùng phải là phục vụ Nhân dân và kiến tạo phát triển, không phải chỉ đơn thuần là sự an toàn cứng nhắc của xã hội. Để chuyển đổi được từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và kiến tạo phát triển, cũng cần phải thay đổi nhiều nhận thức và cách làm trong quy trình xây dựng pháp luật hiện hành.

PGS.TS. Đinh Sĩ Dũng nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở bằng chứng, đó chính là tư duy thực tiễn, thực tiễn có kiểm chứng. Nếu một đạo luật không được xây dựng dựa trên những đòi hỏi của thực tiễn, không phúc đáp được các yêu cầu của thực tiễn với những bằng chứng thuyết phục, nói một cách hình tượng là không đưa được cuộc sống vào luật thì đạo luật đó sẽ trở nên không khả thi và lẽ tất nhiên, nó cũng khó có thể đi vào cuộc sống.

Một yêu cầu đặt ra là phải đổi mới quy trình xây dựng Luật, PGS.TS. Đinh Sĩ Dũng cho rằng hai điểm quan trọng nhất và cũng là hai vấn đề bất hợp lý nhất của quy trình làm luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Thứ nhất, quy trình cắt khúc trong quá trình soạn thảo và trình luật. Đó là quy trình mà cơ quan soạn thảo và trình luật chỉ có trách nhiệm soạn thảo và trình dự án luật ra Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại một kỳ họp, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai để xem xét, thông qua. Sự bất hợp lý là ở chỗ, cơ quan chủ trì soạn thảo và trình Luật sau khi đệ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì gần như không còn tiếng nói có trọng lượng nữa trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và trình lại Quốc hội dự án Luật mà chính họ là người “thai nghén” nó. Họ bị mất vai trò và không còn tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quan điểm cũng như các định hướng chính sách đã được lựa chọn và cân nhắc, không thể bảo vệ và chịu trách nhiệm đến cùng về đứa con tinh thần của mình.

“Thực tiễn trong những năm qua chúng ta cũng đã phải trả giá cho sự bất hợp lý của quy trình mà chúng tôi tạm gọi là cắt khúc như nói trên và bài học về những sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 dù có hi hữu cũng chính là bắt nguồn từ quy trình cắt khúc này” - PGS.TS. Đinh Sĩ Dũng nhận xét.

Thứ hai, quy trình một dự án luật phải được trình tại hai kỳ họp Quốc hội. Tại sao hầu hết các dự án Luật đều phải trình Quốc hội tại hai kỳ họp và đều được xác định trước như vậy ngay từ khi đưa dự án Luật vào chương trình? Nếu một dự án luật được chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng để thông qua lại không thể thông qua tại một kỳ họp? Vì nếu nó được thông qua thì sẽ đỡ tốn kém tiền bạc hơn và cũng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống được sớm hơn. Tất cả là ở chất lượng dự án luật và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và hãy để điều đó cho Quốc hội xem xét và định đoạt./.

AN HẠ

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin