Kiên quyết xử lý những vi phạm tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không ngại va chạm, không vì bất kỳ áp lực nào để bẻ cong pháp luật.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có yêu cầu cũng như chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành thanh tra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 tại trụ sở Thanh tra Chính phủ sáng nay (11-1) tại Hà Nội.
Còn né tránh, ngại va chạm
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh, biểu dương sự nỗ lực của ngành thanh tra năm 2016 với nhiều kết luận thanh tra, trong đó chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc lớn liên quan đến các ngành, tập đoàn, địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những yếu kém của ngành thanh tra.
Cụ thể là việc xây dựng triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế, chất lượng của một số vụ việc qua các kết luận thanh tra. Chưa huy động được các chuyên gia phản biện chuyên sâu trong lĩnh vực thanh tra để kết luận thanh tra khi ban hành được chính xác, minh bạch.
Quá trình giải quyết khiếu nại-tố cáo còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến nhiều vụ việc còn tồn đọng, phức tạp kéo dài.
Chưa thể hiện quyết tâm chính trị, cụ thể là kiên quyết xử lý đối với những cá nhân vi phạm trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Kết luận thanh tra còn né tránh, ngại va chạm, chưa thể hiện đúng với chức trách, nhiệm vụ của ngành thanh tra.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu ngành thanh tra phải kiên quyết xử lý những vi phạm tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm theo đúng tinh thần của Đảng. Không ngại va chạm, không vì bất kỳ áp lực nào để bẻ cong pháp luật.
Khắc phục các sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nói chung và thể chế pháp luật về phòng, chống tiêu cực trong tham nhũng nói riêng.
Không vì áp lực nào bẻ cong pháp luật
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh ngành thanh tra phải thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội về giải quyết khiếu nại-tố cáo. Tham mưu, quán triệt các chủ trương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kể cả những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Tổ chức triển khai thực hiện một cách kiên quyết có hiệu quả về kế hoạch thanh tra năm 2017, phải đảm bảo đúng yêu cầu, nội dung định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung chủ yếu ở các vấn đề, cụ thể là quản lý sử dụng đất đai, trong đó đất đai có liên quan đến an ninh quốc phòng, nhà đất công, vị trí đắc địa sang hình thức sử dụng khác ở một số TP, nhất là TP.HCM, Hà Nội.
Hai là công tác về quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch, sử dụng đất đai, môi trường, khu công nghiệp mới. Ba là thanh tra một số vụ việc tài chính có tỉ lệ nợ xấu cao, có nguy cơ mất vốn tài sản ở các dự án thua lỗ lớn hàng ngàn tỉ đồng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, tham nhũng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngành thanh tra phải mạnh tay xử lý đối với những vụ việc gây bức xúc, kéo dài; kịp thời xử lý các vụ việc kiến nghị, đề xuất của cơ quan thanh tra; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Tiến hành thanh tra đột xuất làm rõ những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chuyển xử lý hình sự ngay các vụ việc mà phát hiện có dấu hiệu hình sự nhưng đồng thời tiếp tục tham gia làm rõ để có những kết luận chính xác, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết thu hồi tài sản do vi phạm của tổ chức, cá nhân được phát hiện có kết luận thanh tra và sau thanh tra để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản do vi phạm.
“Đội ngũ thanh tra tiếp tục hoàn thiện, phát huy truyền thống của ngành, hoàn thành mọi nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao trọng trách mà như Bác Hồ từng nói: “Cán bộ ngành thanh tra phải như cái gương soi, nếu gương mờ thì không ai soi được” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo Plo