Những điểm chính rút ra được từ báo cáo điều tra Trump – Nga của ông Mueller

20/04/2019 08:08

Báo cáo điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã được đưa ra sau một quá trình điều tra gần 2 năm, tiêu tốn hơn 25 triệu USD, dẫn đến việc 34 người bị truy tố và 5 người đã phải ngồi tù, đồng thời tạo điều kiện để phe đối lập chỉ trích Tổng thống Donald Trump.

Bản báo cáo này được chia thành nhiều phần khác nhau, trong đó bao gồm tóm lược về cuộc điều tra, những hành vi “xâm nhập mạng và cản trở” được cho là do Nga đối với cuộc bầu cử, những luận điểm về “những mối liên hệ giữa chính phủ Nga và những người thuộc nhóm vận động của ông Trump”, “những quyết định từ chối thẩm vấn của người liên quan đến ông Trump”, và khoảng 200 trang nói về những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ và những người thân cận có thể đã cản trở quá trình điều tra.

 Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã gửi báo cáo điều tra cuối cùng về những cáo buộc mối liên hệ Trump - Nga lên Bộ Tư pháp Mỹ.
Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã gửi báo cáo điều tra cuối cùng về những cáo buộc mối liên hệ Trump - Nga lên Bộ Tư pháp Mỹ.)

Kết luận cuối cùng: Không có sự thông đồng nào…

Tuyên bố quan trọng nhất trong báo cáo được nhắc đến ở ngay trang 5, nguyên văn như sau: “Mặc dù công cuộc điều tra cho thấy rằng chính phủ Nga tin họ sẽ được lợi nếu ông Trump trở thành Tổng thống và đã có những hành động để đạt được mục đích này, và rằng nhóm vận động của ông tin họ sẽ được lợi trong cuộc bầu cử từ những thông tin do Nga đánh cắp và phát tán, song công cuộc điều tra không cho thấy rằng thành viên của nhóm vận động Trump đã âm mưu hay câu kết với chính phủ Nga trong những hoạt động can thiệp bầu cử của nước này”.

Báo cáo cũng nói rõ rằng cụm từ “thông đồng” không phải là “một sự công kích hay quy trách nhiệm” theo luật hình sự Mỹ, các điều tra viên đã tiến hành hoạt động của mình trên cơ sở “âm mưu định nghĩa trong các văn bản pháp luật liên bang”, tức là một thỏa thuận ngầm giữa hai người trở lên nhằm gây tội ác hoặc nhằm đạt được một mục đích tốt bằng những hành động bất hợp pháp.

…Nhưng “Nga đã can thiệp”

Mặc dù không khẳng định nhóm vận động của ông Trump không câu kết với Nga do thiếu bằng chứng, báo cáo này nói rằng Nga đã nhúng tay vào cuộc bầu cử năm 2016 “một cách sâu rộng và có hệ thống”. Báo cáo này nhắc đến hai cách mà Nga được cho là đã thực hiện.

“Cách thứ nhất là một tổ chức của Nga tiến hành chiến dịch trên mạng xã hội nhằm vận động cho ông Donald Trump và bêu xấu bà Hillary Clinton. Cách thứ hai là một cơ quan tình báo Nga tiến hành xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan, nhân viên và những người tình nguyện tham gia nhóm vận động của bà Clinton và đánh cắp tài liệu”, báo cáo nói.

 Báo cáo của ông Mueller có những nội dung khá thú vị.
Báo cáo của ông Mueller có những nội dung khá thú vị.)

Bằng chứng được đưa ra đó là một tổ chức mang tên Cục Nghiên cứu Mạng Internet (IRA), có trụ sở đặt tại thành phố St. Petersburg, đã thực hiện “chiến dịch trên mạng xã hội nhằm khiêu khích và thổi phòng những bất đồng chính trị ở Hoa Kỳ”. Cụ thể, IRA “đã dùng nhiều tài khoản mạng xã hội và lập các nhóm trên mạng để tiến hành cái mà họ gọi là “chiến tranh thông tin” ở Mỹ”. Một lần nữa, báo cáo này nói rằng cuộc điều tra “không tìm thấy bằng chứng cho thấy có người Mỹ nào đã thông đồng với IRA”.

Năm ngoái, mạng xã hội Twitter đã từng công bố một bản danh sách nội dung của hơn 10 triệu dòng tweet được đăng tải từ 3.841 tài khoản mà họ nói rằng có liên quan đến IRA trong năm 2016. Tuy nhiên, phần lớn những dòng tweet này được viết bằng tiếng Nga (khiến việc tác động lên suy nghĩ của người Mỹ là rất khó), và sau đó Twitter cũng nói rằng vài trăm tài khoản được cho là có liên quan đến IRA thực ra là có liên quan đến những tổ chức có nguồn gốc từ Venezuela hay Iran.

Bên cạnh chiến dịch tiến hành trên Twitter, báo cáo này cũng cáo buộc Nga đã “xâm nhập mạng và phát tán nhiều dữ liệu có hại cho nhóm vận động của bà Clinton”. Những hoạt động này được cho là do cơ quan tình báo Nga GRU tiến hành.

Cụ thể, báo cáo nói rằng các đặc vụ Nga đã xâm nhập vào tài khoản thư điện tử của các nhân viên thuộc nhóm vận động của bà Clinton, trong đó có chủ tịch nhóm là ông John Podesta. Báo cáo này cũng nói rằng GRU đã xâm nhập hệ thống máy chủ của đảng Dân chủ và đánh cắp hàng trăm ngàn tài liệu vào năm 2016 và phát tán chung “thông qua những tài khoản mạng giả như DCLeaks hay Guccifer 2.0” cũng như thông qua trang WikiLeaks.

Một lần nữa, báo cáo này không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump hay thành viên trong nhóm vận động của ông đã câu kết với Nga để phát tán những tài liệu mật trên, mặc dù ông Trump được cho là đã “rất quan tâm” và hoan nghênh“ những thông tin mà WikiLeaks đưa ra.

 Nội dung bản báo cáo rất được nhiều người Mỹ quan tâm và sau khi nó được công bố, rất nhiều tranh cãi đã nảy sinh.
Nội dung bản báo cáo rất được nhiều người Mỹ quan tâm và sau khi nó được công bố, rất nhiều tranh cãi đã nảy sinh.)

WikiLeaks và nhà sáng lập Julian Assange đã nhiều lần phủ nhận chính phủ Nga có liên quan đến những nội dung thư điện tử của đảng Dân chủ bị phát tán, và nói rằng mặc dù danh tính của những nguồn tin trên đều không thể được xác định, song “họ không có liên quan đến chính phủ của nước nào cả”.

Những người bị buộc tội

Báo cáo cho biết mặc dù họ xác định có rất nhiều mối liên hệ “giữa những người có mối quan hệ với chính phủ Nga và những người thuộc nhóm vận động của ông Trump”, song những gì thu được “là không đủ để cáo buộc hình sự”. “Xét về tổng thể, những bằng chứng tìm được là không đủ để buộc tội bất kỳ thành viên trong nhóm vận động Trump là một đặc vụ ngầm của Nga hay thân cận với chính phủ nước này”.

Cuộc điều tra cũng đã khiến 5 người trong nhóm vận động tranh cử của ông Trump bị khởi tố, song phần lớn đều vì những tội danh như trốn thuế hay gian dối trước Quốc hội và FBI. Đáng chú ý là không ai trong số những người này bị buộc tội liên quan đến bất kỳ hành vi câu kết có thể có nào giữa nhóm vận động Trump và Nga.

Những nghi ngờ Tổng thống Trump cản trở cuộc điều tra

Những nghi ngờ Tổng thống Trump cản trở cuộc điều traBáo cáo cũng nhắc đến 11 lần ông Trump và những người thân cận của ông có thể đã có ý định cản trở cuộc điều tra, nhưng không kết luận rõ ràng. Những hoạt động cản trở điều tra gồm có việc ông Trump sa thải cựu giám đốc FBI James Comey, những ý định sa thải ông Mueller, những hình thức phủ nhận có hành vi sa thải ông Mueller, một hành vi nhằm “kiểm soát” cuộc điều tra của ông Mueller, và những phát ngôn của ông đối với Michael Flynn, Paul Manafort và Michael Cohen, những người nay đã bị khởi tố.

“Nếu chúng tôi có đủ niềm tin sau cuộc điều tra rằng Tổng thống rõ ràng không cản trở người thi hành công vụ, chúng tôi sẽ khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa ra được kết luận này”, báo cáo nói. “Những nỗ lực nhằm tác động đến hoạt động điều tra phần lớn đều không thành công, lý do là bởi những người xung quanh Tổng thống từ chối thi hành mệnh lệnh hay làm theo yêu cầu của ông”.

 Tổng thống Trump là người vui mừng nhất sau khi báo cáo điều tra được công bố.
Tổng thống Trump là người vui mừng nhất sau khi báo cáo điều tra được công bố.)

Nguồn gốc của cuộc điều tra

Cuộc điều tra những cáo buộc giữa nhóm vận động Trump và Nga của ông Mueller được chính thức bắt đầu vào tháng 5/2017, khi Văn phòng Tổng chưởng lý Mỹ chấp thuận Công tố viên Đặc biệt Mueller và đội điều tra của ông “tìm kiếm bất kỳ mối liên hệ hay hành vi hợp tác nào giữa chính phru Nga và những nhân vật có liên quan đến nhóm vận động của Tổng thống Donald Trump, cũng như những vấn đề phát sinh khác”.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein và Adam Schiff đã đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 9/2016 (trước khi cuộc bầu cử diễn ra) nói rằng Nga đã có hành vi can thiệp bầu cử. Vào ngày 7/1/2017, vài tuần trước khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khi đó là ông James Clapper nói rằng Moscow ủng hộ ông Trump và rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành “chiến dịch tác động” nhằm gây khó khăn cho bà Clinton và tạo điều kiện thuận lợi các ứng cử viên Tổng thống khác.

Chính phủ Nga đã một mực phủ nhận những cáo buộc này. Tổng thống Putin nói rằng những cáo buộc này là “hoàn toàn lố bịch”. “Anh thực sự tin rằng một người đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ nước Nga có thể tác động đến Mỹ và gây ảnh hưởng đến lựa chọn của hàng triệu người dân Mỹ hay sao?”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News năm ngoái.

Theo infonet.vn

Nguồn bài viết: https://infonet.vn/nhung-diem-chinh-rut-ra-duoc-tu-bao-cao-dieu-tra-trump-nga-cua-ong-mueller-post296937.info

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm chính rút ra được từ báo cáo điều tra Trump – Nga của ông Mueller" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin