Phòng chống dịch Covid – 19: “Đầu cơ” thuốc phục vụ phòng dịch có thể bị phạt tù đến 15 năm

14/03/2020 18:00

(Pháp lý) – Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi găm hàng nâng giá bán các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn. Đồng thời cũng đã xử lý 21.000 sản phẩm lợi dụng tăng giá trên sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên chưa dừng ở đó, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 700 điểm cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cảnh báo hiện nay có tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19. Theo đánh giá của chuyên gia pháp luật, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh nghiêm trọng, cần điều tra làm rõ để xử lý hình sự về tội “đầu cơ”.

Xuất hiện tình trạng thu gom, găm thuốc kháng sinh và thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19

Sáng 25/2, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 700 điểm cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý dược, hiện nay có tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch để tăng giá thuốc, xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm.

Xuất hiện tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19

Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường chỉ đạo: “Đề nghị tăng cường việc thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tránh hiện tượng đầu cơ gom hàng lợi dụng dịch bệnh tăng giá thuốc, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm”.

Trước đó, trên địa bàn cả nước, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về hành vi găm hàng nâng giá bán các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn.

Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 24/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 58 cơ sở kinh doanh, xử lý 5 cơ sở kinh doanh với số tiền xử phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ 52.266 chiếc khẩu trang. Tính đến ngày 23/2, số vụ kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường 5.071 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.491.530.000 đồng.

Phạt tù đến 15 năm nếu “đầu cơ” thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch
Trao đổi với PV Pháp lý, Luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 31 Luật dược đã quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

Tại quyết định Số: 2397/1999/QĐ-BYT ngày 10 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ y tế ban hành quy định đạo đức hành nghề dược thì người hành nghề dược phải đặt lợi ích của người bệnh và sức khoẻ nhân dân lên trên hết; Phải hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế khác để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học; Không được vì mục đích lợi nhuận mà làm thiệt hại sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh, ảnh hưởng xấu đến danh dự và phẩm chất nghề nghiệp; Không lợi dụng hoặc tạo điều kiện cho người khác lợi dụng nghề nghiệp để mưu cầu lợi ích cá nhân, vi phạm pháp luật; Tích cực, chủ động tuyên truyền kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân….

Do đó, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp, nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết thì hành vi găm hàng, gom hàng thuốc phòng dịch, có yếu tố thu lợi bất chính là vi phạm đạo đức kinh doanh và là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.

Luật sư Cường cho biết, theo điểm l khoản 1 Điều 15 Luật giá 2012 và điểm l khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật là mặt hàng bình ổn giá.

Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định đối với hành vi đầu cơ hàng hóa thì hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính đối với Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với. Mức phạt có thể lên đến 100.000.000 đồng nếu giá trị hàng hóa từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch để tăng giá thuốc

Đối với hành vi găm hàng, Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định: đối với Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác mà có hành vi cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Nếu có hành vi cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng mà không có lý do chính đáng thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trường hợp găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đặc biệt, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh covid19 để mua vét hàng hóa là thuốc thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, đối với Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Luật sư Cường cho biết, theo điểm l khoản 1 Điều 15 Luật giá 2012 và điểm l khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật là mặt hàng bình ổn giá.

Nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh covid19 để mua vét hàng hóa là thuốc thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm

Pháp luật nhiều nước trên thế giới có hình phạt rất nghiêm khắc

Tại Ấn Độ, Đạo luật Hàng hóa thiết yếu (Essential Commodities Act) được ban hành năm 1995, theo đó đối với những mặt hành thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, nhiên liệu … trong bối cảnh ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, Chính phủ Trung ương cho rằng cần thiết hoặc cần thiết để duy trì hoặc tăng nguồn cung của bất kỳ hàng hóa thiết yếu nào hoặc để đảm bảo phân phối công bằng và sẵn có ở mức giá hợp lý, Chính phủ trung ương sẽ ra một thông báo.

Theo đó cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu sẽ bán toàn bộ hoặc một phần xác định số lượng nắm giữ trong kho hoặc được sản xuất … với giá hợp lý theo quy định của Chính phủ.

Luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp trao đổi với PV Pháp lý

Trường hợp nào vi phạm sẽ bị tịch thu và bị trừng phạt với hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 tháng, có thể kéo dài đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Còn tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Tại 34 trên tổng số 51 bang và đặc khu, hành vi nâng giá cơ hội khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp bị pháp luật coi là vi phạm Luật chống hành vi thương mại bất công hoặc lừa dối. Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức giá "quá cao" hoặc "vô lương tâm" thường được xác định bằng cách so sánh mức giá trung bình tại vùng bị ảnh hưởng với mức giá trong khoảng thời gian nhất định trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Nếu giá hiện tại cao hơn 10-15% (một số bang có mức trần cao hơn), người bán sẽ bị coi là có hành vi nâng giá cơ hội.

Ví dụ, điều 50-6,106 của luật chung bang Kansas quy định người cung cấp "hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu" với giá bán cao hơn 25% so với giá trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố có thể bị phạt 10.000 USD với mỗi lần vi phạm. Trong đó, "tình trạng khẩn cấp" được hiểu là khoảng thời gian được quyết định dựa trên công bố của Tổng thống hoặc Thống đốc bang khi có thảm họa hoặc thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất, bạo loạn, hoặc các tình thế cực kỳ nguy hiểm khác.

Mức phạt sẽ được tăng lên thành 20.000 USD nếu nạn nhân là người cao tuổi. Ngoài ra, hành vi rao bán nhu yếu phẩm với giá cao không cần phải đi kèm giao dịch thực tế mới bị coi là vi phạm.

Tại bang Florida, điều 501.160 thuộc Bộ quy định quản lý thương mại, kinh doanh, và đầu tư xác định "nhu yếu phẩm" là những mặt hàng như nước uống, thức ăn, hóa chất, xăng dầu, gỗ, chỗ ở…

Người nào có hành vi bán nhu yếu phẩm với mức giá "vô lương tâm" (lớn hơn nhiều so với giá trung bình trong 30 ngày trước tình trạng khẩn cấp) có thể bị phạt 1.000 USD và 60 ngày tù giam. Nếu vi phạm nhiều lần trong một ngày, mức phạt tăng lên 25.000 USD. Trong các bang có luật chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).

Tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Trong các bang của Mỹ có Luật Chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).

Đinh chiến

Bạn đang đọc bài viết "Phòng chống dịch Covid – 19: “Đầu cơ” thuốc phục vụ phòng dịch có thể bị phạt tù đến 15 năm" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin