(Pháp lý) - Dù đã có những nỗ lực trong việc “vá” những kẽ hở của Luật Đất đai 2003 để hoạt động thu hồi, bồi thường, đền bù về đất đai trở nên minh bạch, công khai hơn, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy quá trình thực thi công tác này tiếp tục bộc lộ những kẽ hở mới của chính sách pháp luật dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong dân, giúp doanh nghiệp hưởng lợi .
Vì sao phát sinh nhiều khiếu kiện kéo dài trong thu hồi, đền bù đất ?
Theo Luật sư Vũ Lợi (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội): Tình trạng khiếu nại tố cáo (KNTC) về đất đai 2 năm trở lại đây, một phần do luật nhưng nhiều hơn cả là do thị trường nhà đất đã bớt nóng, nhưng vẫn còn nhiều bức xúc. So với các KNTC khác thì KNTC về đất đai vẫn phức tạp nhất. Khoảng 70% số đơn thư khiếu nại thường liên quan đến bồi thường, đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Trước đây, thường do các hộ đơn lẻ khiếu kiện, còn hiện nay đã có nhiều đoàn đông người, người dân liên kết lại cùng đi khiếu kiện gây áp lực cho các cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc
Lý giải nguyên nhân của vấn đề trên, Luật sư Vũ Lợi cho rằng: ... Ở một số dự án việc thu hồi đất và bồi thường thiếu tính công khai, minh bạch, khiến người dân nghi ngờ, cho rằng việc thu hồi và đền bù đất có tiêu cực và gây thiệt hại cho họ. Hiện nay có một số dự án kinh tế - xã hội tiến hành chậm chạp, hoạt động thu hồi đất kéo dài dẫn đến khi thu hồi đất không áp giá hiện tại mà áp giá từ nhiều năm trước.
Chính vì vậy dân đi khiếu nại, khi không giải quyết được thì họ chuyển sang tố cáo. Cùng với đó, việc giải quyết KNTC ở nhiều nơi hiện nay chưa đúng quy trình, không đúng pháp luật... khiến dân không đồng tình.
Ngoài ra, yếu kém trong quá trình quản lý đất đai của không ít chính quyền địa phương trong suốt một thời gian dài, từ lâu đã có nhiều diện tích đất không xác định rõ diện tích, không xác định rõ mục đích sử dụng, không xác định rõ thời điểm sử dụng, người dân lấn chiếm đất công, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp nên khi đền bù, tính giá đền bù theo quy định pháp luật rất thấp làm người dân bức xúc...
Một bất cập nữa là công tác giải quyết khiếu nại về đất đai còn hạn chế. Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận (tương tự như một vụ án hành chính hoặc vụ án dân sự), do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng công tác giải quyết khiếu nại hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm.
Khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng bộ máy thụ lý ở cấp này lại không tương ứng. Chủ tịch UBND các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng lại phải lo mọi việc của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm việc này.
Nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu vừa yếu, tình trạng này tồn tại ở cả cấp trung ương và địa phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu kiện nhiều.
Nhiều quy định của Luật “hở”… giúp doanh nghiệp “lách” dễ dàng
Trong các quy định của Luật Đất đai 2013 thì các quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư về đất được quy định khá cụ thể trong chương VI. Tuy đã khá chặt chẽ và cụ thể nhưng vẫn còn có những quy định có kẽ hở gây thiệt hại cho dân và “giúp” cho cán bộ và doanh nghiệp hưởng lợi.
Đầu tiên là hiện tượng nhiều doanh nghiệp (qua chính quyền) đứng ra thu hồi đất nông nghiệp, nhưng trả dân tiền bồi thường với giá rẻ mạt, rồi sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng giá trị lên nhiều lần. Quan điểm của Luật sư Vũ Lợi cho rằng: Trong trường hợp này, nhà nước đã trao cho doanh nghiệp (có tiền, có quan hệ) quá nhiều quyền. Trong các quan hệ này, chính nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính (để thu hồi, để cưỡng chế) rồi giao cho doanh nghiệp làm ăn thậm chí là chỉ phục vụ mục đích kinh doanh, kinh tế của doanh nghiệp. Sau khi thu hồi đất của dân là đất nông nghiệp (quy hoạch lúc đó là đất dành cho nông nghiệp) nhưng sau đó lại cho doanh nghiệp chuyển đổi thành những loại đất khác (chính cơ quan nhà nước sửa đổi quy hoạch) làm giá trị tăng lên nhiều lần.... Đây là điều rất bất bình đẳng, doanh nghiệp được lợi, quay lại lại quả cho quan chức, đó là nguồn gốc của tham nhũng.
Ngoài ra, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng (tại Điều 62) nhất là tại khoản 3 điều này - các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết là dễ lách luật nhất. Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của một phần hay toàn dự án. Hoặc doanh nghiệp cố tình lập các dự án trong danh mục hưởng ưu đãi đầu tư, sau khi hưởng hết các ưu đãi đầu tư thì lại chuyển mục đích của dự án.
Mặc dù Điều 35, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhấn mạnh: Quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã. Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Và quy hoạch phải dân chủ và công khai. Điều 43 của Luật này cũng quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch phải hỏi ý kiến của nhân dân… Tuy nhiên các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch lại “bí mật”, thủ tục cũng khá đơn giản “giúp” nhiều doanh nghiệp lách luật. Việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp. Đó chính là nguyên nhân của thất thoát nhà nước, thiệt thòi cho dân và mang tới lợi ích cho quan chức có quyền quyết định đồng nghĩa với tiêu cực, tham nhũng.
Một số chuyên gia pháp luật về đất đai cũng cho rằng, việc bồi thường về đất đai hiện nay cũng không tính đến những giá trị vô hình của đất. Hiện nay, Luật quy định nhà nước quyết định giá đất. Đồng thời, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về bồi thường còn có nhiều bất cập như bồi thường không đúng với giá trị của đất, bồi thường không tính đến các giá trị vô hình do đất đai ở những vị trí đặc biệt mang lại. Cụ thể như đất vàng, giá trị vô hình từ vị trí đất là rất lớn nhưng khi bồi thường, tái định cư cũng không có những quy định đặc thù cho loại đất này. Điều đó cũng lý giải tại sao khi nhà nước thực hiện các dự án ở những nơi có vị trí đắc địa, dự án thường kéo dài do khâu thu hồi đất có nhiều bất cập. Người dân thường không ủng hộ, không chịu di dời nhường đất cho nhà nước thực hiện các dự án quan trọng, có tính then chốt.
Đồng thời việc thu hồi đất kéo theo việc giảm hoặc tăng công năng hiệu quả của các vùng đất lân cận chưa được hoạch định, tính đến. Việc giảm công năng của các khu đất bên cạnh khiến người dân ở nhiều khu vực bị thiệt hại không ủng hộ. Việc tăng công năng hiệu quả của các vùng đất lân cận không được tính đến trong quy hoạch, kế hoạch khiến nhà nước không thể tận dụng điều này để tăng ngân sách.
Nguồn tài chính từ việc gia tăng giá trị, công năng này có thể bị rơi vào túi của những người biết trước quy hoạch.
Cũng theo luật sư Vũ Lợi: Hiện nay việc xác định thời gian sử dụng đất, xác định mục đích sử dụng đất là căn cứ để xác định mức giá đền bù thuộc Hội đồng giải phóng mặt bằng trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc công chức nhà nước có quyền quyết định rất lớn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Lợi dụng quy định này, nhiều công chức nhà nước có thể nhũng nhiễu người dân để trục lợi, từ đó sinh ra tham nhũng.
Anh Tuấn